TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-12-2015

    Ngân hàng Đài Loan tìm cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam

    ong tseng ming-chung - anh: bloomberg

    Ông Tseng Ming-chung - Ảnh: Bloomberg


    The China Post ngày 5.12 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Cố vấn tài chính Đài Loan Tseng Ming-chung cho biết: Các ngân hàng và công ty bảo hiểm Đài Loan sẽ có thể có được 100% cổ phần các ngân hàng tư nhân Việt Nam.
    Ông Tseng đưa ra tuyên bố trên tại thủ phủ Đài Bắc, sau khi trở về từ Việt Nam hôm 2.12. Đây cũng là lần đầu tiên một người lãnh đạo cơ quan quản lý tài chính của Đài Loan sang Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội mới để các ngân hàng Đài Loan mở rộng tầm với tại thị trường đang bùng nổ này ở Đông Nam Á.
    Trong thời gian ở Việt Nam, ông Tseng cho biết đã gặp các nhà quản lý tài chính sở tại và ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng.
    Ông Tseng là người đã thúc đẩy hàng loạt biện pháp nhằm giúp các ngân hàng Đài Loan phát triển quy mô nhằm đạt tầm cỡ của các đồng nghiệp trong khu vực. Quan chức này nói rằng chính phủ Việt Nam đã hứa cho các nhà đầu tư Đài Loan nắm giữ đến 30% cổ phần tại các ngân hàng sở hữu nhà nước và 100% tại các ngân hàng sở hữu tư nhân địa phương.
    Liên quan đến ngành bảo hiểm, ông Tseng cho biết phía Đài Loan cũng đã nhất trí với Việt Nam tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa.
    Ông Tseng cho biết có khả năng các hãng bảo hiểm Đài Loan sẽ được phép mở chi nhánh bảo hiểm tại Việt Nam trong tương lai. Hiện họ chỉ được phép mở văn phòng đại diện mà thôi.
    Đổi lại, chính phủ Việt Nam hy vọng các công ty dịch vụ tài chính của Đài Loan có thể bơm vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

    Xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập liên tục tăng

    xuat khau ca ngu sang ai cap lien tuc tang

    Xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập liên tục tăng


    Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 năm trở lại đây, trước sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường cá ngừ lớn và cạnh tranh giữa các thị trường ngày càng tăng, thì Trung Đông, đặc biệt là Ai Cập, trở thành điểm đến mới cho các nước xuất khẩu cá ngừ.

    VASEP cho biết, năm 2014 trong khi nhập khẩu cá ngừ của 20 thị trường lớn nhất thế giới hầu hết đều giảm, nhập khẩu cá ngừ của Ai Cập lại tăng. Tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ của nước này trong năm 2014 đạt hơn 52.246 tấn, tương đương hơn 163 triệu USD, tăng 31% về khối lượng và 9% về giá trị so với năm 2013.

    Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện Ai Cập đang nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ 17 nước trên thế giới, trong đó, đứng đầu là Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Ai Cập nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, chiếm hơn 99% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của nước này.

    Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ai Cập tăng liên tục. Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây đạt gần 2,5 triệu USD, tăng gần 63% so với năm 2013. Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp sang đây. Tuy nhiên, do giá cá ngừ đóng hộp năm 2015 thấp hơn năm trước nên giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây trong 9 tháng đầu năm nay đang thấp hơn so với cùng kỳ.

    Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan và Indonesia. Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều tăng, trong đó Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất lên tới 136% so với năm 2013. Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia chỉ tăng có 10% và 8%.

    Theo đáng giá của VASEP, nhìn chung, so với các thị trường lớn như EU, Mỹ và Nhật Bản, yêu cầu đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến của Ai Cập không phức tạp. Người tiêu dùng Ai Cập ưa chuộng sử dụng các sản phẩm đơn giản. Hơn nữa, với những bất lợi về thuế quan tại thị trường châu Âu, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới như Ai Cập có thể xem là một hướng đi mới đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp.


    Chủ tịch ngân hàng Trung Quốc từ chức sau bê bối tham nhũng

    Zhang Yun, chủ tịch ngân hàng lớn thứ tư tại Trung Quốc đã thôi chức “vì lý do cá nhân”, sau những tin đồn xung quanh vụ điều tra tham nhũng nhằm vào ông, theo AP ngày 5.12.

    Thông báo đưa ra vào ngày 5.12 không nói về chi tiết trong quyết định thôi chức của Zhang Yun tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, nhưng nó rất có thể liên quan tới vụ cáo buộc tham nhũng vốn dẫn tới việc bắt giữ ông này hồi 3.11.

    Tuần san thông tin tài chính uy tín Caixin nói rằng ông Zhang bị giáng chức và chịu tù treo hai năm hồi tháng 10 qua. Đây là kết quả từ hàng loạt trường hợp điều tra do cơ quan giám sát chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết chi nhánh ở thành phố Thâm Quyến của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng bị điều tra tham nhũng trước đó.

    Ông Zhang năm nay 56 tuổi, đã làm việc trong Ngân hàng Nông nghiệp từ năm 1985 và bắt đầu giữ chức chủ tịch từ năm 2009.

    Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được thành lập ở nước này năm 1951.

    Một thông báo đưa ra hôm 4.12 trên website của Thị trường Chứng khoán Hồng Kông cho biết việc từ chức của ông Zhang có hiệu lực tức thì và không có vấn đề gì liên quan đến vụ việc của ông ấy mà “các cổ đông và chủ nợ của ngân hàng nên biết đến”..

    Do kinh tế đang tăng trưởng chậm đi, lợi nhuận của 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đã tụt giảm mạnh trong 3 quý đầu của năm nay, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,57%..


    OPEC quyết không giảm sản lượng dầu

    Theo Bloomberg, 31,5 triệu thùng/ngày là con số phù hợp với sản lượng dầu thô mà OPEC được cho là đang sản xuất thời gian gần đây. Trước đây, mục tiêu sản lượng của OPEC là 30 triệu thùng mỗi ngày và con số này không tính mức sản xuất của Indonesia, nước tái gia nhập OPEC sau khi từ bỏ tư cách thành viên hơn 7 năm.
    Tháng 10 vừa qua, các nước thành viên OPEC sản xuất tổng cộng 31,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, theo ước tính của báo cáo thị trường hằng tháng của OPEC. Một năm trước, OPEC là nhân tố khiến giá dầu sụt giảm sâu vì quyết định tiếp tục duy trì sản lượng, khiến thị trường dư cung để buộc các nhà sản xuất với chi phí cao phải chùn bước.
    Ả Rập Xê Út, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất và là nước định hình chính sách của OPEC, vẫn phản đối việc cắt giảm sản xuất trừ khi các nước ngoài OPEC chịu hợp tác. OPEC đã bơm nhiều dầu hơn so với mục tiêu họ đặt ra trong 18 tháng qua, theo số liệu của Bloomberg.
    Năm qua, dầu thô giảm giá khoảng 38%. Dầu Brent đang hướng đến mức giá trung bình năm thấp nhất trong một thập niên sau khi chạm đáy 6 năm là 42,23 USD/thùng vào ngày 24.8. Ngay sau thông tin giữ nguyên sản lượng của OPEC, giá dầu Brent hạ 2,1% xuống còn 42,91 USD/thùng, trong khi dầu WTI thì giảm 2,9% xuống còn 39,9 USD/thùng.
    Chính sách của OPEC đang ép chặt thu nhập của các nước thành viên. Tổng cộng doanh thu từ dầu mỏ của các nước này có thể tuột xuống 550 tỉ USD từ mức trung bình 1.000 tỉ USD trong 5 năm qua, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
    Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) hôm 4.12, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh nói: “Các nước thành viên OPEC đã mất rất nhiều tiền”. Venezuela, nước có dự trữ ngoại hối trượt xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua, là quốc gia dẫn đầu những lời kêu gọi cắt giảm sản lượng, theo sau là Ecuador.
    Theo IEA, lượng dầu tồn kho toàn cầu đang lên đến mức kỷ lục khi cả Ả Rập Xê Út, Nga và Iraq đều tăng hạn ngạch sản xuất. Thị trường thế giới dư cung 2 triệu thùng/ngày.

    Thị trường smartphone toàn cầu sụt giảm

    Theo PhoneArena, dữ liệu từ IDC chỉ ra rằng tổng doanh số smartphone toàn cầu trong năm 2015 đạt mức 1,43 tỉ thiết bị đã được bán ra. Điều này tạo ra một thách thức lớn cho mục tiêu đạt mốc 2 tỉ smartphone bán ra trên toàn cầu được đưa ra.

    Doanh số smartphone tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã thúc đẩy tăng trưởng trong những năm gần đây, tuy nhiên thị trường Trung Quốc hiện trong giai đoạn bão hòa. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đã chuyển từ nơi có nhiều người mua smartphone lần đầu sang nơi mà hầu hết người tiêu dùng đang thay thế smartphone. Dự báo tăng trưởng smartphone ở Trung Quốc chỉ ở mức thấp trong năm nay.

    Bây giờ ngành công nghiệp smartphone đang phải va chạm với những rào cản tại các thị trường kém phát triển với nhiều người mù chữ hay nghèo đói tại các quốc gia châu Phi. Các công ty như Xiaomi hay Micromax đều nhắm mục tiêu vào thị trường này với các sản phẩm smartphone giá rẻ.

    Tuy nhiên, người tiêu dùng ở các quốc gia đang phát triển có thể thay thế smartphone của họ thường xuyên hơn so với các nước giàu có hơn, đây là xu hướng có thể giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh số bán smartphone.

    Giám đốc chương trình khảo sát của IDC là Ryan Reith cho biết rằng, các smartphone với giá 100 USD chỉ đơn giản không còn thực sự tốt sau 2 năm sử dụng. Mức tăng trưởng doanh số smartphone trong năm nay dự kiến phát triển nhanh nhất tại các quốc gia vùng Trung Đông và châu Phi, với mức tăng khoảng 50%.

    Bên cạnh đó, doanh số smartphone cũng không thể sụt giảm một cách nhanh chóng, điều này nhờ các chương trình như lễ hội mua sắm Black Friday diễn ra vào cuối tuần qua tại Mỹ, nơi doanh số iPhone 6S tăng 36% so với 4 ngày cuối tuần trước đó, theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Localytics. Doanh số Galaxy S6 của Samsung cũng tăng 68% so với cuối tuần trước đó.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn