TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-08-2016

    Nhật Bản quyết định hoãn nới lỏng chính sách tiền tệ

    Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đã mở rộng chương trình mua quỹ ETF thêm 2,7 nghìn tỷ yên (26 tỷ USD) lên 6 nghìn tỷ yên mỗi năm trong một động thái tăng cường lòng tin trong bối cảnh thị trường tài chính biến động thời hậu Brexit và các thị trường mới nổi tăng trưởng chậm lại.

    Thống đốc Kuroda cũng nhắc lại rằng các biện pháp nới lỏng hơn nữa sẽ được đưa ra nếu cần thiết và rằng BOJ chưa chạm đến giới hạn chính sách.
    Quyết định giữ nguyên lãi suất và không nâng mục tiêu cơ sở tiền tệ được đưa ra sau khi các ngân hàng thương mại và thị trường trái phiếu tỏ ra lo ngại về tác động của các biện pháp nới lỏng khổng lồ của BOJ. Trong một động thái bất ngờ, BOJ cho biết sẽ tiến hành "đánh giá lại một cách toàn diện" về nền kinh tế và hiệu quả chính sách của BOJ trong phiên họp tiếp theo vào 20-21/9. Việc đánh giá lại này sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát.
    Bằng hành động đưa ra hôm thứ Sáu 29/7, Thống đốc BOJ Kuroda, 71 tuổi, đã bày tỏ sự ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - người mà 2 ngày trước đó đã công bố gói kích thích tài khóa trị giá 28 nghìn tỷ yên nhằm thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. BOJ cũng đang chịu áp lực ngày một tăng từ các quan chức chính phủ trong việc phải hành động sao cho phù hợp với gói kích thích.
    BOJ vẫn giữ mục tiêu mở rộng cơ sở tiền tệ ở 80 nghìn tỷ yên mỗi năm, thực hiện chủ yếu thông qua việc tăng lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng giữ nguyên lãi suất ở mức âm 0,1%, đồng thời tăng gấp đôi chương trình cho vay bằng USD lên 24 tỷ USD nhằm hỗ trợ các công ty và định chế tài chính nước này.
    Động thái "hạn chế" của BOJ đưa ra hôm 29/7 đã khiến yên tăng giá - tăng 1,3% so với USD lên 103,86 JPY/USD lúc 17h13 tại Tokyo.
    Hầu hết các nhà kinh tế học đều dự đoán BOJ sẽ hành động hơn nữa nhất là khi kỳ vọng lạm phát giảm và tăng trưởng trì trệ.
    BOJ đã hạ dự báo lạm phát cho năm tài khóa 2016 (kết thúc vào tháng 3/2017) từ 0,5% xuống 0,1%, trong khi vẫn giữ mức dự báo cho năm tiếp theo là 1,7%.
    Lạm phát yếu chủ yếu do giá hàng hóa giảm, yên mạnh lên và chi tiêu dùng nhỏ giọt. Các chỉ số của tháng 6 vẫn cho thấy mức tiêu dùng ở mức thấp, với chi tiêu của hộ gia đình ở Nhật Bản giảm 2,2% so với một năm trước và thấp hơn so với dự đoán của các nhà phân tích.

    Trong khi đó, thị trường lao động Nhật Bản đang trở nên ‘căng’ hơn. Số liệu công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 1995, ở 3,1%.(NCĐT)

    Nhân dân tệ tiếp tục phục hồi khi USD suy yếu

    Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay (1/8) trong bối cảnh đồng USD đang suy giảm trên các thị trường toàn cầu sau số liệu tăng trưởng GDP quý 2 đáng thất vọng của Mỹ.

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Theo đó, sáng nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với USD ở mức 6,6277 nhân dân tệ/USD, tăng 234 điểm cơ bản so với mức tỷ giá tham chiếu của phiên cuối tuần trước. Tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ so với USD trên thị trường ngoại hối Trung Quốc thời điểm mở cửa sáng nay ở mức 6,6340 nhân dân tệ/USD, song đến thời điểm trưa nay đã giảm nhẹ xuống còn 6,6346 nhân dân tệ/USD.

    Trên thị trường nước ngoài, đồng nhân dân tệ được giao dịch thấp hơn so với trên thị trường nội địa 0,05%, ở mức 6,6379 nhân dân tệ/USD.

    Kể từ khi đồng nhân dân tệ tụt xuống mức 6,7 nhân dân tệ/USD vào ngày 18/7, đồng tiền này đã phục hồi nhẹ trở lại khoảng 0,7%, theo các nhà phân tích, có thể là do động thái can thiệp của ngân hàng trung ương nước này.

    Theo giới thương nhân, nhu cầu đồng USD tại thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn buộc các ngân hàng thương mại phải bán USD để hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ.

    Được biết, tính từ đầu năm đến nay, đồng nhân dân tệ đã mất giá 2,2% mà nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với việc tăng trưởng giảm tốc.(TBNH)

    Châu Á sẽ nới lỏng chính sách nếu Brexit gây hệ lụy lớn

    Cùng với việc thị trường toàn cầu biến động mạnh sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh được công bố vào tháng trước thì dường như châu Á trong quãng thời gian này cũng không còn là tâm điểm quan tâm của thị trường thế giới.

    Hậu Brexit, tâm điểm chú ý lại dồn về châu Á

    Nhưng xét đến tình trạng tăng trưởng tiếp tục suy yếu ở châu Âu mà Brexit là yếu tố tác động quan trọng thì châu Á sẽ là khu vực đầu tiên trên thế giới chịu tác động. Thực tế, trong các nhận định của nhiều tổ chức như một số báo cáo gần đây của Ngân hàng HSBC đều hạ mức dự báo tăng trưởng ở toàn khu vực và một khuyến nghị chung được nhấn mạnh là chính phủ các nước cần thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.

    nhieu nen kinh te khu vuc duoc du bao se noi long cstt

    Nhiều nền kinh tế khu vực được dự báo sẽ nới lỏng CSTT

    Nếu chỉ nhìn bề ngoài, mọi việc dường như không quá tệ. Số liệu PMI tháng 6 cho thấy nhóm ngành sản xuất đã tăng nhanh trước khi diễn ra sự kiện Brexit, và GDP Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II vừa qua, cao hơn mức kỳ vọng.

    Tuy nhiên, không còn là tâm điểm chú ý không có nghĩa châu Á “bỗng nhiên” thoát khỏi thời kỳ khó khăn. Đơn cử tại Trung Quốc, khoảng cách giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân ngày càng lớn và với tính chất phân rẽ ngày càng tăng đang là mối quan ngại hiện tại.

    Với thị trường bất động sản đang dần suy yếu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện ngày càng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn. May mắn là chính quyền Trung Quốc vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào, nhưng vẫn rất cần một chính sách nới lỏng quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, kiềm chế áp lực giảm phát.

    Về thương mại, xuất khẩu bất ngờ khởi sắc trên toàn châu lục trong tháng 6 vừa qua nhờ tác động của hiệu ứng cơ bản và giá hàng hóa tăng cao. Nhưng vẫn chưa có đầy đủ dấu hiệu thuyết phục chứng tỏ thương mại đang phục hồi.

    Tăng trưởng kinh tế EU và Anh được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2017 do đó châu Á cũng không nên kỳ vọng quá nhiều, nhất là khi thị trường lao động và số liệu bán lẻ ở Mỹ dù đã cải thiện nhưng không đồng nghĩa việc nhu cầu nhập khẩu gia tăng do chu kỳ vốn tài sản kinh doanh cố định đang suy yếu.

    Điều này cho thấy, chính quyền các nền kinh tế trong khu vực sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Cụ thể, HSBC dự báo NHTW Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định quan trọng vào cuối tháng này và hầu hết các NHTW trong khu vực sẽ quyết định hạ lãi suất trước quý IV tới.

    Sẵn sàng các chính sách đối phó

    Brexit vẫn chưa mang đến những hệ quả rõ ràng. Dù thị trường tiền tệ là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng với đồng bảng Anh và một số đồng tiền khác ngay lập tức giảm giá do tâm lý thị trường.

    Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các nền kinh tế tại châu Á có thể đứng vững trước những biến động do Brexit gây ra vì kinh tế châu Á không phụ thuộc nhiều vào châu Âu. Thậm chí nếu những bất ổn do Brexit gây ra có nguy cơ lan đến châu Á, chính quyền các nước trong khu vực sẽ áp dụng những chính sách phù hợp nhằm làm dịu các ảnh hưởng.

    Thương mại và đầu tư là hai kênh chính mà Brexit có thể tác động đến các quốc gia châu Á. Về thương mại, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đến Mỹ và Trung Quốc đã giảm liên tục trong vài năm trở lại đây, trong khi vận chuyển đến EU lại tăng. Do đó, xuất khẩu đến EU có thể sẽ gặp một số rủi ro suy giảm nếu tăng trưởng của châu Âu suy yếu đi vì một số nguyên nhân, trong đó có Brexit.

    Tuy nhiên, nếu nhìn vào kim ngạch xuất khẩu đến Mỹ, Anh và EU theo tỷ lệ phần trăm trên GDP thì những quan ngại này có thể lắng dịu phần nào. Bởi các số liệu cho thấy, xuất khẩu đến thị trường Mỹ trong năm 2015 tính theo % trên GDP cao hơn kim ngạch xuất khẩu đến hai khu vực còn lại.

    Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của các nước châu Á (loại trừ Nhật Bản) đến Mỹ đạt mức 13,7%, cao hơn EU (11,8%) và Anh (1,7%).Hơn nữa, tỷ lệ xuất khẩu đến Anh và châu Âu trên tổng sản lượng xuất khẩu đã giảm trong thập kỷ qua đối với tất cả các quốc gia châu Á, ngoại trừ Trung Quốc.

    Vì vậy, xét về xuất khẩu, châu Á không có nhiều giao thương với thị trường Anh và trong một thập kỷ trở lại đây, châu Á đã không còn phụ thuộc nhiều vào châu Âu như trước.

    Điều này cho thấy, châu Á sẽ vẫn chịu tác động của Brexit như những gì chúng ta từng chứng kiến trước đây khi khủng hoảng khu vực đồng Euro năm 2011 diễn ra. Tuy nhiên, tác động của Brexit sẽ không còn nghiêm trọng như vậy.

    Khả năng chịu tác động nhưng không lớn cũng là kịch bản với kênh đầu tư. Mặc dù tỷ lệ vốn FDI của các nước EU vào châu Á đã tăng từ 4,8% năm 2009 lên 7,4% trong năm 2014 nhưng EU vẫn chỉ là nguồn cung FDI nhỏ.

    Dựa trên mô hình Tổng Vốn Cố định (Gross Fixed Capital Formation – GFCF), các chuyên gia HSBC chỉ ra, hầu hết các quốc gia châu Á, kể cả Trung Quốc, đều không nhận lượng FDI đáng kể từ EU hay Anh.

    Tóm lại, các nền kinh tế châu Á có thể đứng vững giữa những biến động thị trường do Brexit gây ra vì kinh tế châu Á không phụ thuộc nhiều vào châu Âu. Lượng dự trữ phù hợp cũng sẽ giúp thị trường tài chính ổn định.

    Tuy nhiên, nếu những biến động thị trường trở nên trầm trọng và ảnh hưởng lan đến châu Á, các chính quyền khu vực có thể lựa chọn những giải pháp nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Đơn cử, nới lỏng CSTT có thể giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng ở một mức độ nhất định.

    Hay một lựa chọn khác là điều chỉnh CSTK (theo hướng tăng chi tiêu) sẽ giúp khu vực tự tin đối mặt với tình trạng suy giảm nhu cầu trên thế giới. Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ lựa chọn giải pháp này.(TBNH)

    Afghanistan chính thức gia nhập WTO sau 12 năm đàm phán

    Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 29/7, Afghanistan đã trở thành thành viên đầy đủ thứ 164 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi hoàn tất các thủ tục đàm phán gia nhập kéo dài gần 12 năm. 
    Afghanistan đã nộp đơn gia nhập WTO năm 2004 và quá trình đàm phán gia nhập tổ chức này đã kết thúc vào tháng 11/2015.
    Các thành viên WTO đã thông qua việc kết nạp Afghanistan tại Hội nghị bộ trưởng WTO diễn ra ở Nairobi (Kenya) vào ngày 17/12/2015. 
    Afghanistan là quốc gia thứ 9 thuộc nhóm các nước chậm phát triển gia nhập WTO kể từ khi tổ chức này thành lập năm 1995. 
    Ngay trước Afghanistan, Liberia cũng là quốc gia thuộc nhóm các nước chậm phát triển, đã chính thức trở thành thành viên thứ 163 của WTO hồi giữa tháng 7 này. Đến nay, nhóm các nước chậm phát triển chiếm 1/5 tổng số thành viên WTO (36/164). 
    WTO được thành lập ngày 1/1/1995 với tiền thân là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1947, là tổ chức quốc tế duy nhất thực hiện chức năng giám sát các hoạt động trong lĩnh vực thương mại thế giới với mục đích chính là đảm bảo tự do thương mại và công bằng trong các điều kiện cạnh tranh. 
    WTO đảm nhiệm việc quản lý thực hiện các hiệp định của WTO, diễn đàn đàm phán về thương mại, giải quyết các tranh chấp về thương mại, giám sát các chính sách thương mại của các quốc gia, trợ giúp kỹ thuật và huấn luyện cho các nước đang phát triển, hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. 

    Hiện có 19 nước đang tiến hành đàm phán gia nhập WTO, trong đó có 7 nước châu Phi.(VN+)

    Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ thảo luận nhiều vấn đề nóng

    Chiều 31/7, tại thủ đô Vientiane, Đại diện Bộ Công Thương Lào đã tổ chức cuộc họp báo công bố về Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Vientiane từ ngày 1-6/8 tới.
    Phát biểu tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách Ngoại thương, Bộ Công Thương Lào, ông Laohoua Cheuching cho biết trong hai ngày 1 và 2/8 sẽ diễn ra Hội nghị các quan chức kinh tế cấp cao và Hội nghị các quan chức kinh tế cấp cao tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV). 
    Trong ngày 3/8 sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM 48); Hội nghị Hội đồng Khu vực Mậu dịch tự do lần thứ 30 (AFTA 30); Hội nghị Hội đồng đầu tư ASEAN lần thứ 19 (AIA 19) và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48.
    Từ ngày 4-6/8 sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các nước đối tác của ASEAN trong đó có Hội nghị cấp bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV, cùng nhiều hội nghị khác.
    Theo ông Laohoua Cheuching, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 sẽ thảo luận và theo dõi các vấn đề đã được trao đổi tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 22 tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan) vào tháng 3 vừa qua. Các bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ tập trung bàn bạc 8 ưu tiên của Trụ cột kinh tế, dự kiến sẽ được thông qua tại hội nghị lần này. 
    Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ trao đổi các tiêu chí xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đề ra kế hoạch và phương hướng trong tổ chức thực hiện Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Hội nghị cũng sẽ thông qua các văn kiện quan trọng của ASEAN và ASEAN với các nước đối tác cũng như kế hoạch phương hướng phát triển trong thời gian tới.

    Hiện đã có 590 quan chức kinh tế đến từ các nước ASEAN và các nước đối tác đăng ký tham dự 22 hội nghị sẽ diễn ra trong thời gian nói trên ở thủ đô Vientiane.(vietnamplus)

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn