Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-06-2018
Hơn 4.800 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang của TISCO “chôn” tại dự án Gang thép Thái Nguyên
Chi phí xây dựng dở dang của TISCO “chôn” tại dự án Cải tạo mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2 là hơn 4.851 tỷ đồng, chiếm đến gần 99,7% tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TISCO.
Trong báo cáo kiểm toán độc lập của hãng kiểm toán AASC, hãng kiểm toán này đề cập đến Dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2” trong vấn đề cần nhấn mạnh. Dự án có tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là hơn 3.843 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt lên gần 8.105 tỷ đồng.
Dự án được triển khai thực hiện năm 2007 tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án thời điểm 31/12/2017 là 4.851 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.649 tỷ đồng.
Từ năm 2015 dự án được hỗ trợ vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với số vốn phát hành thêm 1.000 tỷ đồng mục đích phát hành tăng vốn để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo mở rộng gang thép giai đoạn 2.
Tới thời điểm 31/12/2017, SCIC đã thực hiện thoái vốn tại CTCP Gang thép Thái Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Đại hội đồng cổ đông CTCP Gang thép Thái Nguyên đã thông qua chủ trương phát hành tăng vốn điều lệ để bù đắp vốn điều lệ mà SCIC đã thoái nhằm nâng cao khả năng thanh toán hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục đầu tư dự án.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất của TISCO cũng cho biết, liên quan đến chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2 đang chiếm chủ yếu khoản chi phí này và tăng so với năm 2016.
Cụ thể, trong tổng số hơn 4.866 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã là 4.851 tỷ đồng, chiếm gần 99,7%. Còn lại là các dự án như Dự án mở rộng tầng sâu núi Quặng và các công trình khác.
Trong đó, chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.649 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong năm 2017 là chi phí lãi vay vốn hoá và tiền lương Ban quản lý dự án.
Không những năm 2017, hết quý I/2018 TISCO vẫn đang xử lý những tồn tại của dự án này đặc biệt là việc giải quyết vướng mắc với Tổng thầu MCC (Trung Quốc).
Phía MCC mong muốn tiếp tục được thực hiện hoàn thành các công việc còn lại của Gói thầu EPC số 01 theo hình thức hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) trọn gói theo báo giá mới là 136,89 triệu USD. Tuy nhiên do chưa có chỉ đạo cụ thể của các cấp có thẩm quyền nên TISCO chưa triển khai đàm phán với MCC về vấn đề này.
TISCO hiện cũng đang thực hiện việc giải quyết những vướng mắc với 14 nhà thầu phụ Việt Nam.
Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã đề cập đến dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đây là 1 trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ thuộc Bộ.
Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình pháp lý để tổ chức thoái vốn của Nhà nước ra khỏi 2 dự án gang thép Thái Nguyên cũng như TISCO của Tổng công thép, từ đó đảm bảo được hiệu quả bảo vệ nguồn vốn của Nhà nước và tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới giải quyết những tồn đọng với các nhà thầu cũng như các nhà thầu quốc tế.(Bizlive)
---------------------------
Nhà đầu tư Thái chi thêm hơn 1 triệu USD để nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên trên 52%
Trong khoảng thời gian mua vào, giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh ở vùng 60.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy tổ chức này đã phải chi khoảng 24 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp.
Thông tin tổ chức Nawaplastic Industries (Thái Lan) thực hiện mua thêm cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh mới được công bố trên HoSE.
Cụ thể, nhà đầu tư Thái đã gom xong hơn 400.000 cổ phiếu BMP trong thời gian từ 23-25/5/2018 nhằm gia tăng cổ phần sở hữu.
Trước khi thực hiện giao dịch, Nawaplastic Industries nắm giữ hơn 42,35 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 51,74% cổ phần tại BMP. Hiện tỷ lệ này nâng lên hơn 42,75 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 52,23%.
Trong khoảng thời gian mua vào, giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh ở vùng 60.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy tổ chức này đã phải chi khoảng 24 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp.(Bizlive)
---------------------------------
Ngành dược bùng nổ, Trung Quốc có thêm 15 tỷ phú
Ít nhất 15 tỷ phú mới sẽ xuất hiện từ ngành công nghiệp dược phẩm của Trung Quốc, lớn thứ 2 thế giới, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ phê duyệt thuốc bán ra thị trường.
Trong số này có Lou Jing - Chủ tịch của 3SBio - có 1,8 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Ông sở hữu 26% cổ phần của nhà sản xuất thuốc, cả trực tiếp và thông qua các công ty gia đình.
Jing về nước sau khi hủy niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ, vào năm 2013. Cổ phiếu của công ty sản xuất thuốc điều trị ung thư này bắt đầu giao dịch tại Hong Kong 2 năm sau đó. Trong 5 năm qua, giá trị thị trường của công ty tăng từ 392 triệu USD lên khoảng 7,3 tỷ USD và tài sản của Jing tăng hơn 30 lần.
Một tỷ phú khác là Frank Zhang, Chủ tịch kiêm CEO GenScript Biotech - công ty đầu tiên được chính phủ Trung Quốc cho phép thử nghiệm công nghệ điều trị ung thư máu CAR-T trên người. Tài sản của ông tăng hơn 2 lần kể từ thông báo tháng 12/2017, lên 1,3 tỷ USD.
Nổi bật nhất là Jiang Rensheng, người nằm trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg với 4,7 tỷ USD tài sản. Trong 2017, công ty Sản phẩm Sinh học Chí Phi Trùng Khánh của ông có doanh thu gấp 3 lần năm trước. Cổ phiếu này lãi hơn 65% trong năm nay khi được chính phủ Trung Quốc cấp phép bán vaccine HPV.
Jiang Rensheng là một trong 500 người giàu nhất thế giới. Nguồn: Forbes
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đang phát triển mạnh, với doanh thu của 253 công ty công nghệ sinh học và dược phẩm do Bloomberg theo dõi tăng trung bình 26% trong năm ngoái.
Ngành này đã "chứng minh hiệu quả tài chính cùng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vững chắc, dẫn đầu tất cả các ngành công nghiệp", Zhang Jialin, một nhà phân tích ngành công nghiệp tại ICBC International, Hong Kong, nhận định.(NDH)
---------------------------
Doanh nghiệp địa ốc bắt đầu gặp khó với bài toán vốn
Việc ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, kèm lãi suất tăng khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc bắt đầu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển.
Chật vật huy động vốn
Bà P.K.H, giám đốc một công ty bất động sản đã thành lập hơn 3 năm cho biết, Công ty chủ yếu hoạt động trong mảng môi giới và phát triển dự án phân lô nhỏ. Mới đây, bà muốn đưa công ty phát triển mạnh hơn bằng việc triển khai dự án 21 ha tại Long An, dự án đã được cấp phép phát triển sản phẩm biệt thự đơn lập.
“Với số vốn hiện có, tôi phải huy động khoảng 700 tỷ đồng nữa mới có thể phát triển được dự án trên. Tuy nhiên, làm việc với ngân hàng thì họ cho biết, hiện việc cho doanh nghiệp bất động sản vay sẽ phải xét nhiều yếu tố như thời gian hoạt động, lịch sử có bị nợ xấu hay không, tài sản thế chấp… và số tiền vay cũng sẽ hạn chế. Đặc biệt, lãi suất cũng không hề thấp”, bà H. nói.
Gặp khó trong việc tìm vốn từ ngân hàng, bà kêu gọi vốn từ các đối tác, nhưng điều này cũng không đơn giản, vì số tiền lớn và đối tác cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu mới cho vay.
TS. Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, hiện trên 70% nguồn vốn đầu tư dự án bất động sản là từ ngân hàng. Thời gian qua, ngân hàng đã đáp ứng nguồn vốn lớn trung dài hạn vào bất động sản, nhưng sắp tới, theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHHH, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về 45% trong năm nay và xuống 40% từ 1/1/2019. Đồng thời, tỷ lệ rủi ro cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 250%.
Như vậy, dòng vốn sẽ được siết lại, khiến doanh nghiệp địa ốc khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hơn, bởi dòng vốn cho bất động sản thường là vốn vay trung và dài hạn. Một khi nguồn vốn từ ngân hàng bị siết lại, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán và sẵn sàng các điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Nguồn vốn từ ngân hàng vào bất động sản đang ngày một bị siết lại . Ảnh: Dũng Minh
Một chuyên gia đánh giá, nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp địa ốc nói riêng và các doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung và dài hạn không thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trên thực tế, đang có nhiều điều kiện hỗ trợ.
Cụ thể, sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ mở rộng cửa cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, cổ phiếu, tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các đối tác để thực thi hợp nhất, sáp nhập (M&A), gọi vốn đầu tư hợp vốn, góp vốn liên doanh trên từng dự án. Tuy nhiên, đó là trong trung và dài hạn, còn trong năm nay, vốn đầu tư vẫn sẽ là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp địa ốc.
Tìm cách lách để huy động vốn
Trước việc “đói vốn”, giới phân tích thị trường đưa ra cảnh báo, nhiều doanh nghiệp sẽ tính bài toán lách luật huy động vốn từ khách hàng.
Đơn cử như theo báo cáo của Trung tâm Tín dụng quốc gia (CIC), Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm (Thủ Thiêm City) đang nợ khoản tiền hơn 156 tỷ đồng của nhiều ngân hàng bằng việc cầm cố nhiều tài sản là đất mà doanh nghiệp này đang có tại khu vực Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM như thế chấp 26 quyền sử dụng đất loại đất ODT: BA 478995, BA 282677, BA 282686, BA 282306, BA 282307, BA 282308, BA 282309, BA 282310, BA 282311, BA 282312, BA 282313, BA 282315, BA 282316, BA 282317, BA 282318...
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tiến hành bán Dự án Thủ Thiêm Dragon tại khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 từ tháng 11/2017 dù dự án chưa được cấp phép xây dựng và chưa đủ điều kiện mở bán. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện UBND phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) cho biết, đến nay, Dự án Thủ Thiêm Dragon vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, hiện nay, tình trạng huy động vốn của khách hàng khi dự án chưa được cấp phép mở bán đang diễn ra khá nhiều.
“Dự án mới chỉ được cấp phép 1/500, nhưng vì chủ đầu tư thiếu tiền làm hạ tầng và đóng thuế để hoàn tất pháp lý dự án cũng như cấp phép mở bán, nên tiến hành lách luật bằng việc huy động vốn của khách hàng. Đầu tiên, chủ đầu tư sẽ kêu gọi các sàn môi giới vào lấy hàng của mình bán, khi đó các doanh nghiệp môi giới phải ký quỹ bão lãnh lấy hàng bán, từ đây, chủ đầu tư sẽ có khoản để làm hạ tầng. Sau đó, tiến độ thanh toán mà các sàn môi giới với phía khách hàng cũng được thiết lập, sau mỗi đợt đóng, chủ đầu tư lại có khoản tiền để đóng tiền sử dụng đất.
Khi khách hàng đã đóng tới trên 50% giá trị sản phẩm, thì chủ đầu tư cũng đã có đủ tiền đóng tiền sử dụng đất và hoàn thành pháp lý để ký hợp đồng mua bán. Tất cả sẽ được lách luật bằng các hợp đồng đặt cọc giữ chỗ và hợp đồng thỏa thuận mua bán với khách hàng. Đây là chiêu lấy tiền khách hàng để làm dự án…”, ông Vinh nói.
Một chiêu huy động vốn nữa chủ chủ đầu tư là đẩy khoản vay ngân hàng về phía khách hàng. Cụ thể, khi mở bán dự án, chủ đầu tư sẽ hướng dẫn khách hàng vay vốn ngân hàng để mua nhà, khi đó chủ đầu tư sẽ có nguồn vốn từ ngân hàng để triển khai dự án, nhưng vai trò “con nợ” lại đẩy về phía khách hàng.(ĐTBĐS)