TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-01-2016

    Thủ tướng: Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực còn khá lớn

    thu tuong: khoang cach giua viet nam va cac nuoc trong khu vuc con kha lon

    Thủ tướng: Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực còn khá lớn


    Trong khu vực, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar, thấp hơn nhiều so với Singapore.

    Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng, Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Phước: Chính phủ, Thủ tướng đã và sẽ có giải pháp gì để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nhà phân tích hoạch định chiến lược đang đặt ra?

    Trả lời chất vấn của Đại biểu Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội sau 30 năm đổi mới toàn diện nền kinh tế và chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

    “Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình từ năm 2009. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt khoảng 2.228 USD” – Thủ tướng cho biết.

    Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực là khá lớn. GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar, thấp hơn nhiều so với Singapore.

    Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào các yếu tố như vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động giá rẻ.

    Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhận định, hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

    Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Năng suất lao động Việt Nam dù liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn thấp, chỉ ở mức trung bình của khối ASEAN.

    “Trên cơ sở đánh giá thực trạng nền kinh tế, để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững” – Thủ tướng nhấn mạnh.

    Trong đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược để tháo gỡ các nút thắt tăng trưởng; tăng cường khả năng kết nối với thị trường các nước trong khu vực cả về thể chế kinh tế và kết cấu hạ tầng; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là những lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến chi phí, thời gian của doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

    Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào ba lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; nâng dần tỷ trọng đóng góp của công nghệ, vốn con người vào tăng trưởng.

    Hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu quả của công tác quy hoạch; rà soát các sản phẩm chủ yếu để có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp; tập trung nguồn lực cho những ngành công nghiệp gắn với những thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dệt may và da giày...

    Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

    Cùng với đó là tăng cường năng lực dự báo, quản lý rủi ro thị trường tài chính, quản lý các dòng vốn để ổn định kinh tế vĩ mô khi đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế; nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững.


    Đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển ngành than

    day manh trien khai quy hoach phat trien nganh than

    Đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển ngành than


    Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

    Năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tất cả các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2015 đề ra. Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn có hiệu quả và có lãi; các chỉ tiêu kinh tế đều thực hiện tốt, đạt kế hoạch đề ra.

    Than nguyên khai sản xuất, than sạch: đạt 100% kế hoạch và bằng 101% so với cùng kỳ 2014. Than tiêu thụ: 35,5 triệu tấn bằng 101% kế hoạch. Sản xuất tinh quặng đồng đạt 104,6% kế hoạch; kẽm thỏi đạt 101% kế hoạch năm; alumin đạt 100,3% kế hoạch. Sản xuất và tiêu thụ điện đạt 8.991 triệu kWh đạt 104,5% kế hoạch.

    Sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ bản năm 2015 hoàn thành kế hoạch đề ra và cao hơn năm 2014. Nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đã được khởi công như công trình đầu tư thăm dò xuống sâu: Dự án Khe Chàm, Mạo Khê, Hà Lầm và 19 Dự án đầu tư hầm lò khác...

    Bên cạnh những thành tích đã đạt được, một số lĩnh vực của Tập đoàn vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập trong sản xuất và kinh doanh, cần sớm tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là công tác an toàn lao động, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, công tác quản lý vật tư và xử lý vấn đề môi trường...

    Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam để khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than trong nước.

    Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là khai thác than theo đúng quy định để bảo đảm phát triển bền vững.

    Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng cần chú trọng công tác đào tạo, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất trước mắt và lâu dài; quan tâm bảo đảm đời sống cho người lao động; tiếp tục thực hiện giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong công tác an toàn lao động, ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động và các sự cố lớn, đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc.

    Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nghiên cứu đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa khai thác than hầm lò để tiếp tục thăm dò xuống sâu; hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị tiên tiến, phù hợp, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội nhằm nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh, đảm bảo đúng tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án xây dựng các mỏ than hầm lò mới, đáp ứng đủ than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

    Tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò để sớm xác định trữ lượng tin cậy phục vụ cho kế hoạch sản xuất 5 năm 2016-2020, giai đoạn đến năm 2025 và sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành than. Quá trình tìm kiếm, thăm dò nguồn tài nguyên than không dừng lại ở mức -300m, mà tiếp tục thăm dò phần tài nguyên than dưới -300 m ở các khu vực có triển vọng để tiết kiệm chi phí sau này.


    Bộ Công Thương chưa có chủ trương tăng giá điện

    bo cong thuong chua co chu truong tang gia dien

    Bộ Công Thương chưa có chủ trương tăng giá điện


    Bộ Công Thương khẳng định chưa có chủ trương và chưa nhận được văn bản đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

    Đó là khẳng định được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra khi trao đổi về vấn đề điều chỉnh giá điện trong năm 2016 tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016.

    Trước câu hỏi về việc giá dầu thế giới giảm sẽ tác động thế nào đến việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới và liệu giá điện có giảm theo? Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định giá dầu giảm không có tác động làm cho giá thành sản xuất điện giảm mạnh.

    Thứ trưởng Hải dẫn chứng, hiện trong cơ cấu giá thành sản xuất điện thì lượng điện chạy phát dầu chỉ chiếm chưa đầy 1%. Do đó, cho dù giá xăng dầu tăng hay giảm đều không ảnh hưởng đến giá điện.

    Đồng thời liên quan đến việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết giá điện có thay đổi hay không cần phải đánh giá đầy đủ các tác động của yếu tố đầu vào.

    “Hiện Bộ Công Thương chưa có chủ trương và chưa nhận được văn bản đề xuất tăng giá điện của EVN, nếu tăng phải từ đề xuất của EVN. Có quy định giá thành tăng bao nhiêu % Bộ Công Thương quyết định và nếu cao hơn mức ấy thì phải báo cáo Chính phủ. Trước mắt chưa điều chỉnh giá điện” – Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

    Trước đó, liên quan đến tình hình cung cấp điện trong các tháng cuối năm 2015, do tình khô hạn đã khiến cho EVN phải chạy dầu để cung cấp đủ điện tại miền Trung và miền Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tình hình khô hạn đã ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện của các thủy điện. Do đó, từ ngày 26/11/2015 Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về tình hình và khuyến cáo sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

    Đồng thời, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và EVN trong việc điều tiết nước sinh hoạt, sản xuất và tối ưu hiệu quả phát điện lâu dài. Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các tỉnh để điều tiết nước theo đúng quy định, đặc biệt là hồ thủy điện tại miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

    Đến tháng 12/2015 diễn biến cung cấp nước vẫn tiếp tục bất lợi. Thứ trưởng cho biết hiện nay theo báo cáo EVN đã chủ động huy động một số nguồn nhiệt điện chạy dầu để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Đồng thời khẳng định các đơn vị đang hết sức cố gắng để đảm bảo tình hình cung cấp đủ điện cho người dân.


    Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm 2016

    Đó là nhận định được ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đưa ra trong báo cáo mới công bố về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016.

    Trong báo cáo mới công bố về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,9%, cao hơn con số 6,6% dự báo trước đó, mặc dù tăng trưởng toàn cầu có thể ở mức thấp 2,9% trong năm 2016.

    Theo nhận định của Standard Chartered, nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam là nhờ vào yếu tố sản xuất và xây dựng trong bối cảnh thu hút FDI tiếp tục tăng. Ngân hàng này dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

    Ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, Việt Nam đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và vẫn sẽ thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2016.

    “Chúng tôi tin rằng Việt Nam là một trong số vài nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa” – ông Nirukt Sapru phát biểu.

    Trên cơ sở đó, Ngân hàng này cũng dự báo đầu tư sẽ đóng góp tỷ lệ cao hơn vào tăng trưởng so với năm 2015 nhờ lượng vốn FDI được giải ngân cho các dự án sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.


    Ngành du lịch: Hạn chế bất cập, nâng tính cạnh tranh

    nganh du lich: han che bat cap, nang tinh canh tranh

    Ngành du lịch: Hạn chế bất cập, nâng tính cạnh tranh


    Ngành du lịch đặt ra một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục hạn chế, bất cập, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016.

    Năm 2015, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 7,94 triệu lượt, tăng 0,9% so với năm 2014. Lượng khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỉ đồng.

    Trên cơ sở đó, năm 2016, ngành du lịch phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa; phấn đấu tổng doanh thu từ du khách đạt 370.000 tỉ đồng.

    Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Du lịch đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong năm 2016.

    Thứ nhất, tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, trong đó ưu tiên số một là hoàn thiện Luật Du lịch (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình trước Quốc hội. Ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP và Chỉ thị số 14 CT-TTg 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực chuyên ngành như: Lữ hành, lưu trú, quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

    Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ dưới tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP, việc chủ động hội nhập quốc tế được ngành du lịch xác định là nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 phải tập trung thực hiện trong năm 2016.

    Cụ thể là ngành tăng cường hơn nữa các chương trình hợp tác du lịch trong ASEAN, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS); khai thác hiệu quả những lợi thế khi tham gia TPP, đồng thời hạn chế các tác động không thuận lợi.

    Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 là đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ của ngành, nhất là thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tại các địa bàn trọng điểm, những nơi có nhiều lợi thế về tài nguyên và điều kiện phát triển du lịch như: Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng…

    Năm 2016 cũng là năm ngành du lịch sẽ tổ chức và tham gia các hoạt động, sự kiện lớn như: Phối hợp chỉ đạo, tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Kiên Giang 2016 và xây dựng kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai. Tổ chức các hội chợ du lịch quy mô quốc tế tại Việt Nam như: VITM Hà Nội 2016, Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng, Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM, hội thảo quốc tế về du lịch và thể thao trong khuôn khổ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016.

    Đây là những sự kiện lớn do ngành du lịch Việt Nam tổ chức với quy mô và tầm ảnh hưởng quốc tế.

    Nhiệm vụ trọng tâm thứ năm là đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch. Tăng cường liên kết sản phẩm theo lãnh thổ, chuyên đề; theo liên kết thị trường và đặc biệt gắn với các trung tâm du lịch các thành phố lớn. Việc liên kết xúc tiến quảng bá giữa Tổng cục và địa phương doanh nghiệp bộ, ngành liên quan cũng sẽ được tập trung chú trọng trong năm nay.

    Cuối cùng, ngành du lịch xác định nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp và đồng bộ trong các hoạt động. Cụ thể, Tổng cục Du lịch sẽ đề xuất với Bộ VHTT&DL ban hành Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch. Hai chiến lược trên sẽ triển khai đồng bộ cùng Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn