TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-06-2017

    Cảnh báo chiêu thức mới của tội phạm thẻ

    Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa phát cảnh báo người sử dụng dịch vụ ngân hàng một chiêu thức đánh cắp thông tin mới của bọn tội phạm thẻ.

    Theo Vietcombank, mới đây trên một số trang tin điện tử có đưa thông tin về việc bộ phận an toàn thông tin của một công ty trong quá trình điều tra xử lý tại máy tính của nhân viên công ty (nghi bị lộ tài khoản quản trị website trực thuộc công ty) đã phát hiện trình duyệt Google Chrome trên máy tính này có cài đặt Extension (tiện ích mở rộng) mạo danh phần mềm hỗ trợ download file khá phổ biến là IDM (Internet Download Manager).

    Theo thông tin đăng tải, nhóm hacker đã lấy cắp được thông tin của khoảng 55.000 tài khoản Facebook, 6.000 tài khoản Google, 5.000 tài khoản Yahoo, 5 triệu cookie các trang phổ biến Facebook, Gmail, Yahoo mail, Hotmail, Paypal, trong đó có cả thông tin của một số ngân hàng ở VN.

    Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân được xác định không phải do hệ thống của các tổ chức hay của ngân hàng bị xâm nhập mà do hacker đã đính kèm mã độc vào extension IDM - Internet Download Manager được cài rất phổ biến tại Việt Nam, sử dụng được trên 2 trình duyệt hàng đầu Google Chrome và Cốc Cốc.

    Khi người dùng cài đặt các Extension này vào thiết bị của mình thì các thông tin trong đó có thông tin đăng nhập trên các trình duyệt mà người dùng đã thực hiện trên thiết bị được cài các Extension có gắn mã độc này sẽ được gửi về hệ thống máy chủ của hacker.

    Để tránh bị lộ thông tin, Vietcombank cảnh báo người sử dụng dịch vụ ngân hàng chỉ sử dụng các phần mềm có bản quyền trên các thiết bị giao dịch mạng, không cài đặt các tiện ích mở rộng không rõ nguồn gốc.

    Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật phần mềm chống virus, áp dụng các biện pháp tối đa để thiết bị giao dịch không bị theo dõi hoặc sao chép việc truy cập của người dùng.

    Bên cạnh đó, người dùng phải kiểm tra các extension trong trình duyệt máy tính, xóa các extension không cần thiết hoặc có dấu hiệu khả nghi.

    Vietcombank cho biết đã liên hệ với các đơn vị có liên quan để xác định tính xác thực của thông tin và nếu có khách hàng bị ảnh hưởng, ngân hàng sẽ kịp thời thực hiện các biện pháp cần thiết để hỗ trợ đích danh và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng. (Tuoitre)
    ------------------------

    'Sóng ngầm' xuất khẩu gạo

    Tạo ra thế độc quyền trong xuất khẩu gạo cho 2 “ông lớn”, ép các doanh nghiệp khác không ngừng xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đang gây nên làn “sóng ngầm” trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

    Doanh nghiệp đòi bỏ hợp đồng

    Ngày 6.6, VFA có Công văn số 164/CV/HHLTVN về việc "chuẩn bị đấu thầu và ký kết hợp đồng tập trung" gửi các thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, Vinafood 1 và Vinafood 2 là 2 đầu mối được Chính phủ chỉ định thực hiện các giao dịch hợp đồng tập trung với Bangladesh, Malaysia, Philippines. Do đó, VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ ngày 6.6 đến khi Vinafood 1 và 2 kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng.

    Đến ngày 20.6, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, ký Công văn số 315/CV/HHLTVN về việc "xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung" cho phép doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo trở lại vì Vinafood 1 và 2 đã kết thúc giao dịch và ký hợp đồng tập trung với thị trường Malaysia và Bangladesh.

    Những công văn như trên không phải lần đầu VFA ban hành, nhưng lần này cộng đồng DN kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo đã phản ứng quyết liệt và nhiều đơn vị nói thẳng, họ sẽ bỏ hợp đồng tập trung.

    Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), phân tích: Về nguyên tắc, hợp đồng tập trung được thực hiện từ các hợp đồng ghi nhớ cấp chính phủ với nhau, nhằm tạo thuận lợi cho việc giao dịch lúa gạo giữa DN hai nước. Nhưng ở trong nước, chính mình lại gây khó khăn cho nhau để độc quyền đấu thầu. Quan trọng là hợp đồng tập trung mà Vinafood 1 và 2 mang về giá thấp là điều vô lý. Ngay cả bây giờ, VFA phân bổ chỉ tiêu cho DN, họ không làm vì không có lời.

    Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, dẫn chứng: “Tháng 5.2017, Vinafood 1 ký hợp đồng xuất khẩu 120.000 tấn gạo loại 5% tấm với Malaysia với mức giá chỉ hơn 356 USD/tấn. Họ lặng lẽ đi ký mà không lấy ý kiến DN, ký về cũng “ỉm” luôn. Gần đây họ mới phân bổ chỉ tiêu cho các DN. Theo quy định, sau khi nhận được thông báo của VFA, DN phải trả lời trong vòng 3 ngày. Bản thân tôi qua ngày hôm sau từ chối luôn vì DN tôi không làm mặt hàng này và tôi cũng thấy nó thấp hơn giá thị trường. Nhiều DN khác cũng từ chối hạn ngạch. Mấy ổng không nắm được xu hướng giá cả. Ký hợp đồng giá thấp, bây giờ thị trường tăng giá họ mới phân bổ hợp đồng, làm lỗ hoài thì ai mà nhận", ông Đôn nói.

    Cũng theo ông Bình, sở dĩ Vinafood 1 và 2 đi đàm phán, giá thấp cũng ký vì họ không lỗ. “Họ chỉ làm 20% hợp đồng, còn lại phân bổ cho các thành viên. Họ nắm độc quyền ở hầu hết các khâu từ nhận hợp đồng ủy thác, bao bì, phân phối đến bốc xếp, đặt hàng... Bên cạnh đó còn nhận ủy thác của các DN khác. Mỗi thứ họ hưởng lợi một ít nên gộp lại vẫn lãi, còn bỏ mặc cho DN khác gánh lỗ. Chính vì vậy mà các DN không chịu làm", ông Bình nói.

    Lúa gạo đang tăng giá, VN lại bị “hố”

    Giữa tháng 5 năm nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo: Sản lượng gạo thế giới năm 2017 - 2018 sẽ thấp hơn năm trước (sản lượng của Mỹ giảm 10% xuống 6,4 triệu tấn). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng nhẹ nên thương mại gạo sẽ tiếp tục tăng. Các nước ở châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á sẽ tăng nhập khẩu.

    Ngày 29.5, tại hội thảo “Triển vọng thương mại gạo thế giới” diễn ra ở Bangkok (Thái Lan), các chuyên gia có chung nhận định: Nguồn cung gạo toàn cầu đang bị hạn chế, kể cả lượng gạo tồn trữ của Thái Lan, do vậy giá gạo sẽ còn tăng. Trung Quốc, châu Phi và Philippines sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu gạo. Thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm 2017. Tại hội thảo, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết giá gạo xuất khẩu của nước này đã tăng lên 425 USD/tấn (giá FOB) so với mức 365 USD/tấn chỉ cách đây 2 tuần. “Chúng tôi nhận thấy thị trường gạo đang từ chỗ người mua “cầm trịch” chuyển sang người bán điều khiển. Sức mạnh đã lại quay trở về những nơi cung cấp gạo”, ông Jeremy Zwinger, Giám đốc điều hành của Rice Trader, được báo chí trích lời. Cũng thời điểm này như nói trên, chúng ta đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng với giá rất thấp.

    VFA là một tổ chức nghề nghiệp, không phải tổ chức chính quyền nhưng được trao quyền quá lớn. Họ được quyền xét, cấp quota xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp thành ra lạm quyền.
    GS-TS Bùi Chí Bửu

    Những bất cập trong việc thực hiện hợp đồng tập trung không phải bây giờ mới có. Tháng 5.2014, cũng trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp khó khăn, hợp đồng tập trung giá “bèo”; nhiều DN đã đồng loạt “xin” trả chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Thời điểm đó VN trúng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines với giá 370,05 USD/tấn (giao tại cảng ở TP.HCM), trong khi giá gạo cùng loại xuất sang Trung Quốc và các thị trường khác đã 385 - 390 USD/tấn và không có ràng buộc như xuất sang thị trường Philippines. Lãnh đạo Công ty lương thực Sóc Trăng cho biết: Do mua gạo tạm trữ từ sớm nên vẫn lãi khoảng 7 USD/tấn. Tuy nhiên, nếu so với giá thị trường thời điểm đó thì DN mất 20 USD/tấn.

    GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận xét: “VFA là một tổ chức nghề nghiệp, không phải tổ chức chính quyền nhưng được trao quyền quá lớn. Họ được quyền xét, cấp quota xuất khẩu gạo cho DN thành ra lạm quyền. VN đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và bây giờ là xu hướng tự do thương mại. Các ngành chức năng nên tăng cường kiểm soát về mặt chất lượng thay cho quota như hiện nay. Nghị định 109/2010 về việc kinh doanh xuất khẩu gạo đã lỗi thời, cần nhanh chóng sửa đổi theo hướng mở để DN tự do kinh doanh”.(Thanhnien)
    ---------------------------------

    Tổng thống Pháp muốn ngăn chặn sự đầu tư của Trung Quốc vào EU

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thề sẽ thuyết phục các đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở châu Âu để ngăn chặn sự đầu tư và cuộc tiếp quản nước ngoài trong các ngành công nghiệp chiến lược tại châu lục này.

    Các nền kinh tế nhỏ ở Đông và Nam Âu, nơi phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung Quốc, đã bác bỏ mọi bước đi có tính chất chống lại Bắc Kinh. Các quốc gia này thậm chí còn ngăn chặn những tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) trong việc chỉ trích hồ sơ nhân quyền của đất nước châu Á. Tuy nhiên, ông Macron, trong một cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU, cho rằng mặc dù là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Đại lục, nhưng không có nghĩa châu Âu phải phơi bày hết mọi thứ với điều mà ông gọi là “sự rối loạn của toàn cầu hóa”. Tổng thống Pháp cam kết sẽ làm mọi cách để thực hiện chiến dịch “bảo vệ châu Âu”.

    “Mọi thứ đang thay đổi bởi vì hậu quả từ sự rối loạn của toàn cầu hóa. Tôi muốn xây dựng một liên minh xung quanh ý tưởng: Chúng tôi đang kinh doanh tự do, nhưng chúng tôi không phải là những người ngây thơ”, ông Macron nói trong cuộc họp thượng đỉnh.

    Macron, người đã đánh bại ứng cử viên có tư tưởng chống sự liên minh trong châu Âu Marine Le Pen trong cuộc chạy đua vào Điện Elysse, cho rằng ông luôn là người bảo vệ toàn cầu hóa và thương mại tự do trong suốt thời gian ông còn làm Bộ trưởng Kinh tế, nhưng kể từ cuộc bầu cử, ông luôn muốn cố gắng để hỗ trợ riêng cho châu Âu. Tổng thống Pháp cũng mong các nhà lãnh đạo nên nghe thêm từ phía những người lao động bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa.

    Đức và Ý hoàn toàn đồng ý với ý tưởng này của ông Macron. Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ cho phép Ủy ban châu Âu tìm ra cách hạn chế sự tiếp quản nước ngoài trong các lĩnh vực như năng lượng, ngân hàng và công nghệ, những lĩnh vực vốn đang được Trung Quốc “để ý” rất nhiều.

    Các nhà ngoại giao EU nhận định rằng việc tập đoàn quốc doanh Trung Quốc ChemChina mua lại tập đoàn dược phẩm và hạt giống của Thụy Sĩ Syngenta với giá 43 tỉ USD đã làm sâu sắc hơn những lo ngại ở châu Âu. Berlin, Paris và Rome cũng cảm thấy thất vọng vì Ủy ban châu Âu đã chấp thuận cho thương vụ mua lại công ty ở nước ngoài lớn nhất của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các hạn chế đối với đầu tư của EU.

    Thống kê của Rhodium Group cho thấy đầu tư trực tiếp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào EU tăng 77% vào năm ngoái, với ước tính số tiền đầu tư đã lên hơn 38 tỉ USD, so với năm 2015. Ngược lại, các thương vụ mua lại của EU ở Trung Quốc giảm lần thứ hai liên tiếp.

    Song, theo South China Morning Post, những nước ủng hộ tự do thương mại như Thụy Điển lại muốn tránh bất kỳ biện pháp nào có thể mâu thuẫn với sự từ chối của EU về chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. “Điều cuối cùng chúng ta cần bây giờ là đạt được những tiến bộ đã bị lật đổ bởi chủ nghĩa bảo hộ”, Frits Boklestein, Ủy viên châu Âu của Hà Lan, người đã chỉ trích các ý tưởng của ông Macron, nói. (Thanhnien)

    -----------------------------

    Trung Quốc ký thỏa thuận dừng tấn công mạng Canada

    Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận ngừng tiến hành tấn công mạng nhắm vào các ngành kinh tế xương sống của Canada, tờ Globe and Mail đưa tin vào ngày 25-6.

    Ngày 23-6, thỏa thuận này đã được ký kết tại thủ đô Ottawa, Canada trong cuộc đàm phán giữa quan chức cấp cao Trung Quốc Wang Yongqing và cố vấn an ninh quốc gia Canada, ông Daniel Jean. 

    "Đây là điều mà ba hay bốn năm trước, Trung Quốc thậm chí còn không muốn đàm phán" - tờ Globe and Mail dẫn lời một quan chức chính phủ Canada.

    Trung Quốc ký thỏa thuận dừng tấn công mạng Canada - ảnh 1
    Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: REUTERS

    Theo thỏa thuận mới này, Trung Quốc sẽ ngưng các hành động gián điệp kinh tế bao gồm thâm nhập vào hệ thống tin mật và công nghệ độc quyền của doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, thỏa thuận này không ngăn Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạng do tin tặc với sự chống lưng của chính phủ Trung Quốc nhắm vào chính phủ hay quân đội Canada.

    "Hai bên đã nhất trí rằng chính phủ hai nước sẽ không thực hiện hay hỗ trợ hành vi đánh cắp thông tin mạng, bao gồm các bí mật thương mại hay thông tin kinh doanh nhằm mục đích mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty hoặc khu vực thương mại khác” - tờ Globe and Mail trích dẫn thông cáo chính thức được đưa ra giữa Trung Quốc và Canada.

    Văn phòng Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản hồi trước tin tức này.(PLO)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn