TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-01-2016

    Chứng khoán Việt Nam thuộc top 5 tăng trưởng mạnh nhất Châu Á năm 2015

    chung khoan viet nam thuoc top 5 tang truong manh nhat chau a nam 2015

    Chứng khoán Việt Nam thuộc top 5 tăng trưởng mạnh nhất Châu Á năm 2015

    Theo hãng tin CNBC, chứng khoán Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2015 và đứng thứ 5 trong số những thị trường tăng trưởng mạnh nhất Châu Á.

    Sau một năm 2015 đầy biến động, thị trường chứng khoán Thượng Hải (Shanghai) và Thâm Quyến (Shenzhen) vẫn tăng trưởng mạnh nhất Châu Á trong khi nhiều thị trường Đông Nam Á khác lại có biểu hiện không hoàn toàn khả quan.

    Chỉ số Shenzhen Composite là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong khu vực với mức 66% trong năm 2015. Thị trường này vốn không nổi tiếng bằng thị trường Thượng Hải nhưng lại bao gồm nhiều công ty nhỏ và vừa trong tất cả các ngành kinh tế của Trung Quốc như y tế, Internet hay công nghệ kỹ thuật.

    Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc hàng loạt những công ty nhỏ “đói vốn” do ngân hàng chỉ tập trung cho các doanh nghiệp nhà nước nay đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Thẩm Quyến.

    Ngoài ra, việc chính quyền Bắc Kinh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang tập trung cho những ngành tiêu dùng, dịch vụ, vốn được niêm yết khá nhiều trên sàn Thẩm Quyến cũng là một phần nguyên nhân.

    Chỉ số NZX 50 của New Zealand đứng thứ 2 với mức tăng gần 14%. Đặc biệt chỉ số này đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 2 tuần qua do tình hình hồi phục của ngành sữa, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của New Zealand. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư kỳ vọng chính phủ tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới cũng thúc đẩy tâm lý mua vào.

    Trong tháng 12, giá sữa đã tăng 2% còn đồng Kiwi của New Zealand cũng tăng giá mạnh. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ sẽ tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ để hạn chế tác động tiêu cực từ việc đồng Kiwi tăng giá.

    Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng là chỉ số Shanghai Composite với mức tăng 10%. Bất chấp đợt rút vốn hàng nghìn tỷ USD khỏi thị trường trong khoảng tháng 6-8/2015, những đợt hỗ trợ mua vào hàng tỷ USD của chính quyền Bắc Kinh và nhiều biện pháp can thiệp mạnh tay đã trấn an được nhà đầu tư nước này.

    Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và VnIndex của Việt Nam đứng tiếp theo với tăng trưởng tương ứng 9% và 6%.

    Những thị trường kém khả quan

    Chứng khoán Singapore đã suy giảm gần 15% trong năm 2015 và trở thành thị trường có diễn biến tồi tệ nhất tại Châu Á trong năm nay.

    Hàng loạt những nguyên nhân như giảm tốc trong ngành sản xuất, lĩnh vực xây dựng hạ nhiệt, tình hình kinh doanh không khả quan của các doanh nghiệp và một thị trường bất động sản tăng trưởng không rõ ràng đã khiến nhà đầu tư tại đây lo lắng.

    Chứng khoán Thái Lan đứng sau đó với mức giảm 14%, tiếp theo là Indonesia với mức giảm 12%. Nguyên nhân chủ yếu là do biến động giá dầu khiến cổ phiếu các công ty năng lượng lớn giảm mạnh. Trong khi đó, đồng USD tăng giá khiến nhà đầu tư lo ngại những khoản nợ bằng ngoại tệ tại các quốc gia này sẽ khó thanh toán hơn.

    Dù Thái Lan và Indonesia là nước nhập khẩu dầu nhưng một số tập đoàn năng lượng của 2 quốc gia này cũng xuất khẩu dầu thô và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

    Chứng khoán Đài Loan và Hồng Kông cũng giảm điểm trong năm nay với mức giảm tương ứng 11% và 7%.


    TPHCM: Bất động sản 2016 chờ đón những siêu dự án

    tphcm: bat dong san 2016 cho don nhung sieu du an

    TPHCM: Bất động sản 2016 chờ đón những siêu dự án

    Cơ hội lớn từ đất ven sông

    Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 5 năm tới (2016-2020), một chương trình hành động mới được tập trung triển khai, đó là thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa trắng hơn 17.000 hộ gia đình sống ven kênh, rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố. Với tổng vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng, hàng chục nghìn hộ dân sinh sống dọc các tuyến kênh rạch như Tham Lương – Bến Cát, Văn Thánh, Bàu Trâu,… sẽ được di dời. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển các dự án khu đô thị ven sông.

    Còn tại khu Tây Bắc, Tp.HCM đã dành ra quỹ đất lớn để phát triển các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, giáo dục… để nhanh chóng đưa khu này thành một khu đô thị mới trong 5 năm tới. UBND Tp.HCM đang yêu cầu Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc thành phố cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu ý tưởng quy hoạch chung khu đô thị này theo hướng mở rộng thêm khoảng 3.000ha, đưa tổng diện tích khu đô thị lên khoảng 10.000ha, tiếp giáp với huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và ôm trọn cả khu vực bãi rác Tân Hiệp (đã được di dời).

    Trên địa bàn TP.HCM trong năm 2015 đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước công bố hàng loạt dự án BĐS lớn, dự báo sẽ cung cấp cho thị trường hơn 70.000 căn hộ trong vòng 3 năm tới. Trong đó, phải kể đến những dự án phát triển khu đô thị mới nằm dọc các con sông lớn trên địa bàn, mà trước hết là sông Sài Gòn. Những dự án này dự kiến sẽ có sản phẩm đưa ra thị trường từ năm 2017. Hầu hết trong số đó đều có sự tham gia của tập đoàn Vingroup với vai trò là nhà đầu tư chiến lược hoặc chủ đầu tư.

    Song song đó, để có được quỹ đất tốt, một số nhà đầu tư đã đón làn sóng IPO của doanh nghiệp nhà nước, kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp sở hữu các "khu đất vàng" để "tiến vào trung tâm" như trường hợp Novaland hợp tác với Sabeco triển khai khu đất nằm trên mặt tiền đường Hai Bà Trưng, quận 1.

    Hay như 6 khu đất vàng mà công ty CP In Trần Phú đang quản lý đều có  vị trí “vàng” ở quận trung tâm, nằm ở những giao lộ của một vài tuyến đường lớn. Trong năm 2016, đơn vị này sẽ tiến hành di dời đến cơ sở mới tại quận Thủ Đức để hoạt động, bàn giao những khu đất rộng lớn này cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện những dự án BĐS lớn.

    “Điểm mặt” các siêu đô thị

    Tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, theo Ban quản lý (BQL) Thủ Thiêm, liên doanh Công ty Đế Vương cũng vừa khởi công xây dựng dự án khu thành phố Đế Vương có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, tại đây Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm cũng đang cùng các sở, ngành thành phố hoàn tất thủ tục cấp phép cho dự án khu vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho một tập đoàn lớn của Việt Nam và khu đô thị thông minh Thu Thiem Eco Smart City(hơn 2 tỷ USD) cho Tập đoàn Lotte.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty địa ốc Phát Đạt cũng đang muốn “chen” chân vào đầu tư một khu dân cư hiện đại tại Thủ Thiêm. Được biết, doanh nghiệp này đang làm việc với các sở ngành để thống nhất thiết kế cơ sở dự án cầu Thủ Thiêm 4, đã được UBND thành phố thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT trước đó. Đổi lại, Phát Đạt sẽ nhận 15 lô đất trong khu Thủ Thiêm để phát triển dự án BĐS.

    Ngoài ra, Công ty TNHH Một thành viên Cảng Sài Gòn cũng cho biết, từ năm 2016, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội sẽ dừng hoạt động. Thay vào đó, khu đất hơn 32ha với chiều dài bờ sông 1.800m của cảng này sẽ được chuyển đổi công năng thành khu đô thị phức hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển...Dự án này sẽ do Công TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Cảng Sài Gòn nắm 26% vốn điều lệ, hợp tác cùng một tập đoàn đa ngành lớn trong nước) đầu tư, với tổng vốn trên 11.000 tỷ đồng.

    Một gương mặt tuy không mới nhưng cũng sẽ tạo độ “nóng” nhất định cho thị trường BĐS TP.HCM trong thời gian tới, đó là khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch hơn 20 năm, nay đã tìm được chủ đầu tư mới. Theo đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận giao khu này cho Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) thực hiện dự án này.

    Dự án được triển khai đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2016 – 2020) xây dựng phương án và hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (từ 2021 - 2025), thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 (từ năm 2026 đến 2030) hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án.


    "Đánh" gần 2500 doanh nghiệp có nghi án chuyển giá, thu về 500 tỷ đồng

    Theo thông tin từ Bộ tài chính, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra 2.421 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết; giảm lỗ trên 4,4 nghìn tỷ đồng; truy thu, truy hoàn, phạt 0,5 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 190 tỷ đồng.

    Ngoài ra, trong năm 2015 cơ quan thuế cũng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 68.000 DN, đạt 83,5% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2014. Tổng số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra như truy thu, truy hoàn, phạt... là 10.200 tỷ đồng, số tiền đã nộp ngân sách khoảng 7 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 20.700 tỷ đồng.

    Liên quan đến hoạt động nợ đọng thuế, tính đến tháng 12/2015, cơ quan Thuế đã thu trên 39.000 tỷ đồng số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2014, bằng 102,9% chỉ tiêu thu nợ, tăng 27,1% so cùng kỳ năm 2014.

    Trong 11 tháng năm 2015, cơ quan Hải quan cũng đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ, xử lý trên 16.400 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, thu nộp ngân sách Nhà nước 102 tỷ đồng. Tính đến tháng 12/2015 cơ quan Hải quan đã thu khoảng 838 tỷ đồng nợ thuế chuyên thu quá hạn, bằng 63,1% kế hoạch; đồng thời không để phát sinh thêm nợ mới.

    Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế, hiện có khoảng 34.000 tỷ đồng là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả. Đến thời điểm này, Bộ tài chính đã thu được 38.000 tỷ đồng, như vậy Bộ đã làm đúng với cam kết.

    Với những khoản nợ khác, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là những khoản nợ do doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn hoặc các khoản chậm nộp thuế trong thời kỳ khó khăn. Do đó, cơ quan chức năng đang phân loại, tính toán lại và đề xuất giải pháp xử lý để báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

    Theo Bộ Tài chính, quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Theo đó, sẽ kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế.

    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; thanh tra chuyên đề về chuyển giá, hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm; tăng cường kiểm tra sau thông quan; giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hoá ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.


    Ông Nguyễn Đức Chi được bổ nhiệm làm chủ tịch SCIC

    ong nguyen duc chi duoc bo nhiem lam chu tich scic

    Ông Nguyễn Đức Chi được bổ nhiệm làm chủ tịch SCIC


    Ông Nguyễn Đức Chi là Chánh văn phòng Bộ tài chính. Ông Chi sinh năm 1970, quê quán Hà Nội, có trình độ thạc sỹ kinh tế.

    Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2428/QĐ-TTg ngày 28/12/2015 về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Chi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC.

    Quyết định của Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào đề nghị của Bộ tài chính tại tờ trình ngày 9/11/2015, của Bộ Nội vụ tại tờ trình ngày 24/12/2015. Ông Nguyễn Đức Chi là Chánh văn phòng Bộ tài chính. Ông Chi sinh năm 1970, quê quán Hà Nội, có trình độ thạc sỹ kinh tế.

    SCIC được coi là Siêu tổng công ty Nhà nước với việc quản lý hàng trăm khoản vốn Nhà nước với tổng giá trị khoảng 17 nghìn tỷ đồng, giá thị trường gần 78 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của SCIC ở vào khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

    Người tiền nhiệm ông Nguyễn Đức Chi là ông Trần Văn Hiếu – giữ ghế Chủ tịch HĐTV SCIC từ đầu tháng 8/2013.

    Kể từ khi thành lập, vị trí Chủ tịch SCIC đều là Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Tài Chính kiêm nhiệm, bắt đầu từ ông Vũ Văn Ninh đến ông Vương Đình Huệ, Lê Thị Băng Tâm, Đỗ Trung Tá…


    Còn tới 15.600 tỷ đồng cần thoái vốn ở các lĩnh vực nhạy cảm

    Bộ Tài chính cho biết đã thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm chứng khoán; ngân hàng, tài chính; bảo hiểm; bất động sản và quỹ đầu tư là 4.975 tỷ đồng. Song số vốn cần tiếp tục thoái lớn, lên tới trên 15.600 tỷ đồng.

    Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được xem là một trong 3 trụ cột chính của tái cấu trúc nền kinh tế và là nhiệm vụ Bộ Tài chính được giao chủ trì thực hiện.

    Do đó, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Nghị định số 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41 về việc bán cổ phần theo lô, để thu hút các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN.

    Theo Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 173 doanh nghiệp (lũy kế giai đoạn 2011-2015 đã cổ phần hóa được 422 doanh nghiệp, đạt 78% kế hoạch). Thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm chứng khoán; ngân hàng, tài chính; bảo hiểm; bất động sản và quỹ đầu tư là 4.975 tỷ đồng. Như vậy, số vốn cần tiếp tục thoái lớn, lên tới trên 15,6 nghìn tỷ đồng.

    Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm, số vốn nhà nước được cổ phần hóa còn thấp, tỷ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn cao, kể cả các doanh nghiệp không cần giữ cổ phần chi phối.

    Ngoài nguyên nhân tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho rằng còn do vướng mắc về cơ chế và nhận thức của một bộ phận cán bộ. Đặc biệt là người đứng đầu ở nhiều doanh nghiệp, chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng và các lợi ích mang lại của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế xã hội, nên chưa thật sự quan tâm, tập trung triển khai.

    Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính cần tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trên cơ sở chủ động tham mưu chính quyền địa phương, các bộ ngành và DNNN. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chế độ chính sách, rà soát các chính sách để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để thúc các bộ, ngành sớm trình phương án và phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn 2016 – 2020.

    "Nhiều DN đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn cao, chưa thoái đến mức phê duyệt, nên phải tiếp tục đẩy mạnh để từ đó nâng cao quản trị DN, hiệu quả của DN. Đồng thời, cần tiếp túc thoái vốn ngoài ngành, song thực hiện theo chỉ đạo là thoái có trật tự và lộ trình" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn