TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-03-2016

    Giới siêu giàu Việt Nam sẽ tăng nhanh nhất thế giới

    Báo cáo của Knight Frank dự đoán trong 10 năm tới, số người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 403 người, theo sau là Mozambique và Ấn Độ.

    Theo Báo cáo Thịnh vượng 2016 (Wealth Report) vừa được công bố, năm 2015, Việt Nam có 168 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), tăng 12 người so với năm trước đó. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 140%, lên 403 người. Theo sau là Mozambique với 129% và Ấn Độ (105%).Knight Frank định nghĩa giới siêu giàu gồm những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Theo tính toán của hãng, độ tuổi trung bình của nhóm người có tài sản trên 10 triệu USD tại Việt Nam là 48. Con số này thấp hơn cả Trung Quốc (52), Mỹ (56) và Anh (57).

    nam 2025, viet nam se co hon 400 nguoi sieu giau. anh: bloomberg

    Năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 400 người siêu giàu. Ảnh: Bloomberg

    Việt Nam cũng được chọn là một trong 3 quốc gia đáng đầu tư vào bất động sản nhà ở nhất thế giới, cùng Mỹ và Đức. Báo cáo nhận xét kinh tế Việt Nam đang trong quỹ đạo đi lên. Các cải tổ cấu trúc được Chính phủ thực hiện đã giúp nền kinh tế vượt lên trên các nước mới nổi khác. Điều quan trọng là nhiều quy định mới đã được đưa ra trong năm 2015, giúp mở cửa thị trường bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài. Các tuyến metro mới đang được xây dựng cũng là điểm hấp dẫn.

    Báo cáo của Knight Frank cho biết số người siêu giàu trên thế giới đã giảm 3%, chỉ còn 187.500 người năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số liệu này giảm từ khủng hoảng tài chính. Tổng tài sản của nhóm này cũng chỉ còn 19.300 tỷ USD, so với 22.000 tỷ USD năm trước đó. Nguyên nhân là chứng khoán toàn cầu năm ngoái lao dốc, giá hàng hóa giảm và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng như nhiều nước khác chậm lại.

    Dù vậy, đến năm 2025, số người siêu giàu thế giới sẽ tăng 42% lên hơn 263.000 người. Nhóm này tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ dự báo có thêm hơn 19.000 người siêu giàu năm 2025, tăng 30%. Trong khi đó, tốc độ này tại Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 75% và 105%.

    "Châu Á đang ngày càng là mảnh đất màu mỡ cho sự tăng trưởng về số người siêu giàu. Các cá nhân sở hữu 30 triệu USD trở lên tại đây đã tăng mạnh nhất thế giới trong 10 năm qua", Nicholas Holt - trưởng nhóm nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Knight Frank cho biết.

    Nghiên cứu cũng chỉ ra các lĩnh vực đầu tư ưa thích của người siêu giàu thế giới là nghệ thuật, xe hơi, tem và trang sức.


    Vàng bị xuất lậu qua biên giới với quy mô nhỏ

    Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết giá trong nước có chiều hướng thấp hơn thế giới những ngày qua đã gây ra hiện tượng xuất lậu vàng qua biên giới, song chỉ ở quy mô nhỏ, chưa ảnh hưởng đến thị trường.

    Trong phiên 4/3, giá thế giới tăng 650.000 đồng, trong khi vàng nội chỉ điều chỉnh thêm 120.000 đồng, khiến chênh lệch giữa 2 thị trường được ước tính ở mức 280.000 đồng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, giá vàng trong nước đã rẻ hơn thế giới. Đến sáng nay, độ vênh co hẹp lại nhưng giá vàng SJC vẫn còn rẻ hơn thế giới khoảng 70.000 đồng mỗi lượng.

    Mặc dù diễn biến này khiến thị trường chú ý song giao dịch trong nước vẫn không hấp dẫn người mua. Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thừa nhận, giao dịch vàng ngày hôm qua hết sức tẻ nhạt, sức mua rất yếu. Tại DOJI, xu hướng mua bán cũng khó đoán định. Chốt ngày 4/3, lượng khách mua vàng tại DOJI chiếm 60% tổng giao dịch.

    da co hien tuong xuat vang qua bien gioi khi gia trong nuoc re hon the gioi.

    Đã có hiện tượng xuất vàng qua biên giới khi giá trong nước rẻ hơn thế giới.

    Tuy vậy, diện biến giá nêu trên lại khiến hiện tượng vàng xuất lậu xảy ra ở biên giới. Điều này đã trở thành quy luật từ nhiều năm nay. "Thậm chí, có thời điểm khi giá vàng trong nước rẻ hơn vài trăm đến cả triệu đồng thì các nhà buôn nước ngoài còn sang tận nơi để mua", một chuyên gia cho biết.

    Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng xác nhận hiện tượng "chảy máu vàng" qua biên giới đã xuất hiện. Qua trao đổi với phía công an TP HCM, ông có ghi nhận việc này song lưu ý quy mô thực tế là rất nhỏ, khối lượng ít.

    Ngoài ra, vị này cho biết vàng xuất đi chủ yếu là các loại vàng nhẫn, bị cắt xén ra với số lượng không đáng kể, không phải vàng nguyên liệu. Do đó, ông cho rằng diễn biến này chưa có tác động tiêu cực đến thị trường Việt Nam, chưa làm cho vàng trong nước bị khan hiếm...

    Riêng con đường xuất khẩu chính ngạch, ông Minh cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt vấn đề có nên khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu vàng hay không? Tuy nhiên, khi cơ quan này đối chiếu lại với Nghị định 24 (chỉ cho xuất khẩu vàng nữ trang) và các chính sách về thuế thì thấy rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp vì mức chênh còn quá nhỏ, chưa thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

    "Do đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố hiện nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm có những giải pháp và đề xuất hợp lý để vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp mà lại ổn định được thị trường vàng, tỷ giá", ông nói.

    Trong 10 năm qua, đây là lần thứ tư giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới. Ba lần trước xảy ra vào năm 2008, 2010 và 2011, khi giá vàng miếng tại Việt Nam xuống thấp hơn hàng trăm nghìn đồng, thậm chí có lúc cả triệu đồng mỗi lượng.

    Theo các chủ hiệu kim hoàn, giá vàng trong nước tại những thời điểm đó thấp hơn thế giới là do chịu nhiều áp lực lớn. Nhu cầu tích trữ vàng miếng của người dân suy giảm, giá thế giới lại có những đợt điều chỉnh mạnh. Ngoài ra, hàng loạt thông tin ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư như xuất hiện vàng giả, vàng trộn vonfram... Quan trọng nhất là việc chờ đợi quy định chính thức về kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do khiến cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều phải án binh bất động và khiến giá trong nước liên tục giảm.

    Cũng vào lúc đó, lượng vàng trang sức xuất khẩu tăng mạnh. Đại diện một doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam lúc đó xác nhận với VnExpress phải "đi đường vòng" để xuất khẩu mỗi khi giá trong nước thấp hơn nhiều so với thế giới.

    Cụ thể, trong 2 năm 2009-2010, doanh nghiệp phải có quota mới được xuất khẩu vàng miếng, trong khi quota này chỉ cấp theo đợt với số lượng có hạn. Trong khi đó, xuất khẩu nữ trang dễ dàng hơn mà không bị đánh thuế. Vì vậy, không ít đơn vị đã chế tác vàng miếng thành nữ trang hàm lượng cao để xuất đi. Giá bán cho đối tác được tính theo giá vàng miếng.

    Cũng vì lý do này, từ 1/1/2011, các bộ ngành liên quan cùng Bộ Tài chính đã thống nhất áp dụng thuế suất 10% với các loại vàng nguyên liệu, miếng, thỏi, dạng bột và trang sức có hàm lượng cao, thay cho mức cũ là 0%. 

    Sau đó, từ đầu năm 2014, nhà quản lý bỏ mức thuế suất này và đưa về lại 0%. Tuy nhiên, đến ngày 7/5/2015, Thông tư số 36 của Bộ Tài chính lại tiếp tục quy định các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng khác có hàm lượng vàng từ 95% trở lên sẽ phải chịu thuế xuất khẩu 2% thay vì 0%.


    Nợ doanh nghiệp tăng mạnh đe dọa kinh tế Trung Quốc

    no doanh nghiep tang manh de doa kinh te trung quoc

    Nợ doanh nghiệp tăng mạnh đe dọa kinh tế Trung Quốc

    Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt đang làm tăng rủi ro với nền kinh tế Trung Quốc khi Bắc Kinh khuyến khích vay nợ để thúc đẩy tăng trường.

    Các đợt phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp đang khiến giới đầu tư và nhà phân tích lo ngại hơn rằng nợ của Trung Quốc - vốn tăng nhanh gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP - đang "nuôi dưỡng" cuộc khủng hoảng tín dụng mới, gây trở ngại cho các nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phụ thuộc vào tiêu dùng.

    Nợ doanh nghiệp của Trung Quốc, kể cả trái phiếu và các khoản vay khác, hiện lên mức 160% GDP so với 98% trong năm 2008, theo số liệu của Standard & Poor's. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Mỹ chỉ là 70%.

    Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chưa thanh toán (outstanding corporate bond) tại Trung Quốc năm 2015 tăng 25% lên 14,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,2 nghìn tỷ USD), theo số liệu của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC).

    Chính sách của nhà nước Trung Quốc đang dẫn đến sự bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp - huy động qua kênh này rẻ hơn 15% so với vay nợ ngân hàng, đồng nghĩa rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể sử dụng số tiền huy động được để tái cơ cấu các khoản nợ vay.

    Chính phủ cho rằng việc thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu là một phần trong kế hoạch buộc doanh nghiệp phải gánh vác thêm rủi ro trực tiếp khi các ngân hàng đang vật lộn với nợ xấu ngày một tăng.

    “Điều này phù hợp với chỉ đạo cải cách của Trung Quốc. Trước kia, chúng tôi chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng, còn bây giờ chúng tôi muốn từng bước tăng vay nợ trực tiếp từ thị trường (direct financing)", Wang Yiming, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện, cho biết.

    Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách đa dạng hóa thị trường vốn bằng cách phát triển kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Thông thường, các ngân hàng thường cung cấp khoảng 70% các khoản cho vay tại Trung Quốc. Hai năm trước, khi nợ xấu bắt đầu tăng, giới chức Trung Quốc phải cậy nhờ vào thị trường chứng khoán và trái phiếu để phân tán rủi ro trong hệ thống, hạ thấp chi phí huy động vốn và mở rộng kênh huy động tài chính cho các công ty.

    Hy vọng sử dụng thị trường chứng khoán như một công cụ huy động vốn chủ lực đã thất bại khi giá cổ phiếu lao dốc vào mùa hè năm ngoái, nhưng giới chức vẫn xem thị trường trái phiếu là kênh khả thi để tái cơ cấu rủi ro.

    “Năm 2016, chúng tôi muốn thực hiện đầy đủ chức năng huy động vốn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hơn nữa cải cách, tăng trưởng ổn định và vai trò quản lý rủi ro”, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết trong trong tuyên bố ra ngày 24/2.

    Việc khuyến khích phát hành trái phiếu gây ra xung đột giữa quyết tâm duy trì tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh và nỗ lực cắt giảm nợ trong nền kinh tế.

    Fang Xinghai, cố vấn kinh tế cao cấp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ không cho phép nền kinh tế giảm tốc quá nhanh, nhưng cũng không có đủ lực để mở rộng hơn nữa rủi ro tài chính.

    Theo ông Fang, chính phủ Trung Quốc hiện không quá lo lắng về tốc độ gia tăng nhanh chóng nợ doanh nghiệp vì tin rằng doanh nghiệp phát hành có các chỉ số tài chính mạnh mẽ. Việc giảm đòn bẩy sẽ được thực hiện từ từ và cân bằng với tăng trưởng kinh tế.

    Trong khi đó, các quan chức PBOC cho rằng mô hình tăng trưởng cũ - sử dụng tín dụng giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng - đã đạt đến giới hạn của nó.

    Giới phân tích lo ngại rằng đẩy mạnh phát hành trái phiếu sẽ giúp duy trì tình trạng lay lắt một số ngành công nghiệp đang què quặt vì dư thừa công suất và gây rủi ro vỡ nợ trên diện rộng.

    “Chính phủ Trung Quốc đang đứng giữa ngã ba đường về chính sách: muốn tăng trưởng ít nhất 6,5%, cải cách để tái cân bằng nền kinh tế và muốn giảm đòn bẩy. Bạn không thể cùng lúc thực hiện 3 mục tiêu này", Ivan Chung, nhà phân tích tại Moody's Investors Service, cho biết.

    Khoảng 70% lượng trái phiếu tại Trung Quốc phát hành năm 2015 được đổ vào lĩnh vực bất động sản và ngành liên quan đến xây dựng - đang ngập trong nợ nần và khoảng 10% đổ vào ngành công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng như nhà máy thép, xi-măng và cung cấp điện.

    Các công ty này đang ngập trong nợ nần khi giá nhà tại các thành phố nhỏ của Trung Quốc giảm giảm trong khi ngành công nghiệp nặng đang vật lộn với tình trạng dư thừa công suất.

    Khi chi phí nợ gia tăng, các công ty buộc phải sử dụng nguồn vốn để trả lãi thay vì để đầu tư. Hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics trụ sở tại Bắc Kinh ước tính, Trung Quốc hiện chi khoảng 20% GDP để thanh toán nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình.


    15.000 tài xế Việt chạy Uber

    Đây là số đăng ký tham gia được hãng tính toán từ giữa tháng 6/2014 cho đến nay, một con số mà hãng taxi truyền thống có tên tuổi phải mất gần chục năm mới có được. 

    Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết, hơn một năm qua số lượng tài xế đăng ký Uber tăng đột biến, do đó, Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.

    "Nếu gần cuối năm 2014 mới chỉ có 300 tài xế tham gia thì tới quý I này đã lên tới gần 15.000 người. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng đăng ký tham gia, trong đó, gần 50% lái xe hoạt động thường xuyên, số còn lại đa phần là bán thời gian, thậm chí một năm tham gia một vài lần", ông Dũng chia sẻ.

    Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết thêm, tại thời điểm đầu năm 2015 thời gian chờ xe trung bình đối với khách hàng là 5 phút, nhưng tới nay con số này giảm xuống còn 3 phút tại TP HCM và 3,5 phút tại Hà Nội, chỉ xếp sau San Francisco (Mỹ) là 2,5 phút. 

    Thu nhập hiện nay của tài xế sử dụng Uber trung bình đạt 85.000-100.000 đồng một giờ. Đối với những tài xế hoạt động thường xuyên, doanh thu trung bình 1,5-2 triệu đồng một ngày (2 người thay phiên nhau).

    Mới đây, khi giá xăng dầu liên tục giảm, đơn vị này cũng chính thức áp dụng giá cước mới. Từ ngày 2/3, giá cước Uber được điều chỉnh giảm 15%, trong đó UberX 7.000 đồng một km, UberBlack và UberSUV là 11.500 đồng một km.

    Trong năm 2016, hãng này sẽ phát triển 100% lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt từ khoảng 70% hiện nay, bên cạnh hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đồng thời, ứng dụng dành riêng cho lái xe Uber sẽ được nâng cấp và thay đổi biểu tượng nhận diện riêng.


    Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%

    Đây là lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng là một con số cố định.

    Con số thấp hơn năm ngoái (7%) này được đưa ra sáng nay trong một báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường tại kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh. Chính sách tài khóa của Trung Quốc sẽ mạnh hơn và tỷ giá sẽ "cơ bản là ổn định" khi tính linh hoạt được nâng cao, Chính phủ Trung Quốc cho biết.Năm ngoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất từ 1990. Việc này đã khiến giới chức phải điều chỉnh chính sách tiền tệ sang "thận trọng, hơi nghiêng về nới lỏng". Đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng thương mại. Vài ngày sau, Moody’s lại hạ triển vọng trái phiếu nước này từ "ổn định" xuống "tiêu cực", do khối nợ tăng cao, dự trữ ngoại hối giảm, khiến khả năng thực hiện cải tổ thấp.

    trung quoc dang gap nhieu thach thuc khi thuc day tang truong kinh te. anh:bloomberg

    Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh:Bloomberg

    "Mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho thấy giới chức sẽ nới lỏng đủ để ngăn hạ cánh cứng trong ngắn hạn. Và họ cũng hiểu được sự nguy hiểm của việc khối nợ tăng cao. Trung Quốc sẽ nới lỏng thêm nữa, đặc biệt là tài khóa. Nhưng nhiều nhất, việc này cũng chỉ có thể ngăn tạm thời sự suy yếu tăng trưởng trong ngắn hạn mà thôi", Yao Wei - nhà kinh tế học tại Societe Generale nhận xét.

    Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trong một khoảng, kể từ năm 1995. Khi đó, mục tiêu của họ là 8-9%. Thủ tướng Lý và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đang tìm cách chuyển hướng tăng trưởng, từ dựa vào đầu tư và sản xuất sang dựa vào tiêu dùng và dịch vụ.

    Giới chức Trung Quốc đang cố cân bằng nhu cầu kìm hãm đà giảm tốc của nền kinh tế bằng kích thích tài khóa - tiền tệ với mục tiêu giảm nợ, giải quyết các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ và giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, họ cũng muốn tăng cường vai trò của doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy đột phá và định hình lại hệ thống tài khóa.

    Báo cáo của Thủ tướng Lý được công bố cùng thời điểm với ngân sách 2016, kế hoạch 5 năm (2016-2020) và một báo cáo khác của Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia. Trung Quốc sẽ thúc đẩy tự do hóa lãi suất, cải tổ các nhà băng quốc doanh. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng sẽ có nhiều thay đổi, giới chức cho biết.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn