TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-04-2016

    Bloomberg: Việt Nam là “ông hoàng” hút vốn IPO của Đông Nam Á

     Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực huy động vốn từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tính từ đầu năm 2016.
    tu dau nam, 35 cong ty cua viet nam da huy dong hon 170 trieu usd tu ipo. anh: bloomberg

    Từ đầu năm, 35 công ty của Việt Nam đã huy động hơn 170 triệu USD từ IPO. Ảnh: Bloomberg

    Việt Nam đang có một số lượng lớn các công ty nhà nước lên kế hoạch IPO, xấp xỉ 177 doanh nghiệp tính đến 2020, theo số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn.

    Chỉ tính riêng trong tháng Ba vừa qua, số doanh nghiệp đã tiến hành IPO đã lên tới con số 20. Đáng chú ý là các công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định (Giditexco), các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Vắcxin và sinh phẩm Nha Trang, Tổng công ty Tín Nghĩa, Công ty Sách Việt Nam…

    Còn theo thống kê của Bloomberg, từ đầu năm, 35 công ty của Việt Nam đã huy động hơn 170 triệu USD từ IPO, theo sau là Malaysia với hơn 150 triệu USD. Ba nước theo sau là Thái Lan, Singapore và Indonesia ghi nhận khoảng cách khá lớn so với hai nước đứng đầu. 


    3 phiên, Trung Quốc giảm 0,95% tỷ giá đồng nhân dân tệ

    Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4612CNY/USD, tương ứng mức giảm 0,35%.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Ngày 31/3, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4612CNY/USD, tương ứng mức giảm 0,35% so với phiên trước.

    Như vậy đây là phiên thứ 3 liên tiếp Trung Quốc giảm tỷ giá đồng nội tệ, hạ 0,95% so với phiên 28/3.

    Ngày 30/11, ban lãnh đạo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tổ chức một cuộc họp để đưa ra quyết định cuối cùng về việc đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ quốc tế của quỹ.

    Các chuyên gia IMF nhận định thì khả năng nhân dân tệ được "ngồi chung mâm" với 4 đồng tiền quyền lực hiện nay gồm đồng USD, yen Nhật, euro và bảng Anh là khá cao.


    Petro Vietnam đau đầu vì hai dự án trăm triệu USD thua lỗ

    Tổng đầu tư của hai nhà máy lên tới hơn 300 triệu USD nhưng đã lâm vào tình trạng thua lỗ triền miên...
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Hai nhà máy có vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) phải dừng hoạt động và có nguy cơ phá sản do thua lỗ nặng nề chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.

    Trong báo cáo tài chính mới nhất của Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM), doanh nghiệp này cho biết, đang có nguy cơ “mất trắng” khoản vốn đầu từ vào nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) tại Hải Phòng. 

    Đây là nhà máy có vốn đầu tư khá lớn, với hơn 320 triệu USD, trong đó DPM góp 25,99% vốn và Petro Vietnam góp 74% vốn.

    Trước đó, hồi cuối năm 2015, Petro Vietnam cũng cho biết, PVTex đã lỗ khoảng 1.255 tỷ đồng, trong đó âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, nhà máy này cũng đã lỗ 1.085 tỷ đồng.

    Theo Petro Vietnam, do hoạt động kém hiệu quả nên PVTex đã phải dừng vận hành từ ngày 17/9/2015 đến nay.

    PVTex được đầu tư từ năm 2008 và chính thức vận hành từ cuối tháng 5/2014. Khi đó, Petro Vietnam cho rằng, với việc ra đời PVTex, ngành dệt Việt Nam sẽ không phải đối mặt với việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

    Trước đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Phong Phú cũng đã rút lui khỏi dự án này, sau khi nhận thấy tình trạng không mấy khả quan của dự án.

    Đại diện DPM cho biết, một trong những khó khăn chính khiến công ty thua lỗ triền miên từ khi đi vào vận hành là giá dầu thô, bông giảm kỷ lục khiến giá bán sản phẩm của công ty, vốn đã ở mức thấp vì chất lượng, càng gặp khó (giá bán trung bình có năm thấp hơn thị trường 20 USD). Công ty luôn ở trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động. 

    Thêm vào đó, tỷ giá năm 2015 biến động mạnh làm tăng chi phí nguyên liệu đầu tăng cao, cạnh tranh quyết liệt với các nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nhà máy trong nước.

    Trong khi đó, khi nhà máy bắt đầu hoạt động thì nhiều kết quả thực tế chênh lệch lớn với tính toán khi triển khai dự án. Đơn cử như chi phí điện cả năm dự kiến chỉ 4,7 triệu USD nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD, dự định nhân công ban đầu là 460 người nhưng thực tế số lượng trên 1.000 người. 

    Giá sản phẩm xơ dự kiến là 1.550 USD một tấn nhưng thực tế chỉ 929 USD. Giá thành phẩm sợi trong tính toán là 2.400 USD nhưng hiện tại giảm xuống 1.324 USD một tấn.

    Đầu năm nay, PVTex đặt kế hoạch lỗ 501 tỷ đồng trong năm 2016, lỗ 112 tỷ đồng năm 2017. Hiệu quả dự án được tính từ năm 2018 trở đi.

    Một trường hợp tương tự cũng khiến Petro Vietnam thua lỗ nặng là nhà máy bio - ethanol Dung Quất, thuộc Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF), có tổng mức đầu tư 2.219 tỷ đồng, mới đây cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do chi phí sản xuất cao, khiến giá thành phẩm cao hơn giá thị trường, dẫn tới thua lỗ. 

    Đại diện BSR – BF cho hay, trên thực tế, nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ tháng 4/2015 và hơn 40 nhân công/tổng số 220 nhân công đã nghỉ việc, trong đó chủ yếu là các kỹ sư giỏi của nhà máy. Số còn lại phải chuyển sang làm công việc bảo dưỡng, duy tu hoặc làm bảo vệ trong lúc chờ nhà máy sản xuất lại. 

    Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000 m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy). Việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoảng lỗ trên 140 tỷ đồng.

    Lý giải về nguyên nhân đóng cửa, BSR – BF cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành của xăng sinh học E5 không thể cạnh tranh được với xăng RON 92, chỉ thấp hơn 1.230 đồng so với RON 92, trong khi người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xăng sinh học. 

    Mới đây, BSR - BF đã kiến nghị cơ quan thuế Quảng Ngãi xem xét tạm hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra năm 2016. Hiện dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng.

    Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp này ít nhất phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng, nhưng không có khả năng thanh toán.

    Trước đó, khi quyết định đầu tư, nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trworng kinh tế địa phương, chuyển hướng tích cực từ cây trồng khác sang cây nguyên liệu…

    Các cổ đông góp vốn tại BSR – BF bao gồm: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR (đơn vị quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) góp 60% vốn điều lệ, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) góp 30% vốn điều lệ; Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) góp 10% vốn điều lệ.

    Đổ xô săn đất ngoại ô Sài Gòn chờ tăng giá

    Ông Bình ngụ quận Tân Phú chuẩn bị gần chục tỷ đồng để săn đất ở quận 9 và Thủ Đức, TP HCM làm của để dành với kỳ vọng 5-10 năm nữa, các tài sản này có thể gia tăng giá trị gấp đôi. 
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Nhà đầu tư này tiết lộ, lý do ông đặt cược vào đất ngoại thành vì tin tưởng Sài Gòn đất chật, người đông, đô thị hóa sẽ nhanh chóng lan tới các quận xa trung tâm khiến giá đất tăng lên theo thời gian. 
    Ông Bình chia sẻ kinh nghiệm từng trải qua về xu hướng đầu tư nhà đất kiểu này. Cụ thể, căn nhà ông đang ở trước đây chỉ là thửa đất rộng 85 m2, tọa lạc trong khu vắng vẻ đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Năm 2000 ông bán căn nhà phố quận 10 để gom tiền làm ăn, trích ra 2 tỷ đồng mua đất bỏ thêm gần 2 tỷ đồng để xây căn nhà 3 tầng, một sân thượng. Thời đó, quyết định bỏ phố ra vùng ven chỉ thuần túy vì nhu cầu mở rộng không gian sống. Sau 15 năm, hiện nay giá thị trường của miếng đất này đã vọt lên 4,5 tỷ đồng.
    "Ngày xưa tôi về đây còn thưa thớt, giáp ranh chẳng có nhà nào. Bây giờ khu này sầm uất, nhà san sát nhau, hàng quán mọc đầy. Vùng ven thay da đổi thịt ngoài sức tưởng tượng. Hơn một thập niên, giá đất tại đây đã tăng hơn gấp đôi", ông nói. Từ bài học của quận Tân Phú, nhà đầu tư này cho hay, hoàn toàn có thể yên tâm bỏ tiền tậu đất ở các khu vực xa trung tâm, vùng ven để chờ cơ hội 5-10 năm tới.
    Trường hợp của ông Bình không phải là cá biệt. Theo tiết lộ của một môi giới nhà đất khu Đông TP HCM có thâm niên 5 năm trong nghề, làn sóng nhà đầu tư gom đất đã diễn ra mạnh mẽ suốt năm 2015 khi cơn lốc hạ tầng bùng nổ tại khu vực này. Xu hướng săn lùng đất đã phân lô hoặc đất lẻ trong dân vẫn tiếp tục tăng lên trong vài tháng đầu năm 2016. 
    Câu chuyện của ông Đồng thậm chí còn được xếp vào bài học điển hình về kinh nghiệm đầu tư đất ngoại thành chờ tăng giá tại TP HCM. Cách đây hơn 2 thập niên, từ những năm 1991, ông đã bán căn nhà phố mặt tiền đường Bùi Thị Xuân, quận 1, với giá 1.000 lượng vàng trong sự hoài nghi của mọi người. Ông bị cảnh báo là điên rồ vì thời điểm đó giá thuê căn nhà đã đạt 6.000 USD, có thể ngồi "mát ăn bát vàng".
    Mặc những bình luận khen chê, ông Đồng mang số vàng này mua đất ở khu Nam Sài Gòn, thời đó vẫn còn bị đánh giá là hẻo lánh xa xôi. Từ những năm 1995-1997 trở đi, ông đã thu gom được cả chục hecta đất Nhà Bè, quận 7, trong đó đáng chú ý là 5 căn biệt thự trong khu Phú Mỹ Hưng và hơn 5.000 m2 đất trên đường Huỳnh Tấn Phát. Theo đánh giá của giới buôn địa ốc, chiêu bỏ nhà phố mặt tiền gom quỹ đất lớn vùng ven của ông Đồng có thể mang lại nguồn thu tối thiểu là bạc trăm tỷ, thậm chí cao hơn. 
    Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam đánh giá: "Thu gom đất vùng ven TP HCM làm của để dành trong dài hạn là một cách đầu tư đầy khôn ngoan. Giá trị đầu tư ban đầu khá thấp nên khả năng sinh lời cao".
    Ông Nam phân tích, mặc dù cơ hội đầu tư đất vùng ven rất lớn nhưng không phải ai cũng có thể nhập cuộc chơi này. Điều kiện tiên quyết là cần có dòng vốn nhàn rỗi tuyệt đối, không bị áp lực về tài chính hàng tháng. Nói cách khác, nhà đầu tư phải có dòng tiền tốt, đủ sức chờ đợi cơ hội chỉ xuất hiện một đôi lần trong cả thập niên. 
    Kế đến, nhà đầu tư phải am hiểu các quy định về đất đai, mua đất có pháp lý rõ ràng, an toàn. Cần có một nhãn quan chiến thuật nhạy bén để lựa chọn quỹ đất tiềm năng trong dài hạn. Ví dụ: đất quanh các khu công nghiệp, gần nhiều nhà máy, các trục hạ tầng huyết mạch trong tương lai, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trường đại học... có thể cách xa khu trung tâm nhưng sớm muộn gì cũng nhích lên theo thời gian và tốc độ đô thị hoá. 
    Chuyên gia này cho rằng mua đất ngoại thành chờ tăng giá cần thời gian đầu tư khoảng 10 năm mới có đột biến. Lý do là phải có lộ trình để dân số tăng lên và chờ hạ tầng phát triển đồng bộ, hoàn thiện dần. Hiện nay khó có thể kỳ vọng vào mức tăng đột biến nhưng một hai thập niên trước đó, vì thị trường bất động sản đã thay đổi nhiều, định hình cụ thể và được tiếp cận nhiều hơn so với những giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những vị trí đất ở ngoại thành đầy tiềm năng. 
    Ông Nam dẫn chứng, làn sóng tăng giá đất quận 9 năm 2015 đã khiến một số vị trí tại quận ngoại thành này tăng giá đến 70-80%. Điển hình là đất phân lô dọc đường Nguyễn Duy Trinh, năm 2013 chỉ ở mức 6,5- 7,5 triệu đồng một m2, đến cuối năm 2015 khoảng 11-13 triệu đồng. 
    Nếu so khoảng thời gian đầu tư dài hơn, có thể xét đến khu Trung Sơn quận 7. Năm 2006 giá đất khu này khoảng 9 triệu đồng mỗi m2, hiện giờ đã lên khoảng 45 triệu. "Qua mỗi chu kỳ phát triển khác nhau, những cơn sốt đất có nhiều biến động khó đoán. Song, quy luật gần như bất biến là giá đất sẽ tăng theo thời gian, tuỳ thời điểm và vị trí. Do đó, đầu tư ở khu vực ngoại thành vẫn còn nhiều cơ hội trong dài hạn", ông nói. 

    Vì sao Đức và ECB hay “đụng độ” nhau?

    Câu trả lời hết sức đơn giản: cả hai dường như chẳng bao giờ có được tiếng nói chung về chính sách tiền tệ trong khu vực đồng tiền chung euro, nhận định của Tiến sỹ Michael Ivanovitch trong bài bình luận trên CNBC.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Thế thì câu hỏi đặt ra là: Làm sao lại có thể tồn tại những bất đồng về chính sách tiền tệ của ECB khi mà quyền hạn, được quy định trong một thỏa thuận do chính Đức là tác giả, có ghi rõ rằng ngân hàng này, chứ không phải một tổ chức nào khác, là nơi chịu trách nhiệm cho sự ổn định giá trong liên minh tiền tệ châu Âu?
    Thật vậy, làm sao lại có những tranh cãi công khai và dai dẳng giữa các thành viên đến từ Đức trong Hội đồng điều hành ECB (cơ quan chính đưa ra các quyết định của ngân hàng này) và những thành viên còn lại, khi mà mức lạm phát bình quân trong khu vực đồng euro, kể từ khi tổ chức này được thành lập, là 1,8%?
    Con số lạm phát gần đây của ECB thậm chí còn tốt hơn. Suốt một năm qua, lạm phát ở khu vực đồng euro chỉ quanh quẩn ở mức âm. Chẳng hạn như hồi tháng trước, lạm phát là âm 0,2%, gần tương đương với mức giảm phát âm 0,3% hồi tháng 2/2015. ECB hiện đưa ra mức dự báo là 0,1% cho cả năm nay, và đang mong đợi từ đây đến năm 2018 sẽ không chạm mức cao nhất trong mục tiêu từ 0%-2% của mình.
    Lẽ ra những điều đó phải khiến người Đức hạnh phúc chứ, vì ECB đã làm tốt hơn so với mức lạm phát bình quân của Đức là 2,23% trong suốt 20 năm qua, trước khi đồng euro được đưa vào sử dụng vào ngày 01/01/2002?
    Có lẽ vì Đức cho rằng các đợt cắt giảm lãi suất, mua tài sản và những công cụ chính sách tiền tệ “bất thường” khác của ECB đang đi quá xa, dù người của họ tại ECB cũng miễn cưỡng đồng ý rằng ECB nên “làm một điều gì đó” để đạt được mục tiêu lạm phát. Họ từng tranh luận rằng ECB đang mua các “tài sản xấu” và muốn ECB ngừng ngay chương trình đó, đồng thời nên tránh xa những quốc gia đang ngập trong nợ nần ở Eurozone, vì sợ người dân nước mình phải gánh chung món nợ “từ trên trời rơi xuống”.
    Ngược thời gian một chút về quá khứ, Đức và ECB cũng chẳng hề thiếu những chuyện “cơm không lành canh không ngọt” khi vào tháng 9/2011, vì phản đối việc ECB mua trái phiếu của Tây Ban Nha và Ý, một chuyên gia kinh tế trưởng người Đức của ECB đã giận dữ từ bỏ vị trí đang nắm giữ, nâng số vụ từ chức của người Đức khỏi Hội đồng điều hành ECB lên con số 2 trong năm 2011. Sau đó, Berlin đã kiện ECB ra Tòa án Hiến pháp Đức và Tòa án Công lý châu Âu, cáo buộc rằng ngân hàng này đã vi phạm quyền hạn của mình vì đã “cung cấp tài chính cho các Chính phủ bằng cách in thêm tiền”.
    Rồi tiếp theo đó, giữa cuộc suy thoái của khu vực đồng euro, Đức lại yêu cầu nhiều nước phải tuân thủ chế độ thắt lưng buộc bụng của mình thì mới giải cứu, bất chấp những ý kiến cho rằng đó là “một sự trừng phạt độc ác”. Kết quả là gì? Tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói tăng vọt, nhiều Chính phủ bị sụp đổ, các hệ thống kinh tế bị mất cân bằng nghiêm trọng, các đảng phái cực hữu ra đời.
    Gần đây, những bất đồng giữa Đức và ECB dường như lại diễn ra theo một hình thái khác khi một tạp chí của Đức gọi 13 tỷ euro thặng dư ngân sách và chi phí lãi suất ngày càng giảm cho nợ công của quốc gia này là “những quả hư trong khu vườn của Mario Draghi”. Còn Chủ tịch ECB Mario Draghi lại “gây bão” khi hồi đầu tháng 3 ông từng khen ý tưởng “cứu trợ trực tiếp” của Milton Friedman là “rất thú vị” nhưng cuối cùng đã “nói một đằng làm một nẻo” khi tiến hành một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ, kể cả áp dụng lãi suất âm. Ngay sau đó, một nhật báo của Đức đã trích dẫn ý kiến của một nhà phân tích người Đức rằng ông Mario Draghi bị “rối loạn tâm thần toàn diện”.  Xem ra chẳng “mèo nào muốn nhường miu” nào.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn