TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-08-2016

    Tín dụng ngoại tệ cứu xuất khẩu

    Một số hiệp hội ngành hàng cho rằng, việc “mở van” cho vay ngoại tệ sẽ giảm phần nào áp lực chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu vào các tháng cuối năm.

     

    Mùa cao điểm săn vốn

    Hiện nay các công ty thủy sản ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đang bắt đầu tích cực thu mua nguyên liệu để chế biến phục vụ các đơn hàng xuất khẩu giao trong tháng 11, 12/2016, và rục rịch chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm. Thời điểm này cũng là lúc các DN xuất khẩu mặt hàng cà phê tăng tốc chuẩn bị vốn cho việc thu mua cà phê nguyên liệu sẽ diễn ra mạnh vào tháng 9 và tháng 10, khi niên vụ cà phê 2015/2016 kết thúc.

    cac dn vay ngoai te 3%/nam sau do ban ngay lay vnd thanh toan nguyen lieu lam hang xuat khau

    Các DN vay ngoại tệ 3%/năm sau đó bán ngay lấy VND thanh toán nguyên liệu làm hàng xuất khẩu

    Những tháng đầu năm vừa qua, tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng ở Tây Nguyên, đồng thời tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn biến mạnh ở khu vực ĐBSCL khiến cho vùng nguyên liệu bị co hẹp, sản lượng cà phê, tôm cá sụt giảm nghiêm trọng.

    Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm sản lượng tôm nước lợ của Việt Nam sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng tôm thu hoạch được trong nửa đầu năm chỉ đạt 28% (191.500 tấn) so với kế hoạch cả năm. Trong khi đó, ở ngành cà phê những dự báo cho thấy, khả năng niên vụ 2015/2016 sẽ chỉ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.

    Việc sụt giảm nguyên liệu nói trên đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, để có thể thu mua được nguyên liệu chế biến xuất khẩu, các DN thủy sản, cà phê sẽ phải khá chật vật. Thời điểm này chính là lúc họ cần những khoản vốn vay lãi suất thấp để có thể cân đối giá mua, nhằm cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài ngay trên vùng nguyên liệu trong nước, đồng thời tính toán hơn thiệt tại các thị trường xuất khẩu.

    Thực tế đã chứng minh, từ cuối quý II/2016 NHNN đã nhận thấy những khó khăn cũng như nhu cầu vay vốn lãi suất thấp để thu mua nguyên liệu của các DN xuất khẩu. Chính vì thế, thời điểm cuối tháng 5/2016, ngành Ngân hàng đã ban hành Thông tư 07 cho phép các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ được vay USD trở lại nhằm thanh toán trong nước sau hai tháng hoạt động cho vay ngoại tệ bị khép lại.

    Ngay sau khi NHNN mở van tín dụng ngoại tệ, hoạt động cho vay ngoại tệ ngay lập tức trở lại trong tháng 6, hàng loạt các DN xuất khẩu đã thở phào nhẹ nhõm.

    Ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam thời điểm đó đã thẳng thắn chia sẻ, việc được vay USD trở lại đã giúp cho hàng loạt DN trút bỏ được lo lắng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

    Mới đây, ông Vinh cũng khẳng định lại rằng, chính việc các DN tiếp cận được vốn vay lãi suất rẻ từ đầu tháng 6 đến nay đã kéo giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê lên mức trên 1,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Và như vậy, khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu của ngành cà phê ở mức 2,43 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được. Vì chỉ trong vòng hơn 1 tháng vừa qua, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã tăng khoảng 200 triệu USD so với cuối tháng 6.

    Tương tự, ở mặt hàng thủy sản, những thống kê của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho thấy rằng, trong 6 tháng vừa qua, do thiếu nguyên liệu chế biến, các DN phải bỏ ra khoảng trên 485 triệu USD để nhập khẩu tôm, cá ngừ và các loại thủy – hải sản khác.

    Chính việc các NHTM mở cửa cho vay USD trở lại, đồng thời cam kết cho vay nhiều hợp đồng tín dụng ngoại tệ quy đổi ra tiền đồng để thanh toán trong nước đã giúp cho các DN có được nguồn vốn tốt để mua nguyên liệu từ trong nước và từ 75 thị trường quốc tế. Điều này góp phần vào sự phục hồi nhẹ của kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở mức 3,15 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2015.

    Cửa đồng hành vẫn còn rộng

    Thực tế, việc mở lại cửa vay vốn ngoại tệ đối với khối DN xuất khẩu được cho chỉ là giải pháp tạm thời mang tính chất hỗ trợ DN đối phó với các khó khăn khách quan, bất thường của thị trường. Quan điểm chung của NHNN vẫn là hạn chế tình trạng đô-la hóa nền kinh tế và nâng vị thế tiền VND. Chính vì vậy, đến hết năm 2016, việc NHNN có tiếp tục chính sách cho vay ngoại tệ chuyển đổi để thanh toán trong nước với các DN xuất khẩu hay không còn phụ thuộc vào nhiều cân đối vĩ mô.

    Tuy nhiên, ngay cả khi NHNN có siết lại hoạt động cho vay ngoại tệ vào thời điểm năm sau, thì trong những tháng cuối năm sắp tới đây, ý nghĩa hỗ trợ cộng đồng DN xuất khẩu của việc “mở van” cho vay ngoại tệ vẫn được thể hiện một cách tích cực và hiệu quả.

    Bởi lẽ, nhu cầu vốn ngoại tệ cho thanh toán vào dịp cao điểm cuối năm của các DN xuất khẩu sẽ vẫn được các NHTM cung ứng. Trong bối cảnh lãi suất huy động ngoại tệ đã được kéo về mức tối thiểu (0%), huy động ngoại tệ của hệ thống NH giảm 6,25% trong 7 tháng đầu năm, mà thời gian qua các NHTM vẫn duy trì được các khoản cho vay ra bằng ngoại tệ, và có chiều hướng tăng lên, đã cho thấy tinh thần trợ lực DN của hệ thống NH là rất đáng ghi nhận.

    Trong giả thiết, nếu hết năm 2016, NHNN không còn duy trì chính sách cho vay ngoại tệ với các DN xuất khẩu nữa thì cửa vay vốn lãi suất thấp của các DN cũng không hẳn khép lại hoàn toàn. Bởi thực tế, hiện nay một số NHTM (như VietCapital Bank, HDBank) đã triển khai các sản phẩm vay VND với lãi suất USD. Các DN tiếp cận vốn từ các sản phẩm này chỉ phải trả lãi suất 4-4,5%/năm – tương đương với việc vay USD chuyển đổi.

    Thêm vào đó, hiện nay nhiều NHTM cũng đã tích cực hỗ trợ các DN xuất khẩu bằng các gói vay VND với lãi suất ngắn hạn chỉ bằng mức lãi suất cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (tối đa 7%/năm). Điều này cho thấy rằng, cửa vay vốn rẻ trong dịp từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục rộng mở.

    Nguồn vốn tín dụng chắc chắn sẽ góp phần hậu thuẫn tối đa cho lợi nhuận của DN và “phao cứu sinh” cho những chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu mà nhiều ngành hàng lớn như lúa gạo, thủy sản, cà phê, gỗ - lâm sản… đặt ra từ đầu năm nhưng đang phải “căng như dây đàn” vì những biến thiên của thời tiết và thị trường tiêu thụ.(TBNH)

     

    Đầu tư FDI tăng cao và câu chuyện thách thức dài hạn

    Thu hút FDI thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách.

    Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 7 năm nay, cả nước thu hút được gần 13 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một khởi đầu thuận lợi, dự báo một năm thành công của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khẳng định Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

    Tuy nhiên, tình hình thu hút FDI trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Đây cũng là bài toán dài hạn cho các nhà quản lý trong thời gian tới.

    Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng qua, cả nước có 2.068 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn với tổng vốn đăng ký đạt 12,94 tỷ USD, tăng mạnh cả về số dự án và số vốn cam kết so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách Nhà nước và 20% GDP của Việt Nam.

    Sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp này không chỉ đơn thuần cho tăng trưởng, mà còn tạo nên thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Song, đây vẫn chưa phải biểu hiện tích cực duy nhất của dòng vốn FDI.

    Theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, khối FDI đã nổi lên là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện ở dòng vốn giải ngân tăng mạnh chưa từng có. Cụ thể, năm 2015 tăng trưởng vốn FDI thực hiện đạt hơn 12%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên, tính đến tháng 7 năm nay, con số này thậm chí còn cao hơn, tăng tới 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, xu thế thu hút đầu tư nước ngoài năm nay là hệ quả rất tích cực của hội nhập.

    “Giải ngân tăng chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài khá yên tâm, thể hiện việc thu hút nước ngoài vào Việt Nam đã bắt đầu thực sự tốt hơn, đó là điều mà chúng ta rất mong muốn và kỳ vọng”, ông Toàn nhận định.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo lắng về những hậu quả tiêu cực của khu vực FDI. Theo kết quả nghiên cứu tác động môi trường của khối FDI tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây, từ năm 2011 - 2015, ngày càng có nhiều doanh nghiệp có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao như dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang – thép… mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

    PGS.TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mang theo công nghệ thấp, không những ảnh hưởng tới môi trường mà tính lan tỏa về công nghệ từ các doanh nghiệp này cũng gần như không có.

    “Trong 25 năm thu hút FDI có thể thấy 80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình, công nghệ cao chỉ chiếm 6%. Với việc doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ thì rõ ràng Việt Nam phải chấp nhận nếu muốn dựa vào FDI để tăng trưởng”, PGS.TS. Tô Trung Thành nhận định.

    Không chỉ vậy, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước.

    Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều doanh nghiệp khai lỗ liên tục trong nhiều năm liên tục gây khó cho các cơ quan quản lý, khiến dư luận bức xúc.

    Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, nghi vấn có nhiều nhưng việc xử lý thì phải có căn cứ pháp luật.

    “Trường hợp này rất khó khi mà Việt Nam chỉ quản lý, xử lý doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, còn việc chuyển giá, nhập khẩu, lách thuế, trốn thuế lịa liên quan đến nhiều quốc gia. Khi không chứng minh bằng các đầu mối thì không giải quyết được câu chuyện bất hợp lý”, Luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ.

    Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần sớm triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan về đầu tư trực tiếp nước ngoài để có những chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả của dòng vốn này.

    “Phân cấp quản lý là một chủ trương rất đúng nhưng quản lý sau phân cấp là gì và quy định phân cấp quản lý thế nào vẫn cần phải xem xét lại và phải có những điểm đổi mới. Trong Nghị quyết 108 và tất cả những chỉ thị gần đây của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ về quản lý đầu tư nước ngoài. Có nghĩa là không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, nhất là qua bài học kinh nghiệm Formosa. Làm sao thu hút nước ngoài thực sự có lợi cho Việt Nam, có lợi một cách lâu dài cho sự phát triển bền vững, trong đó có vấn đề về môi trường, trách nhiệm xã hội cũng như quản lý những vi phạm pháp luật của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hoàng khẳng định.

    Trước những cơ hội và thách thức đan xen, để dòng vốn đầu tư trực tiếp nước thật sự là công cụ đắc lực cho phát triển kinh tế đất nước, tạo sự lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước, gia tăng vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong giai đoạn 2016-2020, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần hướng tới những lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp cao.

    Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực và có tác động lôi cuốn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu


    50% người dân sẽ không dùng tiền mặt

    Đó là một trong những nội dung tại quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành

    Mục tiêu nêu trên được đặt ra trong bối cảnh bùng nổ các kênh mua sắm trực tuyến, ngân hàng (NH) thương mại đẩy mạnh ứng dụng NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) nhưng muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, người dân phải cảm thấy yên tâm khi giao dịch, nhất là gần đây xảy ra nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản qua mạng.

    Năm 2020, doanh số thương mại điện tử đạt 10 tỉ USD

    Theo chiến lược này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp - DN với khách hàng) tăng 20%, đạt 10 tỉ USD và chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

    Ngoài ra, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức không dùng tiền mặt. Đặc biệt, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các TP lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

    Chính phủ cũng mong muốn 100% dịch vụ công của bộ, ngành trung ương được cung cấp trực tuyến; 100% thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện phiếu được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…

    Lãnh đạo một số NH thương mại nhìn nhận mục tiêu 50% thị dân ở các TP lớn sẽ thanh toán không dùng tiền mặt có thể đạt do hiện nay, các dịch vụ NH điện tử bùng nổ, nhất là ứng dụng NH trên di động (Mobile Banking) đang phát triển mạnh mẽ.

    Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, đến năm 2015, cả nước có 48 triệu người dùng internet và 35 triệu người dùng smartphone (điện thoại thông minh). Báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử 2015 cho thấy có 27% người dùng từng mua hàng qua điện thoại và thanh toán chủ yếu bằng thẻ NH, 45% người dùng tìm kiếm thông tin mua hàng qua điện thoại nhiều hơn 1 lần/ngày. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước có tỉ lệ sử dụng smartphone tăng trưởng nhanh nhất cùng với công nghệ thanh toán trên di động không ngừng phát triển.

    Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường thẻ NH cũng cho thấy xu hướng phát triển của các kênh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, 45 NH đã cung cấp dịch vụ SMS Banking, Internet Banking và 25 NH triển khai ứng dụng Mobile Banking. Theo số liệu thống kê của Hội Thẻ NH Việt Nam, đến cuối năm 2015, cả nước có gần 82 triệu thẻ các loại, trong đó khoảng 90% là ghi nợ nội địa (ATM). Cùng với sự gia tăng số lượng thẻ, doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ cũng tăng trưởng không ngừng. Toàn thị trường hiện có khoảng 16.573 máy ATM và gần 220.000 máy POS.

    Phải tiện dụng, an toàn

    Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng của thị trường thương mại điện tử trên nền tảng NH điện tử là rất lớn nhưng với điều kiện người dùng yên tâm trong vấn đề an toàn. Đặc biệt, gần đây xảy ra liên tiếp các vụ chủ thẻ khiếu nại, phản ánh đến NH về tình trạng mất tiền trong tài khoản dù không giao dịch.

    Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cho rằng DN thương mại điện tử, DN kinh doanh hàng hóa và dịch vụ hiện chưa chú trọng tới thương mại di động. Ít nhất 11,3 triệu khách hàng đã đặt hàng qua thiết bị di động nhưng tỉ lệ website có phiên bản dành cho smartphone của DN lại chỉ chiếm 15%.

    Công cụ thanh toán trực tuyến phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán đa dạng của khách hàng. Trong khi đó, tâm lý người dùng vẫn chưa quen việc mua sắm và trả tiền qua mạng do lo ngại về chất lượng hàng hóa, vấn đề an ninh và lo thanh toán trực tuyến không an toàn, gây thiệt hại...

    Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2015 cũng cho thấy hạ tầng và dịch vụ thanh toán điện tử chưa đáp ứng được sự phát triển của thương mại điện tử. Trong khi đã phát hành gần 82 triệu thẻ các loại, độ phủ của các máy POS lại chưa cao và chủ yếu tập trung tại các TP lớn.

    Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia NH, mục tiêu 50% thị dân ở các TP lớn sẽ thanh toán không dùng tiền mặt là rất khó do còn nhiều rào cản và cơ sở hạ tầng cho kênh thanh toán không dùng tiền mặt chưa hoàn thiện. Ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp… vẫn có những dịch vụ mà khách hàng phải trả bằng tiền mặt.

    “Thói quen tiêu dùng tiền mặt trong dân hiện vẫn còn, kể cả ở các TP lớn nên mục tiêu trong 4 năm tới, một nửa thị dân thanh toán không dùng tiền mặt là không dễ. Ngoài ra, một số điểm cung cấp hàng hóa dịch vụ vẫn tính phí cà thẻ 2,5%-3% trên hóa đơn khiến khách hàng ngại trả tiền qua thẻ” - ông Minh phân tích.

    Muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không chỉ thay đổi thói quen của người dùng, đẩy mạnh các kênh thanh toán trực tuyến mà nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân thuận tiện sử dụng. Đồng thời, vai trò của nhà nước rất quan trọng, không chỉ tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử mà cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu phí…(NLĐ)

    Khuyến khích ủy thác thanh toán qua ngân hàng

    Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có hội sở tại TP HCM nhận xét gần đây, một số dịch vụ công cộng như điện, nước… đã ủy thác cho NH thu hộ phí thay vì phải nuôi bộ máy nhân viên đến từng nhà thu tiền. Chỉ cần có tài khoản NH, khách hàng có thể ủy thác cho NH thanh toán các khoản chi phí sinh hoạt, từ học phí đến điện, nước, truyền hình cáp… Việc khuyến khích người dân trả tiền dịch vụ qua kênh trực tuyến, NH thu hộ cũng đang góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

    Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của các TCTD đạt gần 7,9 triệu tỷ đồng

    Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến 30/6/2016 tổng tài sản của toàn hệ thống TCTD đạt 7.868.261 tỷ đồng, tăng 237.003 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 5 và tăng 548.948 tỷ đồng (tương đương tăng 7,5%) so với cuối năm 2015.

     
    thanh khoan cua he thong dang rat doi dao

    Thanh khoản của hệ thống đang rất dổi dào

    Tổng tài sản tăng mạnh

    Trong tháng 6, ngoại trừ tài sản của khối Công ty tài chính - cho thuê giảm nhẹ 596 tỷ đồng xuống còn 97.967 tỷ đồng, tài sản của tất cả các khối còn lại đều tăng khá mạnh. Trong đó tăng cao nhất là khối NHTM Nhà nước khi trong tháng 6 tổng tài sản của khối này đã tăng thêm 116.798 tỷ đồng lên 3.522.520 tỷ đồng.

    Đứng thứ hai là khối NHTMCP khi tổng tài sản của khối này cũng tăng 99.807 tỷ đồng lên 3.154.574 tỷ đồng. Kế đó là khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài với mức tăng 15.450 tỷ đồng lên 828.948 tỷ đồng.

    Trong tháng, tổng tài sản của NHCSXH cũng tăng 4.182 tỷ đồng lên 154.368 tỷ đồng; hệ thống QTDND tăng 1.232 tỷ đồng lên 85.829 tỷ đồng; Ngân hàng Hợp tác tăng 161 tỷ đồng lên 24.056 tỷ đồng.

    Nếu xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTM Nhà nước vẫn đang dẫn đầu về giá trị tài sản đạt 3.522.520 tỷ đồng; đứng thứ hai là khối NHTMCP đạt 3.154.574 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài đứng thứ 3 với tổng tài sản 828.948 tỷ đồng.

    Vốn tự có tăng; vốn điều lệ giảm nhẹ

    Bên cạnh tổng tài sản, vốn tự có của toàn hệ thống cũng duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 6.

    Theo đó, đến cuối tháng 6, vốn tự có của toàn hệ thống đạt 605.808 tỷ đồng, tăng 10.880 so với thời điểm cuối tháng 5 và tăng 27.788 tỷ đồng (tương đương tăng 4,81%) so với cuối năm 2015.

    Trong tháng, ngoại trừ vốn tự có của Ngân hàng Hợp tác vẫn ổn định ở mức 3.608 tỷ đồng, vốn tự có của tất cả các khối đều tăng. Trong đó vốn tự có của khối NHTM Nhà nước tăng mạnh tới 5.591 tỷ đồng lên 212.868 tỷ đồng; khối NHTMCP tăng 4.418 tỷ đồng lên 244.634 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài tăng 395 tỷ đồng lên 126.296 tỷ đồng…

    Nếu xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối NHTMCP lại dẫn đầu về vốn tự có; đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước; xếp thứ ba là khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài.

    Tuy nhiên vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm nhẹ 161 tỷ đồng xuống còn 469.721 tỷ đồng trong tháng 6. Mặc dù vậy so với cuối năm 2015, vốn điều lệ của toàn hệ thống vẫn tăng 9.442 tỷ đồng (tương đương tăng 2,05%.

    Sở dĩ vốn điều lệ của toàn hệ thống giảm trong tháng 6 là do vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài giảm 214 tỷ đồng xuống còn 100.552 tỷ đồng; khối công tỷ tài chính - cho thuê giảm 1 tỷ đồng xuống 18.557 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước tăng 23 tỷ đồng lên 137.120 tỷ đồng; vốn điều lệ của hệ thống QTDND tăng 32 tỷ đồng lên 3.329 tỷ đồng.

    Nếu xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTMCP cũng đang dẫn đầu về vốn điều lệ với 196.466 tỷ đồng; kế đến là khối NHTM Nhà nước với 137.120 tỷ đồng; thứ ba là khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 100.552 tỷ đồng.

    Hiệu quả kinh doanh được cải thiện

    Một điểm rất đáng chú trong số liệu thống kê của NHNN Việt Nam là hiệu quả kinh doanh trong quý 1 vừa qua của hầu hết các khối đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2015.

    Điều đó thể hiện ở cả hai chỉ số ROA và ROE của hầu hết các khối, trừ khối NHTMCP đều tăng; qua đó kéo ROA và ROE của toàn hệ thống tăng lên tương ứng là 0,18% và 2,16% từ các mức tương ứng là 0,17% và 1,84% của quý 1/2015.

    Tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống đạt 12,65% cao hơn nhiều tỷ lệ cho phép của NHNN là 9%. Tỷ lệ này tại tất cả các khối đều cao hơn quy định.

    Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống tại thời điểm cuối tháng 5 là 31,08%, giảm nhẹ so với mức 31,42% của tháng 5. Tỷ lệ này tại tất cả các khối đều thấp hơn nhiều mức tối đa theo quy định.

    Điều đó cho thấy thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào. Đây là cơ sở để ổn định mặt bằng lãi suất.

    Cụ thể trong quý 1 vừa ROA và ROE của khối NHTMCP giảm nhẹ còn 0,10% và 1,29% so với các mức tương ứng là 0,12% và 1,49% của quý 1/2015.

    Trong khi ROA và ROE của khối NHTM Nhà nước tăng lên tương ứng là 0,20% và 3,24% (quý 1/2015 là 0,18% và  2,48%); khối Ngân hàng liên doanh nước ngoài tăng lên mức 0,20% và 1,37% (quý 1/2015 là 0,16% và  0,97%); khối Công ty tài chính cho thuê đạt 1,24% và 5,80% (quý 1/2015 là 0,18% và  2,48%).

    ROA và ROE quý 1 của NHCSXH cũng đạt tương ứng là 0,40% và 1,93%; Ngân hàng Hợp tác xã đạt 0,87% và 5,26%; QTDND đạt 0,35% và 5,53%.

    Theo một chuyên gia ngân hàng, việc ROA ROE của toàn hệ thống được cải thiện tích cực một phần vì tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng được cải thiện rõ rệt, nợ xấu đã được tích cực xử lý khiến các TCTD tiết giảm được chi phí dự phòng rủi ro, qua đó gia tăng lợi nhuận.(TBNH)

    Loại hình TCTD

    ROA

    ROE

    NHTM Nhà nước

    0.20

    3.24

    Ngân hàng Chính sách xã hội

    0.40

    1.93

    NHTM Cổ phần

    0.10

    1.29

    NH Liên doanh, nước ngoài

    0.20

    1.37

    Công ty tài chính, cho thuê

    1.24

    5.80

    Ngân hàng Hợp tác xã

    0.87

    5.26

    Quỹ tín dụng nhân dân

    0.35

    5.53

    Toàn hệ thống

    0.18

    2.16


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn