TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-01-2016

    Ngân hàng TW châu Âu sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ?

    ngan hang tw chau au se tiep tuc noi long chinh sach tien te?

    Ngân hàng TW châu Âu sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ?


    Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 21/1 tới tại Frankfurt, Đức.

    Trước đó, các quyết sách của ECB nhằm thúc đẩy lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) trong cuộc họp ngày 3/12/2015 đã khiến các thị trường tài chính thất vọng.

    Lạm phát của Eurozone trong tháng 12/2015 chỉ ở mức 0,2%, còn cách xa mục tiêu ngân hàng này đặt ra trước đó là dưới 2%. Với thành quả không mấy “ngọt ngào” này, người đứng đầu ECB Mario Draghi bị giới quan sát “kết tội” rằng đã làm giảm độ tin cậy của ECB, thậm chí còn gây cản trở cho việc kinh tế Eurozone hồi phục.

    Thành viên Ban giám đốc ECB Yves Mersch đã từng tuyên bố các thị trường tài chính có thể thất vọng về quyết sách mới nhất của ECB trong cuộc họp hôm 3/12/2015 song cơ quan này vẫn còn có các biện pháp khác dự phòng để thúc đẩy đà hồi phục kinh tế của Eurozone.

    Ông Mersch không đưa ra phác thảo những giải pháp mà ECB vẫn còn trong tay để tránh làm dấy lên những dự đoán không xác thực.

    Tuy vậy, ông Mersch khẳng định rằng bất kỳ biện pháp nào mà ECB thực hiện trong tương lai sẽ phải thích hợp./


    Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm qua

    cong nhan lam viec tai mot day chuyen san xuat o chiet giang, trung quoc. (nguon: reuters)

    Công nhân làm việc tại một dây chuyền sản xuất ở Chiết Giang, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)


    Theo kết quả khảo sát của hãng tin AFP, kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 7%, mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng 1/4 thế kỷ qua, đồng thời dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2016.

    Dự kiến đầu tuần tới, Trung Quốc sẽ công bố số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2015, nhưng theo thăm dò mới đây của hãng AFP đối với 18 nhà kinh tế, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2015 đạt 6,9%, gần bằng mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra (7%), và thấp hơn so với mức tăng trưởng 7,3% của năm trước đó.

    Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc và đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh thời gian qua khiến các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất châu Á và thứ hai thế giới này.

    Kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, thị trường lao động toàn cầu./.


    Xếp loại doanh nghiệp nhà nước theo 5 tiêu chí

    Theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 200/2015/TT-BTC, việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào 5 tiêu chí.

    Cụ thể việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp căn cứ vào 5 tiêu chí sau:

    Tiêu chí 1: Tổng doanh thu. Doanh nghiệp xếp loại A khi tổng doanh thu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao. Doanh nghiệp xếp loại B khi tổng doanh thu thực hiện thấp hơn nhưng tối thiểu bằng 90% so với kế hoạch được giao. Doanh nghiệp xếp loại C khi tổng doanh thu thực hiện đạt dưới 90% kế hoạch được giao.

    Tiêu chí 2: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp xếp loại A khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao. Doanh nghiệp xếp loại B khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu thực hiện thấp hơn nhưng tối thiểu bằng 90% so với kế hoạch được giao. Doanh nghiệp xếp loại C khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt dưới 90% so với kế hoạch được giao.

    Đối với những doanh nghiệp có lỗ kế hoạch: Nếu lỗ thực hiện thấp hơn lỗ kế hoạch: Xếp loại A; Nếu lỗ thực hiện bằng lỗ kế hoạch: Xếp loại B; Nếu lỗ thực hiện cao hơn lỗ kế hoạch: Xếp loại C. Trường hợp do thực hiện tăng thêm nhiệm vụ được loại trừ khi xác định chỉ tiêu lỗ thực hiện so với lỗ kế hoạch được giao.

    Tiêu chí 3: Nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn. Doanh nghiệp không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1: Xếp loại A; Doanh nghiệp không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn từ 0,5 đến 1: Xếp loại B; Doanh nghiệp có nợ phải trả quá hạn hoặc hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5: Xếp loại C.

    Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp để làm căn cứ xếp loại chỉ tiêu này.

    Tiêu chí 4: Tình hình chấp hành các quy định pháp luật hiện hành. Doanh nghiệp không có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm cơ chế, chính sách một trong những lĩnh vực quy định hoặc bị cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở về việc thực hiện cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức bị xử phạt hành chính: xếp loại A.

    Doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì xếp loại B: Bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở 01 lần bằng văn bản về việc nộp báo cáo giám sát, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính và các báo cáo khác không đúng quy định, không đúng hạn; Bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền (số tiền từng lần bị xử phạt dưới 10.000.000 đồng) phát sinh trong năm tài chính thực hiện việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp.

    Doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì xếp loại C: Không nộp báo cáo giám sát, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính và các báo cáo khác theo quy định hoặc nộp báo cáo không đúng quy định, đúng thời hạn bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản từ 02 lần trở lên; Bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng các hình thức khác (ngoài hình thức cảnh cáo) hoặc bị phạt tiền (số tiền bị xử phạt một lần từ 10.000.000 đồng trở lên) trong năm tài chính thực hiện việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp.

    Tiêu chí 5: Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích. Hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch về sản lượng với chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn quy định: Xếp loại A; Hoàn thành tối thiểu 90% kế hoạch về sản lượng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn quy định: Xếp loại B; Hoàn thành dưới 90% kế hoạch về sản lượng hoặc chất lượng sản phẩm, dịch vụ không bảo đảm tiêu chuẩn quy định: Xếp loại C.

    Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2016 và áp dụng cho năm tài chính 2016 trở đi.


    Đón đầu TPP, nhà sản xuất nhãn mác lớn nhất thế giới vừa rót 30 triệu USD xây nhà máy tại Việt Nam

    nha san xuat nhan mac lon nhat the gioi

    nhà sản xuất nhãn mác lớn nhất thế giới


    Ngày 18/1, Avery Dennison RBIS, Tập đoàn hàng đầu thế giới về giải pháp tem nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí và nhãn RFID chính thức khánh thành nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An.

    Nhà máy này sẽ cung cấp các giải pháp đột phá về nhãn mác, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thương hiệu nổi tiếng đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như: Adidas, Nike, Puma ... Cùng với đó, nhà máy này cũng cung cấp nhãn mác cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa nhằm giảm tỉ lệ nhập khẩu.

    Nhà máy mới áp dụng các kỹ thuật sản xuất bao bì, nhãn hiệu, phụ liệu trang trí trên mọi chất liệu mang tiêu chuẩn thế giới của tập đoàn Avery Dennison, từ đó hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Được biết, Avery Dennison là tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các giải pháp nhãn mác và bao bì, có trụ sở chính tại Glendale, California (Mỹ) và đạt doanh thu 6,3 tỷ USD năm 2014.

    Avery Dennison RBIS, mảng kinh doanh có vốn đầu tư 1,6 tỷ USD của tập đoàn Avery Dennsion, chuyên về các giải pháp cho các thương hiệu dệt may và da giày. Đặt trụ sở chính tại Westborough, Massachusetts (Mỹ), Avery Dennison RBIS phục vụ khách hàng trên thị trường toàn cầu với phạm vi hoạt động tại 115 địa điểm trên 50 quốc gia khắp 6 châu lục.

    "Chúng tôi rất phấn khởi trước các cơ hội bền vững cho ngành dệt may và da giày Việt Nam - ngành được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực khi Hiệp ước đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vào tháng 2/2016 này. Khoản đầu tư này là minh chứng cho niềm tin và cam kết phát triển của Avery Dennison với ngành dệt may Việt Nam cũng như khách hàng tại đây.

    Cơ sở sản xuất tại Long An sẽ giúp chúng tôi nâng cao năng lực sản xuất nhãn ép nhiệt và phục vụ khách hàng nhanh chóng hơn, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của các thương hiệu và tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới", ông Deon Stander, Phó Chủ tịch và Tổng Giám đốc Avery Dennison RBIS cho biết.

    Trước đó, Avery Dennison RBIS đã đầu tư nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ở tỉnh Bình Dương vào năm 2003 và mở trung tâm phân phối tại quận Bình Tân TPHCM vào tháng 7/2015.

    Nhà máy tại Long An là bước tiến quan trọng trong hành trình của Avery Dennison RBIS tại thị trường Việt Nam với diện tích 2,8ha vốn đầu tư 30 triệu USD, sẽ thu hút 1.200 nhân viên gia nhập đội ngũ 25.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu.


    Hiệp định ATIGA: Năm 2018 xóa bỏ hàng rào thuế quan trong ASEAN

    san xuat linh kien xe may tai khu cong nghiep song cong, thai nguyen. (nguon: ttxvn)

    Sản xuất linh kiện xe máy tại Khu công nghiệp Sông Công, Thái Nguyên. (Nguồn: TTXVN)


    Việt Nam đã ký kết gần 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ở nhiều mức độ khác nhau; trong đó nổi bật nhất là chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sau ngày 31/12/2015.

    Trong tiến trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chủ động triển khai và ban hành nhiều chính sách thuế để phù hợp với yêu cầu của cộng đồng quốc tế, như Hiệp định ATIGA - hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ hoạt động thương mại hàng hóa trong nội khối, được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã thống nhất trong CEPT/AFTA, cũng như các hiệp định, nghị định thư có liên quan.

    Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một bên của thỏa thuận. Trong khuôn khổ này, đến năm 2015, cơ bản các mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018.

    Ngoài ra, một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam như mía đường… được phép duy trì mức thuế suất 5% sau giai đoạn 2018.

    Thực hiện cam kết ATIGA, hết năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%. Đến năm 2015, đã có thêm 1.720 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%.

    Đến năm 2018, với 687 dòng thuế còn lại (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ được xóa bỏ, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa…

    Trong năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN các nhóm hàng chủ lực như gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện…

    Hàng hóa mà các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu từ khu vực này chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như xăng dầu; nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử-linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ-phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu;… Trị giá của 4 nhóm hàng này chiếm hơn 46% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN./.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn