TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-01-2016

    Công nghiệp Trung Quốc đang trải qua chu kỳ yếu kém nhất từ năm 2009

    cong nhan lam viec o 1 day chuyen san xuat tai nha may cua nissan. (nguon: reuters)

    Công nhân làm việc ở 1 dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Nissan. (Nguồn: Reuters)


    Báo cáo kinh tế đầu tiên được Trung Quốc công bố trong năm 2016 cho thấy ngành công nghiệp Trung Quốc đang trải qua chu kỳ yếu kém nhất kể từ năm 2009.​

    Theo thống kê chính thức được Trung Quốc công bố dịp đầu năm 2016, chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp (PMI) trong tháng 12/2015 đạt gần 49,7 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ba năm qua. Tuy nhiên, chỉ số này có tăng được 0,1 điểm so với kết quả hồi tháng 11/2015.​

    Như vậy, đây là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động trong khu vực công nghiệp tại "công xưởng của thế giới" tiếp tục bị thu hẹp lại và rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 tới nay.​

    Chỉ số PMI đạt dưới ngưỡng 50 điểm có nghĩa là hoạt động trong ngành liên quan bị sa sút.​

    Đáng lo ngại hơn cả là ngành công nghiệp Trung Quốc dù yếu kém, nhưng vẫn còn cầm cự được ở mức dưới 50 điểm nói trên, chủ yếu là nhờ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ và các biện pháp bơm tiền vào khu vực kinh tế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.​

    Ngược lại, hoạt động trong khu vực dịch vụ lại tăng mạnh trong tháng 12/2015, đạt 54,4 điểm. Đây là thành tích ngoạn mục nhất kể từ tháng 8/2014.

    Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ, tăng cường ngân sách nhà nước để hỗ trợ khu vực sản xuất, tiếp tục áp dụng các biện pháp kích cầu và khuyến khích đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% như đã đề ra.


    Được tái cơ cấu các khoản nợ của Vinalines tại Ngân hàng VDB

    duoc tai co cau cac khoan no cua vinalines tai ngan hang vdb

    Được tái cơ cấu các khoản nợ của Vinalines tại Ngân hàng VDB


    Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2015 vừa được Chính phủ công bố.

    Cụ thể, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; các doanh nghiệp sau khi được cơ cấu nợ phải có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.

    Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Vinalines. Trên cơ sở đó, hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ.

    Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines và các công ty thành viên xây dựng phương án tổng thể về chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và tính khả thi của phương án tái cơ cấu nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


    14 bang nước Mỹ tăng lương tối thiểu trong ngày 1/1/2016

    nguoi lao dong my bieu tinh doi tang luong toi thieu. (anh: afp)

    Người lao động Mỹ biểu tình đòi tăng lương tối thiểu. (Ảnh: AFP)


    Trong bối cảnh người dân Mỹ đã sáu năm chưa được hưởng niềm vui tăng lương tối thiểu liên bang, hiện đang ở mức 7,25 USD/giờ, 14 tiểu bang và một vài thành phố nước này đã quyết định đi tiên phong trong việc cải thiện đời sống của người lao động tại địa bàn của mình ngay trong ngày đầu tiên của Năm mới.

    14 tiểu bang được nói đến là Alaska, Arkansas, California, Colorado, Connecticut, Hawaii, Massachusetts, Michigan, Nebraska, New York, Rhode Island, South Dakota, Vermont và West Virginia.

    Theo một nhà phân tích thuộc Cơ quan quốc gia về lập pháp tiểu bang (NCSL), California và Massachusetts nằm trong số những tiểu bang “mạnh tay” nhất khi cho nâng lương tối thiểu lên 10 USD/giờ từ mức 9 USD/giờ trước đó.

    Ở một mức độ khiêm tốn hơn, bang Arkansa cũng quyết định nâng lương cho người lao động từ 7,5 USD/giờ lên mức 8 USD/giờ.

    Như vậy, lần tăng này đã giúp nâng mức lương sàn trung bình tại 14 tiểu bang của Mỹ từ 8,5 USD/giờ lên trên 9 USD/giờ.

    Trong khi đó, nhiều thành phố khác thậm chí còn “hào phóng” hơn. Trong khi lương tối thiểu tại Seattle dao động trong khoảng từ 10,5-13 USD/giờ từ ngày 1/1/2016 thì Los Angeles và San Francisco cũng sẽ làm điều tương tự vào tháng Bảy tới, với tham vọng nâng mức này lên ngưỡng 15 USD/giờ trong vòng sáu năm tới.

    Quyết định trên của các tiểu bang đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Họ cho rằng việc nâng mức lương tối thiểu sẽ giúp xóa đói giảm nghèo.

    Tuy nhiên, một vài người khác lại tỏ ra lo ngại về những tác động đối với tình hình lao động và lợi nhuận của các công ty.

    Alan Krueger, Giáo sư về kinh tế tại trường Đại học Princeton nhận định việc nâng lương tối thiểu liên bang lên mức 12 USD/giờ trong vòng 5 năm tới sẽ không tác động nhiều đến thị trường việc làm của Mỹ vì một số nhà tuyển dụng có thể vì thế mà cắt giảm việc làm, trong khi một số khác sẽ chứng kiến lợi nhuận sụt giảm.

    Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều các tiểu bang và thành phố ban hành các chính sách về mức lương sàn của riêng mình.

    Tính đến nay, đã có đến 29 tiểu bang và thủ đô Washington cùng với khoảng 24 thành phố khác có mức lương tối thiểu cao hơn mức lương quy định của liên bang.


    Báo Le Monde: Các nền kinh tế thế giới tăng trưởng không đều

    nguoi dan my mua hang trong dip giam gia black friday. (nguon: afp)

    Người dân Mỹ mua hàng trong dịp giảm giá Black Friday. (Nguồn: AFP)


    Bài viết đăng trên báo Pháp Le Monde (Thế giới) số ra ngày 1/1 nhận định trong khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng bắt kịp nhịp độ tăng trưởng của Mỹ thì tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi sẽ rất mong manh.

    Bài báo cho biết nếu năm 2015, các nền kinh tế “phục hồi yếu ớt," hay còn gọi là “phục hồi trong tình trạng hụt hơi," thì theo dự báo của giới phân tích, năm 2016, tốc độ phục hồi sẽ không đồng đều giữa các khối nước, do có sự khác biệt về chính sách tiền tệ và chu kỳ kinh tế với sự chuyển đổi của cả thế giới sang nền kinh tế dịch vụ mang tính khu vực nhiều hơn, buộc các nước phải phát huy sức mạnh của chính mình.

    Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển đứng đầu là Mỹ sẽ rất khả quan, trong khi các nền kinh tế mới nổi sẽ có mức tăng trưởng khác nhau trong bối cảnh chung là sự phục hồi kinh tế đang có chiều hướng chậm lại.

    Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Đức Handelsblatt (Thời báo thương mại Đức) ngày 30/12/2015, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde dự báo kinh tế thế giới năm 2016 sẽ “gây thất vọng và tăng trưởng không đồng đều” do lo ngại về những tác động gây mất ổn định có thể xảy ra của việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản. Các nền kinh tế mới nổi đã trở nên dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD do dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô.

    Thực tế cho thấy trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực thì quá trình thoát khỏi khủng hoảng diễn ra chậm chạp với các nước công nghiệp già nua. Động thái tăng lãi suất của Fed càng định hình rõ nét hơn xu hướng đó. Mỹ sẽ là đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu ngay cả khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ tăng khoảng 2,5% thay vì 3% trong giai đoạn trước khủng hoảng vào năm 2008.

    Tại Mỹ, thị trường việc làm được cải thiện rõ rệt, nhu cầu trong nước được thúc đẩy bởi tiêu dùng hộ gia đình thông qua việc tăng sức mua, tăng lương và tăng đầu tư từ khu vực dân cư. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ chịu tác động tiêu cực từ đồng USD mạnh, thương mại có thể sẽ bị thiệt hại lớn do hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ trên thị trường thế giới. Sáu năm sau khi kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, những dấu hiệu đầu tiên của sự chững lại đã xuất hiện, chẳng hạn như sản xuất công nghiệp sụt giảm hoặc lợi nhuận các doanh nghiệp giảm.

    Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, kinh tế Anh vẫn tăng trưởng một cách vững chắc cho đến giữa năm 2016. Trong khi đó, Eurozone vốn chỉ thực sự phục hồi vào năm ngoái với mức tăng 0,9% sau một thời gian dài bị tụt lại phía sau, sẽ tăng trưởng 1,5% vào năm nay. Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, mức tăng trưởng toàn khối sẽ đạt 1,8% vào năm 2016 và 1,9% trong năm kế tiếp.

    Đồng euro yếu, chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2003 sẽ kích thích xuất khẩu. Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu(ECB) quyết định hạ lãi suất đồng euro cùng với việc kéo dài chương trình nới lỏng định lượng, đã tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư đồng thời đẩy mạnh nỗ lực phục hồi kinh tế châu Âu. Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh của giá dầu cũng cải thiện sức mua các hộ gia đình và tình hình tài chính các công ty.

    Theo Viện Thống kê quốc gia và nghiên cứu kinh tế Pháp (Insee), những yếu tố kích thích sự phục hồi của kinh tế châu Âu là tiêu dùng hộ gia đình và sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư do xu hướng tăng tín dụng lần đầu tiên kể từ hơn ba năm qua, sẽ trở nên đồng đều hơn, đạt trung bình 0,4% hàng quý.

    Sức tiêu dùng ở Đức tăng; Italy đã ra khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài ba năm và đang tạo ra nhiều công ăn việc làm; kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng một cách vững chắc. Riêng đối với Pháp, các vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11 làm sụt giảm 0,1% tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước này, tuy nhiên, sự phục hồi sẽ trở nên rõ nét vào năm 2016.

    Với các nước mới nổi, đây đã là năm thứ năm liên tiếp đà phục hồi bị chững lại, do vậy bước tái khởi động sẽ rất khó khăn và cần thời gian.

    Tại Trung Quốc, tăng trưởng giảm xuống còn 6,9% trong năm nay - mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990. Tuy nhiên, năm 2016, tăng trưởng sẽ ổn định trong sáu tháng đầu năm, dao động xung quanh mức 1,6% hàng quý, nhờ tiêu thụ hộ gia đình. Có thể nói, sự thay đổi mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả.

    Các nước khác trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, ngoại trừ Ấn Độ do nước này có mức gắn bó thấp với kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị ngày càng nghiêm trọng ở Brasil trong khi Nga cũng chỉ vừa mới thoát khỏi khủng hoảng từ mùa Hè 2015 sẽ tăng trưởng trở lại một cách chậm chạp.

    Tại các nước đang phát triển, những nước đạt được thành tích ấn tượng nhất và đạt mức tăng trưởng từ 5-7% là những nước nhập khẩu nguyên liệu thô./.


    Thu ngân sách vẫn “về đích” mặc giá dầu giảm mạnh

    Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12, Chính phủ nhất trí đánh giá, thu ngân sách vượt dự toán trong điều kiện giá dầu thô giảm mạnh, cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng.

    Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2015.

    Theo đó, Chính phủ thống nhất đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành năm 2015 đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.

    Qua đó có thể thấy những kết quả nổi bật đã đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng cao.

    Thu ngân sách vượt dự toán trong điều kiện giá dầu thô giảm mạnh, cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng.

    Tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định trong điều kiện khó khăn về thời tiết, giá cả các mặt hàng nông sản trên thế giới giảm. Khu vực dịch vụ phát triển, sức mua và tổng cầu được cải thiện.

    Thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tích cực triển khai theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

    Đánh giá về những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội 2011-2015, Chính phủ nhất trí cho rằng, Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối, thực hiện có kết quả bước đầu đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

    Trong số 26 chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 9 chỉ tiêu không đạt.

    Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, yếu kém. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước chưa cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp thấp do giá các mặt hàng nông sản trên thế giới giảm. Cân đối ngân sách còn khó khăn.

    Trên cơ sở đó, Chỉnh phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

    Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ và Thanh Tra Chính phủ chủ trì, phối hợp hoàn chỉnh ban hành các báo cáo về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải cách thủ tục hành chính; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí...


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn