TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-04-2017

    Doanh số bán ra smartphone toàn cầu tăng 4,3% trong quý 1/2017

    Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường IDC, doanh số smartphone toàn cầu đã tăng 4,3% trong quý 1/2017, vượt mức dự báo trước đó là 3,6%.

    samsung van la 'ong vua' tren thi truong smarpthone trong quy dau nam anh: afp

    Samsung vẫn là 'ông vua' trên thị trường smarpthone trong quý đầu năm ẢNH: AFP

    PhoneArena dẫn lại báo cáo của IDC cho biết, đã có 347,4 triệu smartphone được bán ra trong quý 1/2017, tăng so với mức doanh số 332,9 triệu smartphone vào năm ngoái. Samsung tiếp tục trị vì thế giới smartphone với việc bán ra 79,2 triệu điện thoại trong quý, tuy nhiên thị phần giảm 1% so với năm ngoái - chiếm 22,8% thị phần.

    Không bất ngờ khi vị trí thứ hai vẫn thuộc về Apple với doanh số 51,6 triệu, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của Apple đạt 14,9%, tăng 0,5% so với quý 1/2016.

    Ba vị trí còn lại trong top 5 thuộc về các nhà sản xuất Trung Quốc. Huawei đứng vị trí thứ 3 với việc bán ra 34,2 triệu máy trên khắp thế giới, đạt mức tăng trưởng 21,7% và chiếm 9,8% thị phần smartphone. Oppo có mức tăng trưởng mạnh nhất (29,8%) để đạt doanh số 25,6 triệu smartphone và chiếm 7,4% thị phần. Vivo cũng có sức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý với mức tăng 23,6%, đạt doanh số 18,1 triệu smartphone và chiếm 5,2% thị phần.

    Giám đốc nghiên cứu nhóm điện thoại của IDC - Anthony Scarsella cho biết: “Mặc dù các công ty tập trung vào hoạt động quảng cáo thiết bị cao cấp nhưng chúng tôi tin rằng phần lớn sự tăng trưởng đến từ các thiết bị giá phải chăng trên nhiều thị trường khác nhau. Chúng tôi tiếp tục chứng kiến sự thay đổi trong danh mục đầu tư khi nhiều công ty hướng đến các thiết bị có giá phải chăng với kiểu dáng cao cấp".

    Do chủ yếu tập trung vào những smartphone cao cấp nên mức tăng trưởng doanh số của Samsung và Apple chậm hơn, đặc biệt khi so sánh với các đối thủ đến từ Trung Quốc.(Thanhnien)
    -------------------------------

    Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi

    UBND tỉnh Quảng Ngãi hôm qua cho biết đã gửi tờ trình về việc xây dựng nghị quyết “Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến 2020 và định hướng đến năm 2030” đến Thường trực HĐND tỉnh xem xét, thông qua.

    danh bat thuy san la the manh cua ngu dan quang ngai anh: hien cu

    Đánh bắt thủy sản là thế mạnh của ngư dân Quảng Ngãi ẢNH: HIỂN CỪ

    Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản là rất cần thiết và cấp bách, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện ngành thủy sản trên tất cả các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến và xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá, đưa ngành thủy sản phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa mạnh, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập và từng bước làm giàu bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

    Trong đó, chú trọng phát triển đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, giảm áp lực khai thác vùng biển ven bờ, tăng năng suất nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái; huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản, đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư đồng bộ, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất...

    Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng sản lượng khai thác đánh bắt là 206.000 tấn; định hướng đến năm 2030 đạt khoảng 220.000 tấn. Tăng dần số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất từ 400 CV trở lên, giảm dần số lượng tàu thuyền đánh bắt ven bờ có công suất dưới 90 CV. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nghề kéo lưới tầng đáy xuống dưới 25%, tăng nghề rê khơi lên 30%, nghề rê câu lên 18% và nghề vây đạt 13%. Giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2020 đạt 5.494 tỉ đồng, bao gồm 4.982 tỉ đồng từ khai thác thủy sản và 512 tỉ đồng từ nuôi trồng thủy sản.

    Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện quy hoạch đến năm 2030 là hơn 6.783 tỉ đồng (vốn ngân sách chiếm 73% tổng vốn đầu tư). Trong đó, đầu tư cho lĩnh vực khai thác hơn 4.069 tỉ đồng, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hơn 2.507 tỉ đồng. Phân kỳ vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 hơn 2.207 tỉ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 hơn 4.576 tỉ đồng.(TN)
    --------------------------------

    Khu công nghệ cao sẽ đóng góp 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM

    Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm của TP.HCM cho thấy ngành sản xuất sản phẩm điện tử của TP tăng trưởng gần 14%, là ngành có mức tăng trưởng cao và khá ổn định.

    Trong đó, giá trị xuất khẩu (XK) của khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) liên tục tăng cao và được kỳ vọng sẽ đóng góp đến 1/3 tổng kim ngạch XK của TP trong năm nay. Năm 2016, giá trị XK của các doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP đạt gần 7,2 tỉ USD, chiếm 25% tổng giá trị XK của TP; giá trị nhập khẩu hơn 7,067 tỉ USD chủ yếu là nguyên vật liệu, chiếm hơn 6,7 tỉ USD, còn lại là máy móc thiết bị. Năm 2017, dự báo doanh nghiệp trong SHTP sẽ đóng góp 33% tổng giá trị kim ngạch XK của toàn TP.(TN)
    --------------------------

    Hộ kinh doanh yếu thế trong cạnh tranh

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sản xuất theo chuỗi sản phẩm, tính liên kết cao thì hộ kinh doanh rất yếu thế trước sức ép mọi mặt của các tập đoàn, các chuỗi liên kết giá trị lớn

    Việc chuyển đổi hộ kinh doanh đủ điều kiện thành doanh nghiệp (DN) đã được đặt ra từ Luật DN 1999 với quy định hộ sản xuất - kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập DN. Tuy nhiên, đến nay, đa số hộ kinh doanh vẫn không muốn chuyển đổi. Tại báo cáo nghiên cứu “Chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam, thực trạng và chính sách do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố ngày 28-4, đã chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng này.

    Chỉ 17,8% DN được thành lập từ hộ kinh doanh

    Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho biết tại một hội thảo gần đây về nội dung chuyển đổi thành DN, cả trăm hộ kinh doanh đến dự với tâm thế lo lắng, căng thẳng vì lo sẽ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh cá thể. Sau hội thảo, tất cả đều nở nụ cười vì biết rằng không bị ép buộc lên DN. “Chưa bao giờ tôi được dự một hội thảo có nhiều cảm xúc đến thế” - ông Hiếu nói.

    ho kinh doanh duoc loi nhieu hon khi chuyen thanh doanh nghiep anh: tan thanh

    Hộ kinh doanh được lợi nhiều hơn khi chuyển thành doanh nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh

    Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế CIEM, qua khảo sát của CIEM, đa số hộ kinh doanh ngại lên DN do chưa thấy lợi ích nhưng phải đối mặt với chi phí tăng và sức ép về thuế. Do đó, họ vẫn duy trì hình thức kinh doanh cá thể, dù có nhiều bất lợi hơn so với loại hình DN như chỉ có một nơi đăng ký, không được mở văn phòng đại diện, hạn chế quy mô lao động. Bù lại, họ được lợi hơn do không phải chịu các quản lý hành chính khi chuyển đổi danh mục đầu tư, kinh doanh và ít ràng buộc về cơ chế thuế, phí. Theo báo cáo, chỉ có 17,8% DN điều tra được thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh.

    Để hình dung về chi phí tăng khi chuyển hộ kinh doanh thành DN, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích khi lên DN, phải thuê dịch vụ kế toán bên ngoài tối thiểu 500.000 đồng/tháng, trung bình là 1 triệu đồng/tháng. Nếu đặt mục tiêu chuyển đổi 500.000 hộ lên DN thì mỗi năm đã mất khoảng 3.000 tỉ đồng từ nguồn lực xã hội. Đó là chưa kể còn phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra thuộc nhiều lĩnh vực mà ở hình thức hộ kinh doanh họ không phải chịu.

    Mệnh lệnh hành chính không hiệu quả

    Ông Phan Đức Hiếu nhận định để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 cần phải thành lập rất nhiều DN mới. Nếu không cải cách môi trường kinh doanh để kích thích thương nhân lập DN mà dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu chuyển đổi sẽ dễ dẫn đến tình trạng “khoác áo” DN lên hộ kinh doanh. Như thế, sẽ chỉ đạt về số lượng DN nhưng không có chất lượng. Bên cạnh đó, dư luận rất dễ hiểu nhầm về định hướng của Chính phủ và khiến mục đích hỗ trợ hộ kinh doanh bị hiểu nhầm hoặc không đến được với đối tượng phục vụ.

    Tuy nhiên, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN đang là vấn đề cấp thiết vì số hộ kinh doanh cá thể lớn gấp 10 lần số DN nhưng tỉ lệ nộp thuế lại rất thấp. DN được thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh sẽ có hiệu quả kinh doanh cao hơn so với DN thành lập mới vì họ đã có quá trình tham gia thị trường. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước cần tạo cơ chế, tâm lý cho hộ kinh doanh hiểu rõ được những ưu đãi cho DN cụ thể hơn, lớn hơn là cho hộ; cơ chế vốn, kỹ năng quản trị cũng tốt hơn, từ đó sẽ có lợi hơn về lâu dài. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sản xuất theo chuỗi sản phẩm, tính liên kết cao thì những hộ kinh doanh rất yếu thế trước sức ép mọi mặt của các tập đoàn, chuỗi liên kết giá trị lớn. Bên cạnh đó, nếu nhỏ bé mãi, những sản phẩm làm ra sẽ không có chất lượng, không có thương hiệu, bản đồ xuất xứ hàng hóa của Việt Nam vẫn mãi chỉ là sản phẩm thô sơ, rất khó đi vào các thị trường lớn.

    PGS-TS Lê Xuân Bá cho rằng nhóm nghiên cứu cần có kiến nghị các chính sách theo 2 nhóm: hộ kinh doanh và nhà nước. Tâm lý đa số người dân chỉ thích kinh doanh nhỏ, chỉ cần đủ ăn, không muốn chấp nhận khó khăn vươn lên làm giàu.

    Tư tưởng này bắt nguồn từ một thời gian dài chúng ta không coi trọng kinh tế tư nhân khiến người dân chưa yên tâm bỏ vốn đầu tư lớn. Do đó, cần phải định lượng được lợi và thiệt khi chuyển đổi lên DN để cả người dân và cơ quan quản lý cùng có chính sách và ứng xử phù hợp.(NLĐ)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn