TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-08-2016

    Xuất khẩu từ Đức sang Iran tăng sau khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt

    Xuất khẩu từ Đức sang Iran, chủ yếu là máy móc và thiết bị, tăng vọt trong nửa đầu năm nay sau khi loại bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
    Văn phòng Thống kê Liên bang cho biết xuất khẩu sang Iran tăng vọt 15% trong 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước thành 1,13 tỷ euro (1,3 tỷ USD), so với mức tăng 1,4% trong xuất khẩu tổng thể của Đức cùng giai đoạn này.
    Michael Tockuss trưởng phòng Thương mại Đức – Iran cho biết “có nhu cầu lớn từ Iran đối với nhà máy và thiết bị”, bổ sung rằng các sản phẩm hóa chất và kỹ thuật điện cũng có nhu cầu tốt.
    Tockuss cho biết “có nhu cầu ngày càng tăng đối với công nghệ từ lĩnh vực năng lượng tái tạo, chủ yếu các trạm điện gió”, các ngân hàng cũng cởi mở hơn trong việc cung cấp tài chính cho các giao dịch lớn giữa doanh nghiệp Đức và Iran.
    Tockuss cho biết xuất khẩu sang Iran sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới và được mong đợi tăng khoảng 25% trong cả năm 2016 và 30% trong năm 2017.
    Ông cho biết “các lệnh trừng phạt chống lại Iran đã tăng lên trong vài năm qua và hiện nay sẽ phải mất vài năm để dỡ bỏ chúng và thiết lập mới quan hệ kinh doanh mới”.
    Trong một dấu hiệu tích cực khác, xuất khẩu từ Đức sang Nga giảm chỉ 3,5% xuống 10,1 tỷ euro trong giai đoạn 6 tháng đầu năm sau khi giảm 25% xuống 21 tỷ euro trong năm 2015.
    Điều này cho thấy rằng tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt chống lại Nga về xung đột tại Ukraine đang thoát dần.
    Tuy nhiên, các triển vọng thương mại tổng thể là u ám.
    Xuất khẩu từ Đức sang Mỹ và Pháp, hai thị trường quan trọng nhất giảm tương ứng 4% xuống 53,4 tỷ euro và 2% xuống 52,1 tỷ euro trong 6 tháng đầu năm 2016.
    Xuất khẩu sang Anh, thị trường quan trọng thứ ba của Đức đình trệ trong nửa dầu năm ở mức 44,8 tỷ euro.
    Nhu cầu từ các thị trường mới nổi giảm, với xuất khẩu sang Đức chỉ nhích lên 1% thành 36,3 tỷ euro, sang Brazil giảm 18% xuống 4,4 tỷ euro và sang Nam Phi giảm 11% thành 4,4 tỷ euro.
    Giám đốc hiệp hội thương mại BGA của Đức cho biết xuất khẩu sẽ tăng ít hơn dự kiến trong năm nay do những nguy cơ từ bên ngoài, gồm việc bỏ phiếu của Anh rời khỏi EU và tính trạng không rõ trước cuộc bầu cử ở Mỹ và Pháp. Ông cho biết BGA sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng xuất khẩu chính thức 4,5% vào cuối mùa hè và ông dự kiến tốt nhất là 4,1%.
    Trong năm 2015, xuất khẩu của Đức tăng 6,4% chủ yếu do nhu cầu mạnh từ các nước khác trong EU. Điều này dẫn tới ngoại thương đóng góp 0,2 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng tổng thể 1,7% năm ngoái.( VITIC/Reuters)

    Nhập khẩu đường của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 14%

    Trung Quốc – nước nhập khẩu đường hàng đầu thế giới – nhập khẩu 420.000 tấn đường trong tháng 7/2016, giảm 13,6% so với cùng tháng năm ngoái, số liệu hải quan cho biết.

    Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2015, ở mức 500.000 tấn, và tăng so với 370.000 tấn tháng trước, do giá đường thị trường toàn cầu trong quý II/2016 suy giảm, đã khiến Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu.

    Dự kiến, nhập khẩu đường sẽ chậm lại trong những tháng tới, các nhà phân tích cho biết, sau khi giá đường toàn cầu hồi phục, đẩy nhập khẩu suy giảm kể từ cuối tháng 5.

    Nhập khẩu đường của Trung Quốc chậm lại trong năm nay, sau khi hoạt động nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục năm ngoái, do giá toàn cầu tăng cao, khiến các nhà máy tinh luyện đường Trung Quốc giảm mua vào.(VITIC/Reuters)


    Giá cá sấu tại Đồng Nai giảm mạnh

    Từ đầu năm đến nay, khi thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mua đã khiến giá cá sấu rớt thê thảm dẫn đến người chăn nuôi loài vật này ở Đồng Nai thua lỗ nặng.
    Nếu như năm 2014, có thời điểm giá cá sấu thương phẩm là 230.000 – 240.000 đồng/kg thì hiện nay giá bán chỉ còn 70.000 đồng/kg. Vì vậy, người nuôi phải chịu lỗ gần 50.000 đồng/kg bởi, chi phí chăn nuôi, con giống, nguồn thức ăn và các chi phí khác của mỗi kg cá sấu khoảng 110.000 – 120.000 đồng/kg.

    Chủ trang trại nuôi cá sấu bà Lưu Thị Hương với 4.000 cá thể được xem là lớn nhất huyện Định Quán cho biết, giá cá sấu phải đạt 120.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Nhưng, giá hiện nay thấp dưới mức đầu tư nên bà phải giữ lại để tiếp tục nuôi nhưng cho cá sấu ăn ít đi để giảm tăng trọng lượng. Tuy nhiên, cũng chỉ giữ được một thời gian, đến mức nào đó cũng phải xuất bán vì hiện nay thương lái Trung Quốc họ chỉ mua cá sấu có trọng lượng 18- 20kg/con, nếu cá sấu càng lớn thì giá càng thấp.

    Cá sấu hiện nay bán bao nhiêu thương lái cũng mua, nhưng giá chỉ hơn 70.000 đồng/kg. Gia đình tôi nuôi cá sấu lâu năm có lúc lãi có lỗ còn bù cho nhau được, chỉ tội cho những người nuôi lần đầu, ít vốn coi như mất trắng.

    Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Định Quán cho biết, hiện nay lượng cá sấu đến trọng lượng xuất bán đang tồn đọng nhiều, trong khi giá bán thấp, do đó lượng cá sấu xuất bán trong nhiều tháng nay rất thấp. Chính vì lượng cá sấu tồn đọng nhiều, nên các đơn vị kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn chuồng trại tránh để thất thoát cá sấu ra môi trường bên ngoài.

    Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán (Đồng Nai) đang quản lý đến 375 cơ sở, trại nuôi cá sấu trên địa bàn huyện Định Quán với gần 140.000 cá thể, chiếm trên 90% lượng cá sấu nuôi trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai. Số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho thấy, năm 2015 có thêm 132 cơ sở, trại nuôi cá sấu tăng mới trên địa bàn. Đến đầu năm 2016 có 18 trại nuôi cá sấu đăng ký mới, nhưng từ nhiều tháng nay không có trại nuôi nào đăng ký mới.

    Ông Nguyễn Văn Chiểu cho biết, năm 2014 trước tình trạng người dân mở rộng quy mô nuôi, tăng đàn ồ ạt vì giá cao, Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán đã khuyến cáo người dân trước những rủi ro về thị trường và giá, bởi cá sấu ở Định Quán chủ yếu bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Trong khi thị trường và giá không ổn định, khi phát triển ồ ạt, cung vượt cầu và thị trường Trung Quốc ngưng thu mua sẽ dẫn đến mất giá, thua lỗ.

    Trước tình trạng người dân phát triển đàn cá sấu ồ ạt trong những năm qua, chính quyền huyện Định Quán cũng đã khuyến cáo người dân cần tìm hiểu nhu cầu bền vững của thị trường trước khi nuôi, để tránh tình trạng “được mùa thì mất giá”.

    Ngoài vấn đề giá bán, thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Định Quán cũng đã tăng cường công tác kiểm tra vấn đề bảo đảm an toàn chuồng trại. Vì huyện Định Quán là địa phương nằm ven hồ thủy điện Trị An, trước đây cũng đã từng có nhiều trường hợp cá sấu xổng chuồng thoát vào hồ Trị An khiến lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để săn bắt, bảo đảm an toàn cho ngư dân trên hồ.(Vietnamplus)


    Singapore đối mặt với sức ép về lương cao và môi trường không thuận

    Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore dự kiến tăng trưởng 1-2% trong năm nay với môi trường thương mại không thuận lợi, giới phân tích cho rằng sức ép về lương cao là dấu hiệu cho thấy nước này đối mặt với nguy cơ suy thoái.
    Ở Singapore, chi phí tiền lương - ước chiếm xấp xỉ 43% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), thấp hơn mức trung bình 55% GDP của thế giới - hiện đang ở các mức mà thường sau đó suy thoái kinh tế xảy ra như vào các năm 1985, 1997 và 2001 ở nước này.
    Theo công ty tư vấn toàn cầu Mercer, Singapore là thành phố đắt đỏ thứ tư thế giới và mức lương cao phần nào phản ánh điều này. Tuy vậy, vấn đề ở đây là mức lương cao đang làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp ở thời điểm, khi nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của quốc đảo này đang chịu tác động tiêu cực lớn của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc, tiêu dùng trong nước yếu kém, giá hàng hóa giảm và tình hình bất ổn trên thế giới sau sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
    Theo số liệu thống kê của Chính phủ Singapore, khoảng 42.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong nửa đầu năm 2016, so với con số gần 49.000 doanh nghiệp trong cả năm 2015. Trong khi đó, tổng lương danh nghĩa tăng trung bình 4,6%/năm trong một thập niên qua.

    Ngoài ra, số liệu mới đây cho thấy chỉ số chi phí đơn vị lao động đã chạm mức cao kỷ lục 116,7 trong quý 2/2016. Trinh Nguyen, nhà kinh tế kỳ cựu về châu Á mới nổi của Natixis, cho hay điều này làm gia tăng những rủi ro suy thoái kinh tế và làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu.(Vietnamplus.vn)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn