TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-09-2017

    GDP quý 4 phải tăng 7,31% mới đạt mục tiêu tăng trưởng

    Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng tăng 6,41%, vì thế để đạt mục tiêu 6,7% cả năm, quý IV phải tăng 7,31%.

    tong cuc thong ke nhan dinh co the dat muc tieu tang truong gdp 6,7% trong nam nay - anh: n. an

    Tổng cục Thống kê nhận định có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay - Ảnh: N. AN

     

    Mức tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước khi GDP quý III tăng tới 7,46%, nâng mức tăng GDP trong 9 tháng đầu năm tăng 6,41% theo thông tin Tổng cục Thống kê vừa công bố tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017 sáng ngày 29-9.

    Theo cơ quan này, GDP 9 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý II tăng 7,46%.

    Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn so với mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.

    Theo đánh giá của tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dù kinh tế đã có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. 

    Trong số đó, đáng chú ý là tình hình thu chi ngân sách còn chậm khi thu ngân sách bằng 64,9% dự toán và chi ngân sách bằng 61,2% dự toán. Mặc dù vậy, chi thường xuyên đạt 623.000 tỉ đồng, bằng tới gần 70% dự toán. 

    Do đó cơ quan thống kê cho rằng cần tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thành thu chi ngân sách.

    Chưa kể là thiệt hại do thiên tai còn lớn khi trong 9 tháng đầu năm 2017 bão lũ, thiên tai lớn ở miền Trung và miền núi phía Bắc gây thiệt hại hơn 21.500 tỉ đồng, tương đương 0,6% GDP. 

    Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng tăng 6,41% nên để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, quý IV tăng trưởng phải đạt 7,31%, và đó là mục tiêu khá cao. 

    Tốc độ tăng trưởng quý IV các năm thường ở mức trên dưới 7%, song với chỉ đạo tích cực của Chính phủ thì mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017 với 6,7% là có thể đạt được.(Tuoitre)
    ------------------------

    Vụ Bombardier kéo Mỹ, Canada vào "chiến tranh thương mại" ?

    Cả Canada và Anh đều lên tiếng đe dọa tẩy chay hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ

    Mối quan hệ thương mại Mỹ - Canada đã "xuống dốc không phanh" sau khi Bộ Thương mại Mỹ hôm 26-9 thông báo áp thuế nhập khẩu 219% đối với loại máy bay phản lực CSeries của hãng Bombardier (Canada).

    Dư luận bất ngờ trước sự kiện này bởi Mỹ và Canada là những đồng minh và đối tác thương mại thân cận bậc nhất thế giới, với kim ngạch trao đổi hàng hóa hằng năm lên đến hơn 500 tỉ USD. Động thái trên của phía Mỹ được đưa ra sau một cuộc điều tra liên quan đến khiếu nại của hãng Boeing (Mỹ). 

    Sau khi Bombardier giành được hợp đồng cung cấp 125 chiếc CSeries cho Hãng hàng không Delta (Mỹ) hồi tháng 4-2016, Boeing "tố" chính phủ Canada và Anh đã tài trợ cho Bombardier, giúp hãng này có ưu thế cạnh tranh không công bằng. Giá trị niêm yết của số máy bay trên vào khoảng 6 tỉ USD song con số thực sự không được công khai và Boeing cho rằng Bombardier chào giá thấp hơn nhiều.

    Hãng Bombardier, các nghiệp đoàn hàng không Canada và cả chính phủ Canada lẫn chính quyền tỉnh bang Quebec đồng loạt chỉ trích thuế suất nêu trên là "vô lý", "lố bịch", "mất trí" và là toan tính "bóp chết cạnh tranh". Họ cảnh báo thuế suất trên - dự kiến áp dụng năm 2018 khi hãng Delta nhận được chiếc máy bay CSeries đặt mua đầu tiên - sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái thương lượng Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và cũng kêu gọi áp đặt các biện pháp trả đũa.

    Vụ Bombardier kéo Mỹ, Canada vào chiến tranh thương mại ? - Ảnh 1.

    "Chúng tôi thất vọng trước quyết định đó và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt vì công ăn việc làm cho người dân Canada" - Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, đồng thời mô tả thuế suất của Mỹ mang tính "bảo hộ thương mại và thiếu chứng cứ xác đáng". Gọi đây là một "cuộc tấn công" nhằm vào Canada và Quebec, Thủ hiến Quebec Philippe Couillard đe dọa "Boeing sẽ phải hối tiếc về việc này" và "nền kinh tế Mỹ và công nhân Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả". Theo kênh FOX Business, chính quyền Quebec góp vốn gần 1 tỉ USD vào việc sản xuất máy bay phản lực CSeries.

    Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Feeland nhận định động thái này nhằm loại bỏ máy bay CSeries của Bombardier khỏi thị trường Mỹ. Bà Freeland cũng khuyến cáo đơn kiện của Boeing có nguy cơ gây mất việc làm đối với 23.000 nhân công người Mỹ đang làm việc tại các nhà cung cấp những bộ phận máy bay CSeries ở Mỹ.

    Cùng với Canada, Anh cũng nhanh chóng lên tiếng bởi 4.200 công nhân ở Bắc Ireland đang tham gia quá trình chế tạo CSeries. Thủ tướng Anh Theresa May đe dọa sẽ chiến tranh thương mại với Mỹ. Theo báo The Telegraph, bà May trực tiếp yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump can thiệp vào cuộc tranh chấp trên.

    Chính phủ Anh cảnh báo hành vi khiếu nại của hãng Boeing có thể "ảnh hưởng xấu" đến các hợp đồng trong tương lai với Bộ Quốc phòng nước này. Gã khổng lồ của Mỹ đang hy vọng bán 18 chiếc chiến đấu cơ Super Hornet cho Canada và 50 chiếc trực thăng Apache cho Anh.

    Phớt lờ những đe dọa tẩy chay, Boeing nhanh chóng tuyên bố chiến thắng hôm 27-9 (giờ địa phương): "Các khoản trợ cấp giúp Bombardier trút sản phẩm của họ vào thị trường Mỹ, làm hại các nhân công ngành hàng không Mỹ lẫn của dây chuyền Boeing trên toàn thế giới". Đáp lại, Bombardier cáo buộc Boeing dùng chiêu trò để kìm hãm cạnh tranh. (NLĐ)
    ----------------------

    Kinh tế Hồng Kông chịu rủi ro khủng hoảng tài chính cao nhất

    Theo hệ thống cảnh báo sớm của Ngân hàng Nomura, Hồng Kông và Trung Quốc lần lượt là hai nền kinh tế có nguy cơ trải qua khủng hoảng tài chính cao nhất.

    Bloomberg cho hay nhận định của Ngân hàng Nomura không có nghĩa chắc chắn hai nơi này sẽ có khủng hoảng. Nhà phân tích Rob Subbaraman thuộc Nomura Holdings ở Singapore cho biết: “Đây không phải là cách tiếp cận khoa học thuần túy vốn cho kết quả rất chính xác. Nó không có nghĩa là các chỉ số luôn luôn chính xác, ngay cả trong trường hợp các chỉ số từng chính xác trong quá khứ, nó cũng không hẳn sẽ đưa ra kết quả đúng trong tương lai”.

    Ông Subbaraman phát triển hệ thống này cùng nhà phân tích Michael Loo bằng dữ liệu từ đầu thập niên 1990. Kết quả cho thấy các thị trường mới nổi dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khủng hoảng tài chính hơn là các nước phát triển. Khu vực châu Á (không tính Nhật Bản) là nơi có nguy cơ cao nhất.

    Giới phân tích lựa chọn năm chỉ báo đưa ra tín hiệu về một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong 12 quý sắp tới. Đó là: tỷ lệ tín dụng doanh nghiệp và hộ gia đình trên GDP, tỷ lệ trả nợ doanh nghiệp và hộ gia đình, tỷ giá thực, giá bất động sản thực (hoặc sau khi điều chỉnh lạm phát) và giá chứng khoán thực.

    Cập nhật mới nhất của hệ thống cảnh báo lên đến 12 quý và bao gồm cả ba tháng đầu năm nay. Mỗi nền kinh tế có thể có tối đa 60 dấu hiệu cảnh báo về khủng hoảng tài chính. Hồng Kông là nơi có nhiều dấu hiệu nhất với 52 dấu hiệu, cao hơn cả mức từng có thời khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Số dấu hiệu của Trung Quốc hạ từ 41 xuống 40 so với báo cáo trước đó, cảnh báo cho giai đoạn tính đến quý 4/2016.

    “Hồng Kông có vẻ như đang trong vùng nguy hiểm”, chuyên gia Subbaraman cho hay. Giới phân tích thuộc Nomura cho rằng việc số lượng dấu hiệu của Đại lục sụt giảm là đáng khích lệ. Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vẫn nằm trong khu vực nguy hiểm và nếu không thêm nỗ lực để hạ “cơn nghiện” tín dụng và bất động sản, rất khó để ngăn chặn xu hướng tăng trưởng chậm lại.

    Số dấu hiệu về khủng hoảng tài chính của các nước khác thấp hơn nhiều so với đặc khu Hồng Kông và Trung Quốc. Tám cái tên tiếp theo trong danh sách chịu rủi ro khủng hoảng cao nhất đều là các thị trường mới nổi, sáu trong top 10 là ở châu Á. Ông Subbaraman mô tả hệ thống cảnh báo sớm là “bài tập khách quan xem xét những dấu hiệu sớm nhất, tốt nhất trong quá khứ và áp dụng chúng vào dữ liệu hiện tại”.(Thanhnien)
    ---------------------------

    Sức mạnh của Trung Quốc đối với giá đô la Mỹ

    Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thị trường tiền tệ thế giới, hãng tin Bloomberg nhận định.

    USD mới đây có bước ngoặc biến động khi chỉ số Bloomberg Dollar Spot tăng 2,5% từ mức thấp hôm 8.9. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực hơn trong việc tăng lãi suất và chính quyền Mỹ tung đề xuất cải cách thuế là hai lý do khiến giá USD đi lên. Tuy nhiên, đường đi của USD cũng trùng khớp với động thái mạnh mẽ của PBOC trong việc làm yếu nhân dân tệ.

    Theo nhiều nguồn tin, hôm 8.9, PBOC bật đèn xanh cho việc hạ giá nhân dân tệ (CNY). Nội tệ Đại lục khi đó xóa mức tăng đến 0,8% và mỗi ngày đều giảm cho đến thời điểm hiện tại.

    Đây không phải là lần đầu tiên thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc tương ứng với sự đảo chiều của đồng đô la Mỹ. Việc lãi suất liên ngân hàng ở Hồng Kông vào đầu tháng 1 đi lên hạ nhiều khoản cược cho rằng CNY sẽ giảm giá, giúp tỷ giá nhân dân tệ hải ngoại có tuần tăng tốt kỷ lục. Ở thời điểm đó, chỉ số Bloomberg Dollar Spot không có nhiều thay đổi song vẫn đạt điểm cao nhất trong năm nay.

    Vì CNY hải ngoại chỉ chiếm 3% thành phần cấu thành chỉ số Bloomberg Dollar Spot, diễn biến của nó không đủ sức làm thay đổi đồng bạc xanh. Euro và yen Nhật là hai đồng tiền có sức mạnh lớn nhất lên chỉ số trên, với mức ảnh hưởng lần lượt là 32% và 18%.

    Dù vậy, trong bối cảnh ý định của PBOC về nhân dân tệ vẫn chưa rõ ràng, các nhà giao dịch tiền tệ phải theo dõi biến động giá cả từng ngày theo tỷ giá tham chiếu. Tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ mạnh hơn dự báo cho thấy rằng giới chức Đại lục muốn chấm dứt tình trạng nội tệ suy yếu gần đây. (thanhnien)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn