TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-12-2017

    Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng năm 2017 tăng khoảng 19%, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 51,5 tỷ USD

    Tỷ giá và lãi suất được điều hành ổn định trong năm tới sẽ tiếp tục là yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát giá năm 2018.

    Sáng nay 27/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì phiên họp cuối năm, đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017, đề ra phương hướng, kịch bản và giải pháp kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.

    Tại buổi họp, đánh giá về kết quả kiểm soát lạm phát năm vừa qua, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm nay là năm thứ 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phat thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội. Theo đó, năm 2016 lạm phát là 4,75%, bảo đảm chỉ tiêu dưới 5% và năm 2017 là 3,52%- dưới mức 4%.

    Trong đó, ngành ngân hàng đưa tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, hỗ trợ cho việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

    Bà Hồng cho biết, tới cuối năm tín dụng tăng khoảng 19%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng theo hướng chậm lại so với năm 2016. NHNN năm vừa qua cũng đưa mức dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục (51,5 tỷ USD- kể cả số tiền thu được từ bán vốn tại Sabeco). Các kết quả trên giúp lạm phát cơ bản của ngành ngân hàng giảm dần đều từ 1,8% xuống mức dự kiến vào cuối năm là từ 1,4-1,41% đóng góp vào thành quả kiểm soát lạm phát bình quân cả nước.

    Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay được điều hành phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, hỗ trợ tích cực đối với tăng trưởng nhưng không quá cao để tạo ra áp lực lạm phát ; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã được điều chỉnh giảm; tỷ giá nhìn chung không có biến động lớnLạm phát cơ bản tăng thấp, lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 ước tăng 1,46% so năm 2016, thấp hơn mức kế hoạch (1,6%-1,8%).

    Định hướng điều hành về năm 2018, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt theo diễn biến thị trường cả về lãi suất, tỷ giá, tín dụng theo mức lạm phát cơ bản tăng từ 1,6- 1,8%, tổng mức tín dụng tăng từ 17- 18%, bảo đảm cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng để phòng ngừa những biến động tiền tệ.

    Dự báo tỷ giá và lãi suất được điều hành ổn định trong năm tới sẽ tiếp tục là yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát, đặc biệt những tháng cuối năm 2018.(CafeF)
    ---------------------

    Trên 70% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt

    Đại diện Bộ Công Thương khẳng định không có chuyện hàng ngoại lấn át hàng Việt trong các hệ thống siêu thị. Hàng Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa.

    Tại hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/12, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị đã lên đến hơn 70%. Tại một số siêu thị lớn như Big C, Coopmart, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.

    hang viet chiem ty le cao tai sieu thi big c thang long, ha noi. anh: vu sinh/ttxvn

    Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

    "Có được kết quả này là nhờ chúng ta đã triển khai có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hiện đã thiết lập được hơn 90 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại 52 địa phương trên cả nước", bà Nga cho hay.

    Bộ Công Thương cũng đã chủ động kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản như dưa hấu, vải thiều, hành tím, na, thanh long... tại các hệ thống phân phối lớn như Hapro, Coopmart, Lotte, Big C...

    Đại diện Big C cũng xác nhận thông tin hàng Việt chiếm đến 90% tại hệ thống siêu thị của hãng này. Mặc dù Big C Việt Nam đã bị Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hàng Việt bị đẩy ra và thay thế bởi hàng Thái.

    Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, Big C luôn khuyến khích và tạo điều kiện để hàng hóa, nông sản Việt Nam vào hệ thống. Đồng thời, xuất khẩu nông sản Việt sang Thái Lan như vải thiều.

    "Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam, chúng tôi thấy rằng các sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn yếu vì chưa xây dựng được thương hiệu, hình ảnh bao bì chưa bắt mắt. Đặc biệt là công tác sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được yêu cầu", ông Dũng cho hay.

    Về lâu dài, để kết nối cung cầu tốt hơn, bà Lê Việt Nga đề nghị doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Doanh nghiệp phân phối cần có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và hướng đến xuất khẩu.(Baotintuc)
    --------------------

    Tập đoàn Cao su Việt Nam được định giá 52.000 tỉ đồng

    Sau cổ phần hóa, Tập đoàn Cao su Việt Nam dự kiến sẽ có vốn điều lệ 40.000 tỉ đồng và tiến hành bán đấu giá cổ phần (CP) rộng rãi ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm 13.000 đồng/CP.

    Đây là thông tin theo Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký ngày 26.12.

    Như vậy, VRG có số lượng CP tương đương là 4 tỉ CP. Với mức giá khởi điểm thực hiện IPO, công ty được định giá lên 52.000 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương ứng 3 tỉ CP. Công ty sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược hơn 475,12 triệu CP, chiếm 11,88% vốn điều lệ và IPO công khai với số lượng hơn 475,12 triệu CP, chiếm 11,88% vốn; còn lại bán ưu đãi cho người lao động và công đoàn.

    Nếu IPO thành công, VRG sẽ thu được gần 6.200 tỉ đồng. Đợt IPO của VRG có giá trị tương đương với đợt IPO của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power). 

    Cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn bộ phần vốn nhà nước tại Tập đoàn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, VRG sẽ không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi thực hiện IPO, trong đó bảo đảm điều kiện không chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm và quy định rõ quyền ưu tiên của nhà nước được mua cổ phần nếu nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa.

    Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần thực hiện xử lý đất đai, thuê đất của nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của luật Đất đai và pháp luật có liên quan; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần…(Thanhnien)
    ---------------------

    Khuyến nghị Chính phủ "củng cố vốn" cho các ngân hàng năm 2018

    Ngân hàng Nhà nước được khuyến cáo tiếp tục điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

    Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, giải quyết mối quan hệ giữa lãi suất huy động và cho vay, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

    Những khuyến nghị trên đối với Chính phủ được Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra phiên họp quý 4/2017, chiều 26/12.

    Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá 2017 là năm thành công về các chỉ số kinh tế vĩ mô với các kỷ lục mới như: Kim nghạch xuất nhập khẩu đạt mức 410 tỷ USD, xuất siêu gần 3 tỷ USD; kỷ lục về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới kỷ lục với hơn 120.000 doanh nghiệp; thu hút gần 13 triệu khách du lịch. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt với động lực dẫn dắt là công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch.

    Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc; chất lượng tăng trưởng có dấu hiệu cải thiện…

    Trên cơ sở thực tế nêu trên và dự báo diễn biến trong tương lai, Hội đồng đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng tiếp tục điều hành đồng bộ chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt thận trọng, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khoá.

    Về chính sách tiền tệ, Hội đồng khuyến cáo Chính phủ, mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, giải quyết mối quan hệ giữa lãi suất huy động và cho vay, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Cung ứng tín dụng theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế, quản lý chặt chẽ cơ cấu (tín dụng dài hạn-ngắn hạn, tín dụng nội tệ-ngoại tệ, giữa các lĩnh vực ưu tiên và quản lý rủi ro, kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho bất động sản) và chất lượng tín dụng.

    Hội đồng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam theo hướng kiểm soát tốt tín dụng tiêu dùng.

    Đặc biệt, về nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, Chính phủ cần tăng cường củng cố vốn cho các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại Nhà nước trong năm 2018.

    Đánh giá năm 2018 kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cho biết, thị trường tài chính, chứng khoán dự báo sẽ có điều chỉnh; các bất ổn địa-chính trị và bảo hộ mậu dịch cần được Chính phủ nhìn nhận, đánh giá kỹ trong điều hành chính sách vĩ mô.

    Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị Chính phủ làm rõ các khó khăn trong năm 2017 là cân đối ngân sách Trung ương, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, kỷ cương, kỷ luật tài khóa và hiệu lực của chính sách còn yếu… để từng bước khắc phục trong thời gian tới.

    Chính phủ cần ưu tiên chống thất thu thuế, mở rộng cơ sở thuế hơn là tăng mức thu thuế; tích cực khẩn trương lập dự toán thu ngân sách trên cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội; thực hiện chi theo dự toán và mức độ thu ngân sách; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong huy động trái phiếu Chính phủ; sớm sửa Luật Đầu tư công, xử lý hài hoà mối quan hệ của các bên trong hình thức hợp tác đối tác công-tư, tăng cường trách nhiệm giải trình.

    Về thị trường vốn, Chính phủ cần có động thái phát triển thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, chống các giao dịch nội gián và giao dịch làm giá trên sàn giao dịch chứng khoán, khẩn trương hoàn thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế trong giai đoạn tới.(Vneconomy)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn