TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-01-2016

    Doanh nghiệp Việt Nam hầu như chẳng được lợi gì từ FDI

    chuyen gia kinh te pham chi lan

    Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


    Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn chứng: chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất để xuất khẩu của khối FDI. Trong khi ở Thái Lan và Malaysia là 60%. Hầu như DN Việt chẳng hưởng lợi gì từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức, và nâng cao năng suất.

    Nhận định về những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, triển vọng và cơ hội nhiều nhưng không dễ nắm bắt và luôn đi cùng với thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.

    "Việt Nam thiếu vắng các DN có quy mô vừa, nên thiếu tính hiệu quả kinh tế theo quy mô. Vai trò của các cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế" - bà Lan cho biết.

    Theo đó, quá trình sản xuất của các DN Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Hợp tác kinh doanh ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng và khâu sản xuất hàng hóa, dịch vụ; khâu phát triển sản phẩm ít có sự hợp tác.

    Mối liên kết ngược và liên kết xuôi còn nhiều hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa của các DN FDI với DN trong nước. Tỷ lệ sản phẩm được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI.

    Bà Lan dẫn chứng, chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, chỉ có 21% DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia.

    Điều này khiến DN vừa và nhỏ của Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Tỷ lệ xuất nhập khẩu của DN vừa và nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn thấp.

    “Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP, có thể có tốc độ tăng trưởng cao nhưng điểm xuất phát thấp nên khoảng cách thu nhập vẫn rất lớn” – vị chuyên gia này nhận định.

    “Thách thức trước hết đến từ vị thế, năng lực thấp và những trở ngại bên trong của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp Việt Nam” – bà Lan nhận định.

    Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong các nước TPP, Việt Nam xếp hạng rất thấp về năng lực thể chế, cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ, mức độ phát triển và hoạt động của doanh nghiệp…

    Năng suất của khu vực DNNN và tư nhân đều thấp; chỉ số khởi sự kinh doanh thấp. Theo chỉ số kinh doanh toàn cầu GEM 2013, tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới chỉ chiếm 24,1%; so với mức trung bình 44,7% ở các nước cùng trình độ.

    Bên cạnh đó, trình độ quản lý của DN Việt Nam còn thấp, đa số là công ty gia đình, tình trạng công nghệ lạc hậu. Hệ thống giải pháp, chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ còn thiếu trọng tâm, thiếu nhất quán.

    Các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ. Doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực về thủ tục hành chính, chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, hành lang pháp lý kém an toàn.

    DN Việt thua ngay trên sân nhà

    Theo bà Lan, Việt Nam không dễ tăng cao xuất khẩu sang tất cả 57 nước có FTA , do vậy có thể chuyển hướng thương mại là chính. Việt Nam có thể mất thời cơ do chậm chuẩn bị và các nước khác có thể tham gia TPP hoặc ký kết FTA với EU.

    Các FTA mới mang lại cơ hội cho Việt Nam trong cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị.

    Thách thức cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng gay gắt, nguy cơ bị lấn sân nhà tăng lên. Trong khi đó, thị trường toàn cầu liên tục biến động, cạnh tranh quyết liệt tại các thị trường xuất khẩu, nhiều hàng rào phi thuế và kỹ thuật khó vượt qua.

    Vấn đề lớn nhất của DN Việt Nam hiện nay chính là tạo bước ngoặt quan trọng để cải thiện năng suất, tăng cường nền tảng thể chế. Để làm được điều này, Việt Nam cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước phát triển và có khả năng cạnh tranh hơn.

    “Hội nhập sẽ tạo ra cơ hội lớn nhưng cũng sẽ đem lại nhiều sức ép để Việt Nam phải cải cách và phát triển. Nhưng có tận dụng được hay không còn phụ thuộc vào chính chúng ta. Thời gian không chờ đợi ai, cơ hội sẽ sớm trôi qua trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và liên tục. Do đó, cần phải hành động ngay” – bà Lan kết luận.


    Hoạt động M&A bất động sản sôi động đầu năm 2016

    hoat dong m&a bat dong san soi dong dau nam 2016

    Hoạt động M&A bất động sản sôi động đầu năm 2016


    Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2015, cho phép doanh nghiệp được công khai, mua bán và chuyển nhượng dự án, sẽ là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động M&A bất động sản.

    Dẫn đầu hoạt động M&A bất động sản trong những ngày đầu năm là việc Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh vừa chi thêm 61 tỉ đồng để nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP In Nông nghiệp lên 111 tỷ đồng, sở hữu 99,99% nhằm chuẩn bị đầu tư vào một dự án tại Thủ Đức.

    Theo đó, Công ty này sẽ thực hiện đầu tư Dự án Chung cư - Văn phòng - Trung tâm thương mại có vị trí mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp. HCM. Dự án có tên thương mại là Opal Tower và là dự án thứ 3 trong chuỗi sản phẩm Opal của Đất Xanh, ngoài Opal Riverside và Opan Garden.

    Trước đó, vào ngày 18/1, HĐQT DXG cũng đã thông qua việc nhận chuyển nhượng Dự án Khu chung cư Kim Khí của CTCP Kim khí Tp. HCM. Dự án có diện tích hơn 9.100 m2 tại số 370 đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Nhuận, quận 7, Tp. HCM. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 734 tỷ đồng. Giá trị nhận chuyển nhượng dự kiến 102 tỷ đồng.

    Ngoài ra, công ty CP Căn nhà mơ ước (DRH) cũng đã chi 110 tỷ đồng nhận chuyển nhượng dự án tại 1177 Huỳnh Tấn Phát, Q.7, với diện tích sử dụng đất là 2,820.3m2.

    Dự án 1177 Huỳnh Tấn Phát sẽ bắt triển khai từ quý 1/2016 và bàn giao vào quý 3/2017. DRH tiếp tục chi 120 tỷ đồng nhận chuyển nhượng dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Hưng Thịnh, cho biết thị trường bất động sản 2016 sẽ có nhiều bước phát triển và tương đối ổn định. Lượng cung - cầu đều tăng, dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản sẽ nhiều hơn, khung pháp lý mới chặt chẽ hơn.

    “Theo tôi, năm 2016, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi, xu hướng M&A trong lĩnh vực này sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017 do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và toàn cầu", ông Hiền nói.

    Năm 2016, ngành bất động sản Việt Nam sẽ ghi nhận tin nóng ở hàng loạt phân khúc, từ căn hộ, nghỉ dưỡng cho đến bán lẻ. Riêng ở TP.HCM, không thể không kể đến tâm điểm lớn nhất của thị trường là đợt đấu giá 23 lô “đất vàng” thuộc sở hữu Nhà nước tại các quận 1, 5, 7, Bình Chánh và Thủ Đức. Tổng diện tích của những dự án này lên đến 137.700 m2, phần lớn nằm ở vị trí đắc địa, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.

    Theo đánh giá của các nhà phân tích, ngoài 23 khu đất vàng đang sẵn sàng chờ đón nhà đầu tư, thì hiện nay trên địa bán Tp.HCM còn hơn 500 dự án bất đông sản đang ngưng triển khai do nhiều vấn đề về thiếu vốn, chưa triển khai xong đền bù giải phóng mặt bằng... Đây sẽ là một trong những lý do thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2016 này hết sức sôi động.

    Hiện tại, nhiều quỹ đầu tư quốc tế uy tín đang có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam đặc biệt quan tâm đến thị trường BĐS phân khúc trung cấp – bình dân thay vì cao cấp như trước kia. Theo khảo sát của công ty JLL Việt Nam, các quỹ đầu tư lớn như TPG Capital, Shenning Investments, Asia Capital Reinsurance, Standard Chartered Private Equity, Partners đều đưa ra nhận định chung là xu hướng phát triển BĐS tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ hướng đến phân khúc trung cấp, bình dân. 

    Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trong trung hạn và tốc độ đô thị hóa sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Ngoài ra, có một lượng lớn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines và Indonesia đang tích cực tìm kiếm để sở hữu một phần của ‘chiếc bánh’ bất động sản Việt Nam.


    Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa sáng lên

    Với lực cầu yếu, cả sản lượng và doanh thu của ngành công nghiệp Trung Quốc đều sụt giảm nghiêm trọng

    Báo cáo mới được công bố cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã sụt giảm tháng thứ 7 liên tiếp, đánh dấu chuỗi sụt giảm dài nhất từ trước đến nay.

    Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (27/1), trong tháng 12 tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành công nghiệp giảm 4,7% so với một năm trước, đồng thời tăng mạnh so với mức suy giảm 1,4% của tháng 11.

    Tính cả năm 2015 lợi nhuận công nghiệp giảm 2,35. Lợi nhuận của ngành khai khoáng giảm 58,2%.

    Khối doanh nghiệp nhà nước cũng chứng kiến lợi nhuận sụt giảm 21,9% trong cả năm ngoái, so với mức tăng trưởng 3,7% của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

    Lý do chính gây nên tình trạng này là “lực cầu yếu, dẫn đến cả sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng”. Theo NBS, giá các sản phẩm công nghiệp giảm mạnh càng khiến sự suy yếu trầm trọng hơn.

    Giảm mạnh nhất là những ngành rơi vào tình trạng dư thừa như kim loại nặng và khai khoáng. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng đang nỗ lực giảm thiểu tình trạng dư thừa năng suất tại các doanh nghiệp nhà nước bất chấp nước này đang phải làm mọi cách để vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất 25 năm.

    Theo Zhou Hao, chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng Commerzbank, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để giảm chi phí đi vay cho khối doanh nghiệp.


    324 nghìn tỉ đồng quỹ đầu tư BHXH đang cho ngân sách nhà nước vay

    Trong cơ cấu đầu tư của quỹ BHXH, tỷ lệ cho ngân sách nhà nước và mua trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng dần, trong tỷ trọng cho vay ngân hàng thương mại nhà nước giảm dần.

    Mới đây cơ quan BHXH Việt Nam gửi báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2015. Theo đó, tính đến cuối năm 2015, tổng số dư đầu tư của các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào khoảng 435,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014.

    Trong đó, riêng ngân sách Nhà nước đang chiếm 324 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ cho ngân sách nhà nước vay và mua trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng dần qua các năm, trong khi tỷ trọng cho vay ngân hàng thương mại nhà nước giảm dần.

    Cụ thể năm 2015, các quỹ này dành 74,5% cho ngân sách nhà nước vay, 10,5% mua trái phiếu chính phủ. Nếu năm 2008, tỉ trọng cho ngân sách nhà nước vay không đáng kể thì số này đã tăng rất mạnh trong các năm qua.

     

    Còn đây là phân bổ quỹ đầu tư trong năm 2015

     

    Khoản đầu tư 369,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2014 đem về khoản tiền lời 31,9 nghìn tỷ đồng. Theo tính toán của cơ quan BHXH Việt Nam, mức tiền lãi thực thu tính trên số dư nợ bình quân năm 2015 khoảng 8,6%.

    Ngoài phần đầu tư vào ngân sách hay gửi NHTM, quỹ BHXH cũng đầu tư vào một số dự án như cho thủy điện Lai Châu vay (6.000 tỉ đồng). Khoản đầu tư này cũng sinh lời.

    Số tiền lời này được phân bổ khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng vào quỹ BHXH bắt buộc, 2,7 nghìn tỷ đồng vào quỹ BH thất nghiệp, 128 tỷ vào quỹ BHXH tự nguyên, còn lại vào quỹ BHYT và trích chi phí quản lý BHXH.


    Lao động Việt Nam bị trả lương rẻ hơn khu vực gần 20%

    lao dong viet nam bi tra luong re hon khu vuc gan 20%

    Lao động Việt Nam bị trả lương rẻ hơn khu vực gần 20%


    Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài bằng nhân lực giá rẻ, dân số trẻ và thị trường tiêu dùng nội địa lớn.

    Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư chính là chi phí nhân công của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực hơn 19%, ông Chidu Narayan, Chuyên gia kinh tế Châu Á, ngân hàng Standard Chartered cho biết tại hội thảo “Thuyết trình nghiên cứu kinh tế toàn cầu” ngày 27/1 tại TP.HCM.

    Theo ông Chidu Narayan, nhóm nghiên cứu của ngân hàng Standard Chartered cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 khoảng 6,9%. Lý do nhóm nghiên cứu đưa ra mức này vì trong 6 quý gần đây tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn cao hơn mức đồng thuận đã đưa ra. Việt Nam đang trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 tại Châu Á, sau Ấn Độ.

    Tiêu dùng và sản xuất đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Sản xuất là động lực tăng trưởng GDP trong 7 năm qua với mức tăng GDP bình quân 10%.

    Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng tăng, năm 2015 đã đạt mức 15,6 tỷ USD.

    Các nước Đông Bắc Á ngày càng tăng đầu tư vào Việt Nam như: Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan sẽ là những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong 10-15 năm tới.

    Tại sao doanh nghiệp nước ngoài lại “nhắm”đến Việt Nam ngày càng nhiều?

    Ông Chidu Narayan cho biết, Trung Quốc không còn là điểm đến của dòng vốn nước ngoài vì chi phí nhân công tại đây đã tăng so với trước. Trong khi đó, Việt Nam với chi phí lao động rẻ hơn, nguồn lao động phong phú, dân số trẻ và thị trường tiêu dùng nội địa lớn và lực mua ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phát triển cao so với các nước trong khu vực ít nhất trong vài năm tới.

    “Chi phí nhân công cũng chiếm phần không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Nếu chi phí này giảm cũng góp phần gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Chidu nói.

    Trong khi đó, xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI (chủ yếu là linh kiện điển tử) đóng góp tới 18,9% (30,6 tỷ USD) trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 là 162 tỷ USD. Lĩnh vực này tiếp tục gia tăng đầu tư từ nước ngoài trong những năm tới.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn