TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-01-2016

    Tỉ phú George Soros: Thị trường toàn cầu đang bước vào khủng hoảng

    ti phu nguoi my george soros - anh: bloomberg

    Tỉ phú người Mỹ George Soros - Ảnh: Bloomberg


    Theo Bloomberg, tại một diễn đàn kinh tế tổ chức ở Sri Lanka hôm nay, tỉ phú người Mỹ George Soros cho hay Trung Quốc đang phải chật vật để tìm ra mô hình tăng trưởng và chuyện nội tệ nước này mất giá đang chuyển dịch nhiều vấn đề đến phần còn lại của thế giới. Quay ngược lại về mức lãi suất dương là một thách thức với các nước đang phát triển.
    Tỉ phú 85 tuổi cho biết môi trường hiện tại có nhiều nét tương đồng với năm 2008.
    Thị trường tiền tệ, chứng khoán và các loại hàng hóa toàn cầu đang nóng lên trong tuần đầu tiên của năm mới 2016. Nhân dân tệ chìm sâu giữa nhiều lo ngại về sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Gần 2.500 tỉ USD giá trị thị trường toàn cầu bị quét sạch trong tuần đầu tiên của năm mới, tính đến hôm 6.1. Mức lỗ gia tăng ở châu Á trong hôm nay khi cổ phiếu Trung Quốc lao dốc và thị trường nước này phải đóng cửa sớm.
    “Trung Quốc có một vấn đề điều chỉnh lớn. Tôi sẽ nói vấn đề đó có kích thước tương đương một cuộc khủng hoảng. Khi nhìn vào các thị trường tài chính, tôi thấy một thách thức rất lớn khiến tôi nhớ đến cuộc khủng hoảng chúng ta từng trải qua vào năm 2008”, tỉ phú Soros nói.
    Tỉ phú George Soros là người Mỹ gốc Do Thái Hungary, chủ nhân tập đoàn Soros Quantum Fund và được cho là “thiên tài bán khống”. Bán khống trong tài chính là một cách kiếm lời từ sự sụt giá mạnh của một loại tài sản tài chính.
    Ông Soros bắt đầu sự nghiệp ở thành phố New York vào thập niên 1950 và được biết đến sau khi thể hiện năng lực đầu tư, kiếm 1 tỉ USD vào năm 1992 với lời cược rằng nước Anh sẽ phải phá giá đồng bảng Anh.
    “Ngày thứ tư đen” xảy ra với bảng Anh năm 1992 là vụ bán khống đình đám nhất của ông. Hôm đó, nước Anh quyết định rút đồng bảng khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) do đồng tiền này mất giá quá mạnh và người khiến bảng Anh lao dốc là Geogre Soros bằng những đợt tấn công tiền tệ dồn dập.
    Quỹ đầu tư của tỉ phú 85 tuổi tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm từ năm 1969 đến năm 2011. Tỉ phú 85 tuổi hiện sở hữu 27,3 tỉ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires.

    Số căn hộ tiêu thụ tại Hà Nội tăng gần gấp đôi

    Có hơn 21.000 căn hộ được tiêu thụ trong năm 2015 tại thị trường Hà Nội, gần gấp đôi so với năm 2014. 

    Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, năm 2015, số căn hộ mở bán tại Hà Nội tăng 3,5 lần so với 2007, diện tích văn phòng tăng 3,7 lần và mặt bằng bán lẻ cũng tăng gấp 12,5 lần. 

    Riêng phân khúc nhà ở, theo thống kê của CBRE thị trường đón nhận hơn 28.000 căn được chào bán mới, tăng 70% so với 2014. Con số này cũng vượt xa so với 2011 - năm đỉnh điểm của thị trường với khoảng 24.000 căn hộ được mở bán. 

    Số liệu cũng cho thấy đã có hơn 21.000 căn hộ được tiêu thụ, gần gấp đôi 2014 và tăng 40% so với năm đỉnh điểm 2009 (khoảng 16.000 căn). 

    Tỷ lệ dự án cao cấp tăng lên theo năm. Vào năm 2012, phân khúc căn hộ cao cấp chỉ chiếm khoảng 5% số mở bán và đến 2015, con số này là 32%.

    "Mặc dù tỷ lệ giao dịch phân khúc bình dân và trung cấp có thấp hơn so với 2014, song các phân khúc này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng giao dịch cả năm, do có mức giá hợp lý và nhắm đến đa số người mua nhà có ngân sách vừa phải", CBRE nhận định. 

    Trước một số ý kiến lo ngại về việc có thể xuất hiện bong bóng bất động sản trong thời gian tới, bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc CBRE Việt Nam cho biết chưa có dấu hiệu cho thấy xu hướng đó. 

    "Muốn xem thị trường đã xuất hiện bong bóng hay chưa thì nên nhìn vào mức độ tăng giá của sản phẩm. Tuy nhiên, số liệu của CBRE cho thấy sự tăng giá vẫn ở mức độ an toàn, ổn định, không nóng sốt đột biến như giai đoạn 2008-2009", bà An cho hay.


    Sàn chứng khoán TP.HCM 'bốc hơi' hơn 180 tỉ đồng

    nha dau tu lo au khi thi truong chung khoan do san - d.duc minh

    Nhà đầu tư lo âu khi thị trường chứng khoán đỏ sàn - D.Đức Minh


    Đóng cửa phiên giao dịch hôm  7.1, chỉ số VN-Index giảm 9,21 điểm (tương ứng giảm 1,6%) và chỉ còn 565,36 điểm.
    Đây là mức giảm mạnh nhất trong năm 2016. Việc giảm giá của hàng loạt cổ phiếu khiến cho giá trị thị trường chứng khoán TP.HCM bị hụt hơn 180 tỉ đồng so với phiên trước đó. Tương tự chỉ số HNX-Index giảm đi 1,53 điểm (tương ứng giảm 1,95%) và còn 77,15 điểm.
    Trong khi cuối phiên sáng, cả hai chỉ số chứng khoán chỉ giảm nhẹ thì ngay khi mở cửa phiên chiều, chỉ số VN-Index đột nhiên lao dốc mạnh đến hơn 11 điểm. Hàng loạt cổ phiếu (CP) bị bán ra mạnh. 
    Tuy nhiên lực cầu bắt đáy cũng gia tăng nên việc bán tháo chỉ diễn ra rất ngắn và đến cuối phiên mức giảm thu hẹp bớt. Nhóm CP dầu khí hôm nay chịu tổn thất nặng nề nhất. Khép phiên giao dịch, PVD và PXS bị kéo xuống mức giá sàn. GAS, PVS, PVC… đều có mức giảm từ 5 - 9%. 
    Điểm gây bất ngờ lớn nhất trong phiên chiều là việc hai cổ phiếu VIC và MSN tăng giá khá mạnh nhưng vẫn không đủ sức làm trụ đỡ cho thị trường. 
    Tương tự nhóm CP vừa và nhỏ như FLC, KBC, ITA, NVT… cũng không nằm ngoài xu thế chung của thị trường và đều lao dốc mạnh. Giao dịch trên thị trường phiên hôm nay diễn ra sôi động hơn các phiên trước.
     Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt khoảng 2.800 tỉ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận vào khoảng 200 tỉ đồng.

    Tăng trưởng VN dự báo thấp hơn Myanmar, Lào, Campuchia

    Ngân hàng Thế giới sáng 7.1 công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2016, trong đó tăng trưởng của khu vực như Indonesia, Malaysia bị chậm lại nhưng VN sẽ tăng trưởng nhanh, Thái Lan khôi phục phần nào tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng của VN vẫn thấp hơn Myanmar, Lào, Campuchia.
    Cụ thể, tăng trưởng GDP của VN năm 2016 dự báo ở mức 6,6% và giảm xuống còn 6,3% năm 2017 và còn 6% vào 2018. Với mức tăng trưởng này, VN cao hơn Thái Lan (2%), Philippines (6,4%), Indonesia (5,3%)… nhưng thấp hơn Myanmar (7,8% năm 2016, 8,5% năm 2017 và 2018); Lào (tương ứng tăng 7%, 6,9%); Campuchia (6,9% và 6,8%).
    Báo cáo cũng dự báo luồng vốn đầu tư nước ngoài vào VN vẫn được duy trì ở mức cao, do nhà đầu tư chủ yếu nhắm vào nguồn lao động.
    Tăng trưởng trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,3% trong năm 2016 từ mức 6,4% trong năm 2015. Trung Quốc tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 6,7% trong năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Rủi ro trong khu vực bao gồm suy giảm mạnh hơn dự kiến tại Trung Quốc, khả năng biến động thị trường tài chính có thể quay trở lại, và điều kiện tài chính bất ngờ bị thắt chặt.
    Mức tăng trưởng chậm tại các thị trường mới nổi chính sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016, nhưng hoạt động kinh tế vẫn sẽ tăng nhẹ từ mức 2,4% năm 2015 lên 2,9% năm 2016 nhờ các nền kinh tế phát triển đã lấy lại đà tăng trưởng.
    Tăng trưởng kém diễn ra đồng thời tại nhiều nền kinh tế mới nổi đã gây quan ngại đối với khả năng hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và chia sẻ thành quả phát triển cho mọi đối tượng vì các nền kinh tế này từng là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ vừa qua. Báo cáo cũng cảnh báo rằng tác động lan tỏa từ các nền kinh tế mới nổi sẽ kéo theo hạn chế tăng trưởng tại các nước đang phát triển và đe dọa những thành quả giảm nghèo vốn rất khó khăn mới đạt được.
    Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015 không đạt mức mong muốn khi giá nguyên vật liệu giảm, dòng vốn và thương mại suy yếu và các đợt xáo động tài chính làm giảm nhịp độ tăng trưởng. Mức tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào đà tăng trưởng tại các nền kinh tế thu nhập cao, mức độ ổn định giá nguyên vật liệu và sự dịch chuyển dần của nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ và dịch vụ.
    Dự đoán các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% năm 2016, thấp hơn mức dự báo trước đây nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,3% giai đoạn sau khủng hoảng trong năm 2015. Trong năm 2016, tăng trưởng dự đoán sẽ tiếp tục giảm tại Trung Quốc, còn Nga và Brazil sẽ tiếp tục suy thoái. Ấn Độ sẽ dẫn đầu khu vực Nam Á, nơi sẽ là điểm sáng về tăng trưởng. Hiệp định TPP vừa mới hoàn tất dự kiến cũng sẽ góp phần làm bùng nổ thương mại.

    USD mạnh tác động đến kinh tế Nga như thế nào?

    usd manh tac dong den kinh te nga nhu the nao? - anh: bloomberg

    USD mạnh tác động đến kinh tế Nga như thế nào? - Ảnh: Bloomberg


    Đồng đô la Mỹ tăng giá kết hợp với giá dầu thô giảm sâu đặt ra một thách thức mới với nền kinh tế Nga trong năm 2016, báo Nga Russia Today viết.
    Quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên đồng bạc xanh mạnh. Song trong tất cả các nhà sản xuất dầu lớn, Nga có thể là nước đối phó được với USD lên cao và giá dầu rẻ. Các công ty dầu mỏ Nga thanh toán chi phí bằng đồng rúp Nga (RUB) yếu trong khi nhận lại USD cho sản phẩm của họ.
    Điện Kremlin đã chọn cách buộc các công ty dầu mỏ Nga bán thêm ngoại tệ và tăng thuế. Điều này sẽ giải quyết hai vấn đề: chuyển đổi từ USD sang RUB sẽ củng cố nội tệ và thuế thu thêm sẽ lấp đầy những lỗ hổng ngân sách.
    Trong khi đó, các nước sản xuất dầu khác có thể không may mắn như Nga. Ả Rập Xê Út từ chối cắt giảm sản lượng để bảo toàn thị phần, hy vọng thắng thế trước các đối thủ cạnh tranh, chủ yếu là Mỹ và Nga. Song đó là một cuộc chơi nguy hiểm. Ả Rập Xê Út có thể cạn kiệt tài sản tài chính trong vòng 5 năm.
    Hồi tháng 12.2015, Bộ Tài chính Nga công bố kế hoạch ngân sách dựa trên kịch bản giá dầu thấp 30 USD/thùng đến năm 2020. Theo Thứ trưởng Tài chính Nga Maxim Oreshkin, kịch bản trên sẽ để lại tác động rất lớn với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Các nền kinh tế ít có sức ảnh hưởng trong OPEC đang phải chật vật với giá dầu thấp. Angola, Nigeria và Venezuela đã và đang kêu gọi cắt giảm sản xuất để tăng giá.
    Bên kia Đại Tây Dương, việc Quốc hội Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại bốn thập niên qua cũng là yếu tố thay đổi cuộc chơi với Nga. Song các nhà sản xuất dầu thô Mỹ có thể không sẵn sàng xuất khẩu nếu giá cả vẫn thấp. Nếu chi phí sản xuất lớn hơn giá cả một thùng dầu mỏ, rất có thể các hãng năng lượng Mỹ sẽ sản xuất ít đi và ở lại thị trường nội địa.
    Điện Kremlin cũng đang đối mặt với cuộc chiến nội địa. Các hãng dầu mỏ chính ở Nga đang phản đối kế hoạch của Bộ Tài chính. Theo CEO Rosneft Igor Sechin, lấy thêm doanh thu từ các hãng dầu mỏ đồng nghĩa với việc để lĩnh vực kinh tế chính của Nga không đủ tiền để phát triển.
    Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov muốn các hãng năng lượng phải trả gấp ba lần khoản thuế mà họ đang nộp hiện tại, tức đóng 600 tỉ RUB thay vì chỉ 200 tỉ RUB. Theo ông Siluanov, nếu không làm như trên, thâm hụt ngân sách sẽ tăng khiến chính phủ phải vay, thu hồi các nguồn lực từ khu vực tư nhân và tăng lãi suất. Lĩnh vực năng lượng càng nhận được nhiều thì những khu vực còn lại càng nhận ít đi.
    Một phương án khác để Moscow giảm bớt thâm hụt ngân sách là phá giá nội tệ so với các đồng tiền phương Tây. Tuy nhiên, đây là cách trực tiếp dẫn đến lạm phát tăng vọt, giảm thu nhập trong nước và nhu cầu tiêu dùng - một trong những vấn đề lớn nhất của kinh tế Nga năm 2015. Mục tiêu của Điện Kremlin trong năm nay là cắt giảm lạm phát xuống 6,4% từ mức 12% trong năm qua.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn