TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-06-2018

    Nới lỏng điều kiện cho kinh doanh bảo hiểm

    Dự thảo Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP (NĐ73) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, nhằm phù hợp với thực tiễn thị trường, đồng thời nâng cao tính an toàn, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.

    ửa đổi, tháo gỡ ràng buộc hành chính

    Tại Dự thảo, Bộ Tài chính tập trung sửa đổi một số điều khoản liên quan đến việc thành lập, hoạt động của doanh nghiêp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo điểm, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.

    Theo đó, đối với điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Dự thảo sửa đổi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6, bỏ điều kiện không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, trong đó chỉ đề cập điều kiện đối với tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

    Về điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài muốn thành lập tại Việt Nam phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam, dự thảo quy định giảm thời hạn xuống còn ít nhất 7 năm kinh nghiệm.

    Dự thảo Nghị định tháo gỡ ràng buộc đối với hoạt động của mô hình công ty TNHH bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Theo đó, mô hình này đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép mà không phải chịu các quy định pháp luật khác của nước sở tại.

    Việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, tại Điểm a Khoản 2 Điều 7, Dự thảo không yêu cầu cổ đông phải là thành viên sáng lập mới được tham gia thành lập công ty cổ phần bảo hiểm. Dự thảo nêu rõ, việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm cần có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập.

    Để giảm bớt thủ tục quản lý hành chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam, tại Điểm đ Khoản 2 Điều 8, Dự thảo quy định doanh nghiệp chỉ cần có văn bản cam kết chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam, không cần có văn bản ủy quyền cho giám đốc chi nhánh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ các hoạt động của chi nhánh nước ngoài. 

    Mở rộng đối tượng tham gia

    Quy định tại NĐ73 giới hạn nhiều đối tượng không được phép tham gia góp vốn thành lập kinh doanh, môi giới bảo hiểm được quy định tại Khoản 2  Điều 18 của Luật Doanh nghiệp, như: Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân…

     Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định này nhằm mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động kinh doanh, môi giới bảo hiểm. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh cạnh tranh tài chính khốc liệt hiện nay.

    Tại Dự thảo sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bãi bỏ một số điều kiện chung trong cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Theo đó, Dự thảo bãi bỏ điều kiện trong góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân. Đối với điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, bỏ quy định về mức vốn điều lệ đã góp (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), vốn được cấp (đối với chi nhánh nước ngoài) không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.(TCTC)
    ---------------------

    Khai thông đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP

    Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP nói chung và BOT nói riêng là có thật, tuy nhiên còn thiếu phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án này.

    Vốn ngoại đã rót vào BOT

    Lâu nay, câu chuyện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông vận tải còn nhiều khúc mắc. Những câu hỏi vẫn được đặt ra như vì sao cho đến nay, vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào trực tiếp tham gia vào các dự án giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

    Chia sẻ tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” do Tạp chí Nhà Đầu tư và Công ty kiểm toán quốc tế KPMG đồng tổ chức mới đây, ông Nguyễn Công Ái – Phó tổng giám KPMG nhấn mạnh rằng: “: “Trong lĩnh vực giao thông vận tải, không phải các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm tới các dự án PPP. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia, nhưng thông qua việc mua lại cổ phần của một số các công ty Việt Nam đầu tư vào các dự án BOT”.

    Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án giao thông theo hình thức BOT và đã có nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tham gia vào dự  án BOT đó là dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý, Hà Nam của Công ty Cổ phần FECON.

    Phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, tháng 6/2017, hai công ty Nhật Bản là Công ty Cổ phần Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) và Công ty Cổ phần Đường cao tốc Quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) mới hoàn thành đàm phán mua lại 20% cổ phần của FECON tại dự án này. Gần 10 năm trước, một trong 2 doanh nghiệp Nhật Bản này đã từng có ý định đầu tư mới dự án BOT tại Việt Nam nhưng rồi lại bỏ cuộc.

    Phía Công ty Đường cao tốc quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) nhận chuyển nhượng 3,92 triệu cổ phần, tương ứng 14% vốn điều lệ và Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) nhận chuyển nhượng 1,68 triệu cổ phần, tương ứng 6%.

    Giá trị của đợt chuyển nhượng này không được công bố. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng có thể đem về cho FECON khoảng 67 tỷ đồng, đem lại khoảng 11 tỷ đồng lợi nhuận tài chính. Đây là dự án đầu tiên chính thức bán được cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, sau nhiều cam kết của doanh nghiệp Việt với các nhà đầu tư nước ngoài khác ở nhiều dự án BOT song đến nay chưa hoàn tất.

    Dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2016, chính thức đưa vào khai thác và thu phí kể từ ngày 24/11/2016. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 2.046 tỷ đồng do liên danh FECON, Cotteccons, Cienco 1 làm chủ đầu tư, trong đó FECON 40%, Cottecons 35%, Cienco 1 sở hữu 25% vốn.

    Ngoài việc mua 20% cổ phần, NEXCO và JEXWAY còn tham gia vào việc quản lý và vận hành dự án, đồng thời áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ quản lý của Nhật Bản vào đây. Sau đó, NEXCO và JEXWAY cùng hợp tác với FECON chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và năng lực quản lý của Nhật Bản tại các dự án hạ tầng giao thông khác.

    Chờ cơ chế ổn định

    Trước FECON, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cũng từng ký hợp đồng ghi nhớ, bán 70% số cổ phần tại dự án BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho nhóm đối tác đến từ Ấn Độ. Tuy nhiên, sau lễ ký từ năm 2014 đến nay các bên chưa có hợp đồng mua bán chính thức số cổ phần này.

    Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chính phủ cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào mua bán, thực hiện các dự án BOT giao thông tại Việt Nam. Từ năm 2007, Bộ đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thí điểm dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2012, Thủ tướng phê duyệt cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện dự án nhưng đến nay chưa thể triển khai. Một nguyên nhân cơ bản là các bộ ngành mất rất nhiều thời gian nhưng không thống nhất được cơ chế phân bổ rủi ro theo thông lệ quốc tế.

    Bộ GTVT cũng đã thông báo mời thầu sơ tuyển các nhà đầu tư quốc tế dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, với cơ chế, chính sách phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Theo đánh giá của Bộ GTVT, đây là dự án hấp dẫn nhưng các nhà đầu tư quốc tế sau khi nghiên cứu hồ sơ sơ tuyển đã không tham gia do cơ chế phân bổ rủi ro hiện không hợp lý (lợi nhuận thấp, nhà đầu tư phải chịu kinh phí giải phóng mặt bằng, rủi do doanh thu không được bảo lãnh…). Do vậy, họ bắt đầu hướng tới việc mua bán sáp nhập các dự án BOT mà nhà đầu tư trong nước đã vận hành, khai thác.

    “Vì cơ chế của Việt Nam để tham gia vào các dự án BOT rất phức tạp nên họ không đủ khả năng và kiên nhẫn vượt qua các rào cản này. Các nhà đầu tư nước ngoài thường chờ đợi các nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào sau đó mua cổ phần của nhà đầu tư Việt Nam”, ông Nguyễn Công Ái cho biết.

    Tuy nhiên về lâu dài, theo Phó tổng KPMG, nếu không được đưa vào luật thì những thay đổi về môi trường pháp lý sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Vì vậy, cơ chế chính sách thông suốt và ổn định trong thời gian dài sẽ thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài nước ngoài.

    Chính phủ mới ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018 để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư (PPP). Những điểm mới tại Nghị định 63 về quy trình, thủ tục thực hiện các dự án PPP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó tăng sức hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư nhờ việc đơn giản hóa quy trình thủ tục và nâng cao hiệu quả dự án.

    Tuy nhiên, một trong những trở ngại chính mà các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại là những rủi ro ngoài tầm kiểm soát, trong khi quy định hiện hành lại thiếu những cơ chế bảo lãnh cần thiết.

    Từ thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, cần thiết có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cam kết, bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ; đồng thời kiến nghị cho phép áp dụng thí điểm đối với 2 dự án gồm Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

    Theo Bộ Tài chính, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai ở Việt Nam cho thấy, việc Chính phủ chấp thuận bảo lãnh cho một số rủi ro của các hợp đồng PPP là cần thiết để bảo đảm thu hút được khu vực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tài chính, khả năng quản lý và môi trường đầu tư, Chính phủ sẽ phải lựa chọn áp dụng các công cụ bảo lãnh phù hợp. (nhadautu)
    -------------------------------

    Thị trường nào Việt Nam nhập siêu và xuất siêu trên 1 tỷ USD?

    Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng từ đầu năm 2018, Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD với 8 thị trường gồm: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hồng Công, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Áo, Anh, Đức và Ấn Độ và đều đạt tốc độ tăng dương.

    Trong đó, xuất siêu với Hoa Kỳ đạt mức 12,98 tỷ USD, tăng 8,8% và chiếm 49% trong tổng mức xuất siêu của 8 thị trường này.

    Trong khi đó, số lượng thị trường Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD là 5 gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia.

    Hàn Quốc đứng đầu trong danh sách thị trường lớn nhất mà Việt Nam nhập siêu trong 5 tháng đầu năm với 11,57 tỷ USD, giảm 11,4%; Tiếp theo là Trung Quốc với mức nhập siêu 11,16 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng thời gian năm 2017.

    Theo Tổng cục Hải quan, tổng mức nhập siêu với hai thị trường này chiếm 74% trong tổng mức nhập siêu của 5 thị trường.(TCTC)
    ------------------------------

    5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 120,15 tỷ USD

    Theo đó, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong tháng 5/2018 đạt 25,49 tỷ USD, tăng 13,2% so với tháng trước.

    Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 120,15 tỷ USD, tăng 13%, tương ứng tăng 13,8 tỷ USD so với cùng thời gian một năm trước đó.

    Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 13,73 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu của khối này trong 5 tháng từ đầu năm 2018 lên 66,34 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

    Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 5/2018 đạt 11,76 tỷ USD, tăng 19,8% so với tháng trước, đưa kim ngạch trong 5 tháng từ đầu năm 2018 đạt 53,81 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

    Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 5/2018 có mức thặng dư trị giá 1,98 tỷ USD, qua đó đưa cán cân thương mại trong 5 tháng từ đầu năm 2018 lên mức thặng dư trị giá 12,53 tỷ USD.(TCTC)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn