Ngành Hải quan ước vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, ước thu ngân sách cả năm 2017 của ngành Hải quan đạt 293.500 tỷ đồng, vượt 2,99% dự toán.
Tổng cục Hải quan cho biết, ước thu ngân sách cả năm 2017 của ngành Hải quan đạt 293.500 tỷ đồng, vượt 2,99% dự toán. Nguồn: internet
Năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu là 285.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với thực hiện thu năm 2016.
Tháng 9/2017, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2017 cho ngành Hải quan lên 295.000 tỷ đồng.
Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan từ ngày 01/12 đến ngày 28/12/2017 do Kho bạc Nhà nước cung cấp đạt 27.207 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/12/2017 thu ngân sách của ngành Hải quan là 292.215 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán, đạt 99,06% chỉ tiêu phấn đấu Ban cán sự Đảng Bộ giao.
Trên cơ sở số thu những ngày đầu tháng 12, ước kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 12/2017 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, Tổng cục Hải quan ước thu ngân sách tháng 12/2017 đạt 28.000 tỷ đồng. Theo đó, ước thu ngân sách cả năm 2017 đạt 293.500 tỷ đồng, tăng 7,81% so với cùng kỳ năm 2016 (272.239 tỷ đồng), đạt 102,99% dự toán.(TCTC)
-------------------------------
Ngành Dự trữ Nhà nước: Hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2017
Ghi nhận nhiều thành quả từ nỗ lực phối hợp triển khai nhiệm vụ
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Lê Văn Thời cho biết: Với sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG); Sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể Lãnh đạo Tổng cục DTNN, cùng truyền thống đoàn kết, trong năm 2017, toàn thể cán bộ công chức trong Ngành đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành DTNN, ngày 25/12/2017.
Nổi bật trong đó có thể kể tới như công tác xuất hàng DTQG cứu trợ, viện trợ. Theo Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời, từ đầu năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ cho các địa phương, với tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 1.670 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã xuất cấp trên 127.000 tấn gạo và nhiều vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn gồm: Xuồng cao tốc, máy phát điện, máy bơm nước chữa cháy, nhà bạt, phao cứu sinh các loại, tổng trị giá là 1.461 tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói trong thời gian giáp hạt; Hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và viện trợ quốc tế…
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xuất cấp hàng triệu liều vắc xin; Hàng trăm tấn hóa chất, thuốc sát trùng; Hàng ngàn tấn hạt giống cây trồng, tổng trị giá hàng đã xuất cấp khoảng 207 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương để phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra.
Bộ Quốc phòng đã xuất cấp xe chuyên dùng ngành chính trị, trị giá khoảng 5 tỷ đồng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Bộ Công an tạm xuất 9 mặt hàng trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh an toàn phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2017.
“Đến nay, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; Vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống”, Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời nhấn mạnh.
Song song với công tác xuất hàng DTQG cứu trợ, viện trợ, Tổng cục DTNN đã làm tốt công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG. Năm 2017, Tổng cục DTNN đã thành lập Đoàn kiểm tra nhằm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý hàng DTQG tại một số bộ, ngành. Qua kiểm tra, hàng DTQG đã được kê xếp và bảo quản theo quy định; hàng DTQG ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng được bố trí để kho riêng. Chất lượng hàng DTQG được các bộ, ngành bảo quản bảo đảm an toàn, khi xuất ra sử dụng được ngay.
Nhằm tạo điều kiện trong phối hợp triển khai nhiệm vụ, Tổng cục DTNN đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng và triển khai các đề án, chính sách thuộc kế hoạch công tác. Tính chung cả năm 2017, đơn vị đã hoàn thành 04 đề án chính sách; 03 đề án chính sách do điều kiện khách quan chưa thể triển khai được, Bộ Tài chính đã đồng ý chuyển sang 2018 tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện...
Góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính
Biểu dương về những nỗ lực của ngành DTNN trong năm 2017, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đánh giá cao những kết quả mà tập thể cán bộ, công chức ngành DTQG đã đạt được trong năm 2017.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Đỗ Việt Đức phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, ngày 25/12/2017.
Thực vậy, trong năm 2017, nền kinh tế tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành DTNN như: Kinh phí hạn hẹp, thiên tai xảy ra nhiều vùng, yêu cầu về an sinh xã hội xuất hiện nhiều tình huống, có sự chuyển giao về mặt tổ chức... Trong điều kiện ấy, ngành DTNN đã tiếp tục phát huy được truyền thống, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
“Đến thời điểm này hầu hết các nhiệm vụ được giao của ngành DTNN đã hoàn thành và hoàn thành vượt định mức, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính và của cả nước”, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu khẳng định.
Sang năm 2018 – một năm dự báo kinh tế trong nước và thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị Tổng cục DTNN thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt, cần cập nhật các luật, các quy định và các văn bản mới...
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Ngành là nhập, xuất và bảo quản hàng dự trữ, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị: Điều đầu tiên là phải đảm bảo quy định về thời gian, yêu cầu xuất khi tình huống xảy ra nhưng cũng hết sức chú ý lựa chọn thời điểm. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, cho nên đòi hỏi công tác này phải làm thật nhanh, không được câu nệ về thủ tục hành chính", Thứ trưởng Trần Văn Hiếu yêu cầu.
Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất bao gồm hệ thống kho, trụ sở, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị: Tổng cục DTNN tiếp tục rà soát, sắp xếp lại theo hướng vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu tại chỗ nhưng không dàn trải; Rà soát thường xuyên danh mục mặt hàng để đảo kịp thời. “Trong điều kiện bây giờ không nhất thiết phải dự trữ tất cả các mặt hàng. Do đó, hàng năm đều phải rà soát thật kỹ càng theo tiến bộ khoa học, kỹ thuật, không chỉ đối với mặt hàng hàng điện tử, lương thực mà ngay cả với các mặt hàng chuyên dụng khác” – Thứ trưởng Trần Văn Hiếu lưu ý.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cũng đề nghị Tổng cục DTNN cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng đội ngũ và quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trên tinh thần tinh gọn bộ máy nhưng đảm bảo sự ổn định và phát triển.Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cũng như các ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành tham gia phối hợp quản lý hàng DTQG; Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Tài chính cũng như các Cục DTNN khu vực, ông Đỗ Việt Đức, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN khẳng định: Toàn ngành DTNN sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, tồn tại, phát huy tinh nội lực, đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài chính giao năm 2018.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Tổng cục DTNN; Vụ Quản lý hàng dự trữ và Vụ Thanh tra thuộc Tổng cục DTNN.
Cũng tại Hội nghị, để ghi nhận những kết quả và thành tích đã đạt được của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành DTNN trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 7 tập thể (trong đó có 4 tập thể thuộc Tổng cục DTNN); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 21 cá nhân thuộc Tổng cục DTNN đã có thành tích trong công tác từ năm 2012-2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2017.(TCTC)
--------------------------------
60.000 tỷ đồng thu về NSNN từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước
Bước chuyển lớn trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Tại buổi Họp báo, ông Đặng Quyết Tiến đã thông tin về tình hình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2017. Cụ thể, tính đến ngày 20/12/2017, cả nước đã có 45 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế DN là 213.747 tỷ đồng (gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các DN đã cổ phần hóa trong năm 2016), giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 88.390 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn nhà nước của các DN đã cổ phần hóa năm 2016); Tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 93.888 tỷ đồng.
Công tác thoái vốn nhà nước tại các DN cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể trong năm 2017 đã có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.
Ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại DNNN năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, số lượng DN thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều nhưng DN cổ phần hóa đều có quy mô vốn lớn (lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm 2017 đã đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 60.000 tỷ đồng theo Nghị quyết được Quốc hội giao.
Để có được những kết quả tích cực trên, theo ông Đặng Quyết Tiến, trong năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính đối với DNNN; Tích cực đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo lộ trình đã đề ra.
Trong năm 2017, nhiều cơ chế chính sách quan trọng phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như: Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020"; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần... Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý này đã giải quyết các tồn tại về cơ chế chính sách cổ phần hóa trong giai đoạn trước, đồng thời tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới diễn ra mạnh mẽ hơn.
Giải pháp trọng tâm cho giai đoạn tới
Nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, rà soát các luật có liên quan như Luật DN; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Bộ luật Lao động và các quy định có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của DNNN thời gian tới.
Hai là, cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DNcổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ động xử lý các vấn đề về tài chính, lao động trước khi cổ phần hóa theo quy định, xác định thời điểm xác định giá trị DN, công bố giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Ba là, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các DN đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Nghiêm túc triển khai việc bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
Bốn là, tăng cường vai trò giám sát đối với DN; Cơ quan giám sát, DN cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư cùng DN.
Năm là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; Kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; Có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN; Thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn...(TCTC)
--------------------------
Việt Nam thăng hạng trong 3 cuộc đua toàn cầu
Qua bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranhcủa nước ta năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất. Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong năm qua. Nguồn: internet
Nhận định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ba bộ chỉ số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới), chỉ số môi trường kinh doanh (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) và chỉ số về đổi mới sáng tạo (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).
Cụ thể, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Kết quả này đạt được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc (với 32/114 chỉ số thành phần vừa tăng điểm và tăng bậc, 24/114 chỉ số thành phần tăng hạng nhưng điểm số không đổi hoặc tăng điểm nhưng thứ hạng không đổi). Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (như thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường) đã có sự cải thiện.
Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc. Kết quả tích cực này đạt được bởi 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc. Trong đó, Nộp thuế (tăng 61 bậc) và Tiếp cận điện năng (tăng 32 bậc) là 2 chỉ số đóng góp đáng kể nhất vào cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ chỉ số thứ ba là đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan (vị trí 51). Sự cải thiện này chủ yếu đạt được nhờ việc cập nhật kịp thời dữ liệu cho Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.
Ngoài ra, trong năm 2017, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch đã tiến hành đánh giá mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam năm 2016. Đến nay, 2 trong 3 tổ chức (gồm Moody’s và Fitch) đã công bố nâng xếp hạng về triển vọng của Việt Nam từ mức ổn định lên mức tích cực.
Riêng về bộ chỉ số Chính phủ điện tử mà Nghị quyết 19 đề cập, năm nay Liên Hiệp quốc chưa công bố vì bộ chỉ số này công bố 2 năm/lần. Do vậy, chưa có kết quả cụ thể về cải cách chỉ số này.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện tích cực nhưng vẫn thiếu tính bền vững bởi còn có chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực.
Ví dụ, hiệu quả thị trường hàng hoá nhiều năm chưa có sự cải thiện, suy giảm ở hầu hết các chỉ số thành phần. Đáng chú ý là mức độ cạnh tranh (hiệu lực của chính sách chống độc quyền kém, môi trường kinh doanh không thuận lợi) và chất lượng các điều kiện cầu giảm.
Chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục ít được cải thiện; trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ tuy có sự cải thiện, nhưng tốc độ chậm.
Một số chỉ số về Môi trường kinh doanh vẫn nằm cuối bảng xếp hạng (như Khởi sự kinh doanh - thứ 123; Giải quyết phá sản doanh nghiệp – thứ 129). Đáng chú ý là chỉ số Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nhiều năm nay không có cải cách và sự cải thiện nào.
Trụ cột về thể chế (ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh) tuy có sự cải thiện, nhưng còn chậm và vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 6 về xếp hạng năng lực cạnh tranh, và thứ 5 về xếp hạng môi trường kinh doanh. Những năm gần đây, Indonesia, Brunei và Thái Lan liên tục có mức cải thiện nhanh và mạnh mẽ hơn chúng ta. Vì thế mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trở nên thách thức hơn và đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng điểm một số kết quả thể hiện những nỗ lực cải cách của các Bộ, ngành, như Chỉ số Nộp thuế và BHXH tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167) nhờ nỗ lực mạnh mẽ của ngành Tài chính trong cải cách chính sách, thủ tục hành chính thuế và của ngành bảo hiểm trong áp dụng giao dịch điện tử.
Tiếp cận điện năng liên tục tăng điểm và tăng hạng trong 4 năm qua, trong đó năm 2017 tăng hạng nhiều nhất (32 bậc). Nếu tính cả 4 năm từ khi EVN triển khai các giải pháp về đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng cung cấp điện theo yêu cầu của Nghị quyết 19 thì Tiếp cận điện năng tăng 92 bậc, từ vị trí cuối bảng xếp hạng lên vị trí trung bình trên.
Tiếp cận tín dụng cải thiện tốt (thứ 29/190) nhờ quy định mở rộng phạm vi tài sản giao dịch bảo đảm; và do Ngân hàng Nhà nước triển khai tích cực các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng.
Cấp phép xây dựng có nhiều thay đổi tích cực, thứ hạng tăng 4 bậc (đạt vị trí 20/190). Kết quả này ghi nhận những nỗ lực của ngành xây dựng trong việc sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật; tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan (công an, cấp thoát nước,…) để minh bạch hóa, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục nhằm rút ngắn thời gian Cấp phép xây dựng cho người dân, doanh nghiệp.
Giao dịch thương mại qua biên giới tuy không cải thiện về thứ hạng, nhưng điểm số tuyệt đối tăng nhờ cải thiện về thủ tục hải quan và trong một số lĩnh vực về quản lý chuyên ngành (như kiểm dịch thực vật,…).(Baochinhphu)