TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-03-2016

    Proconco tố “ông lớn” Hàn Quốc CJ không thể là nhà đầu tư chiến lược của Vissan

    Đây là nội dung của CTCP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) trong văn bản gửi tới UBND TP.HCM và Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan). 
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Theo phía Proconco, phía CJ Cheiljedang không thỏa mãn tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại Vissan bởi những yếu tố sau: 
    Theo tiêu chí của Vissan, nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực về tài chính, bao gồm tại niên độ tài chính năm 2015, vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đối với doanh nghiệp trong nước hoặc tương đương 1.000 tỷ theo tỷ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghệp nước ngoài. Ngoài ra không lỗ trong 3 năm gần đây và không có lỗ lũy kế đến thời điểm 30/9/2015. Tổng số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2015 không vượt quá 1,5 lần. 
    Tuy nhiên Proconco cho biết, theo thông tin trên website của chính CJ thì doanh nghiệp này đang có chỉ số Tổng nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2015 là 1,61 lần, vượt quá tiêu chí. 
    bang chung proconco dua ra ve nang luc tai chinh cua cj  

    Bằng chứng Proconco đưa ra về năng lực tài chính của CJ  

    Ngoài ra, theo Proconco, căn cứ thông tin tài chính quý III/2015 của CJ Cheiljedang Corporation được đăng tải trên Bloomberg thì công ty mẹ CJ hiện đang có các khoản bảo lãnh cho các công ty con, công ty liên kết cà các bên liên quan của mình với tổng trị giá 3.437 tỷ won, tương đương 2,7 tỷ USD. Tổng giá trị các bảo lãnh này tương đương 113% vốn chủ sở hữu của công ty mẹ tại cũng thời điểm, ảnh hưởng trọng yếu đến việc đánh giá tình hình tài chính của công ty.
    Một lần nữa trong văn bản này, Proconco khẳng định "việc đánh giá năng lực tài chính của một công ty nói chung và nói riêng là CJ Cheiljedang Corporation chỉ có thể được thực hiện một cách chính xác, toàn diện và đầy đủ dựa trên cơ sở của báo cáo tài chính hợp nhất của CJ Cheiljedang Corporation".
    Proconco đề nghị Ban chỉ đạo Cổ phần hóa Vissan xem xét làm rõ để có câu trả lời thỏa đáng cho các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý được biết. 
    Ngày 24/3 tới đây, Vissan sẽ tổ chức đấu giá chọn nhà đầu tư chiến lược và dự báo sẽ diễn ra rất gay cấn khi theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, hiện có rất nhiều đối tác muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan như Proconco, Anco, tập đoàn CJ của Hàn Quốc.
    Trong đó, Proconco và Anco đều thuộc CTCP Tập đoàn Masan (MSN). Còn tập đoàn CJ được biết đến tại Việt Nam ở một số thương vụ như mua Megastar (sau đó đổi tên thành CGV), mua cao ốc Gemadept Tower của GMD…
    Mới đây trong đợt IPO của Vissan, CJ cũng chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu, tương đương 4,18% cổ phần công ty này với giá 102.000 đồng - mức giá cao nhất trong đợt đấu giá công khai.

    Đối tác Singapore sẽ nắm 25% vốn điều lệ của Hanel

    Hanel cho biết, đã chấp thuận CTCP Công nghệ Tiến Việt và đối tác ngoại đến từ Singapore là Công ty Sebrina Holdings Ltd là nhà đầu tư chiến lược.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Theo tài liệu công bố trước phiên IPO dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 14/4 tới đây, Công ty TNHH MTV Hanel cho biết, sau cổ phần hóa, công ty sẽ có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng. 
    Trong đó, công ty sẽ chào bán tổng cộng hơn 19,1 triệu cổ phần, tương đương 9,94% vốn ra công chúng, Nhà nước nắm 55,8 triệu cổ phần, tương đương 29% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho người lao động 125,8 nghìn cổ phần, chiếm 0,06% vốn, còn lại sẽ bán hơn 117,4 triệu cổ phần, tương đương 61% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.
    Hanel cho biết, đã chấp thuận CTCP Công nghệ Tiến Việt và đối tác ngoại đến từ Singapore là Công ty Sebrina Holdings Ltd là nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần theo giá thỏa thuận sau khi thực hiện IPO.
    Theo đó, Công nghệ Tiến Việt sẽ mua hơn 69,3 triệu cổ phần, tương đương 36% vốn điều lệ trong khi Sebrina Holdings Ltd sẽ nắm 25% vốn công ty, tương đương 48,15 triệu cổ phần.
    Giá khởi điểm cho phiên IPO là 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện mức giá thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa được Hanel công bố. Tuy nhiên, hai nhà đầu tư này sẽ không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian tối thiểu 5 năm.

    Thu hút FDI: TP.HCM bị Đồng Nai, Bình Dương bỏ xa

    Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, có 90 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn hơn 155 triệu USD; 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 79 triệu USD. Tính chung 2 tháng, TP.HCM thu hút hơn 231 triệu USD. Với kết quả này, vốn FDI vào TP.HCM kém khá xa so với Đồng Nai và Bình Dương, với số vốn cam kết trên dưới 500 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.

    Một trong những nguyên nhân của việc thu hút vốn FDI trong thời gian qua thấp là bởi, trong khi tại Đồng Nai, Bình Dương đã có những dự án có quy mô vốn lớn “cập bến”, thậm chí là có cả những dự án có số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, thì tại TP.HCM, phần lớn các dự án mới cấp phép có số vốn đăng ký chỉ vài chục triệu USD.

    Đơn cử, dự án của Công ty United More (Malaysia) có vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP). Dự án này dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 13 ha, có mục tiêu hoạt động là sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED có độ chính xác cao, công suất khoảng 12 triệu sản phẩm/năm; Dự án của Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương (KCN Hiệp Phước), có số vốn đầu tư 25,6 triệu USD, chuyên sản xuất các loại nước chấm và gia vị phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu…

    ..

    Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều năm gần đây, kết quả thu hút vốn FDI của TP.HCM cao, nhưng chủ yếu dồn vào bất động sản, dẫn đến tác động lan tỏa chưa nhiều, đóng góp vào chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội không lớn. Ngay như năm 2015, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, số vốn đầu tư cam kết của dự án FDI vào lĩnh vực bất động sản chiếm hơn 49% và chỉ có gần 27% vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, trong khi, bình quân chung của cả nước là gần 67% tổng vốn đầu tư cam kết và lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm hơn 10 %.

    Thực tế, ngoại trừ dự án của Tập đoàn Samsung tại SHTP sau lần tăng vốn 600 triệu USD vào cuối năm ngoái đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên 2 tỷ USD, thì trong mấy năm gần đây, TP.HCM không thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn lớn. Kể cả trong lĩnh vực dệt may được dự báo là đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì dự án lớn nhất đầu tư vào TP.HCM, sau khi tăng vốn vào năm vừa rồi cũng chỉ khoảng 300 triệu USD. Trong khi đó, có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất lên tới tỷ USD, nhưng lại giậm chân tại chỗ, thậm chí muốn “khai tử” nhiều năm vẫn chưa xong.

    Những rào cản, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư tiếp tục được “mổ xẻ” tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp FDI được tổ chức giữa tuần này. Vấn đề cải cách thể chế, trong đó có việc các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, gây khó cho nhà đầu tư vẫn là câu chuyện “nóng”. Đơn cử, theo các doanh nghiệp, Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đang làm nhiều nhà đầu tư phải thay đổi chiến lược, hoặc sẽ không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

    Thậm chí, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, Thông tư này vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO bằng việc đưa ra quy định tùy ý… Trong khi đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, một lượng lớn doanh nghiệp Nhật đang dự tính đầu tư vào Việt Nam và nhập khẩu máy móc thiết bị, nhưng đang gặp khó vì những quy định này. Do đó, các doanh nghiệp Nhật kiến nghị cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư.

    Trao đổi với các nhà đầu tư, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết, Thành phố đang tích cực triển khai 7 chương trình đột phá, trong đó có những chương trình cụ thể hướng tới tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

    Người đứng đầu TP.HCM cũng đề nghị các doanh nghiệp FDI nên chung tay đề xuất các biện pháp cụ thể để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo đời sống người lao động… vì mục tiêu chung là xây dựng, phát triển Thành phố. Đồng thời, ông Thăng cũng yêu cầu các ngành chức năng của Thành phố sau 1 tuần tính từ buổi gặp gỡ các doanh nghiệp FDI phải có trả lời cụ thể, rõ ràng về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp nêu ra.


    Thực thi EVFTA: Luật tương thích nhưng doanh nghiệp khó hưởng

    Chỉ có 2 điểm được xác định là còn vênh giữa các quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhưng đáng tiếc, điều này không đồng nghĩa với sự hài lòng của doanh nghiệp.

    Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gọi đây là “hai phát hiện quan trọng nhất” trong đợt rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan và minh bạch hóa vừa được công bố cuối tuần trước.

    Phát hiện thứ nhất, pháp luật Việt Nam gần như tương thích với EVFTA, trừ 2 yêu cầu cụ thể là không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thủ tục ưu tiên và yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần.

    van con khoang cach rat lon giua y chi chu quan cua nguoi xay dung chinh sach va thuc tien.

    Vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa ý chí chủ quan của người xây dựng chính sách và thực tiễn.

    “Phát hiện thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là, EVFTA đòi hỏi kết quả thực tế, chứ không chỉ trên quy định. Việt Nam cũng cam kết không chỉ về pháp luật, mà còn trên thực tiễn. Chính điều này khiến công việc để đảm bảo sự tương thích về pháp luật còn rất nhiều việc phải làm”, bà Trang phân tích.

    Việc rà soát pháp luật được Nhóm nghiên cứu thực hiện theo từng điều khoản cụ thể. Chính cách làm này đã khiến họ phát hiện ra, các quy định về mức kim ngạch khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận cơ chế ưu tiên; quy định: “tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao”, hay “hàng hóa nhập khẩu cho dự ántrọng điểm tại điểm 5, 6 của Điều 10, Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể liên quan.

    “Trong danh sách doanh nghiệp ưu tiên theo quy định này, chỉ có 38 doanh nghiệp trong số 50.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp này chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu (theo số liệu tháng 7/2015). Chúng tôi đề nghị giảm mức kim ngạch xuống phù hợp với năng lực xuất nhập khẩu trung bình của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa và bỏ quy định tại điểm 5, 6 trên”, bà Trang khuyến nghị.

    Vấn đề ở chỗ, theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia hải quan cao cấp, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), thì chính quy định mức kim ngạch khác nhau là cách làm riêng của Việt Nam, với mục đích chính là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

    “Cơ chế ưu tiên, một mặt dành nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, mặt khác đòi hỏi đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt, nhất là yêu cầu về ý thức và năng lực tuân thủ pháp luật, phương pháp quản trị chuyên nghiệp… Quan điểm của tôi là ưu tiên cho số đông thì không còn là ưu tiên nữa, nên tuy đồng ý giảm mức hạn ngạch nhưng nên từng bước, không tràn lan”, ông Bình bình luận.

    Rõ ràng, chưa bàn đến sự tương thích mà chỉ xét riêng tính khả thi và hiệu quả của chính sách, có thể thấy khoảng cách rất lớn giữa ý chí chủ quan của người xây dựng chính sách và thực tiễn. Nhìn rộng hơn, đây có thể là câu trả lời cho câu hỏi, tại sao sự tương thích lớn như vậy với một hiệp định thương mại tự do được coi là một trong những hình mẫu mới cho thương mại toàn cầu, nhưng không khiến doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong hoạt động thương mại.

    Trong đợt khảo sát doanh nghiệp về thủ tục hải quan, do VCCI thực hiện vào năm 2015, các doanh nghiệp “kêu trời” vì thủ tục thông quan rườm rà, thời gian chậm trễ, chi phí lớn. Có lẽ phải nhắc lại những ví dụ điển hình mà VCCI đã tổng hợp trình Chính phủ, như cơ quan kiểm dịch yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch khi nhập khẩu pallet gỗ ép PDF, trong khi đây là gỗ đã được xử lý, theo công ước quốc tế (ISPM15) không phải kiểm dịch, hun trùng, và đơn vị xuất khẩu không thể có giấy chứng nhận kiểm dịch để cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu; Hay như men bia là mặt hàng không thể mở ra ở môi trường bên ngoài, nên dù thực chất không kiểm tra gì mà vẫn cấp chứng nhận; Hoặc không thể cắt vải bọc của chiếc ghế để kiểm tra formaldehyte, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục với hình thức dùng một miếng vải gần giống để... kiểm định!

    “Rà soát của VCCI chưa thực hiện với hệ thống pháp luật chuyên ngành có liên quan, trong khi thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục khác chiếm tới 72% tổng số thời gian làm thủ tục thông quan. Nếu rà soát nội dung này với EVFTA thì sẽ thấy nhiều sự không tương thích. EVFTA thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro, trong khi quy định chuyên ngành của Việt Nam là kiểm tra chuyên ngành với mọi lô hàng và tại thời điểm thông quan”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích.

    Cũng phải nói thêm, EVFTA có riêng một chương về minh bạch trong thực thi pháp luật, trong đó yêu cầu minh bạch từ cam kết thực hiện thống nhất, khách quan đến chỉ định điểm hỏi đáp, cơ chế giải đáp vướng mắc... “Tuy nhiên, rất tiếc chúng tôi đã cố tìm nhưng chưa thấy văn bản nào về nguyên tắc thực thi pháp luật. Đây là điểm không thương thích lớn, tác động trực tiếp đến việc thực thi các cam kết”, bà Trang nói.

    Đó là lý do mà cam kết của Việt Nam trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật đang là thách thức lớn với các cơ quan liên quan. Nhưng giải tỏa thách thức này chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thực sự hưởng lợi từ EVFTA.


    Nợ xấu sẽ mắc kẹt nếu bất động sản gặp khó

    Chỉ riêng năm 2015, chủ yếu qua giải chấp bất động sản, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thổi bay hơn 18.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi đó, năm 2014, chỉ có 4.000 tỷ đồng được công ty này chỉ xử lý.

    Khó trông chờ vào nhà đầu tư ngoại

    Theo thông tin của Báo Đầu tư, cho đến giờ phút này, nhiều nhà đầu tư ngoại đã chùn chân, không còn kỳ vọng vào việc mua nợ xấu từ VAMC, dù trước đó đã có khoảng 60 nhà đầu tư ngỏ ý tìm hiểu.

    Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về khả năng bán nợ cho nước ngoài, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC lắc đầu cho biết : “Rất khó! Với thủ tục như hiện nay, chẳng nhà đầu tư nào dám mua”.

    ..

    Cho đến thời điểm này, nợ xấu trong bảng cân đối tài sản của toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 120.000 tỷ đồng (dưới 3%). Tuy nhiên, nợ nằm trong kho của VAMC lại nhiều gấp đôi con số này (245.000 tỷ đồng). Nguy cơ khối nợ khủng này quay lại ngân hàng rất lớn, khi thời hạn 5 năm trích lập dự phòng rủi ro ngày càng ngắn lại. Chưa kể, dù đã bán cho VAMC, song các ngân hàng vẫn đang phải còng lưng trích lập dự phòng cho khối nợ khủng này, nghĩa là gánh nặng tài chính vẫn đang nè nặng các ngân hàng. Càng kéo dài thời gian xử lý, chi phí càng tốn kém.

    “Điều quan trọng là làm sao để lưu động hóa tài sản do VAMC nắm giữ để xử lý nợ xấu triệt để”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia băn khoăn.

    Theo quy định pháp luật hiện hành, muốn bán tài sản nợ, ngân hàng và VAMC phải nhận được sự đồng tình của chủ nợ. Chính điều này đã làm chậm quá trình xử lý nợ. Tính đến cuối năm 2015, VAMC chỉ xử lý được hơn 22.000 tỷ đồng nợ xấu, tức khoảng 10% tổng số nợ xấu mua về.

    Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các nước trên thế giới khi xử lý nợ xấu đều phải bỏ ngân sách ra xử lý và có đạo luật riêng để xử lý nợ xấu, mà tỷ lệ thu hồi nợ xấu cũng chỉ khoảng 20%. Tuy nhiên,  ở Việt Nam, nợ xấu được xử lý trên nguyên tắc không dùng ngân sách và đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý. “VAMC đã thu hồi được 10% nợ xấu và chỉ 10% nữa thôi là đạt mức của thế giới. Nhưng  ở nước ta, nhiều người cho rằng, ngân hàng gây ra nợ thì phải xử lý nợ và họ kỳ vọng VAMC tay không bắt giặc,  mà vẫn sẽ thu hồi được 70-80% nợ xấu”, một lãnh đạo ngân hàng bức xúc nói.

    Trong khi 90% nợ xấu gom lại từ các năm trước vẫn đang nằm im, thì nợ xấu mới vẫn đang sinh sôi hàng ngày. Ông Trương Văn Phước cho biết, năm 2015, tín dụng tăng nhanh, đồng thời cũng làm nợ xấu phát sinh thêm 45.000 tỷ đồng. “Số nợ xấu này không bộc lộ nguy cơ ngay, nhưng sẽ là mối nguy cơ cho những năm sau”, ông Phước cảnh báo.

    Lo thị trường bất động sản gặp khó

    Trong năm 2015, khi thị trường bất động sản ấm lên, VAMC xử lý được số nợ xấu gấp 4,5 lần năm 2014. Rõ ràng, sự phục hồi của thị trường bất động sản đang tạo nên những tác động tích cực.

    Một nguồn tin cho hay, hiện VAMC đang nắm giữ nhiều tài sản đảm bảo bằng bất động sản rất giá trị. Nếu các vướng mắc trong thủ tục xử lý tài sản đảm bảo được gỡ bỏ, nhiều khoản nợ VAMC mua về sẽ có lãi. Tuy nhiên, nếu thị trường bất động sản gặp khó khăn, xử lý nợ xấu sẽ mắc kẹt.

    Thời gian qua, do tín dụng trung, dài hạn tăng quá nhanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét siết lại tín dụng trung, dài hạn. Dĩ nhiên, cảnh báo là cần thiết, song các chuyên gia cho rằng, việc siết tín dụng bất động sản phải rất thận trọng, bởi bất động sản là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành kinh tế, nếu thị trường đi xuống, cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

    Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tư duy xử lý nợ xấu đang có vấn đề. “Chúng ta đang tư duy không được dùng tiền thuế để xử lý nợ xấu cho ngân hàng, nợ xấu ngân hàng làm ra, ngân hàng phải chịu. Tuy nhiên, ngân hàng hàng là huyết mạch của nền kinh tế, nếu không xử lý được nợ xấu thì huyết mạch sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu nói nợ xấu để mặc ngân hàng tự xử lý là thiếu trách nhiệm, thiếu tầm nhìn”, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN bình luận.

    Trong khi đó, về phía VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ kỳ vọng, Quốc hội sẽ sớm thông qua một bộ luật, hay ít nhất là một nghị quyết về xử lý nợ xấu, để cơ quan này có “bảo kiếm”  trảm nhanh nợ xấu.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn