TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 11-08-2016

    Ngành tiêu dùng nhanh Việt Nam tăng trưởng cao nhất 3 năm

    Nielsen vừa công bố báo cáo Market Pulse về tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam, gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng. Cụ thể, ngành FMCG đã tăng mạnh mẽ trong quý II năm nay khi đạt 6,3%. Đây cũng mức tăng trưởng cao nhất trong suốt 3 năm vừa qua theo Nielsen. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng sản lượng với 5,2%.

    Quan sát kĩ hơn ở các ngành hàng lớn, sự phục hồi tăng trưởng diễn ra ở hầu hết các ngành hàng chẳng hạn như thực phẩm (4.7%), sữa và các sản phẩm từ sữa (4.0%), sản phẩm chăm sóc gia đình (4.6%)…

    Trong khi đó, ngành hàng nước uống (bao gồm bia) vẫn là “ngôi sao sáng”, tiếp tục đóng góp lớn nhất vào doanh số tiêu dùng nhanh trong quý II với 41%, đạt mức tăng trưởng 9,2%.

    Nielsen cũng cho biết, nông thôn tiếp tục là câu chuyện về thị trường tiềm năng mới cho các nhà sản xuất. Mặc dù có sự giảm nhẹ trong quý II năm nay khi đạt 5,6%, nhưng tăng trưởng của 12 tháng gần nhất (tính từ tháng 6/2015 đến hết tháng 6/2016) tại thị trường này đạt mức 7,6%. Trong khi đó, khu vực thành thị cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại ở mức 6,3%.

    Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định.(Nhipcaudautu)


    7 tháng chi trên 350 triệu USD nhập rau

    Hiệp hội Rau quả Việt Nam(Vinafruit) vừa cho biết trong bảy tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 351triệu USD để nhập khẩu rau quả từ nhiều nước trên thế giới, tăng 35,6%so với cùng kỳ năm ngoái.

    Thái Lan bỏ xa Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp nhiều rau quả nhất cho thị trường Việt Nam. Giá trị nhập rau quả từ Thái Lan đạt hơn 143 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ. Trong khi đó giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 81 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu rau quả nhiều từ Mỹ, Úc, Myanmar, New zealand, Nam Phi…

    Cũng theo Vinafruit, kim ngạch xuất khẩu rau quả bảy tháng đầu năm nay ước đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm ngành rau quả xuất siêu hơn 1 tỉ USD.

    Hiện nhiều thị trường đã mở cửa với rau quả Việt. Bên cạnh đó, xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính tăng khá mạnh trong nửa đầu năm nay do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chất lượng hàng hóa ổn định cũng như nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi thị trường được mở rộng.(Phapluattp)


    Vì sao rau quả Trung Quốc vẫn “sống khỏe” tại Việt Nam?

    Ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát – nơi mức sống của người dân còn thấp thì điều quan trọng hơn với họ là giá cả chứ không phải sản phẩm có… độc hại hay không? Đây là lý do chính khiến rau quả Trung Quốc vẫn “sống khỏe” tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

    Rau quả có nguồn gốc Trung Quốc được tiêu thụ rất nhiều tại các chợ truyền thống, chợ tự phát.

    Thống kê 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 80,7 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả từ Trung Quốc về Việt Nam.

    Cụ thể, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 351 triệu USD để nhập khẩu rau quả các loại (cùng kỳ năm 2015 là 519 triệu USD). Trong đó, thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc với giá trị nhập khẩu lên đến 80,7 triệu USD (tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2015).

    Với mặt hàng rau củ, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các loại hành, tỏi, khoai tây, bắp cải… Còn với mặt hàng hoa quả, Việt Nam thường nhập theo mùa. Ở thời điểm hiện tại Việt Nam nhập chủ yếu các loại như: táo, lê, mận, đào, xoài, nho… với số lượng lên đến hàng trăm tấn mỗi ngày.

    Những ngày này, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội như Phạm Ngọc Thạch, Trần Thái Tông, Đỗ Đức Dụng…, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp nhiều người bán xe thồ với đủ các loại hoa quả như: đào, mận, thanh long, nho… với giá rẻ bất ngờ. Cụ thể, một kg đào ngon chỉ có giá từ 35 – 40.000 đồng, một kg mận xanh có giá từ 25- 30.000 đồng, một kg nho chỉ có giá 20.000 đồng/kg. Thực tế những loại quả này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, thế nhưng những người bán hàng lại quảng cáo đây là các loại quả có nguồn gốc tại Việt Nam như đào, mận Sa Pa, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận…

    Với các loại rau quả có nguồn gốc Trung Quốc, những sản phẩm này được tiêu thụ nhiều nhất ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát. Nhiều loại rau quả Trung Quốc sau khi nhập về Việt Nam đã được gắn mác “nông sản Việt”, chính vì vậy, bên cạnh một lượng lớn người tiêu dùng có thu nhập thấp chấp nhận “dùng đại” hàng Trung Quốc vì giá thành rẻ hơn, thì những người có mức thu nhập cao hơn cũng vẫn tìm mua những loại rau quả này bởi họ không thể phân biệt được đâu là hàng nội, đâu là hàng Trung Quốc.

    Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, việc rau quả Trung Quốc “đột nốt” nông sản Việt Nam đã cho thấy các chủ quầy hàng là vi phạm pháp luật, đánh lừa người tiêu dùng. Mặc dù trước đó báo chí đã đưa nhiều thông tin hoa quả Trung Quốc tẩm nhiều chất bảo quản nên vỏ đẹp mà ruột hỏng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có căn cứ chứng minh hoa quả Trung Quốc có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, giá hoa quả Trung Quốc lại rất rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân nên vẫn được nhiều tiêu dùng chọn mua.

    Chia sẻ với VnMedia về lý do vì sao hàng Trung Quốc vẫn “sống khỏe” tại Việt Nam dù thời gian qua chúng ta đã tuyên truyền nhiều về sản phẩm kém chất lượng và độc hại của Trung Quốc, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, tâm lý sợ, tránh hàng Trung Quốc trong một bộ phận người dân hiện nay là có, thế nhưng, ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát – nơi mức sống của người dân còn thấp thì điều quan trọng hơn với họ là giá cả rẻ chứ họ chưa quan tâm nhiều tới chất lượng. Trong khi đó, rau quả Trung Quốc có giá khá rẻ, mẫu mã lại khá bắt mắt nên vẫn bán được cho nhiều người tiêu dùng.

    Hơn nữa, nhiều vụ việc như rau quả, thực phẩm bẩn “đột lốt” rau quả, thực phẩm sạch được tiêu thụ và phát hiện trong nhiều siêu thị đã khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào sản phẩm “sạch” vì họ cho rằng, chắc gì rau quả Việt Nam đã an toàn hơn nên với nhiều người, mua cái rẻ sẽ có lợi.

    Theo TS Ngãi, là một nước nông nghiệp, để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc chúng ta chỉ cần tăng sản lượng cung ứng cho thị trường. Cũng cần lưu ý là hàng hóa của chúng ta phải theo các tiêu chuẩn an toàn chất lượng để người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Còn kiểu sản xuất mù mờ như chúng ta hiện nay thì rất khó để đánh bại hàng Trung Quốc.

    Bên cạnh đó, cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan và công bố thông tin rộng rãi để người tiêu dùng biết lựa chọn. Nếu chúng ta làm được như vậy thì hàng rau quả Trung Quốc sẽ mất dần đất sống.(DDDN)


    Formosa được dự kiến miễn và không truy thu thuế hơn 10.450 tỷ đồng

    Theo nguồn tin, Tổng cục Thuế đã có dự kiến một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại do sự kiện ngày 13.5.2014 gửi Bộ Tài Chính, trong đó đáng chú ý, Formosa là DN dự kiến được miễn thuế và không truy thu thuế số tiền hơn 10.450 tỷ đồng.

    Sự kiện ngày 13.5.2014 là những vụ biểu tình, xô xát của người dân, công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn 1 số tỉnh như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Tĩnh sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5.2014.

    Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, sau sự cố nói trên, cả nước ghi nhận có 778 DN được đánh giá bị ảnh hưởng, trong đó Bình Dương thiệt hại nặng nhất với 537 DN, Đồng Nai có 171 DN, Tp HCM có 33 DN và Hà Tĩnh có 1 DN.

    Về tổng thiệt hại theo như khai báo của các DN báo về là 9.900 tỷ đồng và 4,23 triệu USD, trong đó Formosa khai báo bị chịu thiệt hại cao nhất với số tiền lên đến 5.533 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng theo số liệu tại Tờ trình, qua rà soát của các cơ quan như bảo hiểm và cơ quan chức năng địa phương tổng số thiệt hại của các DN trên cả nước là 4.523 tỷ đồng và 4,23 triệu USD, trong đó thiệt hại của Formosa là 4,77 tỷ đồng, các nhà thầu làm cho Formosa là 68,32 tỷ đồng).

    Trong số DN chịu ảnh hưởng, đáng chú ý có tên của Formosa – DN đang gây bất bình lớn với người dân Việt Nam xung quanh sự cố gây thảm họa môi trường nghiêm trọng tại nhiều tỉnh Bắc miền Trung.

    Tổng cụcThuế cho biết: Đối với dự án Formosa, ngoài nhà máy của Formosa chịu ảnh hưởng trực tiếp trong và 16 nhà thầu chính đang thi công các hạng mục cho dự án Formosa cũng bị ảnh hưởng, trong số các nhà thầu này đều là DN đến từ Trung Quốc.

    Theo Tổng cục Thuế, để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng nói trên, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn hồ sơ khai thuế và gia hạn nộp thuế cho nhiều DN. Ngoài ra, còn thực hiện cơ chế giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh (hoàn trước kiểm sau cho 408 hồ sơ đề nghị, với tổng số tiền hơn 15.200 tỷ đồng).

    Trong đó, riêng Hà Tĩnh đã hoàn cho Formosa kể từ kỳ hoàn thuế tháng 4.2014 cho đến nay số tiền 10.173 tỷ đồng, trong đó 1.185 tỷ đồng là thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu thực hiện cơ chế ghi thu ghi chi.

    Ngoài ra, Formosa còn được Bộ Tài Chính miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền thuế đã truy thu, phạt cho Formosa trước khi xảy ra sự kiện 13.5.2014, số tiền trị giá 71,6 tỷ đồng. Đây là số tiền miễn giảm và hoàn lại khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã nộp đối với hoạt động hút cát san nền số tiền 71,6 tỷ đồng (trong đó Thuế Tài nguyên là 49,2 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 22,75 tỷ đồng).

    Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã không truy thu thuế nhà thầu đối với hàng hóa, thiết bị nhập khẩu kèm theo bảo hành số tiền 176,3 tỷ đồng, đồng thời không truy thu số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế 32,88 tỷ đồng, cùng miễn phạt vi phạm chính về thuế số tiền 1,26 tỷ đồng.

    Đặc biệt, ngoài các đề xuất miễn thuế, hoàn thuế và không truy thu thuế đối với Formosa, qua quá trình kiểm tra, cơ quan thuế, hải quan đã phát hiện nhiều sai phạm của Formosa và đề nghị Bộ Tài chính truy thu và thu nhiều số tiền vi phạm.

    Tờ trình của Tổng cục Thuế chỉ rõ: “qua rà soát, kiểm tra, cơ quan thuế và hải quan đã phát hiện nhiều sai phạm của Công ty Formosa như: Cơ quan Hải quan đã truy thu 5,5 tỷ đồng của Formosa vì Công ty này đã kê khai, áp mã HS chưa đúng với quy định hiện hành, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng”. Ngoài vi phạm trong lĩnh vực hải quan, cơ quan thuế “đã phạt vi phạm hành chính số tiền 225 tỷ đồng vì Formosa lập phiếu xây dựng bổ sung không đúng quy định và kê khai bổ sung khâu trừ, hoàn thuế VAT của 19.497 hóa đơn, chứng từ sau khi cơ quan thuế đã thực hiện công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại DN với số tiền 1.500 tỷ đồng”.(NDH)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn