TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-08-2015

    Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng

    my la thi truong xuat khau lon nhat cua viet nam trong 8 thang

    Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng


    Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 của cả nước ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước.

    Khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt trên 10 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám tăng 9,5%.

    Về thị trường hàng hóa xuất khẩu từ 8 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 22 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt hơn 20 tỷ USD, tăng trên 12%; ASEAN đạt hơn 12 tỷ USD, giảm 3%; Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 5,6%; Nhật Bản đạt trên 9 tỷ USD, giảm xấp xỉ 5%; Hàn Quốc đạt hơn 5 tỷ USD tăng trên 16%.

    Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt hơn 106 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 32 tỷ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 75 tỷ USD, tăng gần 15%.

    Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 20 tỷ USD, tăng hơn 31%; hàng dệt may đạt 15 tỷ USD, tăng gần 11%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng xấp xỉ 52%; giày dép đạt 8 tỷ USD, tăng 21%; máy móc thiết bị dụng.

    Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước. Đó là thủy sản đạt hơn 4 tỷ USD, giảm gần 17%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,6 tỷ USD, giảm hơn 7%; cao su đạt 921 triệu USD, giảm trên 10%...


    Đà Nẵng kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư

    Trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa Việt-Nhật 2015, chiều 28/8, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư với các DN Nhật Bản vào Đà Nẵng.

    Hội thảo thu hút 150 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam và DN Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tham dự.

    Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Nhật Bản không ngừng phát triển. Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam đặt văn phòng đại diện tại thủ đô Tokyo.

    Hiện nay tại Đà Nẵng, đã có 82 DN và 37 văn phòng đại diện của DN Nhật Bản hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD, tạo việc làm cho 30.000 lao động địa phương.

    Đà Nẵng cũng đang xúc tiến mở đường bay tới Nhật Bản, trong đó có đường bay trực tiếp từ Osaka đến Đà Nẵng để vừa thu hút du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng, vừa mở ra những cơ hội hợp tác, đầu tư mới.

    Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết Đà Nẵng thu hút được sự chú ý của DN Nhật là do Đà Nẵng luôn rõ ràng về chính sách đầu tư, có dữ liệu số hóa và môi trường đầu tư được đánh giá là cao so với nhiều địa phương khác ở Việt Nam.

    Trong dịp này, Đà Nẵng kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư các dự án lớn, gồm: Dự án khu công nghệ thông tin tập trung (341 ha), dự án KCN dành cho DN vừa và nhỏ Nhật Bản (134 ha), dự án khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi Nhật Bản (30 ha), dự án Trung tâm giao lưu  Việt-Nhật…

    Bên cạnh đó, Đại học Đông Á và Tập đoàn Route Inn (Nhật Bản) đã ký kết chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch và tiếng Nhật.

    Theo đó, hằng năm, Tập đoàn Route Inn sẽ tuyển dụng 150-200 sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Du lịch của Đại học Đông Á để đào tạo tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ Đông Kinh Nghĩa Thục theo yêu cầu của Tập đoàn Route Inn.


    Giảm áp lực cho các cảng TP.HCM

    Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất Thủ tướng cho phép hàng hóa trung chuyển đã vào khu vực trung chuyển quốc tế được vận chuyển giữa các cảng biển khu vực TP. HCM và bến cảng Cái Mép - Thị Vải.

    Thực tế hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh cảng đang gặp khó khăn khi nghị định 8 năm 2015  quy định hàng hóa trung chuyển quốc tế không được phép vận chuyển qua lại giữa các cảng biển quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam để xuất khẩu, trừ trường hợp thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc quyết định của Thủ tướng.

    Bộ Tài chính đánh giá hiện nay các cảng biển quốc tế khu vực TP. HCM đứng trước nguy cơ thường xuyên quá tải trong khi đó bến cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại thừa công suất.

    Việc cho phép vận chuyển hàng trung chuyển quốc tế giữa các cảng biển khu vực TP.HCM và các bến cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tiết kiệm nguồn lực do tận dụng các mối liên kết và chia sẻ các hạ tầng sẵn có, giảm việc đầu tư dàn trải và giảm tải áp lực lên các cảng TP.HCM.

    Đồng thời, đáp ứng nhu cầu thực tế kinh doanh của các hãng tàu, giúp DN kinh doanh cảng của Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển thị trường dịch vụ trung chuyển.

    Theo Bộ Tài chính, hiện nay cả nước có trên 20 cảng biển có thể tiếp nhận, xếp dỡ tàu container quốc tế. Tuy nhiên, các tàu container quốc tế tập trung tại ba cụm cảng lớn là cụm cảng TP.HCM, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và cụm cảng Hải Phòng.


    PVN đã khai thác trên 346 triệu tấn dầu thô

    Từ khi phát hiện và khai thác dầu khí đến nay, PVN đã khai thác trên 346 triệu tấn dầu thô và 108 tỉ m3 khí. 

    Ngày 29-8, tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, ông Nguyễn Quốc Khánh - quyền chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - cho biết từ khi phát hiện và khai thác dầu khí đến nay, PVN đã khai thác trên 346 triệu tấn dầu thô và 108 tỉ m3 khí. 

    Tổng doanh thu bán dầu PVN thu được lên tới trên 140 tỉ USD, nộp ngân sách từ xuất bán dầu 67 tỉ USD. Hiện PVN vẫn đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài.

    Trong thư gửi PVN nhân 40 năm thành lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả đạt được nhưng yêu cầu PVN phải nâng cao trình độ, kỹ năng và phẩm chất đạo đức của đội ngũ, nỗ lực vượt khó khăn.

    Thủ tướng nêu nhiều mỏ dầu sản lượng đã qua thời đỉnh cao, việc thăm dò khai thác ngày càng khó khăn, giá dầu biến động bất lợi... Vì vậy PVN cần tập trung tái cơ cấu từng đơn vị, tiết kiệm để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.


    Xuất khẩu gạo đạt 1,7 tỉ USD

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 8 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,76 tỉ USD; giảm 8,6% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

    xuat khau gao giam manh o hau het cac thi truong - anh: diep duc minh

    Xuất khẩu gạo giảm mạnh ở hầu hết các thị trường - Ảnh: Diệp Đức Minh

    Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 429 USD/tấn giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014. Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều giảm mạnh, trừ Malaysia tăng gần 100% về khối lượng, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của VN, chiếm 8,71% thị phần.
    Trong khi xuất khẩu gạo giảm thì lượng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu tăng. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2015, giá trị nhập khẩu lên tới 2,25 tỉ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
    Bên cạnh đó, lượng bắp nhập khẩu cũng tăng mạnh với mức tăng 43% về khối lượng và gần 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2015, VN đã nhập 4,14 triệu tấn bắp, đạt giá trị 940 triệu USD.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn