TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-01-2016

    Doanh nghiệp tư nhân Việt muốn sản xuất phụ tùng máy bay cho Airbus

    Cục Hàng không Việt Nam vừa tiến cử một công ty tư nhân nội làm ứng viên trong kế hoạch lập trung tâm sản xuất phụ kiện tàu bay ngay tại Việt Nam của Tập đoàn Airbus.

    Cụ thể, ứng cử viên được lựa chọn để giới thiệu với Airbus trong kế hoạch thiết lập một trung tâm sản xuất tại Việt Nam là Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC), có trụ sở tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội).

    Trước đó, trong thư gửi Cục trưởng Hàng không, Giám đốc điều hành AESC – Trần Hải Đăng cho hay, đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận tổ chức thiết kế đã được cơ quan an toàn hàng không Châu âu chấp nhận sau một cuọc họp cuối năm 2015 tại Đức.

    Hiện công ty cũng hoàn tất thủ tục để xin cơ quan này cấp chứng nhận đủ kiện kiện hoạt động chế tạo.Ngoài ra, AESC đã được Cục Hàng không Việt Nam công nhận là tổ chức bảo dưỡng theo Bộ quy chế hàng không và doanh nghiệp đã thực hiện dịch vụ  này với các hãng hàng không nội từ tháng 2/2009.

    airbus dang tim doi tac viet nam de lap nha may san xuat linh kien

    Airbus đang tìm đối tác Việt Nam để lập nhà máy sản xuất linh kiện

    “Ngoài dịch vụ tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng, chúng tôi đã mở rộng năng lực sang việc thiết kế và chế tạo các trang thiết bị nội thất máy bay và đã được nhà chức trách Việt Nam phê chuẩn vào tháng 8/2010”, lãnh đạo AESC cho biết thêm và mong muốn được Cuc Hàng không giới thiệu làm đối tác tiềm năng của Airbus trong việc thành lập một đơn vị sản xuất trong tương lai ở Việt Nam.

    Năm ngoái, trong các chuyên thăm Châu Âu của lãnh đạo Chính phủ và ngành Giao thông vận tải, Tập đoàn hàng không hàng đầu châu lục này là Airbus đã không ít lần bày tỏ ý định được thành lập trung tâm sản xuất phụ tùng tại Việt Nam.

    Tập đoàn hàng không có trụ sở tại Pháp hiện là một trong hai đối tác cung cấp máy bay lớn nhất cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam khi hầu hết đội tàu bay của Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đều mua và thuê của Airbus.

    Trong khi đó, một trong những dòng máy bay hiện đại nhất đươc Tổng công ty hàng không Vietnam Airlines khai thác là A350 cũng được cung cấp bởi hãng này.

    Tuy nhiên, hiện sự hợp tác của nhà sản xuất máy bay lớn nhất Châu âu với hàng không Việt Nam mới chủ yếu cung cấp tàu bay và các chương trình đào tạo nhân lực.

    Do vậy, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh kỳ vọng việc một công ty nội địa trở thành đối tác của Airbus trong lĩnh vực sản xuất sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp hàng không Việt Nam, nhất là trong việc xuất khẩu linh phụ kiện tàu bay ra nước ngoài.

    Được thành lập năm 2008, AESC là công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được công nhận và cấp Chứng chỉ Tổ chức bảo dưỡng theo quy chế VAR Part  145 và Chứng chỉ Tổ chức thiết kế chế tạo theo quy chế VAR Part 21 của Cục Hàng không Việt Nam. Doanh nghiệp thuần Việt này cũng đã được trao Chứng nhận tổ bảo dưỡng theo quy chế hàng không Part145 của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu và Cục Hàng không Liên bang Mỹ.


    Thị trường tài chính toàn cầu đứng trước cuộc khủng hoảng mới

    Biến động chứng khoán Trung Quốc gần đây đang dấy lên lo ngại rằng thế giới sắp phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính mới, giống như năm 2008. 

    Ngày 7/1, nhà đầu tư tỷ phú George Soros đã đánh tiếng về nguy cơ khủng hoảng tài chính trong tương lai gần. Trong một bài phát biểu ở Sri Lanka, ông Soros nói: "Trung Quốc có vấn đề lớn về khả năng điều chỉnh. Tôi phải nói rằng nó chẳng khác nào một cuộc khủng hoảng. Khi nhìn vào các thị trường tài chính, tôi nhận thấy có một thách thức nghiêm trọng gợi nhớ tới tình hình năm 2008". Theo CNN Money, tình trạng yếu kém của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng ngày càng xấu đến kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính so với trước đây. Chúng ta đã được chứng kiến tác động của kinh tế Trung Quốc tới thị trường dầu mỏ và các hàng hóa khác. Và nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục suy yếu và dẫn tới chiến tranh tiền tệ, hậu quả sẽ thực sự rất đáng sợ. 

    chung khoan trung quoc vua trai qua khung hoang trong nhung ngay dau nam. anh: cbc

    Chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua khủng hoảng trong những ngày đầu năm. Ảnh: CBC

    Chỉ trong 4 phiên giao dịch đầu năm nay, 2.600 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường toàn cầu do lo ngại về chiến tranh tiền tệ sau động thái tiền tệ của Trung Quốc, Telegraph cho biết. Đây được xem là khởi đầu tệ hại nhất của thị trường chứng khoán trong 15 năm qua. Các thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu đều trùm sắc đỏ khi đóng phiên 7/1. 

    Tuy nhiên, một số chuyên gia thị trường khác lại cho rằng, sẽ hơi quá nếu so sánh cuộc khủng hoảng sắp tới với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

    "Tôi cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ không thể nổ tung được", Giám đốc chiến lược đầu tư Jeffrey Saut tại Raymond James nói. Ông nhận định rằng, hiện nay có rất ít nguy cơ lây lan bởi các ngân hàng đã "dọn dẹp" bảng cân đối sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

    Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng chẳng là điều bất ngờ bởi nước này đang chuyển hướng sang nền kinh tế tiêu dùng. 

    "Rủi ro hiện nay chỉ là sự phản ứng thái quá của thị trường. Việc chuyển đổi từ kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu - sản xuất sang tiêu dùng như Trung Quốc là một quá trình thường thấy", theo ông Nicholas Yeo, trưởng phòng chứng khoán Trung Quốc tại quỹ quản lý tài sản Aberdeen. 

    Và tình trạng lao dốc của giá hàng hóa cũng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian, theo CNN Money. Lisa Kopp - trưởng phòng đầu tư tại quỹ tài sản U.S Bank nhận định rằng, xét về cơ cấu, chưa thực sự có ngòi nổ mới nào đối với kinh tế toàn cầu và các thị trường, giống như thị trường vay thế chấp hồi năm 2008. 

    Xét về một vài khía cạnh, khủng hoảng thị trường Trung Quốc đang ngày càng nghiêm trọng hơn do những nỗ lực sửa chữa sai lầm của chính phủ nước này. Việc cho ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán trong 2 ngày liên tiếp cũng không mang lại kết quả khả quan hơn. Tuy nhiên, ít nhất là họ đã nhận ra sai lầm và hành động. 

    Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, một trong những lý do chính khiến thị trường thế giới trở nên tệ hơn là, các nhà quản lý Mỹ đã nhận ra sai lầm của hệ thống ngân hàng quá muộn, theo chiến lược gia đầu tư Kristina Hooper tại công ty đầu tư Allianz. 

    "Năm 2008, bạn có thể nhận thấy ra rằng, chính phủ Mỹ đã không mạnh tay can thiệp vào thị trường như đáng lẽ ra phải làm. Những khoản vay thế chấp cứ thế càng lớn dần. Và đây là lý do khiến chúng ta phải cẩn trọng hơn với những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Nhưng, đó không phải là phản ứng hoảng sợ", bà Hooper nói. 

    Ngay cả khi sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc không đẩy thị trường lao dốc thảm hại thì cũng không có nghĩa là giá cổ phiếu sẽ tăng vọt ngay lập tức. 

    Tính đến đầu tháng 3/2016, thị trường sẽ đánh dấu mốc 7 năm tăng điểm liên tiếp. Đây vốn dĩ đã là khoảng thời gian tăng điểm dài hơi của thị trường chứng khoán. Vì vậy, sẽ rất khó để thị trường này duy trì đà tăng, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực sự có ý định nâng lãi suất 4 lần trong năm 2016. 

    Quản lý danh mục đầu tư Bob Landry tại công ty tư vấn đầu tư USAA cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn mong manh và chưa đủ mạnh mẽ để đứng vững trước nhiều đợt nâng lãi suất như vậy. "FED cần giảm tiến độ tăng lãi suất để ổn định thị trường. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu cổ phiếu trượt giá trong năm 2016, nhất là khi tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn chậm chạp", ông Landry nhận định. 


    Doanh nghiệp cần được 'cởi trói' để đón TPP

    Xoá bỏ tình trạng nhũng nhiễu, tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính công, tăng liên kết... là những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng lợi thế mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)  mang lại.

    Tại hội thảo "TPP - Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt" diễn ra cuối tuần này tại TP HCM, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - giảng viên Chương trình Giảng dạy Fulbright phân tích, Việt Nam hiện có bốn khu vực kinh tế nhưng ba phần tư kim ngạch xuất khẩu thuộc khu vực FDI. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt không thể tăng về quy mô, mở rộng và khó phát triển.Theo ông Nghĩa, điều khiến doanh nghiệp trong nước không phát triển được đó là thể chế, chính sách. Các FTA thực chất là các luật chơi mới được đặt ra trong bối cảnh mới. Do đó, TPP không có hiệu quả tức thì nếu doanh nghiệp nội và Nhà nước không cải cách.

    90% soi tu viet nam la phai nhap, vi doanh nghiep khong du suc de dau tu mot nha may keo soi.

    90% sợi từ Việt Nam là phải nhập, vì doanh nghiệp không đủ sức để đầu tư một nhà máy kéo sợi.

    Hiện nay có một thực tế là doanh nghiệp mất đến 70% thời gian để đối diện với chính sách, không tạo dựng quan hệ với chính quyền thì khó làm ăn. Trong khi các nước, chính sách xuất phát từ doanh nghiệp, vì họ tạo ra việc làm cho xã hội. Do đó, trong nước không có sự bình đẳng thì doanh nghiệp Việt khó lớn lên được.

    "Không ai dọn cỗ cho người khác đến ăn. Nếu doanh nghiệp Việt bị "trói" ngay trong "ao nhà" thì khó tận dụng được cơ hội do TPP mang lại. Cải cách phải bắt đầu từ Hà Nội và TP HCM để "cởi trói" cho doanh nghiệp", ông Nghĩa kiến nghị.

    Muốn vậy, chuyên gia cho rằng Nhà nước phải xóa bỏ được tình trạng nhũng nhiễu, tăng trách nhiệm giải trình của các đơn vị hành chính công, giảm độc quyền kinh doanh, tạo một nền kinh tế mang tính thị trường hơn…

    Vấn đề liên kết cũng được các chuyên gia đặt ra tại hội thảo với quan điểm cho rằng có thể giúp doanh nghiệp nội tăng khả năng phát triển hơn. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết, trong ngành dệt may 90% sợi từ Việt Nam là phải nhập, vì doanh nghiệp muốn đầu tư một nhà máy kéo sợi phải tối thiểu mất 100 triệu USD. Điều này là quá sức đối với nhà đầu tư trong nước, nhưng lại có doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư 800 triệu USD xây nhà máy sợi tại Việt Nam, cho thấy nội lực doanh nghiệp Việt rất yếu.

    Do đó, ông Hưng đặt ra vấn đề là doanh nghiệp nội phải liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để lớn nhanh hơn. Ông dẫn chứng, đã có một doanh nghiệp Việt dùng mối quan hệ của mình liên kết với một doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) để mở rộng nhà máy dệt, đầu tiên là 120 triệu USD, đến nay đã tăng lên 160 triệu USD tại khu công nghiệp Việt Hương 2 (Bình Dương).

    Luật sự Nguyễn Hoàng Tranh cũng nhìn nhận, TPP là "cơn bão cơ hội" nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt vẫn chỉ gia công, lấy công làm lợi. Do đó, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt là phải gia tăng nội lực, làm thương hiệu quốc tế, được khách hàng quốc tế tin cậy thì mới phát triển được.

    Ông Tranh nêu dẫn chứng, chẳng hạn nhiều doanh nghiệp Việt hiện chỉ bán hạt điều thô sang Úc, nhưng hạt điều đó được doanh nghiệp nước này chế biến thêm muối, đường… và bán với giá gấp 3-4 lần.


    90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc

    chuyen gia pham chi lan

    Chuyên gia Phạm Chi Lan

    Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã bị lệ thuộc ngày càng nhiều hơn vào kinh tế Trung Quốc (TQ), thể hiện rõ nhất ở chỗ hơn 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay nhà thầu TQ, mức nhập siêu từ TQ liên tục tăng cao và ngày càng nặng nề. Vấn đề là thiết bị, công nghệ của nhiều công trình TQ làm ở ta không có chất lượng cao, lại hay đội giá và kéo dài thời gian thực hiện, gây thiệt đơn thiệt kép cho ta. Không ít sản phẩm trung gian và tiêu dùng nhập khẩu từ TQ vừa chèn ép các ngành hàng và doanh nghiệp trong nước (kể cả nông nghiệp), vừa gây hiểm họa cho người tiêu dùng và môi trường do không kiểm soát được chất lượng và các nhân tố độc hại chứa đựng trong đó. Không thể để tình trạng này kéo dài lâu hơn nữa. Hội nhập với các nền kinh tế khác cho ta thêm cơ hội để thay đổi tình trạng này.

    Các nước đang thừa lượng sẽ đổ hàng hóa sang Việt Nam

    ong phan chanh duong

    Ông PHAN CHÁNH DƯỠNG

    Cách đây 200-300 năm, con người chết vì bệnh, vì thiếu ăn. Nhưng ngày nay con người chết vì no, vì ăn quá nhiều thứ không nên ăn. Con người trong thời gian dài đã dùng kiến thức để tăng lượng (giảm chất) thỏa mãn nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Con người ăn thứ kém chất lượng dẫn đến bệnh tật và chết vì bệnh.

    Nói như thế để thấy thế giới đang tăng lượng và xu hướng sẽ phải từ từ dừng lại việc tăng lượng, chuyển sang tăng chất.

    Với việc tham gia TPP, các nước đang thừa lượng sẽ đổ hàng hóa sang Việt Nam. Họ đi trước, nếu chúng ta cũng chạy theo lượng thì không thể cạnh tranh lại với họ. Chúng ta phải nghiên cứu về chất đi: nuôi gà thiên nhiên, heo thiên nhiên, chế biến ngon…

    Đừng trách việc “doanh nghiệp nói nông dân không nghe”. Sản xuất chạy theo lượng đến mức người trồng không dám ăn là thói quen hình thành từ thực tế khách quan: cứ làm sao cho năng suất thật cao, bán được tiền là xong.


    Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

    Việc để nhân dân tệ giảm giá trị giúp hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc trở nên rẻ hơn

    Động thái liên tục giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc thời gian qua khiến các nhà đầu tư trên thế giới không khỏi lo lắng về nguy cơ xảy ra làn sóng phá giá tiền tệ ở châu Á nói riêng và thế giới nói chung. So với 1 năm trước, giá trị NDT so với đồng USD đã giảm 6%.

    Trong khi đó, đồng won (Hàn Quốc) và đồng đô-la Singapore đã giảm 5% giá trị trong 6 tháng qua. Ngay cả tại Ấn Độ, thị trường mới nổi thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu nhất, đồng rupee cũng giảm 7% giá trị so với đồng USD. Tại Đông Nam Á, đồng nội tệ của Indonesia và Thái Lan lần lượt giảm 9% và 10% trong năm 2015.

    Diễn biến trên khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Mexico Luis Videgaray hôm 7-1 lên tiếng cảnh báo những động thái về tiền tệ của Trung Quốc có thể dẫn đến một đợt cạnh tranh mới về phá giá tiền tệ, đe dọa tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.

    Theo báo The New York Times hôm 9-1, hoạt động xuất khẩu suy yếu ở châu Á càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra “chiến tranh tiền tệ”. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 12-2015 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2014. Còn tính cả năm 2015 thì con số này giảm 8% so với năm trước đó - kết quả kém nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan trong năm ngoái thậm chí còn bi đát hơn - giảm 10% so với năm 2014.

    su giam gia lien tuc cua dong nhan dan te dan den noi lo ve nguy co xay ra chien tranh tien te. anh: ap

    Sự giảm giá liên tục của đồng nhân dân tệ dẫn đến nỗi lo về nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ. Ảnh: AP

    Việc để NDT thêm suy yếu giúp hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc trở nên rẻ hơn, qua đó hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài. Để cạnh tranh với nền kinh tế thứ 2 thế giới này, các đối tác thương mại của Trung Quốc - hầu hết ở khu vực châu Á - cũng phải giảm giá trị đồng nội tệ. “Các thị trường mới nổi sẽ phản ứng tiêu cực vì họ buộc phải duy trì sức cạnh tranh” - ông Ihab Salib, người đứng đầu bộ phận thu nhập quốc tế tại Công ty Dịch vụ tài chính Federated Investors (Mỹ), nhận định.

    Nhiều nền kinh tế mới nổi dựa vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa cơ bản, như dầu, đồng và đậu nành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm trong năm qua, đã tổn hại đến tốc độ tăng trưởng của họ. Cùng lúc đó, việc đồng USD mạnh lên, cùng với quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), càng khiến cho việc vay mượn ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.

    Theo đài CNN, chính những yếu tố trên đang thúc đẩy NDT thêm rớt giá, chứ không phải chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Bản thân ngân hàng này đã chi 500 tỉ USD để giữ cho đồng NDT không rớt giá quá nhiều trong năm 2015.

    “Các quan chức Trung Quốc không tìm cách hạ giá đồng NDT mà chỉ cố gắng ngăn nó yếu thêm” - ông Win Thin, một chuyên gia tại Ngân hàng Brown Brothers Harriman (Mỹ), nhận định. Đồng tình với đánh giá này, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hôm 8-1 cho rằng việc NDT giảm giá gần đây phản ánh thị trường chứ không phải do “sự can thiệp của con người”.

    Vì thế, theo ông Nakao, châu Á sẽ không đối mặt với cuộc chiến tiền tệ do Trung Quốc gây ra. “Việc NDT bị mất giá nhanh chóng có thể gây ra một số biến động trên thị trường và các quốc gia khác có thể phá giá nội tệ. Hiện đã có một số nước làm thế nhưng tôi không nghĩ rằng đây là một cuộc chiến tranh tiền tệ” - ông Nakao nhận định.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn