Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-06-2018
Quảng Bình phê duyệt 48 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 - 2020
Quảng Bình vừa phê duyệt 48 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020 thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế với tổng số tiền hơn 50.000 tỷ đồng.
Điểm du lịch trong di sản Phong Nha-Kẻ Bàng ở Quảng Bình. Ảnh: Hồ Cầu/ TTXVN
Trong các dự án đáng chú ý về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, tỉnh Quảng Bình ưu tiên kêu gọi 14 dự án với tổng số tiền mời gọi đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng, diện tích đất phục vụ dự án hơn 1.500 ha; trong đó, các dự án khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển và khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái được tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm với việc dành quỹ đất phục vụ cho mỗi dự án lên đến hàng trăm ha.
Đây được xem là các dự án động lực có giá trị cao trong việc tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sự phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Bình trong tương lai nên sẽ được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Trong công nghiệp, tỉnh Quảng Bình mời gọi đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, sản xuất, lắp rắp đồ điện dân dụng, điện tử, viễn thông và công nghiệp, sản xuất thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện năng, nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như nông nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, y tế, giáo dục được tỉnh Quảng Bình phê duyệt mời gọi đầu tư lần này cũng được đánh giá đầy tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Cùng với việc phê duyệt dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020, hiện nay, tỉnh Quảng Bình tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương trong tỉnh gấp rút xây dựng nội dung thông tin dự án.
Đồng thời, tổ chức hoạt động tuyên truyền quảng bá để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham gia thực hiện trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Tỉnh Quảng Bình cũng cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình không ngừng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư có uy tín đến với tỉnh. Các dự án du lịch và thương mại ở tỉnh Quảng Bình được xem là thế mạnh và được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Chỉ riêng từ năm 2016 đến nay, riêng lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại tỉnh Quảng Bình đã thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư (TTXVN)
-------------------------
Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP
Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá phần vốn góp hơn 205 tỷ đồng (theo mệnh giá), tương đương 94,61% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng
Một phiên đấu giá thoái vốn tại HNX. Ảnh minh họa: HNX
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngày 18/6, tại Sở này, Bộ Xây dựngsẽ bán đấu giá phần vốn góp hơn 205 tỷ đồng (theo mệnh giá), tương đương 94,61% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP với mức giá khởi điểm 13.300 đồng/cổ phần.
Hiện nay, vốn điều lệ của Tổng công ty đạt hơn 217 tỷ đồng; trong đó, Bộ Xây dựng nắm giữ cổ phần chi phối với 94,61%. Tổng công ty có 1 công ty con là Công ty cổ phần Xây dựng Bạch Đằng 201 với tỷ lệ sở hữu đạt 55,31% và 20 công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu từ 4% đến 37%.
Năm 2018, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.561 tỷ đồng tăng 60,82% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng 35,6% so với năm 2017 và chia cổ tức ở mức 3%.
Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng- CTCP hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng công trình công nghiệp, thủy lợi, bưu điện, sân bay, bến cảng, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp; xây dựng nhà các loại; xây dựng công trình đường sắt và đường bộ; kinh doanh bất động sản; hoàn thiện công trình xây dựng (Bnews)
------------------------
Những đồn đoán ông chủ đế chế Starbucks tranh cử tổng thống Mỹ
Chủ tịch điều hành đế chế cà phê Starbuck Howard Schulz thông báo kế hoạch nghỉ hưu, làm dấy lên đồn đoán ông sẽ tìm kiếm lá phiếu đề cử của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 tới.
Ông Schultz, 64 tuổi, hiện đang là Chủ tịch điều hành Starbucks sau khi thôi giữ chức Giám đốc điều hành Starbucks hồi tháng 4 vừa qua. Trong một tuyên bố, Starbucks cho biết ông Schulz sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng này và đảm trách chức Chủ tịch danh dự của hãng.
Chủ tịch điều hành đế chế cà phê Starbuck Howard Schulz . Ảnh: HungryForever
Sau thông báo trên, dư luận Mỹ cho rằng nhiều khả năng nhà tài phiệt này sẽ gây dựng sự nghiệp chính trị, bước chân vào chính giới với mục tiêu đầu tiên là trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tuy nhiên, phát biểu với tờ New York Times, ông Schulz cho biết ông chưa quyết định về bước đi tiếp theo, nhưng hiện tại ông rất quan tâm tới nước Mỹ, tới sự chia rẽ ngày càng tăng ở trong nước cũng như vị thế của nước này trên thế giới.
Gia nhập Starbucks vào năm 1982 với tư cách là giám đốc phụ trách hoạt động và tiếp thị, ông Schultz là người có công trong việc đưa một công ty cà phê nhỏ có trụ sở tại Seattle thành một đế chế cafe toàn cầu với hơn 28.000 cửa hàng tại 77 nước (TTXVN)
----------------------
Miền Nam triển khai nhiều dự án lưới điện trọng điểm
Trong giai đoạn 2016-2020, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) dự kiến được giao thực hiện các dự án đầu tư lưới điện với tổng giá trị 45.930 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến giao cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) thực hiện các dự án đầu tư lưới điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam với tổng giá trị 45.930 tỷ đồng.
Điện lực Hòa Bình (Bạc Liêu) kiểm tra việc sử dụng điện an toàn tại các hộ nuôi tôm. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2018-2020 là 31.745 tỷ đồng, bao gồm 28.765 tỷ đồng là đầu tư thuần, còn lại là trả nợ gốc và lãi vay.
Với khối lượng đầu tư lớn này, từ nay đến năm 2020, EVN SPC chú yếu triển khai nhiều dự án, công trình lưới điện trọng điểm.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, Tổng công ty sẽ triển khai thực hiện dự án Tín dụng ngành điện 3 (PSL3), vay vốn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng giá trị 7.234 triệu JPY (Yên Nhật), tương đương tổng mức đầu tư 1.096 tỷ đồng.
Dự án bao gồm xây dựng 0,5km đường dây 220kV, 129km đường dây 110kV, 244 km đường dây trung thế và 255km đường dây hạ thế. Ngoài ra còn xây dựng trạm biến áp (TBA) 220kV tổng dung lượng 500 MVA, trạm 110kV tổng dung lượng 710 MVA và các trạm phân phối với tổng dung lượng 11,78 MVA.
Với 18 tiểu dự án, đến thời điểm này EVN SPC đã hoàn thành đóng điện 6 công trình 110kV, các công trình còn lại đang thi công sẽ hoàn thành đóng điện trong năm 2018.
Với dự án Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3), vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), có tổng mức đầu tư 921 tỷ đồng; trong đó vốn vay nước ngoài 30 triệu USD, tương đương 640 tỷ đồng). Dự án có khối lượng đầu tư 695km đường dây trung thế và 609km đường dây hạ thế, tổng dung lượng 115,8 MVA các trạm phân phối.
EVN SPC tăng cường đầu tư các dự án lưới điện trọng điểm. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Hiện nay dự án đã đóng điện đưa vào vận hành các hạng mục công trình cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh; cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ chong đèn thanh long tỉnh Long An và cải tạo, phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn huyện đảo Phú Qúy (Bình Thuận).
Với tổng mức đầu tư 1.051 tỷ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW2) là 20 triệu EUR, tương đương 518 tỷ đồng, EVN SPC đang triển khai dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện tại khu vực các tỉnh: Bình Thuận, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án có khối lượng đầu tư 152km đường dây 110kV, 12 TBA 110kV với tổng dung lượng 572 MVA.
Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, Nguyễn Phước Đức, với 14 tiểu dự án, đến nay Tổng công ty đã hoàn thành đóng điện 8 tiểu dự án, 4 tiểu dự án còn lại sẽ được hòan thành trong quý 2 năm nay, bao gồm trạm 110kV Tân Thành và đường dây Hàm Kiệm-Tân Thành; trạm 110kV Long Điền và đấu nối; trạm 110kV Nam Tân Lập và đường dây 110kV Cần Đước-Nam Tân Lập; đường dây 110kV Ngãi Giao-Cẩm Mỹ.
Dự án Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ, cũng vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW 3.1) với tổng giá trị 68 triệu EUR. Với tổng mức đầu tư 1.529 tỷ đồng, dự án xây dựng và củng cố lưới điện 110kV; cải tạo và nâng cấp, mở rộng lưới điện trung và hạ áp các thành phố vừa và nhỏ trên địa bàn quản lý 11 tỉnh, thành khu vực miền Nam của EVN SPC.
Bên cạnh đó, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện; đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng điện năng và an toàn lưới điện. Đồng thời nâng cao khả năng cung cấp điện liên tục, ổn định, giảm tình trạng quá tải trên lưới điện.
Hiện dự án đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán và dự kiến triển khai trong quý 2/2018 để hoàn thành vào năm 2019.
Mặt khác, trên địa bàn 10 tỉnh/thành phố khu vực miền Nam cũng sẽ được EVN SPC triển khai dự án Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW 3.2) với tổng mức đầu tư 1.345 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn phê duyệt lập thủ tục đầu tư để thực hiện trong kế hoạch năm 2019.
Với các dự án cấp điện lưới quốc gia cho các đảo tỉnh Kiên Giang, huy động từ nhiều nguồn vốn như vốn ngành điện, vay tín dụng hương mại trong nước, vốn của tỉnh ứng và khách hàng, thì dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn và Hòn Nghệ đã hoàn thành đóng điện cuối năm 2016.
Riêng dự án cấp điện cho xã đảo Hòn Thơm đang triển khai và dự án cấp điện cho xã đảo Tiên Hải đang chuẩn bị đấu thấu để triển khai thi công trong quý 2 này và hoàn thành đóng điện cuối năm nay.
Hiện EVN đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật-Dự toán và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc (Kiên Giang).
EVN SPC tăng cường đầu tư các dự án lưới điện trọng điểm. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Dự án có khối lượng xây dựng 73km đường dây trên không với tổng mức đầu tư 2.212 tỷ đồng bằng vốn vay tín dụng thương mại với các ngân hàng trong nước. EVN SPC dự kiến triển khai đấu thầu thi công trong quý 2 này và hoàn thành dự án trong năm 2019.
EVN SPC cũng đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án vay vốn Cơ quan Phát triển Pháp AFD với tổng giá trị cho vay là 80 triệu EUR, tương đương 2.085 tỷ đồng để triển khai trong giai đoạn từ nay đến 2020 ngay sau khi Hiệp định vay vốn được ký kết.
Danh mục đầu tư bao gồm 31 dự án 110kV với tổng khối lượng 534km đường dây 110kV, tổng dung lượng trạm 110kV là 852 MVA và 2 dự án cấp điện bằng nguồn điện mặt trời và Hệ thống tích hợp các nguồn điện không nối lưới tại huyện Côn Đảo.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2018-2019, Tổng công ty chủ yếu đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trên địa bàn huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện đảo Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận với tổng công suất đặt khoảng 6 MW. Với tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng, Tư vấn đang lập thủ tục đầu tư.
Riêng 2 công trình Hệ thống tích hợp nguồn điện cho hệ thống điện không nối lưới điện quốc gia tại huyện đảo Phú Qúy, Bình Thuận và huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng công suất pin nạp xả khoảng 5 MW đang trong giai đoạn phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến triển khai đưa vào vận hành cuối năm nay.
Trong đó, Dự án cấp điện bằng nguồn điện mặt trời và Hệ thống tích hợp nguồn điện cho hệ thống điện không nối lưới điện quốc gia tại huyện Côn Đảo đã đăng ký vốn vay AFD với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, EVN SPC cũng giao cho các Công ty Điện lực thực hiện các công trình năng lượng mặt trời áp mái tại đơn vị để chủ yếu cấp cho nguồn tự dùng với tổng công suất khoảng 3,2 MW, tổng giá trị khoảng 88 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, theo ông Nguyễn Phước Đức, rất cần sự phối hợp của nhiều ban ngành tại địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thi công công trình điện. Bởi trên thực tế thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng đã được lãnh đạo địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ, góp phần hoàn thành phần lớn các công trình lưới điện theo tiến độ kế hoạch.
Mặc dù vậy, tại một số công trình vẫn còn vài vị trí trở ngại việc bàn giao mặt bằng dẫn đến kéo dài tiến độ thi công và thời điểm hoàn thành đưa vào vận hành chậm hơn nhiều so với kế hoạch làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, gây thiệt hại cho chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng đa số là người dân cho rằng đơn giá bồi thường do địa phương phê duyệt chưa thỏa đáng, từ đó ngăn cản không giao mặt bằng để thực hiện công trình.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đường để vận chuyển vật tư thiết bị và máy móc thi công vào vị trí móng trụ cũng gặp khó khăn do các hộ dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ cho việc chiếm đất tạm thời quá cao. Trong khi đó, việc cưỡng chế, bảo vệ thi công cũng khó thực hiện được do phải rà soát nhiều thủ tục (Bnews)