TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 21-04-2016

    Xuất khẩu dầu thô giảm gần nửa tỷ USD

    Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý I tăng cao đột biến với 1,2 triệu tấn và đạt 323 triệu USD.

    Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 3/2016, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 1,82 triệu tấn, giảm 17,4% và kim ngạch đạt 498 triệu USD, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước.

    Như vậy, trong quý I, xuất khẩu dầu thô giảm 446 triệu USD, trong đó do giá giảm là 282 triệu USD và lượng giảm là 164 triệu USD.

    Riêng trong tháng Ba, lượng xuất khẩu mặt hàng này là 666 nghìn tấn, trị giá 203 triệu USD.

    Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý I tăng cao đột biến với 1,2 triệu tấn và đạt 323 triệu USD. Kim ngạch này tăng tới 253% về lượng và 130,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

    Với kết quả này, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu dầu thô của Việt Nam trong quý I/2016.

    Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 3/2016 đạt 29,61 tỷ USD, tăng 45,2% so với tháng trước. Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến này là do tháng trước có số ngày nghỉ lễ nhiều.

    kim ngach xuat khau, nhap khau hang hoa trong quy i giai doan 2010-2016. nguon: tong cuc hai quan

    Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong quý I giai đoạn 2010-2016. Nguồn: Tổng cục Hải quan

    Trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam sơ bộ đạt 76,17 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó trị giá xuất khẩu là 38,77 tỷ USD, tăng 6,6%. Trị giá nhập khẩu là 37,4 tỷ USD, giảm 4%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư đạt 1,37 tỷ USD trong quý I/2016.


    USD xuống thấp nhất 10 tháng sau số liệu nhà ở đáng thất vọng

    Số nhà mới khởi công xây dựng tại Mỹ trong tháng 3 rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.

    Phiên 19/4, USD xuống thấp nhất 10 tháng so với đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa và giảm so với euro sau khi số liệu kinh tế Mỹ đáng thất vọng củng cố quan điểm cho rằng Fed tiếp tục giữ quan điểm chủ hòa về chính sách tiền tệ.

    Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, giảm 0,4% xuống 85,68 điểm. Trong khi đó, Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,56% xuống 93,962 điểm.

    Chốt phiên, euro tăng 0,4% so với USD lên 1,1360 USD/EUR.

    Tuy nhiên, USD lại tăng 0,28% so với yên lên 109,11 JPY/USD.

    Số nhà mới khởi công xây dựng tại Mỹ trong tháng 3/2016, điều chỉnh theo mùa, giảm 8,8% xuống 1,09 triệu căn, thấp nhất kể từ tháng 10/2015, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, cung cấp thêm bằng chứng những người tin rằng điều kiện kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ hoàn toàn chưa đủ để đảm bảo cho việc Fed nâng lãi suất.

    Tỷ lệ dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 6/2016 hiện chỉ đạt 18%, theo số liệu của CME Group.

    Bên cạnh đó, giá dầu hồi phục cũng làm tăng khẩu vị rủi ro của giới đầu tư, đẩy tăng giá cổ phiếu và đồng tiền các nước sản xuất hàng hóa.

    Theo đó, USD giảm 0,7% so với peso Mexico xuống 17,30 MXN/USD. Đôla Úc và đôla New Zealand đều lên cao nhất kể từ tháng 6/2015 so với USD, tương ứng ở 0,7827 USD/AUD và 0,7055 NZD/USD.


    Quần áo sản xuất ở Nga rẻ hơn Trung Quốc

    Các nhà sản xuất quần áo, giày dép và nội y đang tăng đơn đặt hàng hàng hóa dưới thương hiệu riêng của mình với các nhà cung cấp của Nga hoặc xây dựng xưởng sản xuất của mình tại xứ sở bạch dương.

    anh minh hoa. nguon: sputnik

    Ảnh minh họa. Nguồn: Sputnik

    Bộ Công thương Nga cho biết hiện giờ đồng ruble rẻ đã "giải phóng" các thị trường trong nước khỏi hàng nhập khẩu ngành công nghiệp nhẹ 25%.

    "Yếu tố chính là chi phí sản xuất tại Nga giảm do đồng ruble mất giá. Tiền công lao động và chi phí trên trở nên rẻ hơn nhiều so với các nước láng giềng của chúng ta", Thứ trưởng Công Thương Viktor Evtukhov lý giải với "Izvestiya". Một yếu tố khác là các nước Đông Nam Á đang từ bỏ công nghệ chi phí thấp, lao động trở nên đắt hơn, nên giá cho sản phẩm của họ tăng lên.

    Theo ông Viktor Evtukhov, trong một số trường hợp, hàng sản xuất tại Nga thậm chí rẻ hơn 10-15% so với châu Á. Một ưu điểm khác là Nga gần thị trường tiêu thụ châu Âu cũng như châu Á về mặt địa lý. "Chúng ta có lợi thế - đó là hậu cần. Các công ty chuyển sản xuất tại Nga có điều kiện giao thông thuận tiện",  ông Viktor Evtukhov nói.


    Khủng hoảng thép khiến nhiều nước lo lắng

    Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và sáu quốc gia khác ngày 19/4 kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng dư thừa sản lượng thép trên toàn cầu.

    cong nhan lam viec tai nha may thep saint-gobain pam o pont-a-mousson, dong bac phap. anh: afp/ttxvn

    Công nhân làm việc tại nhà máy thép Saint-Gobain PAM ở Pont-a-Mousson, đông bắc Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

    Diễn biến trên xảy ra một ngày sau khi Trung Quốc và các quốc gia sản xuất thép hàng đầu khác không nhất trí được các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng ngành thép hiện nay.

    Theo một tuyên bố chung do Bộ Thương mại Mỹ công bố, các đại diện của Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thuận phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành công nghiệp thép theo định hướng của thị trường. 

    Các nước trên cũng nhất trí rằng các chính phủ không nên trợ giá và có các hình thức hỗ trợ khác để duy trì các nhà máy thép làm ăn thua lỗ hoặc khuyến khích việc gia tăng sản lượng.

    Các bộ trưởng và quan chức cấp cao của hơn 30 nước vừa có cuộc họp vào ngày 18/4 tại Brussels do Bỉ và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đồng chủ trì, trong đó kết luận rằng việc dư thừa sản lượng thép hiện nay cần phải được giải quyết bằng cách tái cơ cấu ngành thép.

    Trung Quốc, quốc gia có sản lượng thép chiếm hơn 50% sản lượng toàn thế giới, đã đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài trong nhiều năm trở lại đây. Bắc Kinh hiện đang bị cáo buộc đã “làm ngập” thị trường thép toàn cầu, với giá bán rẻ hơn chi phí sản xuất và vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế.

    Cuộc khủng hoảng thép “nóng lên” trong nhiều tháng trở lại đây sau khi Tata Steel, tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ sáu thế giới, loan báo kế hoạch bán các nhà máy thép tại nước Anh, khiến 15.000 lao động tại "xứ sở sương mù" đứng trước nguy cơ mất việc. Hơn 40.000 công nhân ngành thép Đức đã biểu tình phản đối việc nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc.


    Giá dầu sẽ ổn định trở lại từ cuối năm 2017

    Kết quả cuộc họp tại Doha giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể tác động tiêu cực đến tình hình trên thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn, nhưng giá dầu sẽ trở nên cân bằng hơn vào nửa cuối năm 2017.
    anh minh hoa. nguon: internet

    Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

    Ông Dmitry Marinchenko, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tại London, cho biết Saudi Arabia nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này sẽ không đồng ý “đóng băng” sản lượng nếu Iran không có hành động tương tự.

    Về phần mình, Tehran không muốn áp dụng biện pháp trên do sản lượng dầu của Iran chưa đạt được mức như hồi trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

    Tại cuộc họp ở Doha vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho biết, sau sáu giờ đàm phán, các nước khai thác dầu mỏ đều tuyên bố rằng họ cần "thêm thời gian."

    Ông cũng nói thêm là sự tham gia của Iran sẽ làm cho kế hoạch "đóng băng" sản lượng hiệu quả hơn, giúp thị trường tái cân bằng.

    Vấn đề “đóng băng” sản lượng dầu sẽ được thảo luận tại cuộc họp của OPEC tại Vienna vào tháng 6/2016 tới. Nếu các nước OPEC đạt được thỏa thuận thì những quốc gia không thuộc nhóm này cũng có thể tham gia đàm phán.

    Trước cuộc họp ở Doha, OPEC đã hạ dự báo về mức tăng nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu trong năm nay. Trong khi đó, tuần trước, OPEC cho biết sản lượng của Iran vào tháng Ba là 3,3 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 2,9 triệu thùng vào tháng Một, nhưng vẫn còn xa mức trước khi bị cấm vận là 4 triệu thùng/ngày.

    Các nước thành viên OPEC đã khai thác 32,25 triệu thùng/ngày tổng cộng vào tháng Ba (trong đó Saudi Arabia chiếm gần 1/3), so với mức trung bình 31,85 triệu thùng/ngày trong năm 2015.

    Giá dầu thô đã giảm từ mức trên 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống mức thấp nhất trong 13 năm là khoảng 27-30 USD/thùng vào tháng Hai vừa qua, do nguồn cung dư thừa. Giá dầu sụt giảm khiến nhiều nước khai thác dầu mỏ bị thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn.

    Theo chuyên gia Marinchenko, nếu cuộc họp ở Doha đạt được kết quả tích cực thì điều đó sẽ đẩy giá dầu tăng lên. Tuy nhiên, trong tương lai gần, mức giá dầu có thể giảm xuống còn 30-35USD/thùng.

    Ông Marinchenko nhận định mức giá này không ổn định, bởi với mức giá như vậy không thể đảm bảo khối lượng đầu tư cần thiết để thăm dò và phát triển các mỏ dầu mới. Như vậy, trong trường hợp Nga và các thành viên OPEC không thực hiện bước đi nào, thị trường dầu mỏ sẽ trở nên cân bằng hơn trong nửa cuối năm 2017. Ông cho rằng trong năm 2018-2019, giá dầu sẽ dao động trong khoảng 55-65USD/thùng.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn