TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-01-2018

    Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm các vi phạm của Khaisilk

    Phó thủ tướng giao các bộ và cơ quan liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các vi phạm của Khaisilk theo đúng quy định pháp luật.

    Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm các vi phạm của Khaisilk - Ảnh 1.

    Bộ Công thương đã công bố hàng loạt sai phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) - Ảnh: TTO

    Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Đức. 

    Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các vi phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Đức theo đúng quy định của pháp luật. 

    Trước đó, Bộ Công thương đã công bố hàng loạt sai phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Đức (thương hiệu Khaisilk). 

    Thứ nhất, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. 

    Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15-10-2017, công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang. 

    Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường. 

    Thứ hai, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm ("100% silk"). 

    Thứ ba, công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể, một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này. 

    Thứ tư, công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. 

    Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. 

    Thứ năm, công ty đã có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác. 

    Đồng thời, doanh nghiệp này đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ, thành phần của các sản phẩm này.(Tuoitre)
    ------------------------------

    Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 17%

    Mục tiêu này thấp hơn con số thực hiện trong năm 2017 là 18,17%.

    Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 17%

    Ảnh minh họa.

    Tại buổi họp báo công tác đảm bảo tiền mặt, an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán dịp Tết nguyên đán 2018 và Thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế, vĩ mô, tiền tệ, năm 2018, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

    Theo đó, dự kiến trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 17%.

    Dựa vào chỉ tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng TCTD, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả.

    Theo đó, tín dụng sẽ vẫn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Điều hành gắn liền với quá trình tái cơ cấu các ngành kinh tế.

    “Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ cân nhắc các công cụ về thời điểm, diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình tài chính các tổ chức tín dụng để đưa ra các biện pháp phù hợp, phấn đấu giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc nói.

    NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp tình hình thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; ổn định thị trường ngoại tệ, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi; tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.

    Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, trong đó có một số giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, quy định, cơ chế hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, các quy định về xử lý vấn đề sở hữu chéo (trong đó, chú trọng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD năm 2010).

    Bên cạnh đó, tập trung triển khai có chất lượng và đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

    Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế;...(Bizlive)
    -------------------------------

    Nhà đầu tư nước ngoài sắp được lập doanh nghiệp logistics

    Nghị định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lập doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ logistics vận tải hàng hóa.

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định 163 quy định định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực thi hành từ 20/2/2018, quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ và giới hạn trách nhiệm kinh doanh dịch vụ trên.

    Dịch vụ logistics, theo Nghị định này, được chia thành 16 loại chính, trong đó gồm: dịch vụ xếp dỡ container (trừ tại sân bay), kho bãi hỗ trợ vận tải; đại lý vận tải, hải quan; các dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển, đường thủy, đường sắt, đường bộ, hàng không; vận tải đa phương thức; hỗ trợ vận tải; phân tích và kiểm định kỹ thuật...Điều kiện chung đối với kinh doanh dịch vụ logistics là phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh cụ thể của đối với dịch vụ đó.

    Đáng chú ý, Nghị định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lập doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ logistics vận tải hàng hóa nói trên. Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định một số điều kiện khá khắt khe. Chẳng hạn, với kinh doanh dịch vụ hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải biển nội địa), nhà đầu tư nước được lập các công ty vận hành đội tàu biển treo cờ Việt Nam, nhưng thuyền trưởng, thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam; thuyền viên nước ngoài trên tàu không quá 1/3 định biên tàu.Lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, nhà đầu tư nước ngoài được lập doanh nghiệp, nhưng 100% lái xe phải là công dân Việt Nam.

    Ngoài thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ vốn góp chỉ từ 49 - 51%, trong đó cao nhất là lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ với tỷ lệ không quá 51%.(Baogiaothong)
    ----------------------

    Nikkei: Người Việt 'mở hầu bao' mua bình an

    Tầng lớp trung lưu mạnh tay chi tiêu cho bảo hiểm và thiết bị an ninh để bảo vệ bản thân và gia đình.

    Nguyễn Thu Hằng, một nhân viên văn phòng 37 tuổi ở Hà Nội, vừa lắp camera an ninh trong căn hộ để theo dõi con nhỏ qua điện thoại thông minh. Không phải cô không tin tưởng người giúp việc mà chỉ muốn có cảm giác an tâm hơn khi có thể theo dõi con mình từ nơi làm việc, Hằng chia sẻ.

    Khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh khiến tầng lớp trung lưu Việt mở rộng, nhiều người tiêu dùng đang mua các sản phẩm và dịch vụ tạo cảm giác an toàn và bảo vệ cuộc sống.

    Camera an ninh gia đình có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh bán khá chạy tại cửa hàng này (Nguồn: Nikkei).

    Trong 2017, GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam xấp xỉ 2.300 USD. Ở 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP. HCM, con số này vào khoảng 4.000 USD - 5.000 USD. Việc sở hữu xe ô tô và sắm sửa đồ dùng gia đình hoàn toàn nằm trong khả năng của nhiều người, tạo ra động lực để người Việt bảo vệ lối sống của mình.

    Tháng 11/2016, một người lái xe 59 tuổi ở Hà Nội quyết định mua một gói bảo hiểm y tế của Dai-ichi với giá 36 triệu đồng/năm, có vẻ đắt trong bối cảnh mức lương trung bình ở Việt Nam chỉ từ 6 đến 8 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền bảo hiểm chi trả sẽ là 500 triệu đồng, bao gồm bảo hiểm cho vợ.

    Doanh thu 2016 của Dai-ichi Life đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 50% so với 2015 và gấp 11 lần so với 2007 khi công ty bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Doanh số bán bảo hiểm nhân thọ, các khoản tài trợ giáo dục và bảo hiểm y tế cho trẻ em cũng đang tăng lên. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu bảo hiểm trong nửa đầu 2017 tăng 21% lên 47.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

    Người Việt quan tâm hơn đến an toàn (Nguồn: Nikkei).

    Thiết bị an ninh cũng ngày càng thu hút người mua. Cam 360, một cửa hàng bán sản phẩm này ở Hà Nội, tăng hơn 10% doanh thu trong vài tháng qua. Máy quay độ nét cao trị giá khoảng 2 triệu đồng và có thể được điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh đang bán rất chạy.

    Hầu hết khách hàng trước đây là nhà hàng và các cửa hàng bán lẻ nhưng bây giờ, nhiều người cũng mua camera an ninh cho nhà riêng, nhân viên bán hàng cho biết.

    Năm ngoái, công ty viễn thông Viettel ra mắt Kiddy, một chiếc đồng hồ thông minh cho trẻ em. Sản phẩm có thể phát hiện vị trí thực tế của trẻ bằng GPS và có thể thực hiện cuộc gọi thoại đến 20 số đăng ký. Một chiếc đồng hồ có giá 1,4 triệu đồng, với mức phí dịch vụ hàng tháng từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng. Một cửa hàng tại Hà Nội bán được 100 chiếc trong tháng 11/2016, tăng gấp đôi so với năm trước.

    Nhiều người cũng đang bắt đầu suy nghĩ về sự an toàn khi tham gia giao thông. Số học sinh tham gia khóa học huấn luyện an toàn xe máy của Honda tăng 20%, lên 170.000 trong quý III/2017. Năm 2016, con số này là 410.000, tăng hơn 2 lần so với 2015.(NDH)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn