Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-01-2018
Doanh số ô tô tháng cuối năm 2017 tăng 13%
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong tháng 12.2017 đạt 27.882 xe, tăng 13% so với tháng 11 và giảm 16% so với cùng kỳ 2016.
Cụ thể, so với tháng 11, doanh số xe du lịch tăng 14%, đạt 14.621 xe; xe thương mại tăng 13%, đạt 11.889 xe và có 1.372 xe chuyên dụng được bán, giảm 6%. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.047 xe, tăng 13% so với tháng 11 và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.835 xe, tăng 11%.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 12 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 15%; xe thương mại giảm 2% và xe chuyên dụng giảm 12%; Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 19% trong khi xe nhập khẩu tăng 9%.
Trong tháng 12, nhà sản xuất ô tô chiếm thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam vẫn là Thaco với 33,8% thị phần, tăng 16% so với tháng trước nhưng vẫn sụt giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Toyota là nhà sản xuất đứng vị trí thứ 2 lại tăng nhẹ, chiếm 23,8% thị phần, tăng 7% so với tháng trước nhưng vẫn sụt giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Honda tiếp tục sụt giảm 7% so với tháng trước và 51% so với cùng kỳ.
Với hàng loạt chính sách về ô tô bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, nhiều người kỳ vọng sẽ có cuộc cách mạng giảm giá so với năm 2017, thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc mua được ô tô giá rẻ trong 2018 là điều chưa thể định đoán được.(Thanhnien)
---------------------------
Trung Quốc đặt mua 184 máy bay A320 của Pháp
Ngày 10/1, giới chức Pháp cho biết Trung Quốc đã đặt mua 184 máy bay Airbus A320 của Pháp nhằm trang bị cho 13 hãng hàng không của nước này, tuy nhiên giá trị hợp đồng chưa được công bố.
Thông tin trên được Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc.
Máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không Shenzhen Airlines tại sân bay Changsha, Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc ký kết hợp đồng bán 184 máy bay Airbus A320 cho Trung Quốc sẽ sớm được hoàn tất và khẳng định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác nhận hợp đồng trên.
Theo ông Macron, Pháp còn có tham vọng bán cho Trung Quốc các máy bay A350 và A380 có phạm vi hoạt động tầm trung và những máy bay vận tại cỡ lớn trong thời gian tới.
Tổng thống Macron cũng nêu rõ Trung Quốc đã đảm bảo rằng sẽ tôn trọng sự bình đẳng thị phần giữa 2 hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing.
Trước đó, ngày 9/1, Tập đoàn máy bay châu Âu Airbus đã ký thỏa thuận khung với các đối tác Trung Quốc nhằm tăng số máy bay lắp ráp tại nhà máy lắp ráp Thiên Tân.
Theo một tuyên bố của Airbus China, Airbus dự định sản xuất 5 máy bay/tháng từ đầu năm 2019, cho đến đầu năm 2020 sẽ sản xuất 6 máy bay/tháng tại nhà máy lắp ráp Thiên Tân cho dòng máy bay A320. Hiện nay, hãng đang sản xuất 4 máy bay A320/1 tháng. Từ khi được thành lập vào năm 2008 cho đến cuối năm 2017, nhà máy Thiên Tân đã lắp ráp và phân phối tổng cộng 354 chiếc A320.
Tổng thống Pháp Macron đang có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc, từ ngày 8 - 10/1. Chuyến thăm này được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển quan hệ Trung - Pháp.(Baotintuc)
-----------------------------
Hàn Quốc: Nợ hộ gia đình có nguy cơ "bùng nổ" thành khủng hoảng?
Số liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy gánh nặng nợ hộ gia đình tại nước này ngày một lớn hơn trong 5 năm qua. Tháng 9/2017, nợ hộ gia đình của Hàn Quốc đứng ở mức 1.419.100 tỷ won.
Trong khi đó, mức thu nhập khả dụng trung bình của một hộ gia đình có vay nợ đã tăng 19,1% so với năm 2011 lên 47,42 triệu won (44.317 USD) trong năm 2016.
Mặc dù nguy cơ nợ hộ gia đình “bùng nổ” thành một cuộc khủng hoảng tài chính là không nhiều, song nợ ngày một tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng tư nhân và khiến ngân hàng trung ương gặp khó để nâng lãi suất chủ chốt giữa bối cảnh thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ.
Hồi cuối tháng 11/2017, Ngân hàng trung ương nước này (BoK) đã nâng lãi suất chủ chốt lần đầu tiên trong hơn sáu năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi ổn định.
Hong Joon-pyo, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hyundai, kêu gọi chính phủ thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích các công ty tăng tuyển dụng lao động để giải quyết nỗi lo nợ hộ gia đình.
Ngân hàng Barclays và Goldman Sachs dự đoán nền kinh tế Hàn Quốc tăng tưởng 3,1% trong năm 2018, trong khi Bank of America Merrill Lynch, Citi, Nomura và UBS dự đoán nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này tăng trưởng 3% trong năm nay.
Về phần mình, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol dự đoán tốc độ tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc có thể đạt 3% trong năm nay (Voetnam+)
---------------------------
GDP Việt Nam tăng nhanh gấp đôi trung bình thế giới
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,5% từ năm 2018 đến 2020, tức cao hơn mức trung bình của khu vực và hơn gấp đôi trung bình toàn thế giới.
Một góc TP.HCM.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay sau khi tăng vượt dự báo trong năm 2017, nhờ đà phục hồi đầu tư, chế tạo, và thương mại tiếp diễn.
Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ giảm tốc nhẹ còn 2,2% trong năm 2018 do các ngân hàng trung ương bắt đầu dỡ bỏ các chương trình kích thích hậu khủng hoảng và đà tăng đầu tư chậm lại.
Đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo sẽ tăng tốc đạt 4,5% trong năm nay do hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi nhờ giá cả tăng.
WB nhận định 2018 sẽ là năm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính (2007-2008) nền kinh tế toàn cầu sẽ hoạt động gần hết năng lực. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần tìm kiếm các công cụ ngoài tiền tệ và tài khóa để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn và xem xét các sáng kiến mới để thúc đẩy tiềm năng dài hạn.
Sự suy giảm tiềm năng tăng trưởng là kết quả của nhiều năm tăng trưởng năng suất thấp, đầu tư kém và lực lượng lao động thế giới già hóa. Nếu không thực hiện các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng, đà giảm có thể kéo dài sang thập kỷ tới và có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu 0,25 điểm phần trăm và mức giảm sẽ là 0,5 điểm phần trăm tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, WB cảnh báo.
Dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018-19 được nâng 0,1 điểm phần trăm so với báo cáo hồi tháng 6/2017. Nguồn: Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2018 của WB.
Tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, WB dự báo đà tăng trưởng sẽ chậm lại còn 6,2% trong năm 2018, 6,1% năm 2019 từ mức 6,4% năm 2017, do quá trình tái cơ cấu kinh tế của Trung Quốc.
Sau khi đạt 6,8% trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo giảm còn 6,4% trong năm nay do quá trình tái cân bằng kinh tế từ đầu tư sang tiêu dùng và giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,5% từ năm 2018 đến 2020, tức cao hơn mức trung bình của khu vực và hơn gấp đôi trung bình toàn thế giới. Điều này nhờ vào sản xuất nông nghiệp mạnh và ngành sản xuất hướng tới xuất khẩu, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay vẫn thua kém các nước khác như Campuchia (6,9%), Lào (6,6%), Myanmar (6,7%) và Philippines (6,7%), dự báo của WB.
Báo cáo không điểm riêng kinh tế mỗi nước, nhưng Việt Nam được nhắc đến là một trong những nơi tại châu Á thu hút mạnh FDI, bên cạnh Ấn Độ và Indonesia, nhờ triển vọng tăng trưởng sáng sủa và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với Trung Quốc và Philippines, tăng trưởng tín dụng thực ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế Việt Nam đầu tháng 11/2017, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, cho rằng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực, và đây tiếp tục là động năng tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Ông cũng lưu ý tình trạng ngành xuất khẩu bị cho phối bởi khu vực đầu tư nước ngoài, và các doanh nghiệp nước ngoài vẫn giúp bù đắp cho lượng nhập siêu của khu vực trong nước và giúp Việt Nam đạt thặng dư. Do đó, ông Eckardt khuyến nghị cần tăng cường nội lực của khu vực trong nước và đẩy mạnh mối liên kết với khu vực nước ngoài.
Một số dự báo của WB cho Việt Nam.