TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-02-2016

    Exxon, Shell đối phó ra sao với giá dầu giảm?

    Có lẽ đây không phải là thời điểm tốt nhất để nói rằng doanh nghiệp dầu khí có quy mô càng lớn thì càng tốt.

    Sau thương vụ M&A trị giá 64 tỷ USD giữa Royal Dutch Shell và BG Group cùng với sự tăng trưởng vững chắc của Exxon Mobil, trên thị trường dầu mỏ thế giới đã xuất hiện một nhóm mới chỉ gồm 2 thành viên: nhóm “những gã siêu khổng lồ”. Thậm chí các lãnh đạo của những công ty nhỏ hơn còn đùa rằng Chevron, Total, BP, ConocoPhillips và ENI chỉ là những công ty hạng trung.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt lao dốc mạnh như hiện nay, Exxon và Shell buộc phải thừa nhận rằng không phải cứ lớn là tốt. Với giá dầu chỉ nhỉnh hơn 30 USD một chút, họ cũng chính là những người đau đầu nhất khi phải nghĩ cách cắt giảm chi tiêu, trong đó có một số siêu dự án có chi phí lớn nhưng rủi ro cao. Năm ngoái Shell ngừng xây dựng dự án dầu cát có công suất 80.000 thùng/ngày ở Carmon Creek (Canada) khi vừa mới chỉ bắt đầu. Kể từ đầu năm đến nay, Exxon cũng đã cắt giảm 25% lượng vốn đầu tư.

    Theo Michele Della Vigna, chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs, quy mô từng là yếu tố cực kỳ quan trọng vào cuối những năm 1990 và 2000. “Lúc đó các công ty thiếu vốn và to lớn chính là một lợi thế. Trong suốt 15 năm qua, câu chuyện chỉ tập trung vào việc làm thế nào để mở rộng quy mô. Còn ngày nay bạn chỉ bàn đến cắt giảm và cắt giảm”.

    Vấn đề của Exxon và Shell là số dự án lớn phải tạm dừng ngày càng nhiều hơn. Quy mô của hai tập đoàn này đã đạt đến điểm mà ở đó họ cần đến những dự án lớn hơn nữa để tạo ra sự khác biệt và vươn tới tầm cao mới.

    Khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng, họ phải tìm các mỏ ở những nơi sâu nhất, lạnh nhất, khó khai thác nhất của trái đất, đổ hàng tỷ USD vào Kazakhstan, những góc xa xôi hẻo lánh của Australia hay ngoài khơi Angola và cả vùng cực lạnh giá. Giờ đây, khi giá dầu giảm 70%, hầu hết các dự án này sẽ không thể đem lại mức lợi suất 15 – 20% như hai ông lớn từng mong đợi. Số vốn đầu tư bị cắt giảm khiến chi phí thuê giàn khoan, cảng khí đốt giảm xuống mức thấp nhất 10 năm.

    Tuy nhiên, John Browne, cựu CEO của BP và là “kiến trúc sư” đứng sau các cuộc sáp nhập trong cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, vẫn cho rằng có bảng cân đối kế toán lớn là một vũ khí thực sự quan trọng. Nhìn vào dòng tiền mà các ông lớn dầu khí tạo ra khi sản xuất, lọc dầu và bán các sản phẩm từ dầu, cả Exxon và Shell vẫn có thể tạo ra dòng tiền hơn 30 tỷ USD trong năm ngoái. Chevron đứng thứ hai với ít hơn 20 tỷ USD, BP và Total kém hơn một chút. Exxon sản xuất hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi sản lượng của Shell là 3,7 triệu thùng.

     

    dong tien cua cac tap doan dau khi lon tren the gioi

    Dòng tiền của các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới

     

    Thêm vào đó, các ông lớn có được lợi thế đối phó với giá dầu giảm khi họ có hoạt động lọc hóa dầu quy mô lớn. Dựa trên tỷ lệ sở hữu, Exxon và Shell hiện là những công ty lọc dầu lớn nhất thế giới. Năm ngoái, chính lợi nhuận từ mảng lọc hóa dầu đã giúp họ bù đắp thua lỗ trong hoạt động sản xuất.

    Thách thức lớn nhất là làm thế nào để tăng trưởng nếu giá dầu vẫn thấp. Giới chuyên gia và nhà đầu tư đã kêu gọi các công ty tập trung vào những dự án nhỏ hơn và hoàn vốn nhanh hơn, nhưng các ông lớn đang đi theo hướng ngược lại. Shell lựa chọn mua lại BG. Nhiều người trong ngành cũng dự báo Exxon sẽ có phản ứng tương tự trong vài năm tới.

    Dẫu vậy, đối với Daniel Yergin, nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử ngành dầu khí và là Phó Chủ tịch của Viện nghiên cứu IHS, sự mở rộng của Exxon và Shell có thể được coi là cột mốc đánh dấu chương tiếp theo của ngành dầu khí: “Thời kỳ hậu ông lớn”.


    TP.HCM đề nghị vay 7,4 tỷ USD vốn ODA của Nhật Bản

    cac du an xay dung metro deu can co so von rat lon. trong anh la canh lap cac dot dam tai tuyen metro so 1 (ben thanh - suoi tien)

    Các dự án xây dựng metro đều cần có số vốn rất lớn. Trong ảnh là cảnh lắp các đốt dầm tại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)


    UBND TP.HCM vừa có văn bản đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư danh mục các dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) từ Nhật Bản trong tài khóa 2016 và giai đoạn 2016 -2018.

    Theo đó sẽ có 8 dự án là:

    Xây dựng Nhà ga Trung tâm Bến Thành với tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD.

    Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây) với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD.

    Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây - Tân Kiên) với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

    Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3b (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) với tổng mức đầu tư khoảng 1,87 tỷ USD.

    Cải thiện môi trường nước TPHCM (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ), giai đoạn 3 với tổng giá trị vốn vay ODA dự kiến là 48 tỷ Yên (428 triệu USD).

    Xây dựng nút giao thông An Phú (nút giao hoàn chỉnh) kết nối giữa tuyến Đại lộ Đông Tây và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng giá trị vốn vay ODA dự kiến là 48,8 tỷ Yên (434 triệu USD).

    Xây dựng tuyến monorail số 2 (Quốc lộ 50 - Bến xe Miền Tây mới, dự kiến kết nối với tuyến metro số 3a) với tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD.

    Xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (trên đường vành đai số 2 (quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương) với tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD.

    Như vậy tổng giá trị 8 dự án trên vào khoảng 7,4 tỷ USD (các con số đã được làm tròn)

    Ngoài ra UBND TP còn kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư bổ sung 15,11 tỷ Yên (133 triệu USD) cho dự án cải thiện môi trường nước TP (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ) giai đoạn 2.

    Liên quan đến việc này, UBDN TP cũng cho biết vừa quyết định thành lập Ban Quản lý đầu tư dự án ODA TP trên cơ sở tổ chức lại các Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị và Ban Quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp.

    Cơ quan mới này sẽ đại diện UBND TP làm chủ đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.


    Lo 'chảy máu' nhân sự khi tham gia AEC

    tham gia cong dong kinh te asean, dn viet nam se doi mat voi viec chay mau nhan su cap trung.

    Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, DN Việt Nam sẽ đối mặt với việc chảy máu nhân sự cấp trung.


    Ngày 24/2, Navigos Search (Cty hàng đầu Việt Nam về cung cấp các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao) công bố báo cáo về các cơ hội dịch chuyển lao động đối với nhân sự cấp trung người Việt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập.

    Báo cáo được tiến hành với ứng viên tại Việt Nam, Thái Lan vàSingapore. Theo đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự cấp trung. Theo báo cáo, có đến 48% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, sẽ ở lại tại nước đến làm việc nếu có cơ hội, trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là 32% và Singapore là 40%.

    Mặc dù đây chỉ là số liệu trong một cuộc khảo sát có quy mô cấp công ty, tuy nhiên, số liệu này dự báo một viễn cảnh không quá xa một khi nhân sự cấp trung người Việt tự tin và sẵn sàng tìm kiếm việc làm tại các nước trong khu vực. Do đó, các DN Việt Nam có thể phải đối mặt với sự “chảy máu” nhân sự cấp trung có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm lâu năm.

    Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận định: “Việc đội ngũ nhân sự cấp trung người Việt Nam sẵn sàng dịch chuyển nếu có cơ hội việc làm và cũng sẵn sàng ở lại nước tiếp nhận nếu có cơ hội, cho thấy các DN Việt Nam sẽ phải đối diện với vấn đề chảy máu chất xám, nhất là về đội ngũ nhân sự cấp trung”.

    Tuy nhiên, cũng theo bà Vân Anh, các DN Việt Nam cũng sẽ đứng trước những cơ hội lớn khi có khả năng tiếp nhận những nhân sự giỏi đến từ các nước khác trong khu vực. Điều này đặt ra cho DN Việt Nam câu hỏi là liệu họ đã sẵn sàng cho việc đa dạng trong văn hóa DN cũng như đội ngũ quản lý đã được trang bị đủ các kỹ năng để quản lý nhân sự đến từ các nền văn hóa khác nhau trong khu vực hay chưa.

    Theo Navigos Search, Singapore là điểm đến để làm việc hấp dẫn nhất đối với nhân sự cấp trung người Việt Nam. Số liệu của bản khảo sát này cho thấy, có đến 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam chọn Singapore là điểm đến tốt nhất để làm việc. Cơ hội làm việc tại Singapore sẽ đem đến cho họ mức lương, thưởng cao hơn, cơ hội nghề nghiệp phát triển tốt hơn và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

    Cũng theo báo cáo này, nhân sự cấp trung người Việt chưa hoàn toàn sẵn sàng trước các cơ hội di chuyển việc làm trong AEC. Mặc dù người tham gia khảo sát tại Việt Nam thể hiện việc mong muốn được sang nước khác trong khu vực làm việc, nhưng trên thực tế, số liệu của khảo sát cho thấy, họ chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng đối với việc dịch chuyển này.

    Trong tổng số người tham gia khảo sát tại Việt Nam, có đến 70% người có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm đến trên 20 năm. Tuy nhiên, có đến 67% người tham gia khảo sát cho biết họ cần cải thiện khả năng tiếng Anh. Đồng thời, việc tạo và cập nhật thông tin về hồ sơ cá nhân trên các trang thông tin việc làm chuyên nghiệp trực tuyến cũng chưa được họ chú ý khi có 59% người tham gia khảo sát cho rằng họ cần phải làm việc này. Việc thiếu hụt những kỹ năng nêu trên khiến cho các ứng viên người Việt có khả năng bị mất lợi thế cạnh tranh ngay tại Việt Nam, chưa kể đến khả năng mất nhiều cơ hội khi muốn dịch chuyển sang các nước trong AEC để làm việc.

    Báo cáo của Navigos Search cũng cho thấy, thế mạnh của nhân sự cấp trung người Việt chưa thực sự là lợi thế cạnh tranh. Khả năng học hỏi nhanh – chăm chỉ và thích ứng nhanh với sự thay đổi là những thế mạnh mà người tham gia khảo sát tại Việt Nam tự đánh giá về mình. Trong khi đó, người tham gia khảo sát tại Singapore tự đánh giá họ có thế mạnh về kỹ năng tiếng Anh - tư duy làm việc mang tính toàn cầu và khả năng làm việc độc lập.

    Có thể thấy, các thế mạnh tự đánh giá của người tham gia khảo sát tại Việt Nam không có nhiều lợi thế nổi trội để có thể giúp họ tự tin với các cơ hội dịch chuyển việc làm mang tính quốc tế khi AEC được thành lập.


    Chỉ 1/4 số doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu

    Đó là đánh giá của TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước thềm các FTA.

    Theo đó, chỉ có khoảng 1/4 số DN sản xuất có khả năng xuất khẩu; khoảng 20% có triển vọng xuất khẩu và 55% số DN hoàn toàn chưa thể xuất khẩu, đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh yếu, đặc biệt là những ngành công nghệ kỹ thuật cao, thâm dụng vốn, dịch vụ cao cấp.

    Nhiều yếu kém

    Hiện cả nước có khoảng 550.000 DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và gần 3 triệu hộ sản xuất cá thể, nhưng có đến hơn… 90% (trừ khu vực FDI) là các DN vừa và nhỏ. Khả năng quản lý và nguồn nhân lực được TS Trần Du Lịch đánh giá là những khó khăn mà các DN Việt Nam phải đối mặt do cả 2 yếu tố trên đều không đáp ứng được yêu cầu cao của hội nhập, hiệu quả quản lý thấp. Nền sản xuất vẫn nặng về gia công, chưa có sự chuyển biến đáng kể ở các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao. Thực tế, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 4 lần, Trung Quốc 7 lần, Singapore… 26 lần! Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao các DN Việt Nam chưa tạo ra được nhiều thương hiệu mới có vị trí trên thị trường thế giới.

    Cũng theo chuyên gia này, hầu hết các DN Việt Nam còn ít hiểu biết về các quy định liên quan đến hội nhập. Hiểu và xử lý tốt các khía cạnh pháp lý là một điểm yếu lớn của các DN Việt Nam. “Trong hội nhập, thiếu hiểu biết về luật lệ sẽ là một bất lợi lớn. Thua thiệt trong các tranh chấp pháp lý là điều khó tránh khỏi” - ông Lịch lo ngại.

    Chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiếu ổn định do tính chất công nghiệp trong quy trình tạo ra sản phẩm còn thấp, nổi bật là sản phẩm nông nghiệp. Chi phí đầu vào cao, có nguyên nhân khách quan như thiếu công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hạ tầng yếu kém, còn nguyên nhân chủ quan xuất phát từ kỹ năng quản trị của DN.

    Nguy cơ bị chi phối bởi tập đoàn nước ngoài

    Do thiếu liên kết trong khâu cung ứng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, ông Lịch đánh giá tốc độ đáp ứng thị trường của DN Việt còn chậm. Ngoại trừ hoạt động xuất khẩu, đa phần DN Việt Nam chưa đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, trên thế giới có đến 63.000 công ty đa quốc gia với 800.000 chi nhánh ở khắp châu lục; nắm giữ 80% thương mại quốc tế; 90% vốn đầu tư và công nghệ thế giới. Do đó, chuyên gia này đánh giá DN Việt Nam dễ bị phụ thuộc vào các tập đoàn lớn nếu thiếu chiến lược cạnh tranh và thiếu tính liên kết mang tính hệ thống.

    Bằng chứng rõ ràng nhất là sự yếu kém của hệ thống phân phối nội địa đang có nguy cơ mất dần khi mở cửa thị trường nội địa cho các tập đoàn thương mại quốc tế. Thời gian qua, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central (Thái Lan) đang mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách liên doanh hoặc thâu tóm DN Việt Nam... DN Việt cần hết sức thận trọng bởi lẽ sản xuất phụ thuộc vào tiêu thụ nên sẽ phụ thuộc vào hệ thống phân phối do các tập đoàn thương mại nước ngoài chi phối.

    Ngoài ra, ông Lịch cho rằng, khi hội nhập, hệ thống ngân hàng sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Các tiêu chuẩn cho vay sẽ được nâng lên theo chuẩn mực quốc tế. Khi đó, các DN vừa và nhỏ nếu không có sự liên kết và chiến lược kinh doanh một cách bài bản, sẽ khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Thiếu vốn sẽ tiếp tục trở thành “bài toán” nhức nhối đối với các DN Việt Nam vì thời gian tích lũy chưa lâu.


    Chứng khoán Trung Quốc lại giảm hơn 6%

    Đà giảm điểm của TTCK hôm nay phản ánh rõ nét những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt khi cố gắng bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm.

    Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm điểm mạnh nhất trong 1 tháng. Nguyên nhân là vì lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng điểm, báo hiệu thanh khoản bị thắt chặt và đồng nhân dân tệ ở hải ngoại giảm giá ngày thứ 5 liên tiếp.

    Đóng cửa phiên hôm nay (25/2), chỉ số Shanghai Composite giảm 6,4% với các nhóm công nghiệp và công nghệ dẫn đầu xu hướng. Cứ mỗi mã tăng điểm có tới 70 mã giảm.

    Chỉ số Hang Seng cũng giảm 1,5%. Chỉ số CSI 300 mất 6,1%, với hai nhóm kể trên ghi nhận mức giảm hơn 7%.

     Mức giảm điểm hôm nay đã xóa sạch đà hồi phục của chứng khoán Trung Quốc

    Mức giảm điểm hôm nay đã xóa sạch đà hồi phục của chứng khoán Trung Quốc

    Nỗi lo ngại dâng cao sau khi lãi suất qua đêm trên thị trường tiền tệ (vốn là thước đo tính thanh khoản của hệ thống tài chính) tăng 16 điểm cơ bản, lên 2,12%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 16/2.

    Bên cạnh đó đồng nhân dân tệ giảm giá ngày thứ 5 liên tiếp. Kể từ đầu tuần đến nay NHTW Trung Quốc liên tiếp hạ tỷ giá tham chiếu.

    Đà giảm điểm của TTCK hôm nay phản ánh rõ nét những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt khi cố gắng bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm.

    Tuần tới, các bộ trưởng tài chính và thống đốc NHTW của các nước thuộc nhóm G20 sẽ gặp nhau ở Thượng Hải. Thị trường biến động trở lại cũng sẽ là một bài kiểm tra dành cho lãnh đạo mới của Ủy ban chứng khoán Trung Quốc – người vừa lên thay thế vị lãnh đạo cũ vốn bị chỉ trích quá nhiều.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn