TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-03-2016

    Dầu tăng 7,2% trong tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh

    Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 218,18 điểm, tương đương với 1,28%, ở mức 17.213,31 điểm. Như vậy, trong tuần này, chỉ số Dow Jones đã tăng 1,2%.

    Chỉ số S&P 500 tăng 32,62 điểm, tương đương với 1,64%, lên mức 2.022,19 điểm. Chỉ số đã tăng 1,1% trong tuần này.

    Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,31 điểm, tương đương với 1,85%, đóng cửa ở mức 4.748,47 điểm. Trong tuần này, chỉ số Nasdaq tăng 0,67%.

    Tại sàn chứng khoán New York, 5 cổ phiếu tăng thì mới có 1 cổ phiếu giảm. Số lượng giao dịch đạt gần 5 triệu cổ phiếu.

     Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong ngày 11/3

    Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong ngày 11/3

     

    Chứng khoán tăng điểm do giá dầu tăng và các nhà đầu tư lạc quan về thông tin liên quan đến gói kích thích kinh tế của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Giá dầu WTI giao tháng 4 tăng 1,74% lên mức 38,50 USD/thùng. Trong khi đó dầu thô biển Bắc giao tháng 5 tăng 7,2%, lên 40,39 USD/thùng. Tổng cộng giá dầu đã tăng 4,2% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

    Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá dầu đã thoát đáy. Còn theo ông Art Hogan, chiến lược gia của Wunderlich Securities cho hay, châu Âu sẽ tiếp tục sử dụng những chính sách đã mang lại hiệu quả và các chính sách mà nhà đầu tư nghĩ là chưa tốt không được sử dụng nhiều nữa.

    Giá nhập khẩu trung bình của Mỹ trong tháng 2 giảm 0,3% trong khi giá xuất khẩu giảm 0,4%.

    Ngày 11/3, chứng khoán châu Âu và châu Á đều có một ngày tăng điểm. Chỉ số German DAX tăng 3,51%. Sau khi đi xuống vào hôm thứ 5, chứng khoán châu Á tăng trở lại. Chỉ số Shanghai composite tăng khoảng 0,2% còn chỉ số Nikkei 225 tăng 0,5%.


    VW cắt giảm 3.000 việc làm để giảm bớt gánh nặng tài chính

    vw cat giam 3.000 viec lam de giam bot ganh nang tai chinh

    VW cắt giảm 3.000 việc làm để giảm bớt gánh nặng tài chính

    Volkswagen (VW) - hãng sản xuất ôtô hàng đầu của Đức - vừa cho hay VW đang có kế hoạch cắt giảm khoảng 3.000 việc làm văn phòng tại Đức tới cuối năm 2017.

    Động thái trên là một phần trong nỗ lực "đứng dậy" sau những phí tổn mà nhà chế tạo ôtô lớn nhất châu Âu phải gánh chịu liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải.

    VW cũng dự định cắt bớt 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) vốn đầu tư trong năm nay so với năm 2015, giảm hàng trăm việc làm tạm thời và ngừng sản xuất một số mẫu ôtô không tạo ra lợi nhuận nhằm giảm bớt "gánh nặng" chi phí sau khi vụ gian lận khí thải bị phanh phui hồi tháng Chín năm ngoái.

    Hiện VW đang có khoảng 120.000 nhân viên làm việc tại các nhà máy và chi nhánh dịch vụ tài chính ở Tây Đức, trong đó khoảng 1/3 là nhân viên văn phòng.

    Hơn 5 tháng sau khi vụ bê bối khí thải bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) phát hiện và phanh phui, ảnh hưởng tới hơn 11 triệu chiếc xe ôtô trên toàn thế giới, VW đang phải đối mặt với nguy cơ tiêu tốn tới hàng chục tỷ USD cho các khoản phạt và bồi thường.

    Riêng tại Mỹ, VW đang phải đối mặt với hàng loạt vụ điều tra của cơ quan chức năng Mỹ và khoảng 500 vụ kiện riêng rẽ với các khách hàng từng mua xe bị cài đặt thiết bị gian lận khí thải.

    Giám đốc điều hành của VW Matthias Mueller cho biết hãng đang phối hợp chặt chẽ với từng cơ quan chức năng của Mỹ để tìm ra giải pháp hợp lý nhất cho vụ việc này và các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

    Hãng chế tạo ôtô lớn nhất châu Âu hiện đang sử dụng 600.000 lao động tại khoảng 120 nhà máy trên toàn thế giới, trong đó 270.000 lao động ở Đức./.


    Hàng loạt doanh nghiệp Hà Nội lại bị bêu tên nợ thuế

    148 doanh nghiệp bị Cục thuế Hà Nội "bêu tên đòi nợ" đợt 3 năm 2016 nợ tổng cộng 333,4 tỷ đồng bao gồm cả tiền nợ thuế, phí và tiền thuê đất.

    Trong đó, có 9 đơn vị nợ tổng cộng 49,121 tỉ đồng tiền thuê đất và 139 đơn vị nợ 284,3 tỉ đồng tiền nợ thuế, phí.

    Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng-Công ty kỹ thuật Nền móng và Xây dựng 20 (Licogi 20) là doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn nhất lên tới 65,5 tỉ đồng.

    Doanh nghiệp có số tiền nợ cao thứ hai là Công ty liên doanh Xây dựng Hà Nội-Bắc Kinh với số tiền nợ thuế là 43,829 tỉ đồng.

    Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bình An là doanh nghiệp có số nợ thuế thấp nhất trong danh sách với số tiền còn nợ là 179 triệu đồng.

    Còn trong danh sách đơn vị nợ tiền thuê đất, cả 9 đơn vị nói trên đều có số nợ trên 3,5 tỉ đồng.

    Trong đó đơn vị có số nợ tiền thuê đất cao nhất là Công ty cổ phần tổng bách hóa (thuê đất tại Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì) với số tiền nợ là 8,724 tỉ đồng.

    Đơn vị có số tiền nợ thấp nhất trong danh sách này là Công ty TNHH Tre công nghiệp Tiến Phát (thuê đất Km 19 QL6 Biên Giang) với số tiền nợ là 3,587 tỉ đồng.

    Cục Thuế Hà Nội cho biết, năm 2015, đơn vị này thu nợ được 9.758 tỷ đồng, với 7 đợt công khai các doanh nghiệp nợ thuế. 311/627 đơn vị thu xếp nguồn tài chính và nộp nợ vào ngân sách nhà nước với số tiền gần 1.771 tỷ đồng, đã có 30 đơn vị nộp hết nợ. Riêng 2 tháng đầu năm 2016, sau 2 đợt công khai 257 đơn vị nợ thuế đã thu được 36,2 tỷ đồng.


    DN sản xuất phân bón lo lắng về Thông tư 41

    dn san xuat phan bon lo lang ve thong tu 41

    DN sản xuất phân bón lo lắng về Thông tư 41

    Tại hội thảo về cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức ở TPHCM, đại diện các DN tham dự đã bày tỏ lo lắng về những quy định tại các phụ lục hướng dẫn thực hiện Nghị định 202 trong Thông tư 41.

    Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón (có hiệu lực từ ngày 1/2/2016) và Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 202 có thể sẽ khiến nhiều DN sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác trong nước phải tạm dừng sản xuất hoặc đóng cửa vì không đáp ứng được các yêu cầu quy định tại các phụ lục hướng dẫn của Thông tư 41.

    Trước đây, hoạt động quản lý phân bón là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Kể từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, sản phẩm phân bón được chia ra làm 2 nhóm riêng biệt, theo đó phân hữu cơ vẫn thuộc Bộ NN&PTNT quản lý còn phân bón vô cơ được giao toàn bộ cho Bộ Công Thương quản lý.

    Đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, kể từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, việc quản lý phân bón vô cơ được giao toàn bộ cho Bộ Công Thương. Trong khi đó, ngành công thương hiện chưa có cán bộ chuyên trách về phân bón nên chỉ trông chờ vào lực lượng quản lý thị trường, mà đơn vị này chủ yếu đảm nhiệm việc thanh kiểm tra hàng hóa khi đang lưu thông. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan tới phân bón gặp rất nhiều khó khăn.

    Ngoài ra với khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón khác mà các DN gửi về Cục Trồng trọt, đến nay, mới chỉ có trên 240 sản phẩm phân bón hữu cơ và phân bón khác được cấp phép. Phần lớn hồ sơ gửi về Cục Trồng trọt chưa đáp ứng được các yêu cầu. Nguyên nhân khiến hồ sơ không đầy đủ là do có những DN đã tiến hành làm khảo nghiệm cho sản phẩm nhưng lại chưa lập Hội đồng để đánh giá, công nhận kết quả khảo nghiệm hay DN quên không đăng ký lại trong danh mục…

    Cục Trồng trọt cho biết đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã tiếp nhận 141 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ và chủng loại phân bón được cấp phép lại không nhiều (mới chỉ có 21 hồ sơ được cấp phép với 240 loại phân bón hữu cơ và phân bón khác). Sở dĩ như vậy là do qua thẩm định, hầu hết các hồ sơ đề nghị cấp phép đều chưa hợp lệ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 202 và Điều 5 Thông tư 41.

    Theo Cục Trồng trọt, kể từ khi quy định mới về quản lý phân bón có hiệu lực, đơn vị đã tiếp nhận 141 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, qua thẩm định, hầu hết các hồ sơ đề nghị cấp phép đều chưa hợp lệ. Đa số DN không đáp ứng được yêu cầu quy định về nhân lực.

    Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón hóa chất Cần Thơ cho biết, DN của ông đã nộp hồ sơ 7 tháng nay, nhưng đang vướng ở quy định về nhân lực. Ông Hào cho hay nếu tuân thủ quy định tại Điều 8, Mục 3, Khoản a Nghị định 202 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 41 thì công ty phải mất 4-5 năm nữa mới đáp ứng được yêu cầu về nhân lực.

    Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng và ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt thì cho rằng trong Ban giám đốc chỉ cần một người có bằng cấp chuyên môn theo quy định là được.

    Về điều kiện sản xuất phân bón, đại diện một DN cho rằng các quy định trong Nghị định và Thông tư chỉ phù hợp với DN đã có cơ sở vật chất sẵn, còn đối với các DN đầu tư mới vào lĩnh vực này thì dường như chưa được quan tâm. Để được sản xuất phân bón, DN phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật là điều hiển nhiên nhưng khi một DN mới muốn đầu tư vào lĩnh vực này, họ chưa biết có được chấp nhận hay không thì việc mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng, phòng thí nghiệm cũng khó có thể quyết định được.

    Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty TNHH phân bón Hiếu Giang cho biết DN muốn xin giấy phép hoạt động thì phải công bố hợp chuẩn, hợp quy về phân bón. Tuy nhiên, nếu chờ được hợp quy thì công ty phải khảo nghiệm lại sản phẩm và phải chờ kết quả trong 1 năm. Vì vậy, nếu các cơ quan quản lý không gỡ vướng những vấn đề này thì DN trong nước khó có điều kiện phát triển, chiếm được thị phần trong hội nhập.

    Về những vướng mắc mà DN đang rất cần câu trả lời, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục ghi nhận các ý kiến để trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định.


    Bộ NN&PTNT chưa cho phép nhập khẩu đất về Việt Nam

    "Bộ NN&PTNT chưa từng xử lý trường hợp nhập khẩu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hay sản xuất phân bón hữu cơ" - ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt

    Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc hướng dẫn nhập khẩu đất vào Việt Nam.

    Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan này đã nhận được báo cáo của cục Hải quan thành phố Hải Phòng, cho biết vướng mắc về thủ tục nhập khẩu và kiểm dịch đối với các loại đất nhập khẩu: đất sét, đất sét cao lanh, đất chịu lửa, đất sét bentonite… Đây là các loại đất đã nung, xử lý nhiệt thuộc nhóm 25.07 và 25.08.

    Theo Tổng cục Hải quan, Luật Thương mại, Nghị định 187 (năm 2013) và Thông tư số 4 của Bộ Nông nghiệp không đề cập đến chính sách quản lý, cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện với đất. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 lại có quy định hành vi bị cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Bộ Nông nghiệp đồng ý bằng văn bản.

    Trên cơ sở này, Tổng cục Hải quan đề nghị phía Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể chi tiết về kiểm dịch đối với các loại đất, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp nhập khẩu.

    Trao đổi với PV, ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khá bất ngờ với thông tin trên bởi cho đến thời điểm này ông cũng chưa nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan.

    Ông Trung cho biết, Bộ NN&PTNT chưa từng xử lý trường hợp nhập khẩu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hay sản xuất phân bón hữu cơ.

    Do đó, theo ông Trung, cần phải xem mục đích của việc nhập khẩu đất đấy để làm gì, nếu doanh nghiệp đó nhập khẩu đất để làm nguyên liệu phân bón, thì thuộc phạm vi Bộ NN&PTNT quản lý, Bộ sẽ xem xét các quy định. Còn nếu việc nhập khẩu đất đó để làm nguyên liệu phi nông nghiệp, nhập về để làm nguyên liệu công nghiệp thì do Bộ Công thương quản lý.

    Còn bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) khẳng định, theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (2013) đã quy định rõ việc đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam là hành vi bị cấm, trừ trường hợp được đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

    Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế những trường hợp đặc biệt có thể được nhập về đó là đất hiến tặng nhưng được kiểm soát chặt chẽ và được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bằng văn bản. Những trường hợp khác nhập về mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng lànhập khẩu trái phép.

    Theo bà Kim Anh, việc siết chặt nhập khẩu đất theo quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cũng nhằm mục đích bảo vệ đa dạng sinh học trong nước. Bởi khi đưa đất từ nước khác vào Việt Nam có thể mang theo các sinh vật gây hại lạ vào mà chúng ta không kiểm soát hết được, gây ra dịch bệnh, dịch hại cho cây trồng.


    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn