TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-12-2015

    Ngân hàng Nhà nước: Không còn tình trạng hai số liệu nợ xấu

    Dẫn tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 11 chỉ khoảng 2,72%, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay đã chấm dứt tình trạng số liệu nhà băng báo cáo một đằng, thanh tra ghi nhận một kiểu như giai đoạn trước.
    pho thong doc nguyen thi hong chia se tai buoi hop bao ngay 24/12. anh: thanh lan.

    Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại buổi họp báo ngày 24/12. Ảnh: Thanh Lan.

    Thông tin trên được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại buổi họp báo tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng 24/12. Theo bà Hồng, đến 30/11, 99,6% nợ xấu đã được giải quyết và tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống được đưa về mức 2,72%.

    Nhà điều hành khẳng định, từ quý I/2015 đã không còn tồn tại hai số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của các ngân hàng và số liệu kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước). Cơ quan này tin rằng, nợ xấu của các nhà băng đã minh bạch hơn do áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ.

    Trước đó, con số nợ xấu thường xuyên có độ vênh lớn giữa số liệu do các nhà băng tự báo cáo và con số do cơ quan thanh tra giám sát đưa ra. Có thời điểm, số liệu của các ngân hàng thương mại chỉ 4% nhưng con số cơ quan giám sát đưa ra lên tới gần 10%.

    Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tổng phương tiện thanh toán đến 21/12 tăng hơn 13,5% so với cuối năm trước. Mặt bằng lãi suất giảm 0,3-0,5% một năm, nhưng huy động vốn vẫn tăng 13,59%. Tín dụng tăng trưởng 17,17% so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước ước cả năm tín dụng có thể tăng trưởng 18-20%.


    Cả nước thêm 
gần 95.000 
doanh nghiệp mới

    Trong tháng 12-2015 cả nước có thêm 7.901 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - tăng gần 20% so với tháng trước

    Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong tháng 12-2015 cả nước có thêm 7.901 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - tăng gần 20% so với tháng trước. 

    Như vậy, cả năm 2015 VN đã có 94.754 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 30% so với số doanh nghiệp thành lập mới của năm 2014. Một trong những nguyên nhân chính của lượng thành lập mới tăng nhanh này được cho là nhờ sự thông thoáng từ Luật doanh 
nghiệp mới.

    Bà Trần Thị Hồng Minh, cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nhận định nếu tính từ ngày 1-7-2015 (ngày Luật doanh nghiệp mới có hiệu lực) đến ngày 15-12-2015, đã có tổng số gần 47.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Riêng trong tháng 8-2015, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 84%, vốn đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

    Dù doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng đã có trên 71.000 doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc tạm dừng hoạt động.


    HUD1 bị truy thu và phạt hơn 2 tỷ đồng tiền thuế

    CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD 1 (mã chứng khoán HU1) vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua việc kiểm trả chấp hành pháp luật thuế giai đoạn 2013 – 2014.

    Theo đó, HUD1 bị phạt thuế GTGT và thuế TNDN với số tiền482.743.759 đồng và 1.684.162.899 đồng tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế bào gồm phạt chậm nộp và phạt trên mức thuế bị truy thu. Tổng số tiền thuế bị truy thu và phạt gần 2,2 tỷ đồng.

    Trên báo cáo tài chính năm 2014 đã kiểm toán, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đến thời điểm 31/12/2014 là 27,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế TNDN 7,6 tỷ đồng.


    Doanh nghiệp sẽ được vay đến 70% vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ

    Để được vay vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng các điều kiện như: Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng tối thiểu 15% giá trị khoản vay; không có nợ thuế, nợ xấu; có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư...

    NHNN đang dự thảo Thông tư nhằm hướng dẫn chính sách tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

    Theo dự thảo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển không vượt quá mức lãi suất ngắn hạn cho vay tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong từng thời kỳ.

    Dự án được áp dụng mức lãi suất này là những dự án đã được xác nhận ưu đãi theo quy định tại Điều 11 Nghị định 111/2015/NĐ-CP.

    Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để đầu tư Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, theo dự thảo, ngoài các ưu đãi trên, khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư.

    Để được vay vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng các điều kiện như: Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác; có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác...

    Dự thảo nêu rõ, việc phối hợp với tổ chức bảo lãnh tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 29/2014/TT-NHNN ngày 9/10/2014, Thông tư 05/2015/TT-NHNN ngày 4/5/2015 và các quy định có liên quan.

    Nghị định 111/2015/NĐ-CP đã nêu rõ các sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành dệt – may, da – giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Đó là các sản phẩm: Xơ thiên nhiên; xơ tổng hợp; da thuộc; vải giả da; linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản; vi mạch điện tử; động cơ và chi tiết động cơ; bánh xe; hệ thống xử lý khí thải ô tô; linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí, máy hàn; linh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu; linh kiện và phụ tùng máy, thiết bị chế biến nông lâm thủy sản và muối; thép chế tạo; các loại động cơ thế hệ mới…

    Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.


    Đường nội sợ đường ngoại lấn lướt

    Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy đường tồn kho của các nhà máy đường và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) tính đến nay còn khoảng 40.000 tấn, thấp hơn 100.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
    Tồn kho thấp hơn năm trước nhiều, song trước diễn biến của giá đường thế giới đang giảm, những cam kết thương mại trong nhập khẩu đường của VN khiến không ít nhà sản xuất đường nội địa như ngồi trên lửa.
    Từ giữa tháng 12 đến nay, hàng chục nhà máy đường trong nước đã đi vào vụ sản xuất nên dự báo lượng đường trong nước cung sẽ vượt cầu. Bên cạnh đó, cam kết nhập khẩu đường theo hạn ngạch WTO của VN năm 2016 dự kiến đạt 86.000 tấn, bên cạnh đó còn nhập từ Lào do nhà đầu tư trong nước sản xuất. Giá đường trên sàn London giao trong tháng 12 này từ 407,5 USD/tấn đã giảm xuống 400 USD/tấn cho đợt giao vào tháng 3 năm sau. Giá đường thế giới giảm, chắc chắn khiến giá đường nhập khẩu sẽ giảm nữa. Trong khi với giá hiện tại, đường sản xuất trong nước đã khó khăn chật vật để cạnh tranh.
    Thông tin từ VSSA cũng cho biết Hiệp hội này đang kiến nghị Bộ Công thương trong năm 2016, với hạn ngạch nhập khẩu đường theo cam kết WTO, nên chỉ cho nhập khẩu đường thô về tinh luyện, không nên cho nhập đường tinh và cả thô như lâu nay. Kiến nghị này cũng nhằm mục đích bảo hộ ngành mía đường trong nước.
    Theo các chuyên gia kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ ngày 31.12 tới đây, ngành mía đường là một trong những ngành lộ diện sự “hụt hơi” nhất, khó cạnh tranh về giá, dù đã được bảo hộ lâu nay.
    Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, chia sẻ tại Hội thảo “AEC - Những câu hỏi nóng cho 2016” cho rằng: "Ngành mía đường sẽ đối diện nhiều thách thức, song đây cũng là cú hích để ngành có thể thay đổi mạnh mẽ hơn để cạnh tranh với đường trong khu vực".

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn