TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 04-08-2016

    Dư nguồn cung xi măng không ít chông chênh

    Tiêu thụ xi măng dẫu đã được cải thiện tại thị trường nội địa, kèm theo đó là xuất khẩu được duy trì, khiến kết quả hoạt động trong gần 7 tháng đầu năm của các doanh nghiệpxi măng đều có lãi. Dẫu thế, tương lai tiêu thụ những tháng còn lại của năm 2016 vẫn chưa dễ dàng do cầu tăng chậm, thị trường lại có thêm nguồn cung mới.

    Theo số liệu của Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), 6 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt gần 39 triệu tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 51% kế hoạch. Ước tính, trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đã đạt 44 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu đạt gần 10 triệu tấn.

    Căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2016 khoảng 75 - 77 triệu tấn, tăng 3,2 - 6% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 59 - 60 triệu tấn (tăng 4,5% - 6,3%),  xuất khẩu 16 - 17 triệu tấn (tương đương năm 2015).

    ..

    Trong số các doanh nghiệp xi măng thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã CK: BTS) công bố mức lợi nhuận quý II tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, với khoản  lãi từ chênh lệch tỷ giá là 17,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 50 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận riêng quý II của BTS đạt 70 tỷ đồng. Nhưng do quý I/2016 lợi nhuận giảm mạnh (giảm 116 tỷ đồng so với cùng kỳ) nên tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2016 của BTS chỉ đạt 91 tỷ đồng. Theo giải trình của bà Lê Thị Khanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán (CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn), do quý I lãi thấp, nên lợi nhuận sau thuế  lũy kế chỉ đạt 72,3 tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm 2015.

    Một “đại gia” xi măng thuộc họ Vicem là CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên 1 (HT1) cũng không khá khẩm hơn. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, Xi măng Hà Tiên 1 đạt 3.928 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 371 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Với mục tiêu đạt 957 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kết thúc nửa đầu năm 2016, HT1 đã hoàn thành được 47,5% kế hoạch cả năm 2016. Do cạnh tranh trong tiêu thụ xi măng ngày càng lớn, tính đến 30/06/2016, hàng tồn kho của HT1 ở mức 748,3 tỷ đồng, tăng 22,6% so với đầu năm.

    Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Vicem cho rằng, tiêu thụ xi măng vẫn đang là vấn đề lớn của Vicem và các doanh nghiệp thành viên do thị trường dư thừa nguồn cung. Dù sở hữu các Nhà máy sản xuất từ Bắc đến Nam và địa bàn tiêu thụ trải rộng, nhưng nhà sản xuất nắm giữ 37% thị phần trên thị trường xi măng Việt Nam vẫn khẳng định, công tác củng cố và mở rộng thị trường vẫn đang được Vicem và các doanh nghiệp thành viên rốt ráo triển khai.

    Tìm kiếm các giải pháp gia tăng thị phần và mở thêm địa bàn tiêu thụ của Vicem cùng các doanh nghiệp thành viên là việc không thể chậm trễ hơn, nếu muốn duy trì “phong độ” của nhà sản xuất, sở hữu các nhà máy có công suất gần 25 triệu tấn/năm.

    Kèm theo đó, giá bán xi măng được Vicem thống nhất giữ giá trong thời gian dài, tránh gây xáo trộn để ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ, dù chi phí đầu vào tăng. Tại thời điểm này, giá xi măng PCB30 của Hoàng Thạch được bán là 1,270 triệu đồng/tấn, PCB40 Tam Điệp có giá 1,170 triệu đồng/tấn, PCB40 Hoàng Mai giá 1,250 triệu đồng/tấn…

    Thị phần của các nhà sản xuất hiện hữu như Vicem, Cẩm Phả, Thăng Long, khối xi măng Liên doanh đều có nguy cơ bị chia sẻ. Bởi theo kế hoạch, trong tháng 10 tới, thị trường xi măng trong nước sẽ đón thêm một dây chuyền 2,3 triệu tấn (6.000 tấn clinker/ngày) thuộc Nhà máy xi măng Long Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) do Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động. Cộng thêm với dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Công Thanh, công suất 3,6 triệu tấn hoàn thành chưa đầy 1 năm, rồi Vicem Bỉm Sơn… khiến địa bàn Thanh Hóa dày đặc nhà cung cấp với sản lượng gần chục triệu tấn.

    Chưa hết, trong đầu quý IV/2016, Nhà máy xi măng Sông Lam, công suất  “khủng” 4 triệu tấn/năm sẽ được Tập đoàn Xi măng The Vissai đưa vào hoạt động giai đoạn I.

    Rõ ràng, trước thực trạng cung vượt cầu trên thị trường xi măng hiện nay, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều đưa ra nhiều giải pháp ứng phó. Nhưng, sức hấp thụ của thị trường có hạn, xuất khẩu cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá của Thái Lan, Trung Quốc, đẩy sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu giảm, thì tương lai của các doanh nghiệp xi măng, đặc biệt là các doanh nghiệp mới ra thị trường, sản phẩm chưa có thương hiệu, lại gánh nặng trên vai lãi vay đầu tư với không ít chông chênh.(BĐT)

    Chuỗi cửa hàng Cà phê Vpresso mở rộng nhượng quyền tại Việt Nam

    Với kế hoạch nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam từ 20 – 50 trong thời gian tới, ngoài Hà Nội, cà phê Vpresso sẽ bắt đầu thâm nhập thị trường TP.HCM, Đà Nẵng và phần lớn hoạt động theo mô hình nhượng quyền.

    Công ty May Emerald (Hàn Quốc), sở hữu thương hiệu Cafe Vpresso đang lên kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng này tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. 

    Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2011, thương hiệu cafe Vpresso có số vốn ban đầu là 100.000 USD, và hiện nay đã lên 500.000 USD đã trở nên quen thuộc với nhiều người sành cafe và các bạn trẻ năng động. Tuy nhiên, Vpresso mới chỉ mở rộng tại thị trường Hà Nội, hiện có 11 cửa hàng tại Hà Nội, trong đó 9 cửa hàng cà phê, đã nhượng quyền 3 cửa hàng, và 2 chuỗi đang hoạt động theo hình thức nhà hàng. 

    Ngày 1/8/2016, công ty sẽ khai trương cửa hàng thứ 12 tại 45 Lý Quốc Sư (Hà Nội). Đây là một địa điểm ở phố cổ rất hấp dẫn giới trẻ và khách du lịch, phù hợp với văn hóa thưởng thức cà phê của Việt Nam là nhâm nhi và ngồi trò chuyện. 

    ca phe vpresso hien co 11 cua hang tai ha noi va chuan bi mo cua hang thu 12

    Cà phê Vpresso hiện có 11 cửa hàng tại Hà Nội và chuẩn bị mở cửa hàng thứ 12

    Ông Sung Seung Hoon, Tổng giám đốc Công ty May Emerald cho biết: “Việt Nam là một cường quốc mạnh về sản xuất cà phê và nhiều tiềm năng phát triển thị trường cà phê. Nhiều thương hiệu khác đều đang phát triển rất tốt các dòng cà phê truyền thống, nhưng để “đi" nhanh hơn, chúng tôi hướng tới mục tiêu đa dạng hoá các loại cà phê, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu cho người tiêu dùng”. 

    Được biết, Vpresso tự mua cà phê ở các nông trại Đà Lạt sau đó về nhà máy chế biến rang xay thành các vị cafe riêng của nó. Với hệ thống máy móc, nhà xưởngđầu tư hiện đại, cà phê nhân được chuyển ra đều đạt các tiêu chuẩn chât lượng như độ ẩm, quy cách đóng bao, kích thước hạt...

    moi san pham ca phe vpresso mang den mot cau chuyen thu vi khac nhau

    Mỗi sản phẩm cà phê Vpresso mang đến một câu chuyện thú vị khác nhau

    Sau khi được phân loại, cà phê sẽ được rang và đóng gói thành 7 dòng sản phẩm khác nhau nhằm đáp ứng khẩu vị của đa dạng các đối tượng khách hàng. Theo nguyên tắc riêng, Vpresso chỉ sử dụng hạt cà phê rang xay trong vòng 10 ngày kể từ ngày rang để giữ được độ tươi và hương vị của nó. Mỗi sản phẩm này lai mang đến một câu chuyện thú vị khác nhau

    Chẳng hạn, cà phê số 5 là sự kết hợp đầu tiên của Vpresso. Đây là hương vị dễ uống khiến chúng tôi nhớ đến trải nghiệm đầu tiên với vị trí người làm cà phê; Số 5 theo quan niệm tâm linh còn là con số mang ý nghĩa tích cự, tượng trưng cho sự lựa chọn cuộc sống tích cực, phiêu lưu. Đây chính là loại cà phê dẫn đường chúng tôi trở thành những nhà thám hiểm trong lĩnh vực cà phê;  Cà phê số 84 chính là mã vùng của Việt Nam, mang ý nghĩa sự nguyên bản, cà phê nguyên bản của Việt Nam. 100% hạt cà phê Robusta; Cà phê số 50 sẽ mang đến sự cân bằng. Được làm từ loại cà phê cân bằng, tròn trịa và mượt mà nhất. Đây là sự kết hợp giữa hạt Arabica và Robusta, mang đến hương vị độc đáo nhất từ 2 loại cà phê này.

    Đáng chú ý trong chiến lược nhượng quyền của May Emerald, cà phê Vpresso không nhằm mục đích bành trướng nhiều cửa hàng mà chú trọng chất lượng, các bên nhận nhượng quyền sẽ được đào tạo kiến thức tại nhà máy, xưởng chế biến và học viện cà phê. (BĐT)

    DIC Corp và bài toán xoay sở trong chiếc chăn hẹp

    Nhìn vào danh mục các dự án mà “đại gia” Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG, sàn HOSE) đang triển khai, các cổ đông có đủ lý do để vừa vui mừng, vừa lo lắng.
    anh minh hoa. nguon: internet

    Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

    Cụ thể, với hình ảnh và tầm vóc hiện tại của DIC Corp, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu DIG không thể không tự hào với hàng loạt đại dự án bất động sảnmà đại gia ngành xây dựng này đang có trong tay. Đặc biệt, định hướng tập trung vào phát triển lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng là một chiến lược hợp thời, khi mà nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đang và sẽ gia tăng nhanh chóng.

    Hiện tại, quy mô vốn của DIC Corp cũng không nhỏ, với trên 2.300 tỷ đồng, nhưng nếu đem số tiền này so với danh mục hàng chục dự án bất động sản, tất cả đều là các đại dự án hàng nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư cũng thận trọng, đôi khi phải chùn tay, để suy nghĩ về năng lực tài chính của DIC Corp so với những tham vọng mà đại gia này đang ấp ủ.

    Mới đây, DIC Corp đã phần nào xoa dịu các nhà đầu tư bằng kết quả kinh doanh 6 tháng với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng tốt so với năm ngoái. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất - kinh doanh đạt 3.146,7 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2015; tổng doanh thu đạt 2.194 tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm 2015… Quan trọng nhất, con số lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tốt với giá trị đạt 47,5 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015.

    Tuy nhiên, điều đáng nói là, do những tham vọng của doanh nghiệp này khá lớn, nên hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, giá trị sản xuất - kinh doanh chỉ đạt 46,3% kế hoạch năm, doanh thu mới đạt 45,7 % kế hoạch năm, vốn đầu tư phát triển mới đạt 44,8% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 31,7% kế hoạch năm.

    Mặc dù DIC Corp vẫn còn nửa năm nữa để tăng tốc và hiện thực hóa các mục tiêu, nhưng sức ép đối với đại gia này trong nửa năm còn lại rõ ràng là không nhỏ. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2016, DIC sẽ phải đạt tổng giá trị sản xuất - kinh doanh 3.653,3 tỷ đồng (cao hơn 500 tỷ đồng so với nửa đầu năm), tổng doanh thu 2.606 tỷ đồng (cao hơn gần 400 tỷ đồng so với nửa đầu năm), lợi nhuận trước thuế 102,5 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần nửa đầu năm).

    Rõ ràng, trong cuộc đua giữa các đại gia, việc đặt ra các mục tiêu cao là cần thiết để không bị tụt lại phía sau đường chạy đầy cam go. Song cuộc thử lửa sắp tới của DIC Corp có thể thành công đến đâu hoàn toàn còn phụ thuộc vào tài cầm lái của các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp này.

    Liên quan đến việc phân bổ nguồn lực cho danh mục dự án khá dài của DIC Corp, chia sẻ với các nhà đầu tư cách đây ít lâu, ông Trần Minh Phú, Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, khi xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển dự án năm 2016, Hội đồng quản trị và Ban điều hành đã thực hiện phân kỳ đầu tư theo nhóm mức độ ưu tiên. Cụ thể kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 cho các dự án ưu tiên 1 khoảng 854 tỷ đồng; các dự án thuộc nhóm 2 với kế hoạch vốn đầu tư khoảng 75 tỷ đồng.

    Ngoài ra, DIC Corp cũng có danh mục các dự án sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý trong năm 2016 và công ty này dự kiến dành 33 tỷ đồng cho nhóm này. Đó là các dự án Khu đô thị du lịch Phương Nam (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu du lịch nghỉ dưỡng An Hải (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu du lịch tại Cửa Cạn (Phú Quốc); Khu đô thị An Thới (huyện Phú Quốc, Kiên Giang); Khu phức hợp Cap Saint Jacques; Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Riêng Dự án Khu biệt thự đồi An Sơn (TP. Đà Lạt) không được bố trí vốn, chỉ thực hiện công tác chuyển nhượng sản phẩm.

    Theo nhận định của doanh nghiệp, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ phát triển mạnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, do đó năm 2016 là năm khởi đầu cho hàng loạt công trình bất động sản nghỉ dưỡng của DIC Corp. Đây là các dự án gia tăng lợi thế rất lớn như tăng nguồn thu ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu thị trường.(BĐT)

    PJICO: Lợi nhuận 6 tháng tăng 22,6%

    Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex – PJICO (mã PGI, sàn HOSE) cho biết, tổng doanh thu bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm 2016 của PJICO đạt gần 1.200 tỷ đồng.
    giam dinh xe o to, thu thap thong tin khach hang phuc vu cong tac giai quyet boi thuong

    Giám định xe ô tô, thu thập thông tin khách hàng phục vụ công tác giải quyết bồi thường

    Theo đó, doanh thu bảo hiểm gốc của PJICO đạt mức tăng trưởng 8,8% so với cùng kỳ năm 2015, Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 80,4 tỷ đồng và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Ước bồi thường bảo hiểm gốc đạt 439 tỷ đồng, chiếm 37,4% doanh thu bảo hiểm gốc, tăng 3% so với 6 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, số trích lập dự phòng ước giảm khoảng 31 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

    Theo từng lĩnh vực cụ thể, doanh thu bảo hiểm ô tô ước đạt gần 480 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với 6 tháng đầu năm 2015. Tỷ lệ bồi thường toàn Tổng Công ty ước là 48%, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Doanh thu 6 tháng đầu năm nghiệp vụ bảo hiểm xe máy đạt khoảng 60 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường ước khoảng 10%.

    Doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 trong bảo hiểm sức khỏe ước đạt 124 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2015 và hoàn thành 42,3% kế hoạch doanh thu cả năm. Tỷ lệ bồi thường khoảng 57%, tương đương 6 tháng đầu năm 2015.

    Đối với bảo hiểm hàng hóa, doanh thu 2 quý đầu năm đạt khoảng 95 tỷ đồng, hoàn thành 43,6% kế hoạch doanh thu năm 2016.

    Doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy toàn Tổng Công ty ước thực hiện được trong 6 tháng khoảng 150 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2015. Tỷ lệ bồi thường ước khoảng 30%. 

    Doanh thu nghiệp vụ Tài sản – Kỹ thuật – Hỗn hợp 6 tháng 2016 ước đạt 215 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ 2015.

    Dự kiến doanh thu 6 tháng đầu năm qua kênh khai thác qua môi giới - Bancassurance đạt 70 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm 2015 và hoàn thành 54% kế hoạch năm.

    Doanh thu đầu tư của Tổng Công ty tính đến hết 30/06/2016 ước đạt 73 tỷ đồng,  tăng trưởng 14% so với 6 tháng đầu năm 2015.

    Mới đây, PJICO vừa được xếp hạng thứ tư trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Việt Nam uy tín năm 2016 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo VietnamNet xây dựng và đánh giá.

    3 tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực các doanh nghiệp bảo hiểm trong Bảng xếp hạng là năng lực tài chính, uy tín truyền thông và mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp.

    Ngoài ra, kết quả đánh giá cũng dựa trên một cuộc điều tra doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 6/2016 về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới và triển vọng kinh doanh năm 2016. (BĐT)

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn