Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-09-2018
Rủi ro lớn nhất của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với Việt Nam là gì?
Việt Nam hiện là nước có thặng dư thương mại với Mỹ. Do vậy, với quan điểm bảo hộ mạnh mẽ, trong tương lai, liệu Tổng thống Donald Trump có làm ngơ?
Hai lần trong cuộc họp báo về số liệu kinh tế sáng nay (28/9), Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhắc chuyện nên lờ đi con số thặng dư thương mại với Mỹ. Ông cho rằng nếu nói quá nhiều về con số này, có thể tạo một sự chú ý không đáng có, đẩy nền kinh tế vào những rủi ro của cuộc chiến thương mại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thời gian gần đây đã leo lên một nấc thang mới khi quy mô của nó được Tổng thống Trump mở rộng lên số lượng hàng hoá giá trị 200 tỷ USD với thuế suất 10%.
Con số 200 tỷ USD này lớn hơn rất nhiều so với hai lần trước, lần lượt là 34 và 16 tỷ USD. Danh mục hàng hoá bị đánh cũng lớn hơn đáng kể, bao gồm hầu hết các nhóm ngành tiêu dùng cuối cùng.
"Trong giai đoạn ngắn hạn và quy mô không mở rộng, Việt Nam bị tác động rất ít", ông Lâm nhận định và cho biết xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không mấy ảnh hưởng. Điều này được cụ thể hoá bằng con số thặng dư thương mại mà ông không muốn cụ thể hoá.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi "vệt dầu" chiến tranh loang rộng ra, mức độ ảnh hưởng đối với Việt Nam là không tránh khỏi.
Vệt dầu này có thể là khi Mỹ coi Việt Nam như là một đối tượng đang khiến cho họ chịu thiệt thòi. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, thứ 5 về quy mô thương mại với Hoa Kỳ, và đang có thặng dư thương mại.
"Với chính sách gia tăng bảo hộ, rủi ro lớn nhất là các rào cản về thuế, kỹ thuật đối với các nước đang có thặng dư thương mại với Mỹ", ông Lâm nhấn mạnh.
Như vậy, ông cho biết không loại trừ khả năng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại có thể là đối tượng bị nhắm đến trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy nhiều nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc với dòng vốn của họ ra khỏi thị trường hơn 1 tỷ dân. Việt Nam với nhiều yếu tố hấp dẫn về môi trường đầu tư, địa lý, hẳn nhiên sẽ trở thành điểm đến ưng ý. Tuy nhiên, điều này cũng hàm chứa những lo ngại.
Cụ thể, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi tập kết cho các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ từ dịch chuyển từ Trung Quốc.
Ông Lâm nói rằng các số liệu đang ghi nhận lượng dự án FDI gia tăng nhưng quy mô dự án lại rất nhỏ, khoảng 1 triệu USD. Điều này được ông nhận định có thể là một dấu hiệu để những người làm quản lý cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI, nhằm ngăn chặn những dự án công nghệ lạc hậu.
Những vấn đề khác được phía Tổng cục Thống kê nhắc thêm bao gồm rủi ro về gian lận thương mại khi hàng Trung Quốc tìm cách núp bóng hàng Việt Nam, về việc các nhà đầu tư chuyển hướng dòng vốn hay các năng lực của Việt Nam trong cuộc chơi song phương.
Tuy nhiên, trong nguy có cơ, ông Lâm cho rằng với chiến lược kìm hãm Trung Quốc của Mỹ khi đánh vào nhóm mặt hàng công nghệ cao, nếu Việt Nam tìm cách khai thác được, đấy sẽ là cơ hội lớn.
Mặt khác, trước sức ép từ căng thẳng thương mại leo thang, các nước, trong đó có Việt Nam sẽ có động lực mạnh hơn để triển khai các liên kết kinh tế đa phương. Như vậy, Hiệp định CPTPP càng có lợi thế để được thúc đẩy, triển khai.
Như vậy, cơ hội, hay rủi ro, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng quan trọng hơn cả là việc chúng ta xác định được điều gì.(CafeF)
-------------------------
Trung Đông: Thị trường tiềm năng lớn chưa được khai thác tốt
Nhiều nước Trung Đông có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc.
Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Kuwait tại Tp.HCM vừa tổ chức hội thảo "Hành trình đến với thị trường Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait".
Đây là hai thị trường được giới nghiên cứu xúc tiến thương mại đánh giá nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông hiện nay.
UAE: cơ hội nhiều nhưng chưa khai phá được
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait là 2 trong 6 quốc gia (gồm UAE, Saudi Arabia, Quatar, Bahrain, Kuwait, Oman) thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council – GCC). Thị trường khu vực này với tiềm năng lớn về khoáng sản, dầu mỏ nên thu nhập và tiêu dùng khả quan.
Do điều kiện không thuận lợi về đất đai và nguồn lao động, nên các nước GCC có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc... Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hải sản, ông Phạm Thiết Hoà, Giám đốc ITPC cho biết.
UAE nằm bên bờ vịnh Ba Tư, là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, đóng vai trò trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, đồng thời là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới. UAE có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu khoảng 265 tỷ USD ở năm 2017.
Trong khi đó, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE mới đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển hàng hóa xuất sang UAE, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...
Trong đó, nhóm hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bước đầu có mặt tại thị trường UAE. Trong những năm tới, đây sẽ là nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt ở UAE do nhu cầu xây dựng tại đây đang ngày càng tăng cao. Số lượng dự án tại UAE chiếm khoảng 30% tổng số các dự án đang được triển khai tại Trung Đông.
Nhiều khoản đầu tư lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch và giải trí, chủ yếu tại Abu Dhabi và Dubai. Hơn nữa, Dubai đã giành được quyền đăng cai Expo 2020 với mức đầu tư hạ tầng 7 tỷ USD sẽ góp phần đưa thị trường xây dựng bùng nổ trở lại trong những năm tiếp theo.
Một điều mà các doanh nghiệp cần chú ý là, mọi hoạt động giao thương, tiếp cận đối tác tại thị trường UAE đều được tiến hành thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành được tổ chức thường xuyên quanh năm, chủ yếu tập trung tại Dubai.
Để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận sâu vào thị trường, ngày 22/10 tới đây, đoàn lãnh đạo cấp cao Tp.HCM sẽ dẫn đoàn doanh nghiệp thành phố đi xúc tiến thị trường khu vực này. Tại hoạt động xúc tiến, gặp gỡ phía lãnh đạo các thị trường, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ những thông tin về quy định, chính sách thị trường.
Đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào Kuwait
Kuwait là quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông, phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, do vậy nhu cầu nhập khẩu tương đối lớn và đa dạng (tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 30 tỷ USD), gồm các mặt hàng chính như điện tử, nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, máy móc, ôtô, hàng may mặc,... Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait mới chỉ đạt khoảng 70 - 75 triệu USD/năm (khoảng 0,25% thị phần).
Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Kuwait còn rất lớn, tập trung vào một số mặt hàng như nông lâm thuỷ sản (chè, cà phê, hoa quả sấy khô, đóng hộp, nước uống lon, nước ép hoa quả, điều, tiêu), gia vị, quần áo, đồ gỗ, trầm hương, hương liệu, lụa cao cấp, ngọc trai cao cấp, than củi, vật liệu xây dựng (đá marble, granite trắng)...
Ông Jasem Abomarzouq, Phó tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại Tp.HCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch song phương đã tăng gấp 4 lần so với cả năm 2017, đạt khoảng 1,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Kuwait khoảng 54 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Kuwait đạt 1,37 tỷ USD.
Trong tương lai, Kuwait mong muốn hàng hóa của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn nữa tại thị trường Kuwait nói riêng và thị trường các nước GCC nói chung.
Bên cạnh thúc đẩy giao thương, thời gian qua, doanh nghiệp một số ngành nghề đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư với thị trường Kuwait. Đơn cử như trong lĩnh vực xây dựng, có thể kể đến như Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã và đang dành được nhiều dự án về xây dựng quan trọng và chiến lược tại đây.
Ngoài ra, với đà phát triển nền kinh tế, Kuwait hiện đang có nhu cầu lớn về cả lao động phổ thông lẫn lao động kỹ thuật. Hiện tại Kuwait đang có khoảng hơn 1.000 lao động Việt Nam làm việc. Trong bối cảnh Kuwait là một nước giàu có với trữ lượng lớn dầu mỏ, khí tự nhiên nên có rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường này.
Do đó mỗi năm Kuwait có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm nghìn người lao động nước ngoài sang làm việc. Từ đầu năm 2015, Kuwait đã chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam ở các ngành nghề: xây dựng, kiến trúc, cơ khí - chế tạo, chế biến, công nhân giàn giáo, thợ hàn, thợ điện...
Như chia sẻ của các doanh nghiệp ngành vận tải biển, hiện giá cước vận chuyển container đến khu vực thị trường này đã giảm nhiều so với trước kia. Có nhiều hình thức chuyển hàng mà doanh nghiệp có thể lựa chọn, ngoài đi hàng container, doanh nghiệp còn có thể đi hàng dạng đóng ghép.
Do vậy, có thể nói điều kiện xuất nhập khẩu là có, thị trường triển vọng, nên có tăng được kim ngạch hay không thì điều quan trọng là chỉ phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp.(Vneconomy)
-----------------------
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nguy cơ Việt Nam gặp rào cản về thuế, kỹ thuật
Theo Tổng cục Thống kê, về ngắn hạn, cuộc chiến thương mại chưa tác động nhiều tới Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn, đặc biệt là nguy cơ bị Mỹ áp dụng các rào cản về thuế, kỹ thuật.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng mở rộng với việc Mỹ áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Washington – có hiệu lực từ ngày 24/9.
Tại buổi họp báo ngày 28/9, Tổng cục Thống kê (GSO) đánh giá, trong giai đoạn ngắn hạn, tác động của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế của Việt Nam rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Việt Nam. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Bằng chứng là xuất nhập khẩu trong 9 tháng của Việt Nam sang Mỹ vẫn tốt, thặng dư thương mại với Mỹ đạt 25 tỷ USD.
Nhưng với sự mở rộng và kéo dài của cuộc chiến, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng dài hạn, với việc mở rộng đánh thuế nhiều mặt hàng, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn khi đang ngày càng tham gia sau vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, ông Lâm nhấn mạnh đến nguy cơ Mỹ có thể đưa ra các rào cản về thuế và kỹ thuật đối với các nước đang thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu và thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ.
"Không loại trừ các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như dệt may, điện thoại, điện tử... sẽ chịu tác động. Khi thâm hụt thương mại lớn, Mỹ có thể đưa ra các rào cản đối với Việt Nam", ông Lâm phân tích.
Bên cạnh đó, cuộc chiến kéo dài thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Yếu tố này theo ông Lâm không thuận lợi. Bởi cùng với đó, các nhà đầu tư với công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường hay quy mô rất nhỏ có thể sẽ chuyển dịch sang Việt Nam.
Một yếu tố khác được nhắc đến theo Tổng cục Thống kê là gian lận thương mại. Trung Quốc và các nước chịu thuế của Mỹ có thể mượn Việt Nam làm bàn đạp xuất khẩu. Khi đó, Việt Nam rất dễ vi phạm các quy định của Mỹ.
Ngoài ra, môi trường tài chính, tiền tệ diễn biến không thuận lợi, dòng vốn đầu tư có thể đảo chiều. Bên canh đó, một số nước lớn có thể thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương. Đây cũng là một trong những hướng bất lợi cho Việt Nam.
Dù vậy, theo ông Lâm, cuộc chiến thương mại ẩn chứa những cơ hội. Căng thẳng thương mại thời gian qua có thể thấy rõ chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Mỹ tập trung đánh thuế cao vào các nhóm ngành công nghệ cao và ngăn nhà đầu tư Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ. Đặc biệt, Mỹ kiếm chế chiến lược "Made in China" 2025 của Trung Quốc.
Xung đột Mỹ - Trung tạo động lực để các nước triển khai hợp tác kinh tế đa phương nhằm khắc phục những rủi ro kinh tế. Các hiệp định đa phương như CPTPP cũng sẽ được thúc đẩy trong bối cảnh này, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại Việt Nam. Trong nhiều chỉ thị của Chính phủ thời gian qua nhấn mạnh việc đa phương hóa, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có thể tiếp tục thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cho thế mạnh cạnh tranh và thay thế được hàng Trung Quốc như dệt may, da giày... vào Mỹ.(NDH)