TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-07-2018

    EU dọa nhắm vào 300 tỷ USD hàng Mỹ nếu Trump đánh thuế nhập khẩu xe

    Ủy ban châu Âu (EC) lên kế hoạch trả đũa với 300 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong trường hợp Tổng thống Donald Trump biến lời đe dọa thuế nhập khẩu xe thành hiện thực.

    Cảnh báo được gửi đến Bộ Thương mại Mỹ hôm 29/6. Đây là lần đầu tiên mà EC có sự phản hồi cụ thể cho mối đe dọa của ông Trump. Con số 300 tỷ USD tương đương 19% tổng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ trong năm 2017 và có thể được áp dụng "trên nhiều lĩnh vực của kinh tế Mỹ".

    Brussels cho rằng việc Washington vin cớ an ninh quốc gia để nhắm vào ngành chế tạo ôtô có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện, làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, bước đi này cũng sẽ tổn hại đến chính ngành ôtô của Mỹ với hơn 4 triệu lao động.

    Châu Âu khẳng định Mỹ áp thuế với ôtô của EU sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận và sẽ "làm tổn hại thêm danh tiếng" của Washington. Trong khi đó, các nhà sản xuất toàn cầu cảnh báo rằng thuế sẽ tăng giá xe nhập khẩu thêm 6.000 USD và đẩy giá xe sản xuất tại Mỹ.

    Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ công bố bắt đầu cuộc điều tra "Mục 232" để xem liệu hàng nhập khẩu có làm xói mòn ngành công nghiệp nước này đến mức đe dọa "nền kinh tế trong nước" hay không. Khi đó, chính quyền ông Trump đang cân nhắc mức thuế 25%. Hôm 1/7, ông vừa tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) có lẽ cũng "tệ hại như Trung Quốc" trong quan hệ thương mại với Mỹ.(NDH)
    --------------------

    Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới trong quý II

    Việt Nam, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ là ba thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong 3 tháng vừa qua.

    Theo số liệu IndexQ, chứng khoán Việt Nam là thị trường dẫn đầu về mức độ giảm điểm trong quý II với 17,67%, VN-Index lao dốc từ mức 1.174,46 điểm xuống 960,78 (phiên 29/6).

    Sự sụt giảm của chỉ số do nhiều cổ phiếu bluechips thuộc các nhóm ngành diễn biến tiêu cực từ đầu tháng 4, điển hình là nhóm ngân hàng. Nhiều cổ phiếu trong ngành trượt giá và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, có thể điểm tới như VCB giảm 21%, ACB giảm 32%, CTG giảm 36%, BID giảm 45%... trong quý 3 tháng qua.

    Theo sau Việt Nam, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ là những thị trường giảm điểm mạnh trong quý II lần lượt 16,32% và 15,96%.

    Khu vực Đông Nam Á, cũng có 2 quốc gia khác góp mặt trong top 10 thị trường ‘lao dốc’ gồm Thái Lan và Philippines giảm 9,7% và 9,85%. Chỉ số Shanghai của thị trường Trung Quốc cũng giảm gần 9,91%.

    Theo trang tin Bloomberg, những lo ngại về xung đột thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường chứng khoán châu Á. Bên cạnh đó, động thái tăng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cũng khiến các nhà đầu tư nâng cao yêu cầu khi đầu tư vào các thị trường rủi ro như chứng khoán tại châu Á.

    Trong nửa đầu năm, hơn 19 tỷ USD đã được hút khỏi các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, kể từ đầu năm dựa theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

    Ở chiều ngược lại, Na Uy là thị trường có đà tăng mạnh nhất trong quý II với 10,53%, theo sau là London tăng 8% và New Zealand tăng 7,5%.

    Nửa đầu năm, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường chứng khoán suy giảm mạnh nhất khi mất 16,31% giá trị, trong khi thị trường Ai Cập dẫn đầu đà tăng với 10,28%.(NDH)

    ------------------------

    Thủ tướng yêu cầu kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4%

    Nhận định 6 tháng cuối năm Việt Nam sẽ chịu sức ép trong việc kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có trách nhiệm trong kiểm soát vĩ mô.

    Kiểm soát lạm phát dưới 4%

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định 6 tháng cuối năm Việt Nam sẽ chịu sức ép trong việc kiểm soát lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm qua chủ yếu do giá xăng dầu, thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng tăng cao.

    Tại phiên họp trực tuyến Thủ tướng với chính phủ sáng ngày 2/7, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trọng tâm là thảo luận giải quyết vấn đề sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm và thúc đẩy tăng trưởng.

    "Phải có giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực để lạm phát năm 2018 không quá 4%, tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững", Thủ tướng bày tỏ.

    Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần có trách nhiệm trong kiểm soát vĩ mô. Thủ tướng diễn giải, giá điện sẽ không tăng năm nay, giá dịch vụ y tế đủ điều kiện mới tăng. Theo Thủ tướng, giá cả khác thuộc công tác điều hành sẽ được điều chỉnh trêntinh thần kiểm soát lạm phát không quá 4%.

    Mục tiêu tăng trưởng quý III đạt 6,53%, quý IV 6,36%

    Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm nay, trong đó tăng trưởng quý III đạt 6,53%, quý IV 6,36% trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều phức tạp, chiến tranh thương mại…

    Thủ tướng cho rằng mục tiêu tăng trưởng vô cùng quan trọng để giảm nợ công, tạo việc làm, thu ngân sách… Nhờ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và quy mô nền kinh tế trên 5 triệu tỷ đồng nên nợ công của Việt Nam từ 64% GDP trước đây giảm còn 61% GDP.

    Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế còn có ảnh hưởng tới dư địa vay nợ đầu tư hạ tầng. Thủ tướng nhắc nhở giảm tăng trưởng bất cứ năm nào trong kỳ kế hoạch đều ảnh hưởng tới phát triển của đất nước. "Đây là thực tiễn cần tập trung tháo gỡ, tìm ra điểm yếu, kém.. để tăng trưởng tốt hơn", Thủ tướng nói.

    Người đứng đầu Chính phủ nhận định những giải pháp tháo gỡ của từng bộ, ngành, địa phương về thủ tục kinh doanh rất quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Thủ tướng chỉ ra còn nhiều rào cản trong phát triển kinh tế, nhất là sự việc tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh đang chững lại. Nhiều Bộ ngành địa phương tuyên bố cắt giảm 50% thủ tục nhưng thực chất việc thực hiện còn hạn chế.

    Nhìn nhận lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết, kinh tế xã hội tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là GDP tăng 7,08% trong 6 tháng. Ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ, là điều đáng mừng.

    Nhiều tổ chức tài chính lớn dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát dưới 4%... Thủ tướng lưu ý đây mới là dự báo, để thành hiện thực phải do giải pháp trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các địa phương.

    Thủ tướng cũng yêu cầu tìm nguyên nhân và giải quyết tình trạng phân bố giải ngân vốn đầu tư công chậm, tới nay mới đạt 33% kế hoạch.

    Tại hội nghị. Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu rõ những khó khăn, trở ngại, các Bộ trưởng nêu các chủ trương, giải pháp giải quyết vấn đề. Các bộ, ngành địa phương phải giải quyết đồng bộ các vấn đề.

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn