TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-10-2017

    Dự án smart city Phú Quốc sắp hoàn thành giai đoạn I

    Rất có thể, Phú Quốc sẽ là thành phố thông minh (smart city) đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động đồng bộ.

    Dự kiến, cuối tháng 10/2017, Tập đoàn VNPT và UBND huyện đảo Phú Quốc sẽ triển khai hoạt động thử nghiệm giai đoạn I, Đề án xây dựng “thành phố thông minh” (smart city) Phú Quốc giai đoạn 2016 - 2020.

    Hiện VNPT cơ bản hoàn thành giai đoạn I trong lộ trình 4 giai đoạn với 5 hệ thống được lắp đặt và đưa vào sử dụng (hệ thống chính quyền điện tử, hệ thống smart wifi, hệ thống quản lý lưu trú trực tuyến, hệ thống giám sát môi trường, hệ thống camera giám sát an ninh).

    du an smart city phu quoc sap hoan thanh giai doan i

    Dự án smart city Phú Quốc sắp hoàn thành giai đoạn I

    .

    Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2017, VNPT đã hoàn thành nâng cấp phần mềm dự án chính quyền điện tử, triển khai lắp đặt 19 camera tại các điểm chỉ định, trong đó có 11 điểm lắp đặt camera cố định và 8 điểm camera quay quét. Cùng với đó, đã triển khai lắp đặt 49 thiết bị phát sóng wifi tại 8 điểm du lịch theo Dự án smart wifi, triển khai xong phần mềm quản lý lưu trú online cho 261 cơ sở lưu trú với 404.918 lượt khách được khai báo qua hệ thống theo yêu cầu của dự án quản lý lưu trú trực tuyến. Hiện Phú Quốc đã xây dựng xong Trung tâm vận hành tích hợp tập trung, trang bị màn hình ghép với 9 màn hình 46 inch để hiển thị các kịch bản giám sát…

    Đề án smart city Phú Quốc được xây dựng dựa trên mô hình khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của VNPT và kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Kiên Giang, phát triển Phú Quốc trở thành thành phố du lịch, hấp dẫn du khách bởi sự thông minh, thân thiện và an toàn; nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân và quản lý đô thị hiệu quả theo định hướng Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, là trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực.

    Khi Dự án đi vào vận hành, smart wifi sẽ cung cấp dịch vụ Internet tại tất cả các khu đô thị, khu vui chơi giải trí, khu vực công cộng trên toàn Phú Quốc để mọi người dân có thể truy cập Internet wifi miễn phí. Trong khi đó, xây dựng Cổng thông tin điện tử, hệ thống website nhằm hỗ trợ huyện Phú Quốc quản lý, hỗ trợ người dân, du khách có thể truy cập để tìm hiểu thông tin như thời tiết, du lịch, nhà hàng, khách sạn…

    Khi Dự án đi vào vận hành, smart wifi sẽ cung cấp dịch vụ Internet tại tất cả các khu đô thị, khu vui chơi giải trí, khu công cộng trên toàn Phú Quốc.

    Hệ thống camera giám sát tình trạng giao thông thông qua website hoặc Smartphone sẽ giúp Phú Quốc giải quyết ùn tắc giao thông, còn giải pháp quản lý lưu trú trực tuyến sẽ giúp các ngành chức năng quản lý tốt thông tin của du khách lưu trú tại các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn. Ngoài ra, còn các hệ thống thông minh khác như hệ thống cảnh báo tham số môi trường, nhiệt độ, xử lý rác, nước thải, cây xanh...

    Như vậy, chỉ sau gần 1 năm khởi động, smart city Phú Quốc đã được xây dựng một cách nhanh chóng.

    Giải pháp thành phố thông minh của VNPT với tính linh hoạt cao, được xây dựng trên  nền tảng hoàn toàn mở, hỗ trợ ứng dụng, giải pháp của các doanh nghiệpkhác đã được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn, trở thành đối tác tin cậy trong chiến lược xây dựng đô thị thông minh. Tới nay, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai xây dựng smart city tổng thể với gần 10 tỉnh, thành phố. Sau Kiên Giang là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Nghệ An, Cà Mau, Hà Nam đã ký thoả thuận hợp tác với VNPT xây dựng smart city.

    Ngoài ra, VNPT đang triển khai hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, du lịch thông minh riêng lẻ ở các tỉnh.

    Không chỉ tự xây dựng các giải pháp, VNPT còn liên tục bổ sung, hoàn thiện bộ giải pháp của mình bằng cách triển khai hợp tác với nhiều đối tác lớn có tên tuổi trong lĩnh vực này như Microsoft, Hitachi, Fujitsu, NTT Data, Korea Telecom…, mới đây nhất là Tập đoàn IBM.(Baodautu)
    ----------------------------------

    Đại lý buôn ôtô nhập lo đóng cửa hàng loạt

    Quy định mới siết chặt với ôtô nhập chính hãng hay đã qua sử dụng khiến giới buôn xe cho rằng đường về của xe nhập gần như "khoá chặt".

    Từ sau khi không được nhập ôtô con mới theo quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, ông Hà - chủ một showroom tại quận Long Biên chuyển hướng sang kinh doanh xe nhập cũ và vẫn không ngừng hy vọng chính sách mới sẽ phần nào cởi trói cho xe nhập về Việt Nam.

    “Từ tháng 5 chúng tôi đã không nhập thêm chiếc xe nào và chờ chính sách mới thay đổi. Nhưng những quy định điều kiện kinh doanh mới với doanh nghiệp nhập khẩu ôtô gần như sẽ khiến tất cả showroom kinh doanh xe nhập như chúng tôi đóng cửa sau 1/1/2018”, ông Hà nói.

    Buộc phải đóng một cửa hàng kinh doanh ôtô, ông Tuấn vẫn đang cố gắng duy trì cửa hàng còn lại trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Nhưng showroom này, theo ông, chắc sẽ không tồn tại được lâu nữa khi các điều kiện kinh doanh xe nhập tới đây còn khắt khe hơn trước.

    Cách đây gần một tuần, Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô chính thức được ban hành sau 4 tháng trễ hẹn. Do kinh doanh ôtô (lắp ráp, sản xuất, hay nhập khẩu) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên những quy định tại Nghị định 116 được đưa ra khá ngặt nghèo.Theo các doanh nghiệp, những quy định mới sẽ khiến kinh doanh ôtô nhập khẩu gặp khó khăn. "Dù xe nhập vẫn còn cửa về Việt Nam, nhưng sẽ là 'cánh cửa rất hẹp'. Thuế có về 0% từ đầu năm tới thì giá xe khó giảm mạnh do số lượng về ít, chi phí tăng lên", ông Tuấn bình luận.

    quy dinh moi khat khe hon khien xe nhap khau khong chinh hang kho ve viet nam tu dau nam 2018.

    Quy định mới khắt khe hơn khiến xe nhập khẩu không chính hãng khó về Việt Nam từ đầu năm 2018.

    Theo Nghị định này, để kinh doanh xe nhập khẩu, các đơn vị phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu do các cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp. Doanh nghiệp phải trình bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng từ chính hãng cho cơ quan kiểm tra trước khi tiến hành thử nghiệm an toàn xe; bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cơ quan, tổ chức thẩm quyền nước ngoài cấp... Mỗi lô hàng nhập về phải được cơ quan quản lý chất lượng lấy mẫu thử nghiệm kiểm tra an toàn kỹ thuật...

    Riêng với xe cũ nhập về phải có thời hạn bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km, tối thiểu một năm hoặc 20.000 km với các loại xe còn lại tuỳ điều kiện nào đến trước. Với xe nhập mới, doanh nghiệp kinh doanh phải bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km cho khách hàng.

    Bình luận về những quy định mới này, ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Phúc An cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu xe tư nhân sẽ “không tài nào kiếm được các văn bản xác nhận, bản chính giấy kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp nước ngoài".

    Trường hợp có thể nhập được xe về thì quy định lấy mẫu kiểm định với từng lô xe cũng sẽ khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian chờ đợi có khi cả tháng trời cho việc kiểm tra kỹ thuật này. Ông phân tích: "Nếu doanh nghiệp nhập vài ba xe nhưng là các mẫu khác nhau và phải mang đi thử nghiệm (khí thải, động cơ...) hết thì vừa tốn kém từ 40 đến 100 triệu đồng một lần thử nghiệm. Chưa kể, kiểm tra an toàn kỹ thuật thường phải mất 3.000 km chạy thử, như thế từ lúc đưa xe vào kiểm tra tới khi ra kết quả phải vài tuần, thậm chí cả tháng.

    Nhưng điều khiến Giám đốc Công ty Thiên Phúc An cũng như đa phần ông chủ doanh nghiệp nhỏ lo ngại, là quy định phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập bởi các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm.

    "Giấy này chỉ những nhà phân phối chính thức, hoặc công ty con của nhà sản xuất tại Việt Nam mới có được. Các doanh nghiệp nhỏ thường mua xe từ các đại lý thứ cấp, hoặc nước thứ 3 thì còn lâu mới kiếm ra. Việc yêu cầu các đại lý thứ cấp lo những giấy tờ này cho doanh nghiệp Việt Nam là không thể, chính vì vậy sẽ không thể làm thủ tục nhập khẩu xe vào Việt Nam", ông Tuấn lo ngại.

    Không chỉ các quy định về kiểm định xe, quy định buộc các đơn vị nhập khẩu phải có giấy uỷ quyền chính hãng về triệu hồi xe nhập khẩu cũng khiến các doanh nghiệp "lắc đầu". Nếu không thực hiện đầy đủ quy định về triệu hồi, bảo hành và thu hồi ôtô thải bỏ; không bảo cáo theo quy định..., doanh nghiệp sẽ bị tước giấy phép. Theo các doanh nghiệp, quy định này một lần nữa lại làm khó xe nhập cả chính hãng, không chính hãng. Trường hợp nếu nhà sản xuất ôtô tại nước ngoài không đồng ý cam kết triệu hồi sản phẩm, thì ngay cả những doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng, cũng sẽ không thể nhập khẩu được.

    Nội dung Nghị định 116 còn quy định, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc ký hợp đồng thuê, hoặc là đại lý uỷ quyền của nhà sản xuất chính hãng ở nước ngoài. Để sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô, doanh nghiệp (lắp ráp, sản xuất hay nhập khẩu) phải đáp ứng 10 điều kiện về mặt bằng nhà xưởng, hệ thống trang thiết bị công nghệ, hay điều kiện về phòng cháy, chữa cháy...

    Chia sẻ với VnExpress, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ôtô hơn chục năm nay ví những hàng rào kỹ thuật mới về điều kiện kinh doanh ôtô như là dấu chấm hết cho doanh nghiệp nhỏ kinh doanh xe nhập. Theo ông, hiện đa phần các doanh nghiệp kinh doanh ôtô "đều đang rất ngán ngẩm khi nhìn về tương lai".

    "Thời gian tới chắc chắn sẽ không ít doanh nghiệp kinh doanh xe không chính hãng phải đóng cửa do những quy định khắt khe của chính sách mới", ông nói. (Vnexpress)

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập gần 71.600 ôtô các ngoại, đạt 1,55 tỷ USD. Cộng dồn đến 15/10 đã có trên 74.000 xe nguyên chiếc được nhập về, giá trị gần 1,66 tỷ USD. Các thị trường ASEAN như Thái Lan, Indonesia... vẫn là thị trường nhập khẩu xe chính của Việt Nam.

    ------------------------------------

    Khu kinh tế Nghi Sơn có thêm dự án nghỉ dưỡng sinh thái

    Mới đây, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Thịnh Phát tại xã Tân Dân và xã Hải An, huyện Tĩnh Gia trên cơ sở xem xét đề nghị của Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

    Theo đó, dự án có mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng phục vụ du khách tới tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thông qua các loại hình du lịch địa phương.

    khu kinh te nghi son co them du an nghi duong sinh thai

    Khu kinh tế Nghi Sơn có thêm dự án nghỉ dưỡng sinh thái

    .

    Với quy mô diện tích 28,9ha được đầu tư xây dựng các hạng mục khu khách sạn tiêu chuẩn 3 sao (diện tích khoảng 6.000m2); khu căn hộ nghỉ dưỡng (khoảng 16.400m2); khu nhà hàng (khoảng 5.000m2); khu spa (khoảng 4.500m2); khu nhà điều hành, đón tiếp, dịch vụ (khoảng 1.500m2); bể bơi (khoảng 3.000m2) và các hạng mục khác.

    Dự án do liên danh Công ty CP Thương mại tổng hợp Phú Thịnh Phát và Tổng công ty đầu tư Tecco- Công ty CP làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng (vốn tự có 62,15%, còn lại vốn vay ngân hàng), được chia làm hai giai đoạn, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạn động trong Quý IV/2020.

    Được biết, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hậu cần… phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển rất “nóng”. Nhất là dự kiến trong thời gian tới, khi những dự án lớn đi vào hoạt động.(Baodautu)
    ----------------------

    Đạm Hà Bắc ôm khoản lỗ hơn 2.200 tỷ

    Cổ phiếu của Đạm Hà Bắc trong tình trạng không có thanh khoản dù đã lên sàn UPCoM được gần 3 tháng.

    Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã CK: DHB) tiếp tục cho thấy bức tranh không mấy lạc quan về "đứa con đầu lòng" của ngành sản xuất phân đạm Việt Nam. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 480 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế đến cuối tháng 9 lên 2.200 tỷ, xấp xỉ 80% vốn điều lệ.

    Nguyên nhân thua lỗ, tương tự như cùng kỳ năm trước, đến từ khoản chi phí lãi vay quá lớn. Dù doanh thu 9 tháng đầu năm của Đạm Hà Bắc đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, với lợi nhuận gộp đạt hơn 143 tỷ. Tuy nhiên, khoản chi phí lãi vay tiếp tục gia tăng khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh không đủ để bù đắp.Tính trung bình, mỗi ngày Đạm Hà Bắc thu về hơn 500 triệu đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh nhưng phải trả tới gần 2 tỷ đồng lãi vay, chưa tính tới các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp phát sinh.

    tinh trung binh moi ngay dam ha bac lai 500 trieu tu hoat dong kinh doanh nhung phai tra gan 2 ty dong lai vay.

    Tính trung bình mỗi ngày Đạm Hà Bắc lãi 500 triệu từ hoạt động kinh doanh nhưng phải trả gần 2 tỷ đồng lãi vay.

    Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960. Được xem là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, nhưng Đạm Hà Bắc bắt đầu rơi vào cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015.

    Công ty cũng là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương. 

    Theo giải thích của ban lãnh đạo công ty, diễn biến trái chiều của giá khí (dầu mỏ) và giá than - 2 nguyên liệu đầu vào của sản xuất phân đạm (tùy theo công nghệ, thiết bị được lựa chọn) - được xem là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bất lợi của nhà máy chạy than như Đạm Hà Bắc.

    Giá nguyên liệu chính cho sản xuất là than tăng liên tục khiến chi phí đầu vào bị đội lên hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Đạm Hà Bắc lại sản xuất bằng khí trong điều kiện giá dầu thế giới liên tiếp giảm nên chi phí sản xuất tiết kiệm hơn phân nửa. 

    Trong bối cảnh nguồn cung phân bón vượt cầu thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất như Đạm Hà Bắc phải liên tục giảm giá để cạnh tranh với nguồn thành phẩm nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông – nơi có lợi thế giá dầu và khí gas rất thấp. Hoạt động không triển vọng, trong khi chi phí lãi vay quá lớn là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ.

    Tính đến cuối tháng 9, Đạm Hà Bắc đạt tổng tài sản hơn 9.800 tỷ đồng, tuy nhiên đến 94% trong số này được tài trợ bằng nợ phải trả, chủ yếu là vay ngân hàng (hơn 8.000 tỷ đồng). Trong khi đó, khoản lỗ lũy kế đã ăn mòn khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 550 tỷ đồng. 

    Cuối tháng 7, Đạm Hà Bắc đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận niêm yết hơn 272 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã DHB. Tính theo giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 6.800 đồng một cổ phiếu, vốn hoá thị trường của công ty vào khoảng 1.850 tỷ đồng. 

    Tuy nhiên, thực trạng của Đạm Hà Bắc cũng giống như nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp truyền thống. Sau gần 3 tháng lên sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn trong cảnh "hẩm hiu", không có nhà đầu tư nào quan tâm.(Vnexpress)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn