TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-03-2016

    Cộng đồng kinh tế ASEAN đẩy mạnh Cơ chế một cửa

    Sáng 3.3, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần 22 và các hội nghị liên quan chính thức diễn ra tại Chiang Mai (Thái Lan).
    Tham dự hội nghị lần này ngoài các Bộ trưởng kinh tế ASEAN còn có Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh và Uỷ viên Thương mại Liên minh Châu Âu Cecilia Malmstrom. Đại diện đoàn VN là Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú.
    Chủ đề chính tại Hội nghị lần này là Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA), Hệ thống xác nhận ASEAN đối với xuất xứ hàng hoá, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hệ thống thông tin thương mại ASEAN (ATR).

    Nội dung cụ thể thảo luận gồm: những mục tiêu ưu tiên trong năm 2016 do Lào làm chủ tịch ASEAN, các đề xuất thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực, đẩy nhanh đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cập nhật các hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN và các đối tác (ASEAN +1 FTA)…

    thu truong nguyen cam tu tra loi bao chi tai hoi nghi

    Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú trả lời báo chí tại Hội nghị

    tong thu ky asean le luong minh (ben phai) tham du hoi nghi

    Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (bên phải) tham dự Hội nghị

    Ngoài ra, Hội nghị lần này còn quan tâm đến các chương trình giúp đặt nền móng cho kinh tế của ASEAN trong tương lai như: hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến thương mại và kiểm soát an toàn thực phẩm.
    Cộng đồng kinh tế ASEAN có hơn 600 triệu người tiêu dùng, tổng GDP gần 3.000 tỉ USD/năm. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của VN với thị trường ASEAN là 31,3 tỉ USD (xuất khẩu 13,7 tỉ USD và nhập khẩu 17,6 tỉ USD). Tính đến tháng 9.2015, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của VN sau Mỹ và Liên minh châu Âu, và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của VN sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

    Tập đoàn Nga đầu tư 2,5 triệu USD xây nhà máy chế biến xoài ở Đồng Tháp

    tap doan nga dau tu 2,5 trieu usd xay nha may che bien xoai o dong thap

    Tập đoàn Nga đầu tư 2,5 triệu USD xây nhà máy chế biến xoài ở Đồng Tháp

    Ngày 2.3, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết Tập đoàn Dialog (Nga) sẽ đầu tư 2,5 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến xoài với công suất 18.000 tấn/năm, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương.
    Dự kiến nhà máy sẽ khởi công trong tháng 9.2016 và đi vào hoạt động trong quý 1/2017. Việc Tập đoàn Dialog đầu tư nhà máy đã mở ra cơ hội để Đồng Tháp thúc đẩy tái cơ cấu ngành xoài theo quy hoạch và góp phần tăng thu nhập cho người dân.

    Mỹ sản xuất dầu nhiều nhất trong 43 năm

    san luong dau tho my dang o muc cao nhat trong 43 nam - anh: bloomberg

    Sản lượng dầu thô Mỹ đang ở mức cao nhất trong 43 năm - Ảnh: Bloomberg


    Chiến lược không giảm sản lượng để đẩy giá cả hạ, gây sức ép lên các nhà sản xuất khác của Ả Rập Xê Út đến nay vẫn thất bại. Mỹ sản xuất với mức cao nhất kể từ năm 1972, tăng 89% kể từ năm 2008.
    Các nhà sản xuất Mỹ bơm trung bình 9,43 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm ngoái, theo con số báo cáo mới nhất từ chính phủ nước này. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1972, tăng 89% kể từ năm 2008.
    Theo CNN, chuyện dầu giảm giá đã khiến sản xuất “vàng đen” chậm lại một chút trong những tháng gần đây, song các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vẫn trụ vững, tốt hơn nhiều người dự báo.
    “Ngành công nghiệp dầu của Mỹ đã chứng minh khả năng phục hồi đáng kể”, Giáo sư Jason Bordoff tại Đại học Columbia kiêm cựu cố vấn năng lượng của Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.
    Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã đem đến lợi ích cho người tiêu dùng thông qua xăng giá rẻ, mặt hàng đang có giá dưới 2 USD/gallon trên toàn nước Mỹ. Cuộc cách mạng trên cũng biến Mỹ trở thành một trong những người chơi lớn nhất trên thị trường dầu mỏ, sau Ả Rập Xê Út và Nga, dẫn đến quyết định không giảm sản lượng dầu của quốc gia Trung Đông hồi tháng 11.2014 dù thế giới dư thừa nguồn cung.
    Giá cả đã hạ, thậm chí hạ nhiều hơn mức mà các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chuẩn bị. Dầu chạm ngưỡng 26 USD/thùng trong tháng trước, giảm 75% từ mức đỉnh năm 2014.
    Dù vậy, ít nhất là cho đến nay, chiến lược của Ả Rập không giết chết sự bùng nổ dầu thô của Mỹ. Giá hạ nhưng sản xuất trong nước vẫn tăng 8% trong năm ngoái và tăng 45% kể từ năm 2012.
    Hạn ngạch lớn của Mỹ được thúc đẩy bởi làn sóng đổi mới, cải thiện năng suất và hiệu quả của các doanh nghiệp năng lượng. Các hãng dầu cũng hưởng lợi từ chi phí dịch vụ thấp hơn vì kinh tế suy yếu.
    “Sản xuất dầu đá phiến sét đang diễn biến khả quan hơn mọi người nghĩ. Các công ty đang đầu tư vào tài sản cốt lõi, nơi họ có thể kiếm được nhiều tiền”, nhà phân tích Brian Youngberg tại hãng Edward Jones nói.
    Tuy nhiên, không phải là các nhà sản xuất Mỹ không hề hấn gì trước cuộc chiến giá cả hiện tại. Chi phí và hàng nghìn việc làm đã bị cắt giảm, số công ty dầu nhỏ nặng nợ nộp đơn xin phá sản tăng 379% trong năm qua. Áp lực tài chính trên khiến sản lượng dầu Mỹ chùn lại một chút vào tháng 4.2015.

    HSBC dự báo tỷ giá lên 23.000 đồng/USD

    hsbc du bao ty gia len 23.000 dong/usd

    HSBC dự báo tỷ giá lên 23.000 đồng/USD

    Ngày 3.3, tại báo cáo 'Kinh tế vĩ mô VN - Triển vọng thị trường', Ngân hàng HSBC VN đưa ra dự báo tỷ giá ngoại tệ sẽ ở mức 23.000 đồng/USD vào quý 3 năm nay.
    Ngoài ra, HSBC đưa ra dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,7 - 6,8% trong hai năm kế tiếp. Tăng trưởng mạnh hơn dẫn đến tình trạng lạm phát tăng dần lên mức 5,2% vào cuối năm nay, chạm mức trần mục tiêu do Chính phủ đề ra.
    Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt trong nửa sau của năm nay và dự báo lãi suất tăng 50 điểm đầu tiên trong quý 3/2016. NHNN cũng có thể áp dụng những chính sách thắt chặt hành chính để làm dịu hoạt động cho vay, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
    HSBC thông tin thêm, Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam (PMI) giảm nhẹ trong tháng 2 từ mức 51,5 điểm của tháng trước xuống còn 50,3 điểm. Thế nhưng số lượng đơn hàng xuất khẩu mới lại tăng nhanh, hoàn toàn tương phản với hoạt động thương mại ảm đạm của các nước trong khu vực.
    HSBC nhận định VN trở thành trung tâm sản xuất của thế giới là một yếu tố khiến sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất. Nhu cầu trong nước mạnh mẽ đã giúp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào VN đạt mức kỷ lục năm 2015 và giúp thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2016 mặc cho kinh tế toàn cầu vẫn còn suy yếu.

    Câu chuyện 20 năm của Người Toyota

    ong hasegawa (thu hai tu trai qua) - tong giam doc dau tien giai doan 9/1995-12/1999 trong le khoi cong xay dung nha may toyota viet nam

    Ông Hasegawa (thứ hai từ trái qua) - Tổng giám đốc đầu tiên giai đoạn 9/1995-12/1999 trong lễ khởi công xây dựng nhà máy Toyota Việt Nam


    Ai cũng biết Toyota là thương hiệu ô tô được yêu mến và ưu chuộng bậc nhất tại VN, và câu chuyện của “Người Toyota” khai mở thị trường VN cách đây 20 năm, lại ít có ai biết được.
    “Phải lòng Việt Nam”
    Năm 1991, những người Toyota đầu tiên đến VN để đặt nền móng cho Toyota Việt Nam (TMV). Ông Kenji Ueno, Giám đốc Dự án từ năm 1991-1995, nhớ lại: “Lúc đó tôi có trao đổi với một vài đồng nghiệp đang làm tại Washington về vấn đề: nếu Toyota vào Việt Nam, Mỹ có áp dụng biện pháp trừng phạt nào lên Toyota không? Thật may khi câu trả lời tôi nhận được là: ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng đã có nhiều người phản đối chính sách cấm vận với Việt Nam . Do vậy, nếu Toyota mở nhà máy sản xuất thì mới cần cân nhắc còn mở văn phòng đại diện thì không sao”.
    Theo ông Ueno: “Khi chúng tôi tìm hiểu về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thì không có dữ liệu thống kê nào liên quan tới quy mô thị trường hoặc số lượng xe đang lưu hành cả. Chúng tôi chỉ có duy nhất một thông tin để bám vào đó là số lượng xe xuất khẩu từ Nhật Bản sang Việt Nam, theo như trí nhớ của tôi lúc bấy giờ thì chỉ chừng 1.000 xe vào thời điểm đó thôi”, ông Ueno cho biết.
    Ông Ueno và các đồng nghiệp đã tự lái xe từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh suốt 5 đêm 6 ngày chỉ để ghi chép lại những chủng loại xe gặp trên đường. Mà như ông kể là: “Đi xuyên qua những thành phố lớn như: Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh thì còn thấy bóng dáng xe ô tô, nhưng chỉ cần ra khỏi đô thị thôi là cả tiếng đồng hồ may ra mới bắt gặp 1,2 xe. Quá ít xe để quan sát và ghi chép nên chúng tôi phải khó khăn lắm mới chống lại được cơn buồn ngủ…”.
    Tuy nhiên, ông Kenji Ueno cho rằng, so với các dự án khác, dự án của Toyota tại Việt Nam gặp rất nhiều thuận lợi. “Nguyên nhân chủ yếu của việc này hẳn là do hầu hết các nhân sự của Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản (TMC) được cử sang Việt Nam đều phải lòng đất nước này, tôi nghĩ có khi phải dùng hình ảnh “rơi vào lưới tình với Việt Nam” may ra mới diễn tả hết ý”, ông hài hước.

    2 lần ngày xưa!
    Tổng giám đốc đầu tiên của TMV (1995-1998), ông Hasegawa, cũng rất xúc động khi nói về chuyện “ngày xưa”: “Vèo một cái là 20 năm đã trôi qua. Ở Nhật có câu: “Mười năm đã có thể coi là ‘ngày xưa’. Vậy là đã hai lần ‘ngày xưa’ rồi, nhanh quá!”.
    “Năm 1995, khi tôi đến Việt Nam, trên đường phố xe ô tô còn ít lắm. Với hầu hết người dân Việt Nam, bất cứ chiếc ô tô nào đang chạy trên đường cũng đều được gọi chung là Toyota cả. Toyota nghĩa là ô tô – cách gọi dân dã đầy tín nhiệm này của người dân Việt Nam đã có từ rất lâu trước khi Toyota mở nhà máy tại Việt Nam. Với chúng tôi thì chỉ riêng điều đó thôi đã là một tài sản cực kỳ to lớn”, ông Hasegawa nói.
    Đó là câu chuyện của 20 năm về trước của một Toyota Việt nam còn non trẻ với nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng đó lại chính là điểm khởi đầu cho những thành công sau này của hãng xe Nhật này tại Việt Nam.
    Sau 20 năm hành trình tại Việt Nam, Toyota Việt Nam đã trở thành công ty dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam với doanh số bán cộng dồn lên đến trên 360.000 xe, trên 6,4 triệu lượt khách hàng vào làm dịch vụ tại hệ thống 46 Đại lý & trạm dịch vụ ủy quyền trên toàn quốc, xuất khẩu phụ tùng ô tô sang có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch cộng dồn lên đến gần 330 triệu đô la Mỹ. Tổng tiền đầu tư lên tới 160 triệu đô la Mỹ (không tính đầu tư ban đầu), đóng góp gần 5 tỷ đô la Mỹ vào Ngân sách nhà nước, cung cấp việc làm ổn định cho xấp xỉ 33.000 nhân viên làm việc tại TMV. Tổng số tiền đóng góp từ thiện xã hội của toàn hệ thống Toyota lên trên 22 triệu đô la Mỹ.
    Riêng năm 2015, Toyota công bố doanh số bán hàng kỷ lục: 51.246 xe được bán ra tăng trưởng 24.4% so với năm 2014.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn