TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-04-2016

    Jack Ma đoạt lại vị trí người giàu nhất châu Á

    Tài sản của Jack Ma, Chủ tịch tập đoàn Alibaba đã cán mốc 33,3 tỷ USD, giúp ông trở thành người giàu nhất châu Á.

    Theo thông tin từ Bloomberg, người đứng đầu gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã vượt qua Wang Jianlin - ông chủ tập đoàn Dalian Wanda để trở thành tỷ phú số 1 châu Á.

    Tài sản của Jack Ma đã tăng thêm 4,3 tỷ USD, đạt mức 33,3 tỷ USD sau khi công ty tài chính Ant Financial của Alibaba hoàn thành vòng huy động vốn mới nhất.

    Ở vị trí số 2, ông Wang đang sở hữu tài sản 32,7 tỷ USD. Tiếp theo là tỷ phú HongKong Li Ka-shing với 29,5 tỷ USD.

    jack ma lay lai duoc ngoi vi ty phu so 1 chau a

    Jack Ma lấy lại được ngôi vị tỷ phú số 1 châu Á

    Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng Jack Ma có thể không duy trì 'ngôi vương' được lâu. Tỷ phú Wang đang tiến hành tái cấu trúc mảng kinh doanh giải trí của tập đoàn Wanda đồng thời tìm cách để nâng cao giá trị cho mảng kinh doanh bất động sản. Do đó, ông có thể sớm đoạt lại ngôi vị số 1 từ tay người sáng lập Alibaba.

    Hiện tại, Jack Ma đang sở hữu 6,3% cổ phần của Alibaba và 37,9% của Ant Financial. Ông cũng đang lên kế hoạch IPO cho công ty này với kỳ vọng trở thành thương vụ IPO lớn nhất Trung Quốc từ năm 2010.


    Apple và bài học cay đắng tại Trung Quốc

    Việc chính quyền Trung Quốc gần đây ra quyết định cấm Apple cung cấp dịch vụ phim và sách trên các gian hàng ảo của hãng này là một cú sốc với ban lãnh đạo “quả táo”.

    cu soc voi apple la loi canh tinh cac dai gia cong nghe phuong tay tai thi truong trung quoc - anh: yahoo

    Cú sốc với Apple là lời cảnh tỉnh các đại gia công nghệ phương Tây tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: Yahoo

    Theo Fortune, Trung Quốc hiện là thị trường iPhone lớn thứ hai thế giới của Tập đoàn Apple. Thực tế cho thấy rõ ràng Trung Quốc có ý nghĩa không nhỏ với tương lai của hãng công nghệ có trụ sở tại Cupertino, bang California, Mỹ.

    Tổng doanh thu của Apple tại Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan) hiện chiếm khoảng 1/4 doanh thu bán hàng toàn cầu của Apple.

    Những năm qua, Apple không ngừng đổ tâm sức vào việc chăm chút mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Chỉ nói riêng CEO của Apple, Tim Cook, kể từ khi nhậm chức năm 2011 tới nay đã có ít nhất bảy chuyến công tác tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

    Dù vậy, Trung Quốc dường như chưa thật sự tin tưởng thiện chí này của Apple.

    Trong vụ việc cụ thể mà Trung Quốc cấm Apple phát hành phim và sách số qua các gian hàng ảo iTunes Movies và iBooks Store, có thể thấy Chính phủ Trung Quốc nhìn thấy ở đây mối nguy tiềm ẩn từ những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

    Chưa kể là nhà cầm quyền Trung Quốc cũng lo ngại các sản phẩm của Apple dần dà sẽ lấn át thị trường nội dung số của Trung Quốc, đe dọa thị phần hứa hẹn lợi nhuận vô cùng màu mỡ cả trước mắt lẫn lâu dài.

    Cú sốc với Apple trong việc này cũng là lời cảnh báo với các đại gia công nghệ khác của Mỹ đang háo hức muốn nhảy vào thị trường Trung Quốc.

    Facebook và Twitter là hai trong số những đại gia đó và hiện cả hai đều đang bị chặn tại Trung Quốc. Tuy nhiên cả Facebook lẫn Twitter đều hi vọng sẽ giành được một miếng bánh thị phần ở đây trong tương lai gần.

    Tuy nhiên theo Fortune, điều các lãnh đạo công nghệ như Mark Zuckerberg và Tim Cook cần nhận ra là bất kể việc họ nỗ lực thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc tới mức nào thì khả năng thâm nhập thị trường Trung Quốc cũng khó đi tới đâu.

    Ở cấp độ cơ bản, Bắc Kinh muốn ngăn không cho các công ty nước ngoài chiếm lĩnh và chi phối lĩnh vực thông tin trong nước.

    Thực tiễn này đang đẩy các doanh nghiệp công nghệ Mỹ vào thế “đi cũng dở, ở không xong” vì Trung Quốc là một thị trường béo bở tới mức không thể phớt lờ.

    Nếu họ không cố giành được sự ủng hộ của chính quyền nước này thì các đối thủ cạnh tranh của họ cũng sẽ làm việc đó. Việc để tuột thị trường Trung Quốc vào tay đối thủ là điều không thể chấp nhận.

    Đối diện với những thách thức đó, các doanh nghiệp phương Tây, trong đó có các đại gia công nghệ Mỹ ở mọi lĩnh vực kinh doanh, cho tới nay đã áp dụng hai chiến lược tiếp cận chính.

    Thứ nhất, họ chứng minh cho Bắc Kinh thấy giá trị thương mại của công ty họ sẽ mang lại cho Trung Quốc. Thứ hai, họ gây dựng mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

    Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, từ cú sốc mới nhất của Apple, có lẽ họ cần có thêm một chiến lược tiếp cận nữa để tự bảo vệ mình. Đó là tìm cách đoàn kết lại giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực kinh doanh để gây được sức ép lớn hơn chứ không nên chỉ trông chờ vào thiện chí vốn rất thất thường của nhà cầm quyền Trung Quốc. 


    Nhà đầu tư lo nhân dân tệ “lên cơn”

    Các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến rút 538 tỉ USD vốn đầu tư khỏi nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc trong năm 2016, theo ước tính được Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố ngày 25-4.

    Theo đó, tổng số thoái vốn năm 2016 tại Trung Quốc sẽ giảm 20% so với con số 674 tỉ USD của năm ngoái. Tuy nhiên, IIF cảnh báo cơn thoái vốn có thể tăng tốc trở lại một khi xuất hiện mối lo về sự phá giá “vô tổ chức” của đồng nhân dân tệ.

    Việc thoái vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi. “Một cú rớt giá mạnh của đồng nhân dân tệ sẽ làm tái bùng phát một đợt bán tống bán tháo các tài sản rủi ro trên thế giới cũng như kích hoạt cuộc tháo chạy của dòng vốn khỏi những thị trường mới nổi” - IIF nhận định. IIF cũng lo ngại việc đồng nhân dân tệ giảm giá sâu sẽ kích hoạt cuộc đua phá giá tại các thị trường mới nổi khác, nhất là ở những thị trường có quan hệ mật thiết với Trung Quốc.

     

    Các nhà đầu tư Trung Quốc luôn trong tình trạng bất an Ảnh: REUTERS
    Các nhà đầu tư Trung Quốc luôn trong tình trạng bất an Ảnh: REUTERS

     

    Không dừng lại ở đó, hệ thống tài chính của Trung Quốc còn đối mặt nguy cơ ngày càng lớn từ hoạt động rửa tiền và tài trợ các nhóm khủng bốgiữa lúc nước này hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Chuyên gia chống rửa tiền, Cục phó Cục Chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Hách Kinh Hoa nhận định vấn đề trên giờ đây đã vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, tài chính và ảnh hưởng tới ổn định xã hội, an ninh quốc gia.

    Cũng tại cuộc họp, nhà nghiên cứu Đồng Văn Quân từ Trung tâm Phân tích và Giám sát chống rửa tiền của PBOC chỉ rõ các nghi phạm khủng bố đang “làm ăn” tại một số khu vực duyên hải như sông Dương Tử hay đồng bằng Châu Giang ở Trung Quốc. Chúng tận dụng hệ thống ngân hàng ngầm và các dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài để “làm sạch” những núi tiền khổng lồ.

    Chiêu thức rửa tiền này cũng được sử dụng bởi các phần tử Hồi giáo vũ trang tại vùng Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc, vốn có khuynh hướng sử dụng các mạng lưới ngân hàng để chuyển những khoản tiền nhỏ. Ngoài ra, những phương thức thanh toán mới thông qua internet trở thành một kênh chuyển tiền tài trợ hoạt động khủng bố. Trước những mối đe dọa trên, ông Hách cho biết nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường giám sát hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.


    'Stark Tower' nói gì về kinh tế Việt Nam

    Bitexco - Stark Tower của Việt Nam - ngày càng bị các công trình khác lấn át, cho thấy sự bùng nổ xây dựng và tăng trưởng kinh tế tại đây.

    Tại TP HCM, những tòa nhà và đài tưởng niệm có từ thời Pháp đang dần bị lấn át bởi những công trình mới, hiện đại mọc lên khắp thành phố. Với 68 tầng và chiều cao 262m, Bitexco hiện là tòa nhà cao nhất TP HCM, được nhiều hãng tài chính, thương hiệu thời trang xa xỉ, nhà hàng và quán café chọn làm địa điểm kinh doanh.

    Tòa nhà này được đặt biệt danh là "Stark Tower" do hao hao nơi ở của nhân vật Tony Stark trong phim Người Sắt. Chỉ mới 5 năm trước, đây còn là tòa nhà cao nhất nước. Nhưng sang năm sau, nó sẽ lùi xuống vị trí thứ 4."Rất nhanh thôi, chúng ta sẽ không thể thấy Bitexco nữa, vì các tòa nhà chọc trời mới đang mọc lên hàng loạt", một doanh nhân người Anh cho biết trên Forbes.

    bitexco hien la toa nha cao nhat tp hcm. anh: bloomberg

    Bitexco hiện là tòa nhà cao nhất TP HCM. Ảnh: Bloomberg

    Rajiv Biswas - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ISH Global Insight nhận xét việc bùng nổ xây dựng là tín hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng.

    "Kinh tế Việt Nam năm 2015 khá tốt và được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thập kỷ tới. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cũng như các hãng bất động sản đều đang đổ vốn mạnh vào thị trường nhà đất tại các trung tâm thương mại lớn, điển hình là TP HCM", ông cho biết.

    Theo Biswas, khi nhiều công ty nước ngoài tăng hiện diện tại Việt Nam, nhu cầu văn phòng cũng lên cao. Việc này đã khuyến khích các hãng bất động sản tăng hoạt động. Xây thêm nhiều tòa nhà văn phòng mới tại các thành phố lớn ở Việt Nam là hoạt động cần thiết trong việc phát triển kinh tế.

    Năm ngoái, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với GDP tăng 6,7% và sản xuất tăng 9,9%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước tính đạt 22,8 tỷ USD năm 2015, tăng 12,5% so với năm 2014, theo IHS. Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,7% năm 2016, nhờ FDI, tiêu dùng nội địa mạnh lên và các chính sách ưu tiên tăng trưởng.

    Tuy nhiên, cơn sốt xây dựng cũng đi kèm với một cái giá. New York Timesnhận xét các kiến trúc từ thời Pháp tại TP HCM đang dần biến mất. "Sự tàn phá đã tăng tốc trong 5-7 năm gần đây. Và chủ yếu bởi các dự án xây dựng khổng lồ", Hoanh Tran - nhà thiết kế tại HTA+Pizzini Architects cho biết.

    Rajiv Biswas chỉ ra rằng điều quan trọng là việc phát triển đô thị tại Việt Nam đi kèm với quy hoạch bền vững, và bảo vệ các tòa nhà có tính lịch sử.

    "Việc này không chỉ bảo tồn văn hóa cho người dân trong nước, mà còn có tác dụng với ngành du lịch đang tăng trưởng nhanh", ông kết luận


    Australia xem xét nhập thanh long Việt

    Sau quả vải và xoài, Chính phủ Australia bắt đầu quá trình xem xét để quả thanh long tươi của Việt Nam vào thị trường nước này. 

    Đại sứ quán Australia cho biết, quốc gia này vừa bắt đầu quá trình xem xét để đưa quả thanh long tươi của Việt Nam vào thị trường.

    Trước đây phía Australia đã thực hiện xong phần đánh giá sơ bộ, bao gồm đánh giá dịch hại và bệnh trên quả, thông qua một quá trình hợp tác trao đổi giữa 2 chính phủ. Trong những tháng tới, 2 bên sẽ tiến hành bước đánh giá rủi ro, trong đó sẽ có nội dung chuyên gia Australia tham quan vùng trồng thanh long và đánh giá quy trình sản xuất và xuất khẩu. Dự thảo báo cáo đánh giá rủi ro sẽ được công bố cho các bên đối tác tham gia đóng góp ý kiến vào cuối năm 2016.

    Australia cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các loại quả tươi khác của Việt Nam vào thị trường nước này. Những đơn hàng quả vải tươi đầu tiên đã được xuất khẩu sang Australia vào tháng 5/2015, với tổng số lượng 28 tấn đã được xuất đi trong năm qua. Chính phủ nước này cũng đã hoàn tất đánh giá rủi ro cho quả xoài Việt Nam vào tháng 11/2015 và công việc còn lại hiện nay là hoàn thiện các thỏa thuận sắp xếp thương mại cho mặt hàng trên.  


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn