TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-01-2016

    Hàn Quốc dẫn đầu top những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới

    mot duong pho o thu do seoul cua han quoc.

    Một đường phố ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc.


    Có tên trong danh sách 50 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với bất kỳ một nền kinh tế nào...

    Trong thế giới của các ý tưởng, Hàn Quốc đang là nước đi đầu - Bloomberg cho biết.

    Theo xếp hạng Chỉ số sáng tạo Bloomberg (Bloomberg Innovation Index) 2016 mà hãng tin này vừa công bố, Hàn Quốc là quốc gia đứng ở vị trí số 1 thế giới về sáng tạo. Những nước còn lại trong top 5 bao gồm Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, và Thụy Sỹ.

    Để thực hiện xếp hạng này, Bloomberg đã tính điểm đối với 50 quốc gia dựa trên các yếu tố như đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hay mức độ tập trung của các công ty nhà nước trong lĩnh vực công nghệ cao.

    Đứng ở vị trí này, Hàn Quốc giành mức điểm cao nhất thế giới ở các tiêu chí sản xuất giá trị gia tăng, giáo dục bậc cao và mức độ tập trung của những người có bằng về khoa học-kỹ thuật.

    Hàn Quốc chỉ xếp thứ 39 về năng suất, nhưng xếp thứ nhì về R&D, mật độ công nghệ cao và hoạt động về bằng sáng chế, đồng thời xếp thứ 6 về mật độ các nhà nghiên cứu.

    Đạt 91,31/100 tổng điểm, Hàn Quốc có điểm số cao hơn khoảng 6 điểm so với quốc gia đứng ở vị trí thứ nhì là Đức. Các nước còn lại trong top 5 có điểm số khá đồng đều ở mức khoảng 85 điểm.

    Theo ông Marcus Noland, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington, Hàn Quốc “kẹt” giữa một bên là Trung Quốc với nguồn nhân công giá rẻ và một bên là Nhật Bản với trình độ công nghệ cao hơn, nên các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng ở Hàn Quốc đều có cảm giác lo ngại về việc phải làm thế nào để duy trì được vị trí mà họ đang có về sáng tạo.

    Gần đây, biến động ở thị trường Trung Quốc đã có tác động không nhỏ tới Hàn Quốc. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương nước này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 xuống còn 3%, từ mức 3,2% đưa ra hồi tháng 10. Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng khoảng 2,6% trong năm 2015.

    Việc có tên trong danh sách 50 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với bất kỳ một nền kinh tế nào, bởi điều này có thể đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng sáng hơn trong dài hạn.

    Việt Nam không góp mặt trong danh sách này. Ba quốc gia Đông Nam Á có tên trong danh sách là Singapore (vị trí 6), Malaysia (25), và Thái Lan (47).

    Trung Quốc đứng ở vị trí 21, và Nga vị trí 12. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm vị trí số 8 của xếp hạng.

    Trong top 10, có 6 nước châu Âu, gồm Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phần Lan, Đan Mạch, và Pháp; và 3 nước châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, và Singapore.

    Châu Phi có hai đại diện trong xếp hạng, gồm Tunisia (46) và Morocco (48).


    Chuyện lạ ở Thụy Sĩ: Nộp thuế càng muộn càng tốt

    chuyen la o thuy si: nop thue cang muon cang tot

    Chuyện lạ ở Thụy Sĩ: Nộp thuế càng muộn càng tốt


    Quan chức bang Zug cho biết, xét theo mức lãi suất âm tại Thụy sĩ, chính quyền bang không có động lực nào để khuyến khích người dân nộp thuế sớm.

    Một số vùng ở Thụy Sĩ vừa nhận được yêu cầu hết sức kỳ quặc từ những vị lãnh đạo chính sách tài khóa. Cụ thể: giới chức khuyến khích người dân nộp thuế muộn nhất có thể.

    Quan chức bang Zug – một bang giàu có của Thụy Sĩ vừa qua tuyên bố sẽ không chiết khấu thuế cho những ai nộp thuế sớm. Tại sao? Đây chính là một tác dụng phụ của chính sách lãi suất âm được các ngân hàng Thụy Sĩ áp dụng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Vì lãi suất âm, thời hạn nắm giữ tiền mặt càng lâu thì chi phí nắm giữ càng lớn. Do đó, theo tính toán của chính quyền bang, động thái này giúp đã tiết kiệm tới 2,5 triệu Franc (2,5 triệu USD) mỗi năm.

    Năm ngoái, Ngân hàng Thụy Sĩ (SNB) từ bỏ nỗ lực neo giá đồng Francvới đồng USD trong bối cảnh ECB đẩy mạnh động thái làm suy yếu của đồng tiền chung. Nhằm hạn chế sức hấp dẫn của tài sản tại Thụy Sĩ, SNB kéo lãi suất xuống mức lãi suất âm, tức người gửi tiền phải trả phí cho ngân hàng dù đó là khi họ đi gửi tiết kiệm.

    Quan chức bang Zug cho biết, xét theo mức lãi suất thấp kéo dài và lãi suất âm tại Thụy sĩ, chính quyền bang không có động lực nào để khuyến khích người dân nộp thuế sớm. Ngược lại bang nhìn thấy lợi ích trong việc thu tiền thuế càng muộn càng tốt, như vậy sẽ hạn chế khoản chi phí trả lãi suất âm.

    Hoàn toàn ngược lại với các cơ quan thuế khác trên thế giới, lãi suất nợ thuế quá hạn ở Zug cũng được giảm xuống bằng 0. Tuy nhiên đối tượng nộp muộn sẽ phải chịu rủi ro bị phạt và mang vết đen trên hồ sơ tín dụng.

    Giám đốc tài chính bang – ông Peter Hegglin - cảnh báo tác động của lãi suất âm sẽ được làm sáng tỏ sau một năm hay vài quý tới. Bình thường người dân Thụy Sĩ vẫn được hưởng khoản khuyến khích khi nộp thuế trước thời hạn. Bang Lucerne đưa ra mức lãi suất 0,3% trên tổng số tiền thuế cho những người nộp trước thời hạn - hấp dẫn hơn cả gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên đến cuối năm ngoái, bang Lucerne đã cắt giảm lãi suất này.

    Nhiều nhà hoạch định chính sách của Thụy Sĩ đã lên tiếng về những tác động tiêu cực của chính sách lãi suất âm đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh NHTW châu Âu vẫn đang nỗ lực làm suy yếu đồng euro, NHTW Thụy Sĩ được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức -0,75% trong suốt năm 2016.


    Sản lượng thép đi xuống, điềm xấu với kinh tế Trung Quốc

    san luong thep di xuong, diem xau voi kinh te trung quoc

    Sản lượng thép đi xuống, điềm xấu với kinh tế Trung Quốc


    “Một thời kỳ suy giảm sản lượng thép ở Trung Quốc đã bắt đầu do nền kinh tế giảm tốc”...

    Sản lượng thép của Trung Quốc giảm trong năm 2015, đánh dấu năm đi xuống đầu tiên sau 1/4 thế kỷ.

    Theo hãng tin Bloomberg, các nhà máy thép của Trung Quốc, nước chiếm một nửa nguồn cung thép toàn cầu, đã giảm sản lượng trong năm ngoái do nhu cầu trong nước giảm, giá thép sụt, và tình trạng dư thừa công suất.

    Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sản lượng thép của Trung Quốc kể từ ít nhất năm 1991.

    Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 19/1 cho biết sản lượng thép thô của nước này trong năm 2015 giảm 2,3%, còn 803,83 triệu tấn. Riêng trong tháng 12, sản lượng thép của Trung Quốc giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 64,37 triệu tấn.

    Nhu cầu thép của Trung Quốc đã giảm xuống khi Chính phủ nước này tìm cách hướng nền kinh tế dịch chuyển khỏi mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, mức tăng chậm nhất kể từ năm 1990.

    Ngân hàng Citigroup dự báo, sản lượng thép của Trung Quốc có thể giảm thêm 2,6% trong năm nay, đặt ra triển vọng u ám đối với các công ty khai mỏ quặng sắt trên toàn cầu.

    “Một thời kỳ suy giảm sản lượng thép ở Trung Quốc đã bắt đầu do nền kinh tế giảm tốc”, ông Xu Huimin, nhà phân tích thuộc Huatai Great Wall Futures ở Thượng Hải, phát biểu. “Sản lượng thép của Trung Quốc có thể giảm thêm trong năm nay, nhưng mức độ giảm sẽ tương tự như năm ngoái. Việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thừa thép sẽ là một quá trình kéo dài, khi mà các nhà máy thép đều tìm cách giữ thị phần”.

    Sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng hơn 12 lần trong thời gian từ 1990-2014, trở thành biểu tượng cho sự nổi lên của nước này thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

    Nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc trong khoảng thời gian đó tăng mạnh khi nước này đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, di chuyển nhiều triệu người ra các thành phố, và tiêu thụ mạnh các sản phẩm từ ôtô tới thiết bị.

    Năm 2015, nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc cũng lần đầu tiên giảm trong một thế hệ, khiến các nhà máy thép của nước này xuất khẩu một khối lượng sản phẩm lớn kỷ lục. Tính cả năm, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 20%, đạt mức 112,4 triệu tấn.

    Nguồn thép dư thừa, đặc biệt là thép Trung Quốc, đã khiến nhiều quốc gia đồng loạt có biện pháp để bảo vệ thép nội địa.

    Theo ông Li Xinchuang, Phó tổng thư ký Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, nước này càn cắt giảm thêm sản lượng thép do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm và mức độ cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu gia tăng.

    Theo Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, sản lượng thép của nước này có thể giảm xuống mức 783 triệu tấn trong năm 2016.


    Bộ Tài chính: Doanh thu ngành xổ số năm 2015 đạt khoảng 3 tỷ USD

    Các công ty xổ số cả nước có doanh thu khoảng 3 tỷ USD trong năm 2015 trong đó số tiền nộp vào ngân sách lên tới 1 tỷ USD.

    Đây là con số vừa được ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết. Theo ông Dương, phần đóng vào ngân sách của các công ty xổ số sẽ được để lại địa phương và chi hoàn toàn cho lĩnh vực an sinh xã hội như giáo dục, y tế,…

    Một trong những điểm khác của các công ty xổ số theo lãnh đạo ngành tài chính là sau khi trừ các khoản chi phí, thuế,… nếu đã đủ vốn điều lệthì lợi nhuận còn lại sẽ tiếp tục được đóng vào ngân sách địa phương.

    Cho biết về thông tin thu nhập của viên chức quản lý Công ty xổ số kiến thiết Tiền Giang là 730 triệu đồng (hơn 60 triệu đồng/tháng) báo chí có nêu gần đây, đại diện ngành tài chính khẳng định, cơ quan này đã nắm được thông tin và có rà soát với phía Tiền Giang.

    Tuy nhiên, ông Dương khẳng định, doanh nghiệp Tiền Giang đã áp dụng đúng cách tính lương theo thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tiền lương tại các công ty xổ số theo ông không phải do lãnh đạo công ty đó tự phê duyệt mà là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của tỉnh đó.

    Theo ông, quy định có nêu rõ, cơ quan chức năng bao gồm Sở Lao đông-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính có giám sát việc trả lương và đầu năm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ phê duyệt quỹ lương và phương án trả lương cho doanh nghiệp.

    Lý giải thêm về mức thu nhập trên, ông Dương cho rằng, việc thu nhập của một số viên chức đạt như thông tin báo chí có thể do những người này còn tham gia làm những việc khác như làm hội đồng giám sát cho các tỉnh khác và có thêm thu nhập.

    Ngoài ra, theo ông, cũng có thể do tiền thưởng những người này không được nhận ngay 100% nên tới thời điểm quyết toán, khoản tiền này sẽ được chi trả và đẩy thu nhập tăng cao hơn.

    Trước đó, cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, ngành lao động sẽ làm việc với Bộ Tài chính để xem xét cụ thể tình hình, xem hiện tượng lương cao ở Tiền Giang là cá biệt hay phổ biến để có những điều chỉnh phù hợp. Theo quy định hiện hành, mức trần lương của quản lý tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu là 36 triệu đồng và nếu sản xuất kinh doanh tốt, có lãi thì mức lương cao nhất là 54 triệu đồng (tăng 1,5 lần).

    Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang sửa đổi các quy định về tiền lương quản lý tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hướng tăng mức lương cao nhất lên đến 72 triệu đồng/tháng đối với những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, quy mô lớn nhưng cũng sẽ “siết” lại lương tại những doanh nghiệp quy mô nhỏ, làm ăn không hiệu quả.


    TPHCM: Thu hút đầu tư theo đúng định hướng

    tphcm: thu hut dau tu theo dung dinh huong

    TPHCM: Thu hút đầu tư theo đúng định hướng


    Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, định hướng thu hút đầu tư sẽ tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ lực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.

    Trong đó, TPHCM định hướng thị trường trọng điểm thu hút đầu tư trong năm 2016 là Mỹ, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

    Đặc biệt, Thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, trong đó phải kể đến việc thành lập cơ quan một cửa dành riêng (Japan desk) để hỗ trợ thông tin tối đa cho các nhà đầu tư đến từ "đất nước Mặt trời mọc".

    Dự kiến, trong năm 2016, TPHCM sẽ tổ chức 108 hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư với tổng kinh phí từ ngân sách Thành phố là 20 tỉ đồng.

    Theo định hướng đó, năm 2016, Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza) có kế hoạch thu hút 700 triệu USD vốn FDI, trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu theo định hướng thu hút đầu tư của TPHCM (các ngành cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-cao su-nhựa, chế biến lương thực thực phẩm).

    Cũng theo Hepza, nhiều DN đã đầu tư tại các KCN của TPHCM trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp hỗ trợ, điện tử… đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư để đón những cơ hội từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia. Trong đó, không ít DN trong lĩnh vực dệt may đã thực hiện tăng vốn đầu tư trong thời gian gần đây.

    Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TPHCM, trong năm 2015 Thành phố đã cấp mới hơn 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,4% số dự án và giảm 2,4% về vốn so với năm 2014.

    Trong năm 2015 có 145 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 700 triệu USD, tăng 5,1% về số dự án và tăng 82,6% về vốn điều chỉnh. Tính chung, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 3,5 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

    Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 5.765 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là gần 38,94 tỉ USD.

    Trong 2 tuần đầu năm 2016, Hepza đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 30 triệu USD.

    Theo các chuyên gia, thành công nhất không phải ở số lượng dự án, hay số vốn đầu tư lớn, mà chính là việc thu hút đầu tư vào những ngành nghề theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp TPHCM phát triển bền vững trong tương lai.

    Trong các ngành công nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sử dụng hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghiệp phần mềm, điện tử, tin học, công nghiệp dược phẩm…

    Cụ thể, đầu tư FDI năm 2015 vào lĩnh vực dệt may cao cấp chiếm 71,75%, hóa chất 9,33%, thực phẩm 5,93%, cơ khí 4,83%, nhựa cao su 4,48%, dịch vụ 3,15%...

    Theo đó, tốc độ phát triển công nghiệp của khối FDI luôn cao hơn tốc độ phát triển chung của toàn ngành, chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố.

    Tỉ trọng xuất khẩu của khối DN FDI cũng chiếm tới 38,4% tổng kim ngạch xuất khẩu với đóng góp đáng kể của các DN gia công trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, cơ khí và thiết bị phục vụ cho các ngành này.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn