TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-07-2018

    Xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ tăng chậm lại

    -Riêng tháng Sáu, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 3,8%, tụt mạnh so với mức tăng 27,6% trong cùng tháng này của năm 2017.

    Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Mỹ trong nửa đầu năm nay tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 19,3% được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm ngoái.

    Trong các tháng 1-6/2018, xuất khẩu các sản phẩm điện tử và cơ khí - chiếm 62,6% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ - đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

    Mức tăng trong xuất khẩu sản phẩm truyền thống thường cần nhiều lao động, trong đó có may mặc và đồ nội thất, vẫn "không tăng giảm" so với cùng kỳ năm ngoái.

    Riêng tháng Sáu, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 3,8%, tụt mạnh so với mức tăng 27,6% trong cùng tháng này của năm 2017. Xuất khẩu hàng hóa cần nhiều lao động tăng 3,5%, trong lúc xuất khẩu nông sản giảm 0,9%.

    Cổ phiếu và đồng nội tệ Trung Quốc tiếp tục giảm trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh sắp áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau.

    Trong một diễn biến khác, Chính phủ Mỹ đang tiến tới việc "cấm cửa" nhà mạng China Mobile của Trung Quốc vào thị trường viễn thông Mỹ, cho rằng doanh nghiệp quốc doanh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

    Trong một tuyên bố được đăng trên trang web ngày 2/7, Cơ quan Thông tin và truyền thông quốc gia Mỹ (NTIA) khuyến cáo Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) nên bác đơn xin cung cấp các dịch vụ viễn thông giữa Mỹ và các nước khác mà China Mobile đã nộp hồi năm 2011.

    Trong khuyến cáo của mình, NTIA cho rằng đơn xin của China Mobile đặt ra "những rủi ro lớn và không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia và việc thực thi pháp luật".

    China Mobile, nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới với 899 triệu thuê bao, hiện chưa đưa ra bình luận nào về động thái trên của NTIA.(TTXVN)
    -------------------------

    Hoa Kỳ áp thuế đối với thép, nhôm nhập khẩu và ảnh hưởng tới Australia

    Theo tuyên bố số 9705 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 08/3/2018, Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2018.

    Theo tuyên bố số 9705 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 08/3/2018, Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2018.

    Một số đồng minh của Hoa Kỳ gồm EU, Canada và Mexico được tạm miễn trừ thời gian đầu nhưng đã chính thức phải chịu mức thuế này bắt đầu từ 1/6/2018.

    Chỉ có một số ít các quốc gia gồm Hàn Quốc, Argentina, Australia và Brazil (chiếm 30% lượng thép nhập khẩu của Hoa Kỳ năm 2017) tạm thời được miễn trừ thuế nhưng phải chấp nhận một mức hạn ngạch để được xuất khẩu thép vào thị trường này. Chính phủ Australia đang làm việc tích cực với mục tiêu mong muốn cho hạn ngạch được cấp ở mức tối thiểu bằng 100% lượng thép và nhôm đã xuất khẩu được vào Hoa Kỳ năm 2017 để tính đến khả năng tăng trưởng thời gian tới. Nhưng dường như đây là mục tiêu khó đạt được do Chính phủ Hoa Kỳ đang tìm các biện pháp để hạn chế việc các quốc gia được miễn trừ sẽ trở thành cửa ngõ đưa thép giá rẻ của Trung Quốc vào được nước này.

    Theo quyết định sơ bộ của Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ cho biết, mức thuế nếu được áp dụng đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Australia sẽ nhằm vào các sản phẩm từ thép cuộn cán nóng của Úc, một loại thép hàng hóa được sử dụng trong các bộ phận kết cấu, bể chứa và bình gas.
    BlueScope Steel và Arrium Steel là hai nhà sản xuất thép lớn nhất của Australia, trong đó BlueScope là người chơi chính trên thị trường Hoa Kỳ. BlueScope xuất khẩu từ 200.000 tấn đến 300.000 tấn thép cuộn cán nóng sang Hoa Kỳ mỗi năm, một phần nhỏ trong công suất sản xuất 2,6 triệu tấn của lò luyện gang Port Kembla. Bluescope hiện đang sử dụng hơn 3000 công nhân của Hoa Kỳ và đầu tư gần 3 tỷ USD tài sản tại nước này. Các quyết định sau này của Chính phủ Hoa Kỳ đối với sản phẩm thép có thể thay đổi định hướng xuất khẩu của Tập đoàn Bluescope sang các thị trường khác ngoài Hoa Kỳ thời gian tới.
    Hoa Kỳ chiếm khoảng 0,8% giá trị thép xuất khẩu và 1,5% giá trị nhôm xuất khẩu của Australia năm 2017. Giá trị thép xuất khẩu trung bình hàng năm của Australia sang Hoa Kỳ khoảng 210 triệu USD và nhôm khoảng 213 triệu USD.(VietnamExport)
    --------------------------

    Trung Quốc đưa các lò thép sang ASEAN

    Trong vòng 4 năm qua, các công ty thép Trung Quốc đã “đóng góp” tới 32 triệu tấn công suất thép trong các dự án thép mới ở Indonesia và Malaysia.

    Các doanh nghiệp Trung Quốc đã rót hàng tỉ USD vào các dự án than đá và thép khi họ theo đuổi các thị trường mới bằng cách chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á.

    Thực vậy, trong vòng 4 năm qua, các công ty thép Trung Quốc đã “đóng góp” tới 32 triệu tấn công suất thép hằng năm trong các dự án thép mới ở Indonesia và Malaysia, theo tính toán của Financial Times, tương đương với hơn 40% tổng mức tiêu thụ thép vào năm 2016 của 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

    Thép là một mặt hàng gây tranh cãi khi căng thẳng thương mại bùng nổ giữa Washington và Bắc Kinh, theo đó Mỹ áp các mức thuế quan lên thép thế giới trong bối cảnh thép Trung Quốc đang tràn ngập các thị trường quốc tế. Cộng với nhu cầu nội địa của Trung Quốc tăng mạnh vào năm ngoái, các mức thuế quan của Mỹ đã khiến Trung Quốc giảm lượng thép xuất khẩu.

    Thay vào đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã chọn cách di dời các cơ sở sản xuất hoặc đầu tư vào các nhà máy ở nước ngoài, chủ yếu là ở Đông Nam Á để sản xuất và bán hàng trực tiếp tại các thị trường đang tăng trưởng nhanh mà không phải lo lắng gì về việc bị áp mức thuế quan.

    Mặt khác, mức thu nhập đang tăng nhanh ở Đông Nam Á cũng đồng nghĩa với cơn bùng nổ về sản xuất ô tô và xây dựng, trong khi đây là 2 ngành “ngốn” một lượng thép khổng lồ. Bằng chứng là Indonesia và Malaysia vẫn nhập khẩu hơn phân nửa lượng thép mà họ tiêu thụ mỗi năm.

    Đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, sự chuyển dịch này là để củng cố quyền lực thống trị của họ. Xét về sản lượng, ngành thép Trung Quốc là lớn nhất thế giới, chủ yếu nhờ hàng thập niên duy trì sức cầu mạnh mẽ trong nước.

    Thế nhưng, điều này đang thay đổi khi các nhà chức trách Trung Quốc đã cắt mạnh sản lượng thép và gói kích cầu khổng lồ trong nước đang được rút lại. “Các cơ hội đầu tư của Trung Quốc tại thị trường nội địa đang giảm mạnh, vì thế các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở các thị trường nước ngoài”, Tomas Gutierrez, biên tập viên về châu Á thuộc tạp chí trong ngành Kallanish Commodities, nhận định.

    Trung Quoc dua cac lo thep sang ASEAN

     

    Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đầu tư vào các ngành liên quan đến thép như quặng sắt và niken, vốn là những nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất thép không gỉ.

    Tại Indonesia, tập đoàn Trung Quốc Tsingshan Group đầu tư vào dự án mở rộng một lò nấu chảy niken cấp thấp với công suất hằng năm 1,5 triệu tấn, bằng cách vay 384 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), một tổ chức cho vay chính sách thuộc sở hữu nhà nước.

    Tại Malaysia, Xinwuan Steel Group và MCC Overseas, một chi nhánh xây dựng của tập đoàn nhà nước Minmetals, đang xây dựng một nhà máy luyện than cốc và nhà máy xi măng gần một nhà máy thép mới trị giá 3 tỉ USD. 

    Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã giảm công suất sản xuất thép lên tới 150 triệu tấn nhằm tinh lọc và chỉnh đốn các ngành công nghiệp đã lỗi thời và giảm thiểu tác hại gây ra cho môi trường. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng đền bù cho phần công suất bị cắt giảm này bằng cách dựng lên các nhà máy thép ở bên ngoài lãnh thổ. 

    Chẳng hạn, Jianlong Group, một trong những tập đoàn tư nhân sản xuất thép lớn nhất tại “vựa” thép tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đã và đang thâu tóm công suất sản xuất ở các tỉnh khác và thậm chí vươn cánh tay ra nước ngoài để tránh các quy định nghiêm ngặt về hạn chế công suất sản xuất thép của tỉnh Hà Bắc. 

    Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nói rằng nhân tố lớn nhất đằng sau cuộc thập tự chinh ra nước ngoài của các nhà sản xuất thép Trung Quốc chính là tham vọng lớn muốn sản xuất và bán trực tiếp tại các thị trường đang tăng trưởng nhanh, trong đó có Đông Nam Á và tránh các mức thuế quan của Mỹ. 

    “Khi nhiều quốc gia phát triển đi lên, họ thích được tự cung tự cấp hơn, họ thích có được ngành thép của riêng mình”, Paul Bartholomew, nhà điều hành cấp cao tại S&P Global Platts, một tổ chức cung cấp thông tin về hàng hóa và năng lượng, nhận định. Bartholomew cũng lưu ý rằng tham vọng muốn độc lập về sản xuất vẫn được hun đúc, mặc dù công suất sản xuất thép của thế giới đang dư thừa. 

    Trong khi đó, các công ty thép và các nhà thầu Trung Quốc lại được tiếp cận dòng vốn vay giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh trong nước, cho phép họ trở thành những nhà đấu thầu giá rẻ và hấp dẫn trong các dự án ở Đông Nam Á.

    Việc thâu tóm cổ phần trong ngành thép nội địa của Đông Nam Á cũng đang diễn ra khi xuất khẩu thép Trung Quốc sang khu vực này đang giảm xuống. Xuất khẩu thép sang các nước ASEAN đã giảm tới 42% trong suốt 9 tháng đầu tiên của năm 2016, giảm mạnh hơn cả mức giảm 30% của thế giới, theo Hiệp hội Sắt Thép Đông Nam Á.(NCĐT)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn