TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-05-2016

    “Cuộc chiến” giành giật thị phần bán lẻ: Ông lớn đua tranh vị trí đầu bảng

    Đã qua thời “chỉ thèm” bắt tay với doanh nghiệp lớn, ngân hàng quốc doanh giờ đây đang trong cuộc chiến giành giật thị phần bán lẻ với tham vọng trở thành “số 1”.

    Suốt thời gian dài, các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV chỉ chú trọng phân khúc bán buôn, tập trung vào các khách hàng và dự án lớn. Song 5 năm trở lại đây, các ngân hàng này đã chuyển hướng mô hình ngân hàng bán lẻ.

    Điểm dễ nhận thấy trong chiến lược kinh doanh được công bố trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay là các ngân hàng trên đều bày tỏ tham vọng đứng đầu trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Đại diện BIDV cho hay, năm 2015, lĩnh vực bán lẻ của ngân hàng này tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, tín dụng bán lẻ tăng 44%, huy động vốn bán lẻ tăng 40%, thu nhập ròng bán lẻ hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 3,5 lần sau 5 năm...

    nam 2016, bidv dat muc tieu tang truong tin dung ban le tren 35%

    Năm 2016, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng bán lẻ trên 35%

    Đặc biệt, BIDV cũng cạnh tranh quyết liệt với hai ông lớn còn lại về lĩnh vực thẻ. Cuối năm 2015, BIDV đã phát hành hơn 8,8 triệu thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, sở hữu mạng lưới gần 1.500 máy rút tiền ATM và 14.000 máy cà thẻ POS. Ngân hàng này tuyên bố đang đứng ở vị trí thứ hai đến thứ tư trên thị trường thẻ, tùy từng loại thẻ. Năm 2016, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng bán lẻ trên 35%. Đến năm 2018, sẽ tiếp tục giữ vững và củng cố vị trí dẫn đầu về thị phần huy động vốn và tín dụng bán lẻ trong khối ngân hàng thương mại cổ phần.

    Tương tự, VietinBank cũng đang tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần lớn về bán lẻ. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho hay, năm 2015, Ngân hàng tiếp tục duy trị vị thế dẫn đầu thị trường với các sản phẩm dịch vụ thẻ ATM và POS, với doanh số thanh toán tăng 61% so với năm 2014. Thị phần thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng quốc tế và POS duy trì ở mức cao.

    “VietinBank sẽ tiếp tục khẳng định là ngân hàng số 1 về khách hàng doanh nghiệp và đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ, đưa VietinBank trở thành thương hiệu số 1 về hoạt động bán lẻ. Đồng thời, triển khai đề án ngân hàng thanh toán qua đó từng bước cải thiện thu nhập theo hướng nâng tỷ trọng thu nhập từ phí trong tổng thu nhập”, Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng trước đó cũng nhấn mạnh.

    Hiện VietinBank duy trì lượng khách hàng sử dụng khoảng 16 triệu thẻ. Thị phần một số loại thẻ của VietinBank như sau: thẻ ghi nợ nội địa (22%), thẻ tín dụng quốc tế (28%) và POS (33%).

    Với Vietcombank, việc chuyển hướng khá sớm sang bán lẻ cũng giúp duy trì được vị trí vững chắc trong lĩnh vực bán lẻ, nhất là lĩnh vực thẻ. Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, năm 2015, Ngân hàng tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu thị trường thẻ. Cụ thể, thị phần thẻ quốc tế chiếm 45%, thẻ nội địa chiếm 30,3%. Thị phần phát hành thẻ ghi nợ nội địa, ghi nợ quốc tế, tín dụng quốc tế lần lượt 16%, 29,3% và 21,4%. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế và ghi nợ quốc tế chiếm 19% và 22,5%. Mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ chiếm 32% thị phần…

    Với lợi thế mạng lưới rộng lớn, tiềm lực tài chính mạnh, 3 ngân hàng TMCP quốc doanh đang chiếm thị phần lớn về bán lẻ với những lợi thế riêng. Trong khi BIDV dẫn đầu thị trường về sản phẩm cho vay mua nhà và mới đây là cho vay nông nghiệp, thì VietinBank, Vietcombank tập trung đẩy mạnh bán chéo sản phẩm qua ký kết với các đối tác lớn và lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Vietcombank đang triển khai thành lập công ty tín dụng tiêu dùng. Trong khi đó, theo dự kiến, VietinBank cũng sẽ thành lập Công ty tài chính PG Finance.

    Theo nhận định của giới chuyên gia, thời gian tới, cuộc đua thứ hạng trên thị trường bán lẻ vẫn khốc liệt và vị thế của các ngân hàng sẽ liên tục thay đổi. Vị trí dẫn đầu sẽ thuộc về ngân hàng có mạng lưới tốt, chất lượng dịch vụ khách hàng hoàn hảo, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.

    Hiện nay, dù sản phẩm đa dạng, song quy trình bán lẻ của khối ngân hàng quốc doanh được đánh giá là vẫn còn rườm rà, tốn thời gian. Trong khi đó, ở khối ngân hàng TMCP, nhờ mạnh tay đầu tư công nghệ, rút ngắn quy trình, chất lượng phục vụ khách hàng đã “ăn đứt” khối ngân hàng quốc doanh.


    FPT Trading sẽ nối gót FShop bán trong năm nay

    FPT Trading sẽ nối gót FShop bán trong năm nay
    "Mục đích của FPT là giữ một phần không chi phối. FPT cho thấy chiến lược sẽ là một phần nhỏ nhưng thu lợi nhuận lớn hơn thay vì đóng góp phần lớn mà thu lợi nhuận nhỏ".

    Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2015, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết sẽ thực hiện việc giảm sở hữu mảng phân phối và bán lẻ khi sẽ bán FPT Trading và FPT Retail theo hình thức bán cổ phần.

    Thực tế, ý định này đã được ông Bình nhắc trong kỳ đại hội cổ đông từ mùa trước - năm 2014. Việc bán theo hình thức cổ phần theo ông Bình là để đầu tư vào mảng cốt lõi là công nghệ và viễn thông.

    Nếu mảng bán lẻ với FPT Shop đã sớm được rao bán từ đầu năm nay thì màng phân phối với FPT Trading hiện vẫn đang là một ẩn số. Trong khi đó, đây lại là mảng nên bán sớm vì về lâu dài, tiềm năng của mảng phân phối di động tại Việt Nam sẽ ngày càng giảm mạnh.

    Những báo cáo kết quả kinh doanh đầu năm nay cũng cho thấy, trong khi doanh thu từ FShop tăng trưởng mạnh thì doanh thu của FPT Trading lại tụt rất nhanh. Theo đó, mảng phân phối của công ty trong quý 1 đã sụt giảm doanh thu tới hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 2,7 nghìn tỉ đồng.

    Sự sụt giảm này, được phía FPT Trading xác nhận là do mảng phân phối bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách phân phối iPhone của Apple, khi Thế giới di động không còn phải nhập iPhone qua FPT Trading nữa, mà có thể nhập iPhone trực tiếp.

    Điều này cũng cho thấy lợi thế của nhà phân phối di động trên thị trường là khá mong manh. 2 nhà phân phối lớn khác tại Việt Nam là DWG và Petrosetco cũng đưa ra những dự báo không mấy khả quan trong năm nay.

    Trao đổi với chúng tôi, đại diện FPT Trading cho biết, đơn vị đang mời các đối tác đến tư vấn, định giá và tiến hành kêu gọi các nhà đầu tư.

    "Cho đến thời điểm này chưa lộ diện nhà đầu tư nào song nhiều khả năng mảng bán lẻ (Retail) sẽ có giá cao hơn phân phối (Trading) bởi thông thường, bán lẻ bao giờ cũng có mức lợi thế hơn", vị này cho biết.

    Trước đó, những thông tin đồn đoán cho biết FShop có thể được 'sang tay' với giá khoảng 120 triệu USD. Mặc dù vậy, đại diện 1 quỹ đầu tư cho biết thương vụ FShop vẫn còn khá "nhùng nhằng" khi FPT chưa quyết định được bán lại 49% hay 51% cổ phần.

    Quay lại với FPT Trading, đại diện công ty cho biết, cơ hội sẽ mở ra cho tất cả các nhà đầu tư. Song hiện chưa thấy đối tác trong nước nào có tiềm năng.

    "Nhà đầu tư là ai và bán với mức giá bao nhiêu vẫn phụ thuộc vào câu chuyện thương lượng cuối cùng".

    Đại diện FPT cho biết, dù bán hay không bán thì chiến lược kinh doanh 2 mảng này không thay đổi bởi sẽ không bị chi phối bởi nhà đầu tư. FPT có các dòng tiền rất lớn, nên cần kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn.

    Mục đích của FPT là giữ một phần không chi phối. FPT cho thấy chiến lược sẽ là một phần nhỏ nhưng thu lợi nhuận lớn hơn thay vì đóng góp phần lớn mà thu lợi nhuận nhỏ.

    Ngoài ra, đại diện FPT Trading cũng cho biết, dù doanh thu quý 1/2016 giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng các khoản thu trong quý sau sẽ được bù đắp nhờ đẩy mạnh thị trường phân phối di động online (chưa có bên nào làm) và thu từ việc đẩy mạnh mảng bảo hành.


    Thuốc lá lậu vẫn còn chiếm 20% thị phần

    Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu đã bị đẩy lùi đáng kể, giảm khoảng 30% nhưng vẫn chiếm từ 15 đến 20% thị phần.

    thuoc la lau do luc luong hai quan quang tri bat giuu. anh: q.h

    Thuốc lá lậu do lực lượng Hải quan Quảng Trị bắt giữu. Ảnh: Q.H

    Cũng theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, nhiều năm qua, ngành thuốc lá đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt trong công tác chống buôn lậu nói chung và chống thuốc lá lậu nói riêng. Thuốc lá lậu đã được xem là vấn nạn quốc gia, gây thất thu ngân sách trên 6.000 tỷ đồng mỗi năm.


    Thuốc lá lậu do trốn thuế Tiêu thụ đặc biệt 70% và thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu 135% và đóng góp 1% vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên được bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (với cùng chủng loại, cùng phân khúc).

    Mặt khác, thuốc lá lậu không phải in cảnh báo sức khỏe nên được người tiêu dùng ưu thích trong khi không biết rằng thuốc lá lậu chứa các thành phần cấm sử dụng, không chịu kiểm soát, an toàn vệ sinh thực phẩm…

    Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường các biện pháp phòng, chống thuốc lá lậu; Quyết định 2371/QĐ-TTg về tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu (thay vì tái xuất như trước đây).

    Nhờ quyết tâm của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ban, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 30, năm 2015, thuốc lá lậu được đẩy lùi đáng kể, lượng thuốc lá lậu đã giảm khoảng 30%, nhưng thị phần vẫn chiếm từ 15 đến 20%.

    Các doanh nghiệp thuốc lá trong nước đã phục hồi được thị trường nội địa, dần lấy lại những thị phần đã mất từ thuốc lá nhập lậu. Sản lượng thuốc lá nội địa tăng, góp phần tăng nộp ngân sách năm 2015 của ngành thuốc lá thêm 1.000 tỷ đồng so với năm 2014.

    Tiếp tục những nỗ lực trong phòng, chống thuốc lá lậu, ngày 19-11-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 124/NĐ-CP quy định hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (thay vì 1.5000 bao như trước đây).

    Nghị định chính thức có hiệu lực từ 5-1-2016, tuy nhiên thực tế 4 tháng đầu năm 2016, thuốc lá lậu vẫn gia tăng trở lại, với tình trạng buôn bán công khai diễn ra không khai tại các tỉnh thành trong cả nước.

    Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ Chỉ thị 30; các địa phương trong cả nước chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển, tràng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

    Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho các lực lượng: Công an, Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.


    Có vội vàng khi đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%?

    Có vội vàng khi đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%?
    Nhiều chuyên gia tài chính đang cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phần vội vàng khi đưa ra hai quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% và không cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vay ngoại tệ sau ngày 31/3/2016.

    Người dân giờ đây thay vì gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài như trước, hiện người dân chỉ gửi không kỳ hạn. Tình trạng này khiến các ngân hàng (NH) bị động về nguồn vốn ngoại tệ cho vay và đứng trước rủi ro thanh khoản ngoại tệ

    Rủi ro thanh khoản

    Một lãnh đạo NHTM cho biết: “Việc NHNN quy định LS tiền gửi USD bằng 0% có giảm lượng người gửi tiết kiệm USD nhưng không làm giảm nhiều người nắm giữ USD”. Còn TS Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (Uỷ ban GSTCQG) cũng cho rằng: Trong khi NHNN ra sức chống USD hóa, thực tế người dân lại có tâm lý găm giữ USD nhiều lên.

    Thay vì gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài (6 tháng, 1 năm hoặc dài hơn) như trước đây, giờ người dân chỉ gửi không kỳ hạn. Tình trạng này khiến các ngân hàng bị động về nguồn vốn ngoại tệ cho vay và đứng trước rủi ro thanh khoản ngoại tệ.

    “Lãi suất 0% là một ngưỡng tâm lý nặng nề đối với một quốc gia như Việt Nam - nơi mà người dân coi tiết kiệm là một kênh đầu tư. Việc NHNN đưa ngay LS tiền gửi USD về 0% trong năm 2015 là hành động quá sớm. Đáng lẽ ra NHNN nên để một mức LS tượng trưng khoảng 0,5-1%/năm để khuyến khích người dân tiếp tục gửi ngoại tệ có kỳ hạn vào NH”, chuyên gia tài chính nhận định.

    Theo một chuyên gia tài chính, thời điểm 2015, NHNN có thể dùng cách khác để ngăn chặn tình trạng đô la hóa mà vẫn huy động được vốn ngoại tệ, đó là cho gửi USD có lãi nhưng khi rút ra thì chỉ được rút VND theo tỉ giá được các NHTM niêm yết tại thời điểm khách rút tiền.

    Trong lưu thông tồn tại một lượng lớn USD trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở các NH, và người dân có quyền rút ra bằng ngoại tệ mà không bị pháp luật cấm. Đồng USD hiện vẫn là đồng tiền hợp pháp và được coi là một phương tiện cất trữ, thanh toán giữa người dân với nhau ở Việt Nam. Luật không cấm người dân quyền sở hữu và sử dụng USD, nên nếu dân có nhu cầu thanh toán cho nhau (dùng mua nhà đất, cổ phần, thuê bất động sản…) bằng đồng USD vẫn được chấp nhận.

    USD vẫn và sẽ tiếp tục còn đổ vào Việt Nam thông qua kiều hối, du lịch, tiền công của người lao động ở nước ngoài gửi về. Với một nền kinh tế đang rất cần vốn thì đây là một lượng tiền cần phải được huy động.

    DN xuất khẩu đang mất nốt lợi thế cuối cùng

    Các NH hiện nay có hai nguồn vốn: Nguồn vốn nội tệ VND và nguồn vốn ngoại tệ (chủ yếu là USD). Trong đó nguồn vốn nội tệ có giá cao vì huy động LS cao, nguồn vốn ngoại tệ có giá thấp vì chi phí huy động thấp (0%). Nếu NH nào có cả hai nguồn vốn này để sử dụng thì chi phí huy động vốn bình quân sẽ giảm và khả năng giảm lãi suất cho vay sẽ lớn, DN vay được lợi, xã hội cũng sẽ được lợi.

    Nay NH không thể cho vay ngoại tệ nhiều vì DN xuất khẩu chỉ được thực hiện vay đến hết ngày 31.3.2016. Như vậy, đa số nguồn vốn giá rẻ thì phải gửi ở nước ngoài kiếm lãi. Như vậy NH chỉ còn nguồn vốn nội tệ huy động giá cao thì khả năng giảm lãi suất cho vay rất khó.

    Một chuyên gia tài chính nói: “DN xuất khẩu Việt Nam vốn đã khó khăn trăm bề, chỉ còn lợi thế được vay ngoại tệ với lãi suất thấp cũng bị chặn nốt thì lấy đâu ra sức cạnh tranh?”.

    Kỷ luật thị trường bị vi phạm

    Chính sách quản lý USD của NHNN có một số bất cập đã khiến kỷ luật thị trường tiền tệ sau một thời gian đã khá kỷ cương nay lại diễn ra tình trạng lách luật trong cả việc huy động và cho vay ngoại tệ. Tình trạng này đã được một số tờ báo, trong đó có báo Lao Động đưa tin.

    Chính sách bất cập, không thực tiễn khiến các thành viên thị trường (DN, NH và người gửi tiền) tìm cách lách luật. Chi phí xã hội tăng, môi trường kinh doanh không minh bạch, kỷ luật thị trường xấu. Những việc như vậy, người gửi tiền/doanh nghiệp/ngân hàng biết, liệu NHNN có biết?

    “Linh hoạt” là từ mà mấy năm gần đây NHNN thích dùng. Liệu thời gian tới NHNN có chủ động, linh hoạt điều chỉnh chính sách để phù hợp hơn với thực tiễn thị trường?


    Rạng Đông sẽ đầu tư 193 tỷ cho thiết bị công nghệ

    Chiều 7/5/2016, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL, sàn HOSE) đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.
    rang dong dang tap trung dau tu cho cac dong san pham cong nghe moi

    Rạng Đông đang tập trung đầu tư cho các dòng sản phẩm công nghệ mới

    Theo kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2017, Rạng Đông dự kiến chi 193 tỷ cho thiết bị công nghệ.

    Cụ thể, công ty sẽ dành 40 tỷ để đầu tư cho lò thủy tinh không trì nấu điện hoàn toàn, 40 tỷ cho lò thủy tinh phích, 5 tỷ cho đầu tư thiết bị xưởng CFL.

    Cũng trong kế hoạch này, Rạng Đông cũng dành 15 tỷ đầu tư xử lý môi trường nước thải, 3 triệu USD cho xưởng điện tử và LED, 10 tỷ đồng cho thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 14.000.

    Trước đó, trong năm 2015, Rạng Đông đã đầu tư 41,5 tỷ mua sắm nâng cấp tài sản cố định.

    Trong đó, một số dây chuyền được đầu tư trong năm 2015 gồm: Dây truyên AC-60 LED, các máy cắm tụ điện, máy hàn thiếc, băng truyền và máy hàn sóng, máy xếp linh kiện, khuôn mẫu phích, khuôn phụ tùng, khoang đốt băng ủ...

    Về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2016, Rạng Đông đã đạt doanh thu 813 tỷ đồng (Quý I/2015 đạt 785 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 20 tỷ đồng).

    Theo đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu quý I/2016 đạt 2.424 đồng, trong khi cùng kỳ đạt 1.716 đồng.

    Trong năm 2015, Rạng Đông đạt doanh thu 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 94 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 8.162 đồng.

    Trong những năm trước, với mức doanh thu khoảng hơn 2.600 tỷ đồng/năm, số tiền dành cho việc đầu tư vào khoa học – công nghệ mỗi năm sẽ vào khoảng 260 – 400 tỷ đồng.

    Về chiến lược cụ thể, ngoài việc đầu tư cải tiến làm mới các sản phẩm truyền thống, Rạng Đông đang tăng cường đầu tư phát triển các sản phẩm LED và điện tử.

    Ngoài ra, công ty này cũng tính đến bài toán hướng ra xuất khẩu để lấy doanh số xuất khẩu bù đắp cho khả năng có thể phải phân chia thị phần tại thị trường nội địa cho nhiều đại gia nước ngoài. 


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn