TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-12-2015

    Tăng trưởng tín dụng năm 2015 có thể đạt 18%

    tang truong tin dung nam 2015 co the dat 18%

    Tăng trưởng tín dụng năm 2015 có thể đạt 18%


    Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự báo năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 18%.

    Ông Long đánh giá tín dụng năm 2015 tăng trưởng tốt và tăng cao ngay từ đầu năm, dải đều trong các tháng chứ không tăng giật cục như các năm trước.

    “Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế tăng trưởng tốt và động lực tăng trưởng kinh tế lớn là tự nội lực trong nước, chi tiêu tiêu dùng tăng. Dự kiến năm 2015 tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 18%, đây là mức tăng trưởng tốt, đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng trưởng”, ông Long dự báo.

    Còn theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9/2015, dư nợ tín dụng đối với toàn nền kinh tế ở mức hơn 4,45 triệu tỷ đồng, tăng 12,12% so với cuối năm 2014.

    Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là hơn 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2014. Riêng dư nợ tín dụng cho xây dựng đạt 435.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,29% so với cuối năm 2014.

    Dư nợ tín dụng đối với các hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông ở mức gần 939.000 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cuối năm 2014. Riêng tín dụng đối với hoạt động dịch vụ khác đạt mức tăng trưởng 18,74% với dư nợ hơn 1,54 triệu tỷ đồng.

    Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tín dụng đạt 13,08% so với cuối năm 2014. Dù vậy, với hơn 443.000 tỷ đồng dư nợ, tín dụng một trong 5 nhóm ưu tiên vốn của nền kinh tế này chiếm chưa đầy 10% tổng dư nợ nền kinh tế.

    Cũng theo thống kêvcủa NHNN, tính đến tháng 10/2015, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của toàn hệ thống đạt 89,28%. Trong đó, NHTM Nhà nước (bao gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Xây dựng, Oceanbank, GPBank) đạt 97,95%; các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 79,29%; các ngân hàng Liên doanh, nước ngoài đạt 69,93%; công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt 396,51%.


    Nền kinh tế đang vay mượn hơn 4,45 triệu tỷ đồng

    Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 9/2015 dư nợ tín dụng đối với toàn nền kinh tế ở mức hơn 4,45 triệu tỷ đồng, tăng 12,12% so với cuối năm 2014.

    Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là hơn 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm trước (riêng dư nợ tín dụng cho xây dựng tăng trưởng 14,29% với dư nợ hơn 435 nghìn tỷ).

    Dư nợ tín dụng với các hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông ở mức xấp xỉ 939 nghìn tỷ đồng, tăng 7,16% so với cuối năm trước.

    Các hoạt động dịch vụ khác đạt mức tăng trưởng 18,74% với dư nợ hơn 1,54 triệu tỷ đồng.

    Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù là các lĩnh vực ưu tiên nhưng dư nợ không nhiều, chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng dư nợ của nền kinh tế với hơn 443 nghìn tỷ đồng. Dẫu vậy so với cuối năm 2014 tín dụng vào nhóm này vẫn tăng 13,08%.

    Chỉ tiêu năm 2015 tín dụng của toàn hệ thống tăng 13 – 15%, tuy nhiên với đà tăng đều đặn qua các tháng ngay từ đầu năm, lãnh đạo ngành ngân hàng và các chuyên gia đều tin tưởng sẽ đạt tăng trưởng 15 – 17%.


    Cộng đồng kinh tế ASEAN: “Nước đã đến chân”

    Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC chính thức hình thành (ngày 1/1/2016).

    Phát biểu tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC” được tổ chức sáng ngày 13/12, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành (ngày 1/1/2016).

    Theo ông Lộc, bản chất của AEC không có cơ cấu chặt chẽ, tương đối lỏng và không có sự tương thích nhiều.

    “AEC là tiến trình hội nhập chứ không phải là Hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc của Cộng đồng ASEAN. AEC là một tiến trình và thời điểm 1/1/2016 là khởi đầu để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Do vậy, để xây dựng được cộng đồng kinh tế như EU thì còn cần một thời gian dài nữa” – TS. Vũ Tiến Lộc nhận định.

    Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong số các FTA thì sự cắt giảm thuế quan trong Cộng đồng kinh tế ASEAN là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì sự cam kết trong AEC cũng cao nhất.

    Cơ hội cho doanh nghiệp khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường cho doanh nghiệp, tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp…Tuy nhiên AEC cũng mang lại nhiều thách thức như doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh hàng hóa khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn.

    Cũng tại diễn đàn, ông Lê Triệu Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, hội nhập đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Xu hướng này đang tăng mạnh cả về số lượng, phạm vi địa lý và mức độ tự do hóa; do các cường quốc dẫn dắt nên tiêu chuẩn thường rất cao.

    Theo ông Dũng, có 4 lý do chính để các nước tham gia hội nhập, đó là mục tiêu mở rộng thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu; tạo điều kiện đầu tư; tạo việc làm và thúc đẩy cải cách trong nước theo hướng hiệu quả.

    Ông Dũng cho biết, Cộng đồng kinh tế ASEAN được xây dựng trên cơ sở các cam kết hiện tại gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 2009; Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) 1995; Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) 2009; Các FTA ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...

    Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính gồm: Thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế đồng đều; Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở 4 trụ cột này, ASEAN đang xây dựng lộ trình cho 10 năm tiếp theo.

    Nhận định về hiệp định TPP đã kết thúc đàm phán và chuẩn bị đi đến ký kết, ông Dũng cho rằng, TPP yêu cầu các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền. Các DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin và nhà nước không trợ cấp quá mức cho các doanh nghiệp này.

    Hiệp định TPP cũng yêu cầu các nước phải ban hành văn bản pháp luật và áp dụng trên thực tế 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

    Liên quan tới Hiệp định FTA Việt Nam - EU, ông Dũng thông tin, FTA với EU được khởi động từ tháng 10/2012 (sau TPP 2 năm); kết thúc các nội dung kỹ thuật tháng 7/2015 và kết thúc đàm phán cấp Bộ trưởng đầu tháng 8/2015. Việt Nam là nước thứ 2 trong khu vực (sau Singapore) kết thúc đàm phán với EU.

    Về cơ hội khi tham gia các Hiệp định này, ông Dũng khẳng định, chúng ta có cơ hội tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta còn có cơ hội tăng công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo.

    Bên cạnh đó, tham gia FTA với EU còn giúp Việt Nam tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tham gia vào các chuỗi cung ứng mới.


    Mỹ đã đầu tư hơn 11 tỷ USD vào Việt Nam

    Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2015, Mỹ xếp thứ 14/57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 65 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 226 triệu USD.

    Lũy kế đến tháng 6/2015, Mỹ đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 748 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 11,08 tỷ USD.

    Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15,42 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án.

    Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, những con số này chưa phản ánh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam do có một số công ty Mỹ như Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông...

    Xét về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành kinh tế, trong đó vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản.

    Cụ thể, Mỹ đã có 16 dự án trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng vốn đầu tư là 4,67 tỷ USD (chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 322 dự án và hơn 2,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 44% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam).

    Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 14 dự án và xấp xỉ 2,1 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 1,8% tổng số dự án và 18% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam).

    Thống kê cũng cho thấy, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài với 578 dự án và 8,13 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 81% tổng số dự án và 74% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam).

    Hình thức liên doanh có 109 dự án với 2,5 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 15% tổng số dự án và 23% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Còn lại là hai hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

    Tính đến nay, các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại 42/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố và địa phương lớn nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng.

    Trong đó, thu hút nhiều vốn nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu với 18 dự án và 5,3 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 48% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam).

    Đứng thứ hai là Hải Phòng với 13 dự án và 1,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 11,2% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Tiếp đến là Bình Dương với 96 dự án và 779 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7,1% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam).

    Xét về số lượng dự án, thành phố Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Mỹ nhất nhưng đa phần là các dự án quy mô vốn nhỏ (298 dự án với 771 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 41,8% tổng số dự án và 6,5% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam).

    Quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ tại TP Hồ Chí Minh là 2,3 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ trên cả nước.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn