TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-07-2016

    Đấu giá nhập khẩu 85.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan 2016

    Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BCT quy định về nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016.

    Theo đó, Thông tư này quy định lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường và nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 đối với các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2016.

    luong duong dau gia (ma hs 1701) nhap khau theo han ngach thue quan nam 2016 la 85.000 tan.

    Lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 85.000 tấn.

    Lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 85.000 tấn.

    Việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.

    Bộ Công Thương thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá ban hành Quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016.

    Sau khi có Báo cáo kết quả đấu giá của Hội đồng đấu giá, Bộ Công Thương có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá. Khi làm thủ tục nhập khẩu đường, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, thương nhân xuất trình văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của Bộ Công Thương với Chi cục Hải quan cửa khẩu.


    Trong 6 tháng, các quỹ đầu cơ mất 2,9 nghìn tỷ USD

    Những biến động xung quanh đồng nhân tệ và kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Anh về việc rời EU đã góp phần khiến các quỹ đầu cơ có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ảm đạm nhất kể từ năm 2011.

    Kết quả này thực sự gây sốc với nhiều người trong ngành do những dự dự báo tăng trưởng lạc quan trên thị trường trong vài năm qua. Hàng tỷ USD đã và đang được rút khỏi các quỹ do những dự đoán về khả năng thị trường đi xuống sẽ còn tiếp tục bên cạnh những chỉ trích không có đủ tài năng làm việc trong ngành.

    Tính đến 29/6, tài sản của các quỹ đầu cơ đã giảm 1,1%, tệ nhất trong 5 năm qua (6 tháng đầu năm 2011, mức giảm là 2,1%). Trong số bị lỗ có cả những tên tuổi lớn như quỹ đầu tư của tỷ phú Bill Ackman – tiếp tục mất tiền sau một năm kinh doanh ảm đạm. Một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất châu Âu, Lansdowne Partners cũng lỗ 14% trong khi tài sản của một quỹ đầu tư con trực thuộc cũng giảm gần 16%.

    dien bien tang truong cua chi so cac quy dau co (trang) so voi loi nhuan cua s&p500 (xanh)

    Diễn biến tăng trưởng của chỉ số các quỹ đầu cơ (trắng) so với lợi nhuận của S&P500 (xanh)

    Hồi đầu năm, đồng nhân dân tệ trượt giá khiến ngành đầu cơ dự phòng mất khoảng 2,8% tài sản. Những tháng sau đó, chính sách rủi ro chặt chẽ khiến một số quỹ đồng thời bán ra cùng loại cổ phiếu khiến thị trường sụt giảm. Kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU vào cuối tháng 6 càng khiến tình hình thêm trầm trọng.

    Kết quả kinh doanh tệ hại khiến nhà đầu tư nhanh chóng rút tiền khỏi các quỹ.


    Thu hút FDI và quyền lựa chọn dự án của Việt Nam

    Sự cố môi trường nghiêm trọng do dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay gây ra - Formosa Hà Tĩnh, đã lại một lần nữa đặt ra vấn đề “quyền lựa chọn” của Việt Nam trong thu hút FDI.

    “Quyền lựa chọn” trong thu hút FDI trên thực tế đã được nhắc tới rất nhiều vào thời điểm Việt Nam tổng kết thu hút 25 năm thu hút FDI. Bởi khi ấy, sau giai đoạn chạy đua trải thảm đỏ thu hút FDI, các nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội đã hiểu ra rằng, không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá nữa.

    “Quan điểm của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã một lần nữa khẳng định điều này tại phiên họp báo chuyên đề của Chính phủ về nguyên nhân cá chết ở 4 tỉnh ven biển miền Trung hôm 30/6/2016.

    du an formosa ha tinh. anh: the an

    Dự án Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Thế An

    Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, sau tổng kết 25 năm thu hút FDI, các định hướng mới trong thu hút FDI đã được nhất quán. Đó là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

    “Tôi xin nhắc lại là thân thiện với môi trường. Đây là định hướng rất quan trọng trong Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về thu hút FDI”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.

    Điều đó có nghĩa rằng, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện quyền lựa chọn của mình. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, điều đáng lo ngại là “quyền lựa chọn” đó không thuộc ở Trung ương nữa, mà thuộc về các địa phương thông qua cơ chế phân cấp quản lý đầu tư. “Các tỉnh, ban quản lý các khu công nghiệp được quyền lựa chọn những dự án cho mình, do đó, không thực thi quyền lựa chọn và không biết quyền lựa chọn”, ông Nguyễn Mại nói.

    Thực tế, sau tổng kết 25 năm thu hút FDI, không ít địa phương đã nói không với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những ám ảnh thành tích vẫn luôn khiến các địa phương dành nhiều ưu ái cho các dự án quy mô lớn, mà không lường trước những tác động khôn lường tới môi trường.

    Chuyện của Formosa, vì thế, theo GS-TSKH Nguyễn Mại là một bài học mà từ đó, Việt Nam phải rút kinh nghiệm sâu sắc để không lặp lại những “thảm họa” như trên.

    “Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để rà soát theo từng chức năng nhiệm vụ của mình để bảo đảm việc thu hút FDI vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã nhấn mạnh như vậy.

    Vậy kinh nghiệm sâu sắc đó là gì, và Việt Nam phải thực hiện “quyền lựa chọn” của mình như thế nào? Câu trả lời được GS-TSKH Nguyễn Mại nhắc đến, đó là Chính phủ nên xem xét lại là có nên tiếp tục đầu tư một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hay không. Lọc hóa dầu, xi măng, dệt nhuộm là những lĩnh vực được GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng ,cần cẩn trọng trước khi gật đầu với các đề xuất của các nhà đầu tư.

    “Xuất khẩu xi măng không phải là một giải pháp tốt. Bởi cùng với sản xuất xi măng là bao nhiêu ngọn núi, hàng trăm triệu tấn đá bị mất đi, mà hậu quả của nó sẽ là những ảnh hưởng bất lợi tới khí hậu, hệ sinh thái…”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

    Trên thực tế, để đón đầu cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, nhiều dự án xơ sợi, dệt nhuộm cũng đã được đầu tư tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhiều lần cảnh báo các địa phương khi lựa chọn các dự án này, bởi có thể gây ô nhiễm môi trường, cũng giống như từ năm 2008 đã từng cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nếu lựa chọn Dự án Formosa. Lời cảnh báo đã luôn được đưa ra, điều quan trọng là các địa phương có đủ tỉnh táo để lựa chọn dự án nào là phù hợp hay không.

    Câu chuyện cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhắc tới, đó là phải thận trọng đối với các dự án có tác động liên vùng, cũng như phải gửi thông điệp để các nhà đầu tư hiểu rằng, Việt Nam không chấp nhận trả giá bằng môi trường.

    “Khi Việt Nam quyết tâm bảo vệ môi trường như tuyên bố của mình, những dự án sạch sẽ tìm đến. Thắt chặt cấp phép dự án, số lượng có thể ít đi, nhưng chất lượng sẽ tốt hơn”, bà Phạm Chi Lan nói.

    Bài học của Formosa rõ ràng cho thấy, đã đến lúc Việt Nam phải thực hiện tốt hơn và triệt để hơn nữa “quyền lựa chọn” của mình. Nhưng chỉ lựa chọn thôi chưa đủ, câu chuyện hậu kiểm cũng cần phải được đặc biệt quan tâm.

    “Nói hậu kiểm thì đơn giản, nhưng thực tế thì không. Để làm được, phải xây dựng được các định mức kinh tế kỹ thuật thật chuẩn để từ đó có cơ sở hậu kiểm”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, nên xem xét việc đánh giá tác động môi trường bằng các hồ sơ dày cộp, mà có thể chỉ do các công ty tư vấn sao chép từ dự án này sang dự án khác.

    “Phải có các chuyên gia độc lập, có trình độ để thẩm định các hồ sơ này. Sau đó, phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chứ nếu không chúng ta chỉ là hô khẩu hiệu “hậu kiểm” mà thực chất không làm được gì”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.


    Huế: Xây dựng KCN Phong Điền thành KCN hỗ trợ ngành dệt may

    Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngân sách trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải KCN hỗ trợ ngành dệt may.
    khu cong nghiep phong dien

    Khu công nghiệp Phong Điền

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện và phê duyệt Đề án xây dựng khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ ngành dệt may tại KCN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định hiện hành.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ của KCN, đồng thời lập, trình, phê duyệt dự ánđầu tư xây dựng KCN hỗ trợ ngành dệt may theo quy định của pháp luật; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung Đề án.

    UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm và có kế hoạch giám sát cụ thể. Đối với các dự án sản xuất trong KCN hỗ trợ ngành dệt may đáp ứng đủ điều kiện về môi trường theo quy định của pháp luật, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu hoặc tương đương.

    Về cơ chế chính sách ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ cho phép Đề án được áp dụng chính sách đối với KCN hỗ trợ theo Thông báo số 404/TB-VPCP ngày 09/10/2014 của Văn phòng Chính phủ.

    Đồng thời hỗ trợ 100% kinh phí rà phá bom, mìn, vật liệu nổ từ nguồn ngân sách địa phương; được miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, đối với đất còn lại được miễn tiền thuê đất 15 năm sau thời gian xây dựng cơ bản; được vay vốn tín dụng tối đa 70% tổng vốn đầu tư.

    Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngân sách trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải KCN hỗ trợ ngành dệt may.

    Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân làm việc tại KCN hỗ trợ ngành dệt may và các cơ chế ưu đãi khác thực hiện theo quy định hiện hành.


    ANA Holdings chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines

    Ngày 1/7, Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản – ANA Holdings Inc. đã chuyển tiền mua cổ phần, hoàn tất giao dịch để nắm giữ 8,771% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.

    Việc hợp tác với tập đoàn ANA, đang sở hữu một trong những hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới sẽ giúp Vietnam Airlines tự tin hơn trong việc đổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới nhất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn

    Trước đó vào cuối tháng 5/2016,  Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) và Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holding Inc. (Tập đoàn ANA) đã chính thức ký hợp đồng và sau đó trao văn kiện hợp tác chiến lược dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

    Hợp đồng ký kết giữa hai bên đã khẳng định việc Tập đoàn ANA mua 8,771%cổ phần của Vietnam Airlines với giá trị 2.431 tỷ đồng (tương đương 109 triệu USD). 

    Vietnam Airlines dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường trước ngày 30/9/2016 để thông qua việc bầu bổ sung thành viện HĐQT từ ANA Holding; sửa đổi Điều lệ Tổng công ty và phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu cháo bán cho cổ đông hiện hữu.

    Như vậy, Vietnam Airlines sẽ là doanh nghiệp nhà nước lớn thứ hai (sau thương vụ Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank) có nhà đầu tư chiến lược là 1 tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản với số lượng cổ phần được mua vượt quá 100 triệu USD. Đối với ANA Holdings, mặc dù đã từng đầu tư vào một số hãng hàng không trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhưng thương vụ với Vietnam Airlines vẫn là khoản đầu tư lớn nhất ra bên ngoài của tập đoàn này trong suốt lịch sử hoạt động.

    Cần phải nói thêm rằng, hợp đồng mua cổ phần (SSA) đã khép lại hành trình tìm kiếm cổ đông chiến lược kéo dài của Vietnam Airlines kéo dài đúng 20 tháng với khởi đầu là việc hãng hàng không quốc gia gửi Bản công bố thông tin ngắn (Teaser) và Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) tới 19 nhà đầu tư gồm 14 hãng hàng không và 5 tổ chức tài chính quốc tế hồi cuối tháng 9/2014.

    Trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận để Vietnam Airlines thực hiện phát hành thêm 107.668.938 cổ phần  cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA với giá 21.000 đồng/cổ phần để tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng theo quy định Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

    Đổi lại, ANA Holdings phải duy trì ngưỡng giới hạn (threshold) cao hơn 4% vốn điều lệ để thực hiện các quyền gồm việc có 1 thành viên trong HĐQT;  quyền yêu cầu Vietnam Airlines phải thông báo và có ý kiến chấp thuận bằng văn bản đối với các vấn đề trọng yếu trước khi thông qua tại HĐQT và Đại hội đồng cổ đông; quyền ưu tiên mua trước trong trường hợp hãng phát hành thêm chứng khoán vốn…

    Theo ông Phạm Ngọc Minh – tân Chủ tịch HĐQT Vietnam Airliines, quá trình tìm kiếm đối tác và tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp là một phần quan trọng trong nỗ lực của Vietnam Airlines nhằm tái cơ cấu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

    “Việc hợp tác với tập đoàn ANA, đang sở hữu một trong những hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hàng đầu khu vực và thế giới sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn trong việcđổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới nhất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn”, ông Minh cho biết.

    Với 11,2% vốn điều lệ còn dư nằm trong room 20% cổ phần dự kiến bán cho các nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Hãng sẽ tiếp tục bán chiến lược để giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ như phương án CPH đã được phê duyệt.

    “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi không phải chỉ huy động về nguồn lực tài chính, mà là mở rộng quy mô với sự tham gia của các nhà đầu tư ở các ngành nghề khác nhau, ở quy mô khác nhau, để Vietnam Airlines thực sự trở thành công ty cổ phần mang tầm vóc quy mô quốc tế”, ông Minh khẳng định.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn