TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-05-2016

    Cơn khát bất động sản Mỹ của người Trung Quốc

    Kinh tế Trung Quốc có thể đang chậm lại, nhưng nhà đầu tư nước này vẫn tìm cách bơm hàng chục tỷ USD sang Mỹ.

    Trên thực tế, chính việc kinh tế Trung Quốc đi xuống là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư vào các nước khác tăng, theo nghiên cứu mới nhất của Asia Society and Rosen Consulting Group. Báo cáo này cho rằng đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào "bất động sản Mỹ" có thể đạt ít nhất 218 tỷ USD giai đoạn 2016-2020. Đó là còn chưa kể các dự án mới.Người Trung Quốc mua ít nhất 8,5 tỷ USD bất động sản thương mại và 28,6 tỷ USD nhà ở năm 2015. Đến năm 2025, báo cáo cho rằng các con số này có thể chạm 20 tỷ USD và 50 tỷ USD.

    gioi nha giau trung quoc rat thich mua nha my. anh: forbes

    Giới nhà giàu Trung Quốc rất thích mua nhà Mỹ. Ảnh: Forbes

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến họ dự báo con số khổng lồ như trên. Trong đó có việc ngày càng nhiều công ty Trung Quốc muốn đầu tư vào bất động sản Mỹ, như các hãng bảo hiểm, xây dựng; hay quan hệ giữa hai nước ngày càng được cải thiện và các công ty muốn tận dụng cơ hội để ký nhiều hợp đồng hơn nữa.

    Việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát vốn có thể hạn chế dòng tiền đầu tư ra nước ngoài trong 6-24 tháng tới. Tuy nhiên, việc này không thể kìm hãm xu hướng dài hạn là đầu tư sang các lĩnh vực như bất động sản Mỹ.

    Một trong những ví dụ gần đây nhất là hãng bảo hiểm Anbang Insurance ra giá 14 tỷ USD chào mua Starwood Hotels. Dù vậy, hãng sau đó đã rút khỏi thương vụ này do "cân nhắc điều kiện thị trường". Anbang trước đó đã nổi tiếng khi mua Strategic Hotels & Resorts từ Blackstone với giá 6,5 tỷ USD đầu năm nay và năm ngoái còn mua Waldorf-Astoria với 1,95 tỷ USD.


    Nhật Bản thoát suy thoái

    Số liệu sơ bộ cho thấy GDP quý I của nước này tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã tăng trưởng âm quý IV/2015.

    Đây là tốc độ tăng trưởng quý mạnh nhất của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong một năm qua. Eisuke Sakakibara - cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản nhận xét các số liệu này đã củng cố quan điểm lạc quan của ông: "Tôi đã kỳ vọng số liệu mạnh, do nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Năm nay, GDP có khả năng tăng trưởng quanh 1%. Tức là quá trình hồi phục vẫn đang khá suôn sẻ", ông nói.

    Quý cuối năm ngoái, Nhật Bản đã tăng trưởng âm. Vì vậy, nếu GDP quý I tiếp tục đi xuống, họ sẽ có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp và rơi vào tình trạng suy thoái theo lý thuyết.

    Dù vậy, Kohei Iwara - nhà kinh tế tại Natixis Japan Securities cho rằng hiệu ứng năm nhuận đã tạo ra tốc độ tăng trưởng này. "Khi có thêm một ngày trong tháng 2, tức là người ta đã chi tiêu và ăn uống thêm 1,1% trong quý rồi", ông nói.

    Nhu cầu trong nước tăng nhẹ nhờ chi cho TV và hoạt động giải trí, cũng như thực phẩm và đồ uống. Dù vậy, niềm tin tiêu dùng vẫn còn yếu và tốc độ tăng lương vẫn gây thất vọng, Iwara cho biết. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại đây đã giảm 0,9% trong tháng 4.

    Tiêu dùng chiếm tới 60% kinh tế Nhật Bản và là yếu tố quan trọng trong kế hoạch chấm dứt 20 năm giảm phát của Thủ tướng Shinzo Abe. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hồi tháng 1 đã quyết định đưa lãi suất về âm để thúc đẩy cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp. Họ kỳ vọng việc này sẽ làm tăng tiêu dùng.


    Jollibee mở thêm 20 cửa hàng trong một năm

    Thương hiệu thức ăn nhanh đến từ Philippines tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam, khi vừa khai trương cửa hàng thứ 80 tại Hà Nội.

    Cửa hàng mới tại Hàng Điếu - khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội, đây cũng là địa điểm thứ 4 của Jollibee tại Thủ đô. Jollibee Hàng Điếu được đầu tư với diện tích lớn và nhiều tiện ích hơn các cửa hàng trước đó, hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho những buổi họp mặt gia đình cùng với những món ăn ngon và các hoạt động thú vị.

    jollibee hang dieu la cua hang thu 4 tai ha noi va thu 80 tren toan quoc.

    Jollibee Hàng Điếu là cửa hàng thứ 4 tại Hà Nội và thứ 80 trên toàn quốc.

    Bà Trần Thị Lan Anh - Phó chủ tịch Tập đoàn Jollibee Foods kiêm Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam cho biết, 2016 sẽ là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của đơn vị này tại Việt Nam khi tiếp tục mở thêm các cửa hàng trên toàn quốc.

    “Theo kế hoạch, mỗi năm Jollibee mở thêm khoảng 20 cửa hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến thị trường ngách của ngành hàng. Jollibee tự hào khi là thương hiệu thức ăn nhanh đầu tiên mở cửa hàng tại Thái Bình, Bắc Ninh, Tuy Hòa, Gia Lai, Đồng Tháp, Bến Tre…", bà Lan Anh cho hay.Bên cạnh đó, định hướng của tập đoàn là xây dựng mỗi cửa hàng Jollibee trở thành nơi mang đến niềm vui và gắn kết tình yêu thương gia đình đã tạo nên sự khác biệt của Jollibee tại Việt Nam trong lúc thị trường thức ăn nhanh đang phát triển sôi động.

    jollibee ky vong se tro thanh noi mang den niem vui va gan ket tinh yeu thuong gia dinh viet. website:http://jollibee.com.vn

    Jollibee kỳ vọng sẽ trở thành nơi mang đến niềm vui và gắn kết tình yêu thương gia đình Việt. Website:http://jollibee.com.vn

    Với hình ảnh đại diện là chú ong Jollibee, đến với cửa hàng, thực khách luôn nhớ đến sự gần gũi và vui vẻ của nhân vật ngộ nghĩnh này cùng giây phút cả gia đình thưởng thức nhiều món ăn đậm hương vị Việt.

    Theo lãnh đạo Jollibee Việt Nam, với việc công bố chính sách nhượng quyền thương hiệu vừa qua, tập đoàn mong muốn cùng các nhà đầu tư Việt Nam phát triển thương hiệu, mở rộng hệ thống cửa hàng lớn mạnh để cùng lan tỏa thông điệp yêu thương và gắn kết gia đình Việt qua mỗi bữa ăn ngon tại Jollibee.

    Cuối 2015, hệ thống Jollibee chỉ có 73 cửa hàng nhưng đến nay đã là 80 cửa hàng trên toàn quốc. Cửa hàng thứ 4 Jollibee Hàng Điếu cũng là cửa hàng trọng điểm đầu tiên tại Thủ đô.


    Ngỡ ngàng doanh nghiệp phải nộp tới 39,4% lợi nhuận

     Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói chỉ số nộp thuế trên lợi nhuận 39,4%, để giảm ngay cho các doanh nghiệp không đơn giản.

    ong do hoang anh tuan tra loi bao chi nhung van de thue phi ben le hoi nghi trien khai nghi quyet 19/2016 - anh: nguyen khanh

    Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời báo chí những vấn đề thuế phí bên lề hội nghị triển khai nghị quyết 19/2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh

    Ngày 18-5, tại hội nghị của Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2016-2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhắc đến chỉ số nộp thuế trên lợi nhuận 39,4% và phân tích cho thấy để giảm ngay không đơn giản.

    Bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng ban năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng doanh nghiệp VN phải nộp tới gần 39,4% lợi nhuận cho Nhà nước (theo cách tính của WB gồm cả thuế và bảo hiểm xã hội…).

    Như vậy có nghĩa doanh nghiệp lãi 10 đồng, họ chỉ được giữ hơn một nửa. Đó mới là dựa trên thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác…

    Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong con số phải nộp 39,4%, các loại thuế chỉ chiếm khoảng 15%. Trong khi đó, ông Tuấn nêu theo thông lệ quốc tế, giảm xuống là khó.

    Thuế thông thường ở các nước G20 (20 nền kinh tế lớn) cũng lên tới 30-32% với doanh nghiệp lớn. Đông Nam Á cạnh tranh nhất là Singapore chỉ 7% với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp bình thường khoảng 15-17%.

    Ông Tuấn cho biết VN đang áp thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp thông thường là 20%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ phải chịu mức 17%.

    “Với các nước Đông Nam Á, tỉ lệ phải nộp thuế chính thức của VN chỉ sau Singapore”, ông Tuấn nói.

    Trong tổng thể 39,4% lợi nhuận doanh nghiệp phải nộp, ngoài 15% thuế, theo ông Tuấn, còn 24,4% là nằm trong các khoản phải nộp khác (như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…) đã được quy định trong luật. Trong khi đó, các khoản này lại có xu hướng tăng lên từ nay đến năm 2018.

    Ông Tuấn đề nghị Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nghiên cứu và đánh giá rõ phần 24,4% lợi nhuận mà doanh nghiệp phải nộp này.

    “Cá nhân tôi cho rằng cần xem lại, nhất là câu chuyện xu hướng đến năm 2018 để có kiến nghị cho phù hợp” - ông Tuấn nói.


    Lỗ 2.000 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình phải dừng hoạt động

    Được đầu tư trên 12.000 tỷ đồng và mới chỉ vận hành 4 năm nhưng Nhà máy Đạm Ninh Bình đã báo lỗ trên 2.000 tỷ đồng và đã tạm ngừng sản xuất.

    Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm. Khởi công năm 2008 tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình) với tổng số vốn 667 triệu USD, nhà máy hoàn thiện đi vào sản xuất năm 2012.

    nha may dam ninh binh da ngung san xuat do lam an thua lo. anh: phuong vy.

    Nhà máy đạm Ninh Bình đã ngừng sản xuất do làm ăn thua lỗ. Ảnh: Phương Vy.

    Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy liên tục làm ăn thua lỗ: năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ, năm 2014 và 2015 lần lượt là 500 tỷ và 370 tỷ. Tổng lỗ lũy kế của nhà máy hiện khoảng 2.000 tỷ đồng.

    Ông Nguyễn Gia Thế - Phó tổng giám đốc (phụ trách sản xuất) Đạm Ninh Bình xác nhận thông tin trên và  cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ là do chi phí sản xuất cao, giá sản phẩm bán ra thấp và dây chuyền sản xuất thường xuyên hư hỏng phải đầu tư kinh phí lớn để tu sửa. Hiện mỗi năm, Đạm Ninh Bình đang phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ.

    “Chúng tôi khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và phân bón của công ty khác trong nước có giá thành rẻ hơn. Hàng tồn kho của nhà máy hiện còn hơn 50.000 tấn”, ông Thế nói.

    Trước thực trạng làm ăn thua lỗ, hàng hóa không bán được, một tháng qua, nhà máy đã phải tạm ngừng sản xuất. Khoảng 400 trong tổng số 1.000 công nhân cũng tạm thời bị nghỉ việc và chỉ được nhận mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng mỗi tháng.“Nhà máy đã cắt giảm 400 công nhân, còn việc bao giờ đi làm trở lại phải phụ thuộc vào kế hoạch tiêu thụ sản phẩm”, ông Thế nói. Vị này tính toán nếu tiêu thụ được khoảng 25.000 tấn đạm tồn kho trong tháng 5, nhà máy có thể sản xuất trở lại, song cũng nhận định đây là điều khó khả thi.

    day chuyen san xuat nha may dam ninh binh thuong xuyen hu hong. anh:phuong vy.

    Dây chuyền sản xuất Nhà máy đạm Ninh Bình thường xuyên hư hỏng. Ảnh:Phương Vy.

    Trước việc 400 công nhân của nhà máy Đạm Ninh Bình phải nghỉ việc, ông Lê Đình Việt - Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho biết đã nắm được vụ việc và đang phối hợp tìm cách khắc phục.

    “Thời điểm này, nhà máy đang gặp khó khăn nên các công nhân đồng ý chia sẻ và nghỉ việc luân phiên theo kế hoạch”, ông Việt nói. Đại diện này cũng cho biết theo báo cáo mới nhất thì hiện Đạm Ninh Bình đang tồn kho lượng hàng tương đương hàng chục nghìn tỷ đồng. Đơn vị này cũng đã báo cáo tình hình với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để tìm phương án giải quyết. Mới đây, Vinachem đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương kiến nghị một số giải pháp điều hành theo hướng tháo gỡ khó khăn.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn