TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-04-2016

    Tỷ lệ nợ công của Việt Nam gấp rưỡi Thái Lan và gấp đôi nhiều nước trong ASEAN

    Không chỉ có mức thâm hụt ngân sách lớn nhất trong khu vực mà nợ công/GDP của Việt Nam còn có tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN.

    Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I/2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện dưới sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) đã đưa ra thông tin như vậy.

    Theo đó, thâm hụt ngân sách đã liên tục tăng kể từ khi Chính phủ thực hiện gói kích cầu năm 2009. Dẫn chứng, bội chi NSNN tăng từ mức 65,8 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên mức 263,2 nghìn tỷ đồng năm 2015.

    So với GDP, bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 (Chiến lược nợ công).

    Do bội chi NSNN tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP [1] , tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.

    Báo cáo của Ciem cũng chỉ ra, so với một số nước trong khu vực, Việt Nam có mức thâm hụt NSNN (% so với GDP) lớn hơn khá nhiều. Cụ thể, theo số liệu của IMF – Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), chỉ ra là năm 2015, thâm hụt NSNN của Việt Nam là 6,9% GDP, của Thái Lan là 1,2% GDP, của Indonesia là 2,3% GDP, của Philippines là 0,12% GDP và của Cam-pu-chia là 2% GDP.

    nguon: imf (ciem dan)

    Nguồn: IMF (Ciem dẫn)

    Theo dự báo của WEO, mặc dù bội chi NSNN của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đồng trong ASEAN.

    Cũng theo số liệu của WEO, so với một số nước ASEAN Việt Nam có tỷ lệ nợ công so với GDP cao hơn hẳn. Trong đó, so với Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Cam-pu-chia, Việt Nam tuy có mức tăng trưởng cao, chỉ sau Cam-pu-chia (năm 2015) nhưng có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan, nước có mức nợ công/GDP đứng sau Việt Nam.

    Quan trọng hơn, theo dự báo của IMF trong nhóm nước này Việt Nam là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP năm 2020.

    Một điều đáng lo ngại là nghĩa vụ trả nợ công đang tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185,8 nghìn tỷ đồng năm 2013 lên 296,2 nghìn tỷ đồng năm 2015.

    Nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,4 nghìn tỷ đồng.

    Do tốc độ tăng nghĩa vụ nợ rất nhanh, tỷ lệ nghĩa vụ nợ trên thu NSNN cũng tăng nhanh. Nếu chỉ tính riêng nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, tỷ lệ này là 22,4% năm 2013, tăng lên mức 29,9% năm 2015.

    Nguyên nhân là do giai đoạn 2010-2012, Chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn 1-2 năm. Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với chi NSNN, nếu phát hành TPCP không đạt mục tiêu đề ra.


    Hơn 1 tỉ đô la Mỹ để mở rộng nhiệt điện Vĩnh Tân 4

    toan canh mo hinh nha may nhiet dien vinh tan 4 mo rong

    Toàn cảnh mô hình Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng

    Ngày 22-4, tại tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN) đã tổ chức Lễ khởi công Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng.

    Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và đã ký hợp đồng xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng theo hình thức EPC với tổ hợp nhà thầu gồm: Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương.

    Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 4 mở rộng có quy mô công suất 600 MW, gồm một tổ máy nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 4. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,104 tỉ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

    Nhân dịp này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 3 đã tài trợ xây dựng tám phòng học tại Trường Mầm non Sao Mai (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với số tiền tổng trị giá 5,2 tỉ đồng.

    Tổ hợp nhà thầu thực hiện dự án, gồm Công ty Doosan (Hàn Quốc), Công ty Mitsubishi (Nhận Bản) và Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2, Công ty CP Tập Đoàn Thái Bình Dương cũng đã trao tặng số tiền 2 tỉ đồng cho các Quỹ an sinh xã hội của huyện Tuy Phong và xã Vĩnh Tân.


    Hà Nội: Thu giữ 6 tấn dược liệu thuốc Bắc không có giấy tờ hợp lệ

    (anh: pv/vietnam+)

    (Ảnh: PV/Vietnam+)

    Chiều ngày 23/4 tại địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), Đội quản lý thị trường số 4 – Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp cùng Phòng 7, Cục Cảnh sát môi trường C49 – Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra xe ôtô tải mang BKS 29C – 000.25 do lái xe Tô Văn Học điều khiển.

    Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe tải đang vận chuyển khoảng 6 tấn rễ, vỏ cây nghi là nguyên, dược liệu để làm thuốc Bắc, lái xe không xuất trình được giấy tờ hợp lệ liên quan tới số hàng trên.

    Qua đấu tranh khai thác tại chỗ, lực lượng chức năng đã xác định chủ lô hàng trên là Bùi Minh Đức (sinh năm 1981, trú tại thôn Pác Mạ - xã Yên Khoái, Lộc Bình, Lạng Sơn) và yêu cầu người này về Hà Nội để giải quyết vụ việc.

    Tại cơ quan chức năng, Đức khai nhận, ngày 22/4, Đức có mua của một vài người không quen biết khoảng 5, 6 tấn hàng dược liệu, nông sản gồm các loại rễ và vỏ cây với giá 5.000 – 6.000 đồng/kg với ý định đem xuống Hà Nội bán để kiếm lời. Đức cũng khai nhận toàn bộ số hàng trên có xuất xứ từ Trung Quốc và khi mua bán không hề có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

    Số nguyên liệu để làm thuốc Bắc được cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

    Số nguyên liệu để làm thuốc Bắc được cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

    Hiện toàn bộ số hàng trên đang được lực lượng chức năng lập biên bản và tiến hành xử lý theo quy định.


    Thiên tai đe dọa xuất khẩu thủy sản

    thien tai de doa xuat khau thuy san

    Thiên tai đe dọa xuất khẩu thủy sản

    Xuất khẩu thủy sản của cả nước quý 1 đang có những tín hiệu lạc quan, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2016 các DN xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức đến từ thiên tai dịch bệnh…

    Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước quý 1 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng gần 9 % so cùng kỳ năm trước. Trong đó 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra tăng lần lượt là 12,2% và 4,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh, nhất là thị trường Mỹ tăng 39% so với cùng kỳ, Trung Quốc tăng 31%; EU tăng gần 3%, Nhật Bản tăng 3,5%... Các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc và các nước ASIAN.

    Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2016 các DN xuất khẩu thủy sản ĐBSCL phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức làm ảnh hưởng đến xuất khẩu Thủy sản.

    Hiện tại, Biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn kéo dài, dịch bệnh trên thủy sản nuôi trong những tháng đầu năm đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nguyên liệu, gây thiếu hụt nguyên liệu, tăng giá nguyên liệu làm tăng giá thành của sản phẩm dẫn đến giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các nước xuất khẩu khác. Thêm vào đó, những rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu thủy sản ngày càng nhiều hơn đang trở thành gánh nặng của ngành thủy sản.

    Trong khi đó từ Quý 2.2016 theo quy định mới của Ngân hàng nhà nước, các DN thủy sản cũng đang mất dần khả năng tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp do không được vay ngọai tệ để thu mua chế biến. Các DN cũng khó khăn hơn trong việc xác định hạn mức, thời hạn, lãi suất khi vay vốn ngân hàng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, thu mua và xuất khẩu do hậu quả chưa khắc phục được từ chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại trong những năm trước.

    Mới đây, tại Cần Thơ đã diễn ra hội nghị doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL lần thứ nhất với chủ đề “Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu để hội nhập thành công”. Hội nghị tiến hành thảo luận tình hình thu mua nguyên liệu; Cơ hội và thách thức đối với những rào cản thương mại và quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm của quốc tế; Các giải pháp tiếp cận vốn và giải quyết những vướng mắc thủ tục hành chính v.v.Dự báo xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh; Cá tra xuất sang thị trường Mỹ bị tác động bởi mức thuế khá cao, đến 0,69 USD kg;

    Đặc biệt các doanh nghiệp phải đối mặt với việc kiểm tra dư lượng kháng sinh trong mặt hàng thủy sản, nên phải đầu tư nhiều hơn trang thiết bị để kiểm soát nguyên liệu. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nguyên liệu tôm vẫn là yếu tố quan trọng mà hội nghị quan tâm thảo luận… Các DN cũng đề xuất Chính phủ, Bộ NNPTNT hỗ trợ các hoạt động xúc tiến theo chuỗi giá trị đến các thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm thủy sản như hiện nay nhằm nâng cao uy tín và tạo niềm tin về chất lượng thủy sản Việt Nam với các nhà nhập khẩu.

    Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: Năm 2016, Bộ có kế hoạch tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Thứ trưởng yêu cầu VASEP cần tham gia đề xuất dự thảo sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP “Về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa đáp ứng các thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập. Để hỗ trợ các DN, bộ cũng sẽ triển khai các chương trình về sản xuất tôm sạch, nghiên cứu các tác nhân gây bệnh trên tôm và huy động sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp để nhân rộng mô hình tiến tới đảm bảo ổn định nguồn cung tôm nguyên liệu, phục vụ chế biến.


    FED sẽ “để ngỏ” khả năng tăng lãi suất

    Giới phân tích cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ vẫn tiếp tục để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong phiên họp chính sách tới dự kiến diễn ra vào ngày 26 và 27/4.

    tru so fed o thu do washington, my. anh: afp/ttxvn

    Trụ sở FED ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

    Theo các nhà phân tích, sở dĩ giới quan chức FED vẫn băn khoăn về quyết sách trên là do lo ngại về “sức khỏe” nền kinh tế toàn cầu cũng như khả năng xảy ra Brexit – thuật ngữ chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

    Bên cạnh đó, FED cũng cần thêm thời gian để chắc chắn rằng nền kinh tế Mỹ đã “bứt” khỏi tình hình tăng trưởng ảm đạm trong ba tháng vừa qua.

    Hiện các chuyên gia kinh tế Mỹ vẫn chưa chắc chắn liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã đủ khỏe để “miễn nhiễm” với sự rung lắc của thị trường tài chính toàn cầu cũng như tình trạng giảm tốc của các nền kinh tế khác trên thế giới, khi mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ do lo ngại về các cú sốc từ bên ngoài, bao gồm xung đột trong khu vực cũng như khả năng Anh rời EU.

    Biên bản phiên họp mới nhất vào ngày 15-16/3 của FED cho thấy FED nhìn chung vẫn quan ngại về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ tác động đến kinh tế Mỹ và dự kiến sẽ có hai lần tăng lãi suất trong năm nay (thay vì bốn lần như kế hoạch trước đó). 

    Cũng theo biên bản cuộc họp, hầu hết trong số 17 quan chức FED tham gia cuộc họp hài lòng với đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ, cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng với nhịp độ vừa phải trong trung hạn, với chính sách tiền tệ được thắt chặt từ từ. 

    Tuy nhiên, nhìn chung các quan chức thấy rằng tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu tiếp tục là yếu tố rủi ro đối với triển vọng kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ. 

    Một số người đã nhắc tới sự biến động đầu năm nay trên các thị trường tài chính toàn cầu và cho rằng những căn nguyên của nó vẫn còn tồn tại. Các nhà hoạch định chính sách của FED cũng quan ngại về tình trạng đầu tư kinh doanh trong nước chậm và các kế hoạch chi tiêu vốn hạn hẹp của các doanh nghiệp.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn