TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-03-2016

    Aeon tuyên bố sắp mua được BigC Việt Nam

    Với lời chào mua 800 triệu USD, hiện Aeon tuyên bố gần đạt được thỏa thuận mua lại BigC Việt Nam.

    aeon tuyen bo sap mua duoc bigc viet nam

    Aeon tuyên bố sắp mua được BigC Việt Nam

    Thông tin từ tờ Bloomberg cho biết, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản đã gần đạt được thỏa thuận mua lại BigC Việt Nam từ tập đoàn Casino của Pháp.

    Aeon hiện là người dẫn đầu trong cuộc đua thâu tóm BigC Việt Nam khi chào mua với mức giá hơn 800 triệu USD. Được biết thỏa thuận cuối cùng rất có thể sẽ được công bố vào cuối tuần này.

    Bên cạnh đó, tờ Reuters cũng tiết lộ hiện có khoảng 10 công ty tham gia vào vòng đấu giá BigC Việt Nam. Một số cái tên nổi bật trong đó gồm có Lotte của Hàn Quốc, Central Group và TCC holding của Thái Lan.

    Casino hiện đang nỗ lực bán những mảng kinh doanh tại châu Á và châu Mỹ Latin nhằm giảm gánh nặng nợ nần.

    Hiện tại phía Casino chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin kể trên.

    Tháng trước tập đoàn này cũng đã hoàn tất thương vụ bán BigC Thái Lan với giá 3,1 tỷ euro (tương đương 3,4 tỷ USD) cho tập đoàn TCC của tỷ phú Charoen Sirivadhanabakdi.

    Aeon hiện đang điều hành chuỗi siêu thị và cửa hàng giảm giá tại Việt Nam với 550 nhân viên, tính đến tháng 10/2013.


    Lại thêm một thương hiệu Nhật Bản sắp rơi vào tay Trung Quốc

    Toshiba chuẩn bị bán mảng sản xuất tủ lạnh, máy giặt cho Midea.

    toshiba chuan bi ban mang san xuat tu lanh, may giat cho midea

    Toshiba chuẩn bị bán mảng sản xuất tủ lạnh, máy giặt cho Midea

    Truyền thông Nhật Bản đưa tin vào ngày hôm qua cho biết tập đoàn Toshiba đã gần đạt được thỏa thuận bán mảng kinh doanh Toshiba Lifestyle Products & Services với giá 10 tỷ yen (hơn 88 triệu USD) cho tập đoàn điện tử Trung Quốc Midea.

    Thỏa thuận được thực hiện thông qua cách thức bán một lượng lớn cổ phần cho phía công ty Trung Quốc.

    Mảng kinh doanh Toshiba Lifestyle Products & Services của Toshiba sản xuất đồ điện tử gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng…

    Được biết, thương vụ này đang ở giai đoạn cuối cùng và rất có thể sẽ hoàn tất ngay trong tuần này. Điều kiện đi kèm của thỏa thuận là phía Trung Quốc phải giữ nguyên thương hiệu, nhân viên và các trung tâm sản xuất của Toshiba.

    Trước Media, Toshiba đã tiến hành đàm phán với một người mua tiềm năng tới từ Thổ Nhĩ Kỳ tuy nhiên sau đó Midea đã đưa ra mức giá hấp dẫn hơn.

    Thông qua thương vụ này, Midea có thể mở rộng sự hiện diện tại thị trường Nhật Bảnvà Đông Nam Á khi vừa cung cấp những sản phẩm dưới tên thương hiệu Midea và cả Toshiba. Ngoài ra họ cũng tận dụng được mạng lưới bán hàng hiện tại của Toshiba ở thị trường Nhật Bản.

    Nếu thỏa thuận này hoàn tất, ngành sản xuất đồ điện tử của Nhật Bản lại chứng kiến thêm một thương vụ mua bán với công ty Trung Quốc mà mở đầu là việc thương hiệu Sanyo Electric – một chi nhánh của Panasonic được mua lại bởi Haier Group.

    Do chịu ảnh hưởng từ bê bối gian lận tài chính, Toshiba hiện phải nỗ lực tái cấu trúc lại toàn bộ công ty. Ngoài mảng điện tử gia dụng, công ty này cũng đang thỏa thuận việc bán mảng kinh doanh thiết bị y tế cho Canon.


    Anbang của Trung Quốc thách thức Marriott trong cuộc đua mua lại chuỗi khách sạn Starwood

    Lời đề nghị được Anbang đưa ra hôm thứ Hai, chỉ vài ngày sau khi tập đoàn này đồng ý mua lại Công ty Strategic Hotels & Resorts với 16 khách sạn sang trọng từ Blackstone Group LP với giá 6,5 tỷ USD.

    tap doan bao hiem anbang cua trung quoc da thach thuc marriott international inc trong cuoc dua thau tom lai chuoi khach san starwood cua my khi dua ra muc gia 12,8 ty usd

    Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã thách thức Marriott International Inc trong cuộc đua thâu tóm lại chuỗi khách sạn Starwood của Mỹ khi đưa ra mức giá 12,8 tỷ USD

    Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã thách thức Marriott International Inc trong cuộc đua thâu tóm lại chuỗi khách sạn Starwood của Mỹ khi đưa ra mức giá 12,8 tỷ USD. Đề xuất này tiếp tục đánh bóng tên tuổi của Anbang như là tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc chuyên đi thâu tóm lại các tập đoàn khác.

    Lời đề nghị được Anbang đưa ra hôm thứ Hai, chỉ vài ngày sau khi tập đoàn này đồng ý mua lại Công ty Strategic Hotels & Resorts với 16 khách sạn sang trọng từ Blackstone Group LP với giá 6,5 tỷ USD.

    Anbang có tổng tài sản là 253 tỷ USD. Năm 2014 Anbang đã thu hút sự chú ý trên nhiều tờ báo lớn trên khắp thế giới khi mua lại Waldorf Astoria Hotel tại New York, và nay đang dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư tham gia cuộc đua mua lại chuỗi khách sạn Starwood Hotels & Resorts trên toàn thế giới. Nhóm này còn bao gồm Quỹ Primavera Capital ở Trung Quốc và quỹ đầu tư JC Flowers & Co ở Mỹ.

    Lời đề nghị trị giá 12,8 tỷ USD này thực chất đã đe dọa tới tập đoàn Marriott International vốn đã đạt được thỏa thuận mua lại Starwood Hotels & Resorts trước đó. Hiện tại, Starwood đang quản lý 1.270 khách sạn tại 100 quốc gia trên khắp thế giới. Starwood cho biết rằng họ đã nhận được đề nghị rằng Anbang sẽ trả 76 USD cho mỗi cổ phiếu, cao hơn hẳn mức giá 63,74 USD mà Marriott đưa ra và Starwood đã chấp nhập hồi tháng 11/2015.

    Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết trong một bản thông báo rằng ban giám đốc “vẫn chưa thay đổi quyết định ủng hộ Starwood sát nhập với Marriott”. Trong khi đó, Marriott đưa ra một bản thông báo nói rằng tập đoàn này “khẳng định lại cam kết mua lại Starwood Hotels & Resorts Worldwide, Inc. để trở thành tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới.”

    Marriott hiện có hơn 4.400 khách sạn ở 87 quốc gia và lãnh thổ, với những thương hiệu nổi tiếng như The Ritz-Carlton, JW Marriott và Gaylord Hotels. Marriott cũng cho biết đã nhận được thông báo của Starwood về đề xuất mua lại chuỗi khách sạn này từ một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Anbang. Theo đó, tập đoàn này cũng để cho Starwood cân nhắc lại về đề xuất trên, thời hạn cân nhắc sẽ kết thúc vào nửa đêm ngày 17/3.


    Tiếp tục tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa qua Lối mở Nà Lạn

    Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan hàng hóa qua Lối mở Nà Lạn và 6 cửa khẩu phụ.

    Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan hàng hóa qua Lối mở Nà Lạn và 6 cửa khẩu phụ, điểm thông quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại công văn số 748/TTg-KTTH ngày 27/5/2013 và số 124/VPCP-KTTH ngày 7/1/2014.

    Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, các Bộ liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện; phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo, tổ chức các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan nêu trên; trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Các Bộ Công Thương, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, UBND tỉnh biên giới liên quan rà soát các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan để áp dụng cơ chế, chính sách tương tự đối với các địa điểm đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.


    Tổ hợp Samsung 2 tỷ USD sắp đi vào hoạt động

    Dự án Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) sẽ chính thức vận hành vào giữa năm nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm sản xuất TV và thiết bị điện tử gia dụng của Samsung trên toàn cầu.

    Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, Dự án SEHC, vốn đầu tư 2 tỷ USD, đang bắt đầu vận hành thử nghiệm để chuẩn bị cho việc chính thức đi vào sản xuất thương mại vào giữa năm nay tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP). Dự án này được khởi công xây dựng vào ngày 19/5 năm ngoái và như vậy, đã “tuân thủ” đúng truyền thống của các dự án Samsung tại Việt Nam, đó là đi vào hoạt động chỉ sau 1 năm xây dựng. Cũng trong 1 năm này, SEHC đã “kịp” nâng vốn đầu tư từ 1,4 tỷ USD ban đầu lên hơn 2 tỷ USD vào những ngày cuối cùng của năm 2015, chuẩn bị cho bước phát triển nhanh tại thị trường Việt Nam.

    ..

    Nguồn tin chính thức này cũng cho biết, không chỉ sản xuất TV, mà ngay trong năm 2016 và trong nửa đầu năm 2017, SEHC sẽ lần lượt đi vào sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng khác là máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi và máy lạnh. Trước đây, Nhà máy Samsung Vina ở Thủ Đức (TP.HCM) chỉ chuyên sản xuất TV, màn hình máy tính, chưa sản xuất thiết bị điện tử gia dụng và cũng chưa sản xuất các dòng TV thế hệ mới, cao cấp như SUHD màn hình cong…

    Như vậy, ngay sau khi SEHC đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của Samsung đối với các thiết bị di động nữa, mà sẽ trở thành một cứ điểm cho sản xuất TV và các thiết bị thiết bị điện tử gia dụng khác của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này.

    “SEHC khi hoàn thiện sẽ trở thành một trong 4 nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất của Samsung trên toàn cầu”, ông Lee Sangsu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE cho biết.

    Và vì thế, cũng giống như câu chuyện của Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh và Thái Nguyên (SEV và SEVT), cung ứng tới trên 33% tổng sản lượng thiết bị di động mà Samsung bán ra trên toàn cầu, với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 32,8 tỷ USD trong năm 2015, SEHC cũng sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu các sản phẩm TV và thiết bị điện tử gia dụng của Samsung ra thị trường thế giới.

    Theo kế hoạch, các mặt hàng TV của SEHC sẽ được xuất khẩu đi 30 quốc gia, còn các mặt hàng điện tử gia dụng sẽ được đưa tới 40 quốc gia, tiếp tục viết tên Việt Nam trên “bản đồ” ngành điện tử gia dụng toàn cầu. Trước đây, sản phẩm của nhà máy Samsung Vina chủ yếu được tiêu thụ nội địa.

    Để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy, từ cuối năm ngoái, Samsung đã phối hợp với SHTP tìm kiếm các nhà cung ứng trong và ngoài nước. Trên 80 doanh nghiệpđã tìm đến với Samsung, trong đó phân nửa số này là các dự án đầu tư mới. Thông tin từ ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, đã có khoảng 300 triệu USD vốn đầu tư được các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án sản xuất linh phụ kiện cho SEHC. Trong số này, có các dự án đáng chú ý, như Dự án Aureumaex Precision Plastics Việt Nam của Công ty United  More SDN. BHD (Malaysia), vốn đầu tư 21 triệu USD; Dự án Samjin, vốn đầu tư 15 triệu USD, Dự án Sacyoung, 23 triệu USD…

    Bên cạnh đó, một động thái quan trọng khác, Samsung hiện cũng đang thực hiện hỗ trợ 3 doanh nghiệp Việt Nam tại Long An (MIDA Molding) và TP.HCM (Phước Thanh, Ngân Hà) trong cải tiến nhà xưởng, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất… để có thể trở thành nhà cung cấp cho Samsung. Con số trên sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay, bởi Samsung vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, tương tự công việc mà họ đang làm tại hai dự án SEV và SEVT.

    Với những động thái này, dư luận đang tiếp tục chờ đợi những đóng góp to lớn của SEHC cho kinh tế - xã hội Việt Nam, sau khi dự án này đi vào hoạt động.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn