TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-06-2016

    Anh rời EU, giao thương ngắn hạn với VN chưa bị tác động

    Về góc độ thương mại, nhiều chuyên gia cho rằng việc Anh rời EU sẽ làm cho giao thương giữa VN và quốc gia này sẽ “gập ghềnh” hơn một chút nhưng trong ngắn hạn vẫn chưa tác động nhiều.

    thi phan giay dep, tui xach xuat khau tu vn vao anh khong nhieu so voi cac quoc gia trong khoi - anh: tien long

    Thị phần giày dép, túi xách xuất khẩu từ VN vào Anh không nhiều so với các quốc gia trong khối - Ảnh: Tiến Long

    Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN (Vitas) Vũ Đức Giang,  cho rằng việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng nhất định đến tiến trình thực hiện FTA giữa EU và VN trong thời gian tới.

    Tuy nhiên, so với các nước khác trong khối EU, xuất khẩu dệt may sang Anh hiện chiếm tỉ trọng khá nhỏ, hiện chỉ khoảng 3% trong tỉ lệ 19-20% của tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành vào EU.

    “Trước mắt, đơn hàng xuất khẩu sang Anh sẽ không có gì ảnh hưởng. Còn về mặt lâu dài, thị trường sẽ có sự biến chuyển nhưng tôi vẫn tin sẽ không có biến động nào đáng kể xảy ra cho ngành xuất khẩu dệt may của VN”, ông Giang nhận định.

    Ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách VN (Lefaso), cho biết việc Anh rời EU không có ảnh hưởng gì nặng nề đối với thị trường xuất khẩu giày dép, túi xách của VN.

    Vì trong khối EU 27 thị phần giày dép, túi xách xuất khẩu từ VN vào Anh không nhiều so với các quốc gia trong khối.

    Theo ước tính năm 2015, trong 4 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu giày và 2,88 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vào khối EU, chiếm khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của ngành da giày, túi xách, thì thị trường Anh chiếm chưa tới 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU 27.

    “Về mặt tương lai,nếu kinh tế Anh có ảnh hưởng thì sức mua sẽ ảnh hưởng theo. Nhưng do mặt hàng giày dép là những mặt hàng nhu cầu thiết yếu, nên cho dù thị trường tiêu dùng có suy giảm thì người tiêu dùng Anh vẫn không thể không mua giày dép”, ông Thuấn nhận định.

    Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chủ tịch tập đoàn HSBC ông Douglas Flint cho rằng với sự kiện này, doanh nghiệp Anh chính thức bước vào một kỷ nguyên mới.

    Công cuộc tạo dựng các điều kiện thương mại mới với các đối tác châu Âu và trên toàn cầu sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian.(TT)


    Triệu phú Trung Quốc tăng nhanh nhất thế giới

    Số cá nhân có tài sản từ một triệu USD trở lên tại đây đã tăng 16% lên hơn một triệu người trong năm qua.

    Hãng nghiên cứu Cap Gemini vừa công bố "Báo cáo Tài sản Thế giới" (World Wealth Report 2016). Theo đó, tổng tài sản cá nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã lần đầu vượt Bắc Mỹ, nhờ kinh tế và thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh.

    Tài sản của các triệu phú châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 10% năm qua, lên 17.400 tỷ USD, vượt Bắc Mỹ với 16.600 tỷ USD. Tại châu Âu, con số này tăng 4,8% lên 13.600 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của Mỹ Latin và châu Phi lại giảm. Tổng cộng, người giàu toàn cầu sở hữu 58.700 tỷ USD, tăng 4% so với năm trước đó.

    Những người có tài sản từ 1 triệu USD trở lên tại Trung Quốc đã tăng 16% - mạnh nhất trong cuộc khảo sát, lên hơn một triệu người. Dù vậy, nếu tính về số lượng, Mỹ, Nhật Bản và Đức vẫn xếp trên.Con số này tại Mỹ hiện gần 4,5 triệu.

    Cap Gemini dự báo Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là động cơ tăng trưởng chính về tài sản triệu phú cho đến năm 2025. Khi đó, các triệu phú toàn cầu sẽ sở hữu 106.000 tỷ USD. Con số này ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 142% lên 42.100 tỷ USD. Xếp ngay sau về tốc độ tăng trưởng là Trung Đông và châu Phi.

    Cap Gemini đã khảo sát hơn 800 công ty quản lý tài sản tại 15 thị trường lớn để hoàn thiện báo cáo này. Các cá nhân trong danh sách là những người sở hữu tài sản có thể đầu tư từ một triệu USD trở lên, đã trừ nhà ở và một số đồ tiêu dùng, sưu tầm.


    Volkswagen đồng ý bồi thường 10 tỉ USD vì bê bối khí thải

    Mỗi chủ xe trong tổng số 480.000 xe Volkswagen chạy bằng động cơ diesel 2 lít sẽ nhận được khoản tiền bồi thường 7000 USD.

    logo volkswagen trong mot cuoc trien lam tai thanh pho pittsburgh, bang pennsylvania, my - anh: ap

    Logo Volkswagen trong một cuộc triển lãm tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ - Ảnh: AP

    AFP dẫn nguồn tin từ một chuyên gia đàm phán của Volkswagen xác nhận thông tin trên. Người này cũng cho biết, số tiền còn lại sau khi bồi thường sẽ được dùng để gây quỹ cho một chương trình chống ô nhiễm không khí cũng như chi trả cho các thủ tục pháp lý.

    Tháng 9-2015, Volkswagen chính thức thừa nhận đã cài đặt các phần mềm gian lận lên xe trong các cuộc kiểm tra khí thải của Mỹ, dẫn đến lệch kết quả. Thực tế cho thấy, sau khi bị phát hiện và tháo phần mềm, lượng khí NO mỗi xe thải ra môi trường cao gấp 40 lần mức cho phép.

    Không chỉ các dòng xe mang thương hiệu Volkswagen, tập đoàn này thừa nhận đã cài phần mềm tương tự lên các thương hiệu xe con của hãng như Audi và Porsche. Ước tính, số lượng xe bị cài phần mềm gian lận trên toàn thế giới lên tới 11 triệu chiếc.

    Tại châu Âu, tập đoàn này đã phải bỏ ra 16,2 tỉ euro để dàn xếp vụ bê bối, trong đó, chỉ tính riêng chi phí pháp lý đã là 7 tỉ euro.

    AFP nhận định, vận đen sẽ còn tiếp tục “ám” Volkswagen ngay cả khi tập đoàn này kết thúc vụ kiện và hoàn tất bồi thường cho các chủ xe ở Mỹ.

    Dòng xe chạy bằng động cơ diesel 3 lít của hãng này cũng đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận tương tự. Do đó, rất có thể Volkswagen sẽ lại phải tiếp tục đối mặt với một cuộc điều tra tương tự khác ở Mỹ.


    Iran trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ 13 trên thế giới

    Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) vừa công bố báo cáo cho biết nhờ sản lượng thép thô tăng trưởng nhanh, Iran đã vọt lên vị trí thứ 13 trong số các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
    Số liệu thống kê mới nhất của WSA cho thấy sản lượng thép thô của Iran trong tháng 5/2016 đạt 1,645 triệu tấn, tăng 190.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Iran đứng ở vị trí thứ 14 trong số 66 nước sản xuất thép hàng đầu thế giới. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng sản lượng ấn tượng, Iran đã thăng một bậc lên vị trí thứ 13.
     
    Tổng sản lượng thép thô của Iran trong năm tháng đầu năm nay đạt 7,216 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2015. Là nhà sản xuất thép chủ chốt trong khu vực, Iran đã xây dựng và phát triển nhiều nhà máy thép trên khắp đất nước trong những năm gần đây. Theo WSA, Iran là nước sản xuất thép thô lớn nhất khu vực Trung Đông năm 2013 và lớn thứ 14 thế giới năm 2014.
     
    Bất chấp những diễn biến tích cực trên thị trường thép, nền kinh tế Iran được cho là đang phải đối mặt với nhiều năm khó khăn phía trước, với tình trạng đầu tư kém, lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Đặc biệt, sự thiếu đầu tư đã tạo ra "một thảm họa trong lĩnh vực công nghiệp."
     
    Theo Bộ trưởng Công nghiệp Mohammad Reza, Iran đã nỗ lực hỗ trợ với việc thông qua 12 dự án công nghiệp bằng vốn đầu tư nước ngoài trị giá 500 triệu USD kể từ khi thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và các cường quốc có hiệu lực hồi giữa tháng 1/2016.
     
    Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli cảnh báo nước này có thể chỉ đạt tăng trưởng từ 1,5-3% trong năm nay, thất nghiệp và lạm phát sẽ tăng gấp đôi trong ngắn hạn, đồng thời nhấn mạnh rằng Iran rất cần đầu tư nước ngoài. Con số cảnh báo về tăng trưởng nói trên thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu mà Tổng thống Hassan Rouhani đặt ra hồi tháng 1/2016 là 8% nhằm chống lại tình trạng lạm phát hai con số và giảm tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay (11%).
     
    Chính phủ của ông Rouhani đã hy vọng việc dỡ bỏ các trừng phạt sau thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp "mở cửa" cho dòng vốn đầu tư hàng tỷ USD từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm tại Iran, nơi 1/4 dân số đang thất nghiệp.

    Theo Tổng thống Rouhani, Iran cần 30-50 tỷ USD đầu tư nước ngoài mỗi năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Tuy nhiên, các nguồn vốn đầu tư mới vẫn chưa đáp ứng nhu cầu trong một số lĩnh vực.(VN+)


    Trung Quốc lo ngại chính sách bảo hộ trong ngành thép Mỹ

     Bộ thương mại Trung Quốc cho biết hôm thứ năm (23/6), lo ngại về chính sách bảo hộ trong ngành thép Mỹ và kêu gọi Mỹ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

    Sự thiếu năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp thép Mỹ là kết quả của sự bảo hộ, Bộ này cho biết trong 1 tuyên bố trên trang website.

    Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ cho biết, đã tìm thấy nhập khẩu các sản phẩm thép cán nguội từ Trung Quốc ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Mỹ, mở đường cho việc áp thuế chống bán phá giá và gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn