TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-07-2016

    Dội nước lạnh vào thị trường nợ xấu hàng chục tỷ USD

    Trong bối cảnh hơn 10 tỷ USD nợ xấu vẫn nằm im trong kho, chưa được xử lý và đang rất cần có thêm nhiều NĐT, DN tham gia mua bán để khơi thông dòng vốn, thì việc ban hành những điều kiện không cần thiết sẽ làm chậm thêm quá trình xử lý nợ đang rất nan giải này.

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Về vốn, Nghị định quy định: doanh nghiệp môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ phải có vốn trên 5 tỷ đồng, hoạt động mua bán nợ phải có vốn trên 100 tỷ đồng, mở sàn giao dịch nợ phải có trên 500 tỷ đồng.

    Những điều kiện trên, dù đã giảm một nửa so với dự thảo ban đầu, song theo các doanh nghiệp, vẫn quá cao và là một trong những rào cản ngăn doanh nghiệp tham gia thị trường mua bán nợ.

    ..

    Trước khi Nghị định được ban hành, rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp, đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị loại bỏ “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi Danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Luật Đầu tư đưa ra.

    Trên thực tế, các dịch vụ mua bán nợ (như tư vấn, môi giới mua bán nợ) đều không trực tiếp mua bán nợ, mà chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ để hưởng thù lao, nên việc đưa ra nhiều điều kiện khắt khe được xem là không cần thiết.

    Hơn nữa, theo Điều 7, Luật Đầu tư 2014, điều kiện kinh doanh chỉ được áp dụng với một số ngành nghề nhất định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, dịch vụ mua bán nợ không ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự xã hội…, nên việc đưa dịch vụ mua bán nợ vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không cần thiết.

    Quan trọng hơn, khối nợ xấu khổng lồ của nền kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn nằm trong kho của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Để khối nợ này được xử lý triệt để, không quay lại nền kinh tế sau một thời gian nữa, thì Việt Nam cần nhanh chóng tạo lập thị trường mua bán nợ, thu hút nhiều chủ thể tham gia để kích hoạt thị trường này, giúp khai thông lượng vốn lớn đang nằm chết trong nợ xấu.

    Theo các chuyên gia ngân hàng, với cả “rừng” văn bản quy định vừa phức tạp, vừa thiếu thông thoáng như hiện nay, việc mua bán nợ xấu thật sự không hấp dẫn. Nay lại còn thêm điều kiện, thì nhà đầu tư sẽ càng không hào hứng.

    Thực tế, từ khi VAMC thành lập (năm 2013) và bắt đầu gom nợ đến nay, số nợ xấu mua về đã lên tới gần 250.000 tỷ đồng, song số nợ xử lý thực tế được không đáng là bao. Quy định pháp lý vừa thiếu, vừa phức tạp, thủ tục lại nhiêu khê…, khiến nhiều nhà đầu tư hào hứng tìm hiểu, rồi lại lặng lẽ ra đi.

    Cho dù tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã xuống dưới 3%, song theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng số nợ xấu (nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng, nợ cơ cấu lại trước đây, nợ bán cho VAMC) đang chiếm khoảng 12% tổng dư nợ nền kinh tế.

    Trong khi đó, chủ trương thành lập thị trường mua bán nợ, đưa ra các khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ và tài sản đã được Thủ tướng chỉ đạo từ đầu năm 2013, song đến nay vẫn không mấy tiến triển.

    Rõ ràng, với bối cảnh mua bán nợ bế tắc như hiện nay, cần gỡ bỏ tối đa rào cản đối với các nhà đầu tư, nhằm thu hút nhiều nhất tổ chức, cá nhân tham gia thị trường mua bán nợ, thậm chí có thể ban hành một số cơ chế riêng táo bạo (chỉ có hiệu lực trong một giai đoạn nhất định) để kích hoạt thị trường này. Bởi vậy, với cách nhìn về nợ xấu quá thận trọng như hiện nay, việc xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ chậm và kéo dài.

    Với Nghị định vừa ban hành, việc sửa đổi hoặc hủy bỏ ngay là điều khiến cơ quan soạn thảo không mong muốn. Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, các bộ, ngành vẫn phải liên tục rà soát, quy định nào không phù hợp thì tiếp tục hủy bỏ, kể cả quy định vừa mới ban hành.

    Theo VCCI, không chỉ dịch vụ kinh doanh mua bán nợ, mà còn khoảng 30 ngành nghề kinh doanh khác trong Danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng cần phải loại bỏ, nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp.

    Với dịch vụ mua bán nợ, việc hủy bỏ các điều kiện không cần thiết không chỉ đảm bảo quyền tự do kinh doanh, mà còn để các nhà đầu tư định tham gia thị trường này không bị dội gáo nước lạnh, nhất là khi thị trường này đang ở giai đoạn manh nha hình thành.


    Ưu tiên phát triển công nghiệp hóa dầu từ khí thiên nhiên

    Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc ưu tiên phát triển công nghiệp hóa dầu từ khí thiên nhiên.
     
    Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương dành tối thiểu 10% sản lượng khí thiên nhiên của mỏ khí Cá Voi Xanh cho phát triển ngành công nghiệp hóa dầu.
     
    Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành rà soát, cân đối cung cầu khí thiên nhiên tại các khu vực; trong đó lưu ý phân bổ, sử dụng khí thiên nhiên cho các hộ tiêu thụ và các dự án hóa dầu tại Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025 để đưa vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn tới.
     
    Đồng thời kêu gọi các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển ngành hóa dầu từ khí thiên nhiên góp phần thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

    EVN giảm mạnh mua điện từ Trung Quốc

    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố số liệu sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016.Theo EVN, riêng tháng 6/2016, sản lượng toàn hệ thống đạt 16,13 tỷ kWh.Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng toàn hệ thống đạt 88,51 tỷ kWh (tăng 12,51% so với cùng kỳ 2015). Trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua tháng 6 ước đạt 15,65 tỷ kWh, đưa con số tổng trong nửa đầu năm 2016 lên 84,75 tỷ kWh (tăng 10,75% so với cùng kỳ).

    dien mua tu trung quoc giam manh trong 6 thang dau nam 2016.

    Điện mua từ Trung Quốc giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016.

    EVN đã tiết giảm tối đa lượng điện mua từ Trung Quốc, chỉ còn chiếm 1,38% tổng lượng điện mua và sản xuất trong 6 tháng đầu năm. Việc nhập khẩu điện Trung Quốc giảm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có kế hoạch hạn chế phụ thuộc vào điện mua từ nước ngoài.Thay vào đó, tập đoàn này khai thác tối đa nguồn điện sản xuất, mua từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, dầu....

    Cụ thể, sản lượng điện mua và sản xuất từ các nhà máy thủy điện chiếm 28,3% tổng sản lượng, nhiệt điện dầu chiếm 1,24%. Đặc biệt, lượng điện sản xuất và mua từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm gần 40%. Việc đưa hai nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 vào khai thác và vượt sản lượng so với kế hoạch đã góp phần đáng kể đảm bảo cấp điện miền Nam.

    Về nhu cầu tiêu thụ điện trong tháng 7, tập đoàn này dự báo sẽ tăng cao, bình quân khoảng 531 triệu kWh một ngày, công suất cực đại khoảng 28.690 MW. “Qua tính toán cân bằng cung - cầu điện năng, hệ thống điện đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải”, vị đại diện EVN khẳng định.

    Tháng 7, miền Bắc và miền Trung bước vào mùa mưa bão. Để ứng phó, EVN cho biết sẽ triển khai phương án phòng chống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và kịp thời sửa chữa nếu xảy ra sự cố.


    IEA cảnh báo thế giới ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Trung Đông

    Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cảnh báo thế giới đang ngày càng phải phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông.
    Ngoài ra, việc giá dầu thô đứng ở mức thấp có thể khiến chính phủ các nước không kiểm soát được sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ cũng như vấn đề tiết kiệm năng lượng.

    Theo tờ The Financial Times (Thời báo Tài chính) dẫn phát biểu của ông Birol trả lời phỏng vấn báo này cho biết tính từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước tới nay, các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông như Saudi Arabia và Iraq đang có được thị phần lớn nhất trên các thị trường dầu mỏ thế giới.

    Thống kê của IEA cho thấy các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông hiện khai thác 31 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 34% sản lượng toàn cầu, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1975.

    Ông Birol cũng lưu ý rằng Trung Đông là khu vực cung cấp dầu thô giá rẻ lớn nhất thế giới hiện nay. Khu vực này dự báo sẽ đáp ứng khoảng 3/4 mức tăng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong hai thập niên tới. Nhu cầu về dầu mỏ của các nước Trung Đông tăng vọt trong hai năm qua, trong bối cảnh giá dầu thô lao dốc. Chiều hướng này đã khiến cho các nước sản xuất dầu mỏ có chi phí cao hơn như Mỹ, Canada và Brazil phải cắt giảm sản lượng.


    Bên cạnh đó, mặc dù một số nhà hoạch định chính sách cho rằng nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông, song Giám đốc điều hành IEA cho rằng chính phủ các nước phải lưu ý vai trò của khu vực này khi hoạch định chính sách kinh tế và ngoại giao.

    Nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ gia tăng nhanh chóng là lý do khiến giá dầu thô giảm mạnh hồi giữa năm 2014. Tuy nhiên, khác với thập kỷ 80, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định duy trì sản lượng để bảo vệ thị phần, thay vì cắt giảm sản lượng để đẩy giá tăng lên. Nhu cầu dầu mỏ thời gian qua tăng mạnh, trong bối cảnh giá dầu thô giảm xuống chỉ còn một nửa so với mức cao trên 100 USD/thùng.

    Việc giá dầu thô ở mức thấp cũng khiến cho chính phủ cũng như người dân lơ là trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như giảm lượng khí thải.

    Giám đốc điều hành IEA Birol khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần phải đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm lượng tiêu thụ cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ của khu vực Trung Đông.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn