TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 24-05-2016

    El Niño, giá lương thực và tăng trưởng châu Á

    Do tác động của El Niño, tại Trung Quốc giá thực phẩm đã tăng 22,6% trong 12 tháng qua trong khi ở Indonesia, mức tăng là gần 18%.

    "Xin đừng quá mắc”, Mila Karmila thầm cầu như vậy khi cô tiến đến một quầy bán rau ở chợ gần nhà tại Jakarta. Bà mẹ người Indonesia này cho biết cô đã phải bỏ ra tương đương khoảng 2,2 USD vào năm ngoái để mua súp-lơ, ớt và cải bẹ xanh. Lượng thực phẩm này giúp cả nhà cô sống được 2-3 ngày. Nhưng giờ cũng cùng lượng mua đó, cô cho biết, phải bỏ ra 3,7 USD, tăng gần 70%. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô đang làm nghề giữ trẻ để phụ vào phần thu nhập ít ỏi của chồng.

    Thời tiết khô hạn và cái nóng thiêu đốt do ảnh hưởng bởi El Niño đang diễn ra (bắt đầu từ quý II/2015) đã và đang đẩy cao giá lương thực. Tại Trung Quốc, giá thực thẩm đã tăng 22,6% trong 12 tháng qua trong khi ở Indonesia, mức tăng là gần 18%, theo tổ chức nghiên cứu CEIC. Tại Hàn Quốc, giá đã tăng gần 19%.

    Tính trung bình, giá lương thực trong năm qua đã tăng 4,8% tại châu Á, ngoại trừ Nhật, theo HSBC Holdings PLC. Giá lương thực cao đặc biệt gây tác động mạnh đến các quốc gia nghèo hơn, nơi người dân vốn dĩ đã dành tới 1/3 thu nhập hộ gia đình để mua lương thực.

    Việc giá cả tăng - kết quả của một trong những đợt El Niño tồi tệ nhất kể từ thập niên 1950 - càng khiến nhiều người lo ngại tăng trưởng trong khu vực sẽ bị chững lại, khi người dân chi tiêu nhiều hơn vào lương thực mà chi ít hơn vào các mặt hàng không thiết yếu. Trong khi đó, mức lương lại không bắt kịp mức tăng giá lương thực, theo chuyên gia kinh tế Frederic Neumann của HSBC.

    “Tại các nền kinh tế phát triển, người dân có tỉ lệ tiết kiệm cao hơn nên tạm thời có thể bù đắp vào mức giá lương thực tăng lên. Nhưng tại những nền kinh tế mà người dân nghèo hơn thì ngay lập tức chứng kiến tăng trưởng sụt giảm”, ông nói.

    Trong lịch sử, một số quốc gia châu Á đã chứng kiến hoạt động kinh tế suy giảm trong ngắn hạn do El Niño, theo bài viết do IMF công bố vào năm ngoái. Theo đó, tăng trưởng tại Indonesia thấp hơn 1,01 điểm phần trăm so với dự báo, còn tăng trưởng tại Ấn Độ thấp hơn 0,25 điểm phần trăm trong năm diễn ra El Niño.

    Trong khi giá cả lương thực tăng cao thì hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á lại không tập trung kiềm chế mức tăng giá lương thực do phần lớn đều đang đối mặt với lạm phát yếu ớt và trong một số trường hợp là giảm phát (ngoại trừ Ấn Độ đang ra sức kiềm chế lạm phát).

    gia luong thuc trong nam qua da tang trung binh 4,8% tai chau a, ngoai tru nhat - anh: son pham

    Giá lương thực trong năm qua đã tăng trung bình 4,8% tại châu Á, ngoại trừ Nhật - Ảnh: Sơn Phạm

    Tác động của lượng mưa thấp hơn bình thường ở miền đông nước Úc và Đông Nam Á và một đợt gió mùa khô hanh hơn tại Ấn Độ chủ yếu thấy rõ qua sản lượng rau củ quả và trái cây. Nhưng các loại cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng. Xuất khẩu hạt cà phê của Việt Nam, chẳng hạn, được dự báo có thể giảm 1/3 do El Niño.

    Thế nhưng, một số nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, thì lại hưởng lợi từ đợt El Niño hiện tại vì nó mang lại những cơn mưa, làm giảm phần nào tác động của đợt hạn hán nhiều năm tại California. Những trường hợp như vậy rất ít, đa phần là bị tác động tiêu cực bởi El Niño, vốn đưa 60 triệu người dân vào cảnh có thể bị thiếu lương thực, theo Liên hiệp Quốc.

    “Giá rau đã tăng quá mạnh kể từ Tết Âm lịch và giá thịt heo cũng đang tăng cao. Vì thế, tôi phải dè sẻn hơn, mua ít hơn”, một phụ nữ đang mua đồ ăn tại chợ ở Thượng Hải, Trung Quốc, nói.(NCĐT)


    Vitas kiến nghị Chính phủ cấp phép các KCN dệt may quy mô tới 1.000 ha

    Vitas đề nghị Chính phủ thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 – 1.000 ha.

    Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa có Công văn số 63/CV-HHDMVN gửi Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Đánh giá tình hình doanh nghiệp dệt may và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

    Để giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, Vitas  kiến nghị  Nhà nước điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 30/3/2008 và Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 của Bộ Công thương, cho phù hợp với tốc độ hội nhập sâu, rộng  của Việt Nam và theo hướng dài hạn hơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2040, do nhiều mục tiêu trong các Quyết định trên cho đến nay đã quá lạc hậu.  

    Vitas cũng đề nghị Chính phủ thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 – 1.000 ha, để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm hoàn tất cao cấp. Hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các KCN này.

    Theo đó, hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các KCN này. Tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Phát triển, nâng cấp các cơ sở hạ tầng kết nối giao thông thủy, bộ giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển.


    Vietjet ký hợp đồng mua máy bay 11 tỷ USD trong chuyến thăm của ông Obama

    Với hợp đồng này, tới cuối năm 2023, Vietjet sẽ có hơn 200 máy bay.

    Công ty Cổ phần hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) vừa ký hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD. 

    Hợp đồng vừa được bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet và ông Ray Conner, Tổng giám đốc Boeing ký kết trưa nay tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

    Theo bà Thảo, việc đầu tư đội tàu bay này nằm torng chiến lược phát triển mạng đường bay quốc tế trong thời gian tới của Vietjet bao gồm cả chiến lược phát triển mạng bay đường dài.

    Dự kiến, số tàu bay được ký kết ngày hôm nay sẽ được giao hàng từ năm 2019 đến năm 2023. Như vậy, với hợp đồng này, tới cuối năm 2023, Vietjet sẽ có hơn 200 tàu bay.

    B737 MAX 200 là dòng tàu bay thân hẹp có tích hợp động cơ CFM International LEAP-1B tiên tiến nhất, có khả năng tiết kiệm 20% tiêu hao nhiên liệu so với dòng tàu bay đời đầu tiên.

    Được biết, năm 2014, Vietjet đã ký hợp đồng mua và thuê tổng cộng 100 chiếc tàu bay với tộng giá trị 9,1 tỷ USD. Ngoài ra, trong năm 2015, hãng hàng không này còn ký hợp đồng 682 triệu USD mua thêm 6 máy bay AirBus mới.

    Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama, Vietjet và công ty Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp. (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua động cơ với tổng giá trị 3,04 tỷ USD.

    Deutsche Bank: Đà hồi phục của USD mới chỉ bắt đầu

    Đà tăng giá 3 tuần qua của USD mới chỉ bắt đầu, Deutsche Bank AG nhận định.

    Sự sụt giảm giá USD hồi đầu năm nay "có thể đã kết thúc", các nhà phân tích tại Deutsche Bank, ngân hàng giao dịch tiền tệ lớn thứ 2 thế giới, nhận định hôm thứ Sáu 20/5. Deutsche Bank khuyến nghị mua vào USD thay vì đồng tiền thị trường mới nổi như Trung Quốc, Mexico và Hàn Quốc sau đợt bán tháo, George Saravelos, phụ trách nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của Deutsch Bank cho hay.

    Với việc các nhà hoạch định chính sách nhóm G7 vừa có phiên họp tại Nhật Bản, Fed tuần qua đã tạo động lực cho USD khi phát tín hiệu có thể nâng lãi suất ngay trong phiên họp chính sách tháng 6 tới đây, đẩy đồng bạc xanh lên cao nhất 7 tuần và giúp các nhà hoạch định chính sách nhiều nền kinh tế thở phào khi USD suy yếu ảnh hưởng tiêu cực đến các biện pháp kích thích kinh tế.

    Sebastien Galy, chiến lược gia tại Deutsche Bank ở New York, cho biết, USD vẫn còn dư địa tăng giá dù rằng xu hướng USD toàn cầu không còn hấp dẫn như xưa.

    Chỉ số Đôla Giao ngay Bloomberg (Dollar Spot Index), theo dõi sức mạnh của USD với 10 đồng tiền chủ chốt, tuần qua tăng 0,8%. Tuần qua, đồng bạc xanh cũng tăng 0,8% so với euro lên 1,1224 USD/EUR và tăng 1,4% so với yên lên 110,15 JPY/USD.

    USD đã giảm 12% so với yên và giảm 7% so với euro từ đầu năm đến nay trước khi tăng trở lại trong tháng này.

    Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC), các quỹ phòng hộ và giới đầu cơ đã giảm tỷ lệ đặt cược USD tăng trong tuần qua sau khi bi quan về đồng tiền này lần đầu tiên kể từ năm 2014.

    Theo Deutsche Bank, USD sẽ tăng mạnh nhất so với đồng tiền các thị trường mới nổi một phần vì đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất.

    Cả Chủ tịch Fed New York và Fed Richmond tuần qua đều cho rằng Ngân hàng trung ương Mỹ có thể xem xét nâng lãi suất vào tháng 6 tới - thông điệp tương tự cũng được đưa ra trong biên bản họp chính sách tháng 4 của Fed. Tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất vào tháng 6 hiện là 30% và vào cuối năm nay là 73%.

    State Street Corp cũng cho rằng đồng tiền thị trường mới nổi sẽ giảm giá mạnh so với USD, trong khi diễn biến của đồng bạc xanh so với euro và yên sẽ phụ thuộc vào Fed


    Kiều hối 
4 tháng đạt hơn 1,3 tỉ USD

    Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết vừa có thêm 211 triệu USD kiều hối chuyển về trong tháng 4-2016.

    Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết có thêm 211 triệu USD kiều hối chuyển về trong tháng 4-2016, nâng lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP.HCM trong 4 tháng đầu năm ở mức hơn 1,3 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2015.

    Cũng theo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, 4 tháng đầu năm huy động ngoại tệ giảm 11,02% so với đầu năm do lãi suất huy động ngoại tệ về mức 0% và tỉ giá ít biến động. Được biết, năm 2015 có khoảng 5,5 tỉ USD kiều hối được chuyển về địa bàn TP.HCM


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn