TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-06-2017

    Cần loại ô tô điện ra khỏi phạm vi điều kiện kinh doanh

    Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết vừa có văn bản gửi Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) về Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

    Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, nhằm không làm cản trở cơ hội phát triển xe chạy bằng điện tại Việt Nam.

    Lý do, VCCI đưa ra là hiện nay xe ô tô chạy bằng điện thuộc xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Xe ô tô chạy điện có một số đặc điểm sau cần được cân nhắc chính sách kỹ hơn, như loại xe này góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường.

    Bên cạnh đó, do đây là loại xe mới, nhiều hãng sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm, mới một số ít sản xuất hàng loạt. Do đó, nếu phải tuân thủ các quy định quản lý quá cứng nhắc có thể dẫn đến cản trở sáng tạo, cản trở khả năng nghiên cứu, thử nghiệm của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.

    "Ngoài ra, do lĩnh vực mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường xe điện chưa mạnh mẽ bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới 9 chỗ, các hãng sản xuất chưa có nhiều thương hiệu mạnh và cũng chưa có được quy mô sản xuất lớn để tiết giảm chi phí. Chính điều này gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng sản xuất xe điện...", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI lý giải.

    Cần loại ô tô điện ra khỏi phạm vi điều kiện kinh doanh - ảnh 1
    Theo VCCI cần loại ô tô điện khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

    VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi lại Điều 5 của Dự thảo theo hướng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (kể cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu) phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật; Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thể ủy quyền cho doanh nghiệp phân phối, đại lý, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để thực hiện việc triệu hồi. 

    Theo VCCI, triệu hồi ô tô là nghĩa vụ xử lý các lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của ô tô. Lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn của ô tô phát sinh trong quá trình thiết kế và sản xuất, lắp ráp ô tô, cho đến khi ô tô xuất xưởng. Những công đoạn này đều thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất, chứ không phải nhà phân phối. Do đó, trong mọi trường hợp, trách nhiệm triệu hồi luôn thuộc về nhà sản xuất. 

    "Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất có thể thỏa thuận với nhà phân phối để nhà phân phối thay mình đứng ra thực hiện nghĩa vụ triệu hồi sản phẩm đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là quan hệ đại diện trong dân sự, còn trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà sản xuất...", ông Đậu Tuấn Anh, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

    Đối với ô tô sản xuất trong nước, trong trường hợp nhà sản xuất không hoàn thành nghĩa vụ triệu hồi thì sẽ chịu những chế tài như thu hồi Giấy chứng nhận kiểu loại theo quy định.

    Đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, trong trường hợp nhà sản xuất nước ngoài không hoàn thành nghĩa vụ triệu hồi thì Việt Nam có quyền ra lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm tương tự từ nhà sản xuất đó.(PLO)
    ------------------------------------

    Trung Quốc tăng cường nhập khẩu quặng sắt trong tháng 5

    Trong tháng 5, lượng nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phục hồi từ mức thấp nhất trong vòng 6 tháng hồi tháng 4 do các nhà máy sản xuất thép hàng đầu nước này đang tăng cường thu gom nguyên liệu thô.

    Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết tháng trước, nước này nhập khẩu 91,52 triệu tấn quặng sắt, tăng từ mức 86,75 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng 4, Trung Quốc nhập khẩu 82,23 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016.

    Các chuyên gia phân tích cho biết tổng lượng quặng sắt vẫn đang giữ ở gần mức cao lịch sử do các nhà máy thép đang không ngừng tăng sản lượng trong bối cảnh biên lợi nhuận đang ở mức hợp lý.

    Chuyên gia phân tích Wang Di cho biết lợi nhuận thép cốt của các nhà máy thép trong tháng 5 giữ ở mức lý tưởng.

    Tháng trước, giá quặng sắt kỳ hạn ở Trung Quốc giảm 15%, mức giảm theo tháng mạnh nhất trong hơn 1 năm do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu thép ngành xây dựng tăng trưởng chậm chạp.

    Cùng với đó, trữ lượng quặng sắt nhập khẩu tại các cảng lớn ở Trung Quốc đang gần chạm mốc cao kỷ lục trong vòng 13 năm.

    Theo số liệu khảo sát của tổ chức Custeel, trữ lượng quặng sắt ở 42 cảng lớn của Trung Quốc đã chạm mức 139 triệu tấn vào hôm 19/5, lập kỷ lục mới trong năm nay. Tuy nhiên, đến hôm 26/5 trữ lượng quặng sắt giảm nhẹ xuống còn 138 triệu tấn. Lượng xuất kho mỗi ngày tại cảng trong tháng 5 đạt 2,686 triệu tấn, tăng 48.000 tấn. Điều này cho thấy nhu cầu quặng sắt ở các nhà máy thép đang tăng mạnh.

    Trong tháng 5, kim loại giảm sâu nhất trong tháng 5 là quặng sắt 62% Fe. Tính đến cuối Lễ hội Thuyền Rồng, chỉ số loại quặng này đã giảm tới 14,87% so với đầu tháng, đồng thời giá cũng giảm khoảng 62 RMB/tấn xuống còn 499 RMB/tấn. Cùng lúc đó, giá quặng sắt 58% Fe cũng giảm 13,73% so với đầu tháng và mức giá trung bình hàng tháng cũng giảm 49 RMB/tấn xuống còn 354 RMB/tấn.

    Nhu cầu quặng cục tăng cao do chiến dịch bảo vệ môi trường ở Trung Quốc đã thắt chặt đáng kể hoạt động khai thác khiến nguồn cung cũng giảm. Giá quặng cục vẫn giữ ở mức cao và ổn định. Khoảng cách giá trung bình giữa quặng sắt và quặng cục là 131 RMB/tấn hồi tháng 5 và tăng 86 RMB so với cùng kỳ tháng trước. Giá của quặng chất lượng trung bình và chất lượng thấp giảm nhẹ.

    Lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc thông thường sẽ giảm trong những tháng mùa hè, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh phía bắc.

    Nhập khẩu các sản phẩm thép hồi tháng 5 tăng 2,8% so với tháng 4 đạt 1,11 triệu tấn. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu 6,98 triệu tấn tăng 7,6%.(NDH)
    -----------------------------

    Mỹ có thể ban hành lệnh hạn chế nhập khẩu thép vào cuối tuần này

    Theo người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer, Tổng thống Donald Trump sẽ sớm công bố kết quả cuộc điều tra ảnh hưởng của thép nhập khẩu đối với an ninh quốc gia Mỹ.

    Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross sẽ cập nhật điều khoản 232 cuối tuần này. Ông Spicer cho biết sau khi kết quả cuộc điều tra được công bố, một số kiến nghị sẽ được trình lên Quốc hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá đối với thép, nhôm và các mặt hàng khác.

    Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tìm được bằng chứng thép nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia, tổng thống sẽ được đơn phương "điều chỉnh nhập khẩu" trong đó có thể bao gồm hạn chế lượng thép nhập khẩu.

    Tuần trước, tổng thống Trump tuyên ông sẽ sớm đưa ra các biện pháp ngăn chặn các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu thép giá rẻ sang Mỹ, "Tôi sẽ hành động vì ngành thép trong nước. Chúng ta sẽ ngăn chặn việc bán phá giá, ngăn chặn các quốc gia đang cố gắng hủy hoại công ty nội địa".

    Hồi tháng 4, sau khi ban hành điều khoản 232, ông Ross đã chỉ trích Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa giảm trữ lượng thép thừa vốn đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp thép trong nước. Tuy nhiên, phía Trung Quốc bác bỏ chỉ trích trên và cho rằng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là thép kém chất lượng và chỉ chiếm phần trăm nhỏ trong tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ.(NDH)
    ----------------------------

    Kiểm tra 3 mặt hàng nhập từ Trung Quốc

    Cục Hải quan TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc về việc tăng cường kiểm tra ba mặt hàng gồm vải, sợi và nhôm thanh định hình nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Theo đó, đề nghị các đơn vị tăng cường lấy mẫu gửi đi phân tích tại chi cục kiểm định hải quan để có cơ sở xác định đúng bản chất, thành phần, tính chất lý hóa của mặt hàng khai báo là “nhôm thanh định hình” nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng với đó kiểm tra mã số, trị giá, C/O đối với mặt hàng khai báo là sợi, vải nhập khẩu từ Trung Quốc để phát hiện các hành vi gian lận của doanh nghiệp.

    “Đề nghị các đơn vị tăng cường công tác thu thập thông tin, phân tích rủi ro, xác định trọng điểm để xác định các đối tượng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm trong khai báo các mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm mục đích trốn thuế” - công văn của Cục Hải quan TP.HCM nêu rõ.(PLO)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn