TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-05-2018

    Phát hiện doanh nghiệp nhà nước sai phạm gần 346.000 tỷ đồng

    Con số này là kết quả của 19 cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tập trung vào các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, giai đoạn 2011 – 2016.

    phat hien doanh nghiep nha nuoc sai pham gan 346.000 ty dong

    Phát hiện doanh nghiệp nhà nước sai phạm gần 346.000 tỷ đồng

    Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, sau 19 cuộc thanh tra tại các DNNN đã phát hiện sai phạm số tiền 345.869 tỷ đồng.

    Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 1.038 tỷ đồng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 344.831 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn kiến nghị xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét 16 vụ, 17 đối tượng, đồng thời kiến nghị hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách pháp luật nhằm khắc phục những khiếm khuyết, sơ hở trong công tác quản lý.

    Sai phạm của các DNNN, theo báo cáo, chủ yếu là do DNNN sai về thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định của nhà nước. Các doanh nghiệp này cũng mắc sai phạm về thẩm quyền, sai đối tượng cho phép, hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất, kinh doanh không đúng bản chất thực tế. Trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém cũng là một yếu tố dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật.

    Bên cạnh những yếu kém nội tại của DNNN, sự hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chủ quản cũng là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trong quản lý nhà nước tại các DNNN.

    Báo cáo cũng cho biết, từ năm 2013- 2016, Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đối với 12 kết luận thanh tra đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

    Kết quả xử lý sau thanh tra đã thu về ngân sách nhà nước 1.028/1.038 tỷ đồng (99%) và 31.812/31.812 USD (100%), xử lý khác về kinh tế 45.667/344.830 tỷ đồng (13%) và 27,3/48,3 triệu USD (56,5%). Theo đó, xử lý hành chính đối với 43 tổ chức, 145 cá nhân, đã khởi tố 7 vụ việc với 24 đối tượng, đồng thời các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành mới hoặc sửa đổi 36 văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách do Thanh tra chính phủ kiến nghị.(CafeF)
    -----------------------------

    Singapore trả lương, đãi ngộ công chức như thế nào để cạnh tranh với các tập đoàn lớn?

    Mức lương Bộ trưởng và công chức ở Singapore được đánh giá là thuộc top cao nhất thế giới.

    Vấn đề tiền lương cho công chức đã được Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt ra từ những năm 1985. Tại thời điểm đó, ông nhận thấy bộ máy công chức quản lý đất nước có GDP là 17 tỷ USD, tổng tiền lương chỉ là 2,5 triệu USD; còn một công ty vận tải biển dù chỉ làm ra 1 tỷ USD nhưng lương lãnh đạo cao cấp lại là 2 triệu USD.

    Th.S Nguyễn Thị Vân Anh, trong tham luận gửi Toạ đàm "Thiền lương tối thiểu và an sinh xã hội" đã chỉ ra rằng để thu hút người tài, Singapore đã tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

    Theo đó, Chính phủ đã căn cứ thu nhập của khối tư nhân để đề ra mức lương công chức được hưởng.

    Ngày 9/4/2007, Chính phủ Singapore đã công bố chế độ lương mới, hiệu lực từ 4/2007. Ngân sách nước này đã chi them 214 triệu đô Sing (SGD), nâng quỹ lương lên 4,7 tỷ SGD/năm.

    Mức lương chuẩn để tính lương cho các chức vụ từ Thư ký thường trực trở lên là 2,2 triệu SGD, ngang bằng với mức thu nhập trung bình cùng năng lực 8 ngành trong khu vực tư nhân.

    Lương của Thư ký thường trực và Bộ trưởng khởi điểm 1,2 triệu SGD lên 1,6 triệu tương đương 73% mốc lương chuẩn, đến cuối năm 2007 sẽ nâng lên bằng 77% và cuối năm 2008 sẽ là 88%.

    Lương của Thủ tướng tăng từ 2,5 triệu lên 3,1 triệu; của Bộ trưởng Cao cấp và Cố vấn Bộ trưởng từ 2,7 triệu lên 3,04 triệu SGD.

    Lương của cán bộ trung cấp trẻ và có triển vọng tăng từ 372 nghìn SGD lên 384 nghìn SGD gần ngang với thu nhập của người có độ tuổi từ 32 – 35 làm việc trong khu vực tư nhân.

    Trong tiền lương có phần trả cố định hàng tháng, cụ thể Thủ tướng 102 nghìn, Thư ký thường trực và Bộ trưởng là 52,4 nghìn SGD. Phần còn lại được trả theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và hiệu quả công việc hàng năm.

    Theo đó, hức lương Bộ trưởng và công chức ở Singapore vào loại cao nhất thế giới.

    Chính phủ nước này lập luận rằng, chế độ đãi ngộ góp phần quyết định vào những thành công của Singapore trong những thập kỷ qua và hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, cạnh tranh chất xám từ khu vực tư nhân và từ các nước khác ngày càng quyết liệt.

    Bên cạnh chế độ lương cao, Chính phủ Singapore còn có những đãi ngộ khác, để cạnh tranh nhân sự với khu vực tư nhân.

    PGS.TS. Vũ Minh Khương giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, hai yếu tố bên cạnh lương thu hút người tài tại Singapore là cơ hội thăng tiến, học hỏi và chính sách an sinh, cụ thể là BHXH.

    Lương có thể không cao bằng tư nhân nếu như đất nước còn khó khăn nhưng phải giúp công chức đủ sống, theo ông Khương. Tuy nhiên điều quan trọng là những nhân sự này phải được đảm bảo có môi trường làm việc thuận lợi, công bằng, được tín nhiệm giao việc, có cơ hội vươn lên.

    Yếu tố cuối cùng là bảo hiểm. Nguyên nhân người lao động mong muốn khi họ gặp những biến cố sẽ không bị rơi vào cảnh cùng cực. Do đó, người lao động sẽ ưu tiên những nơi làm việc có chính sách tốt về an sinh nhằm an tâm về tương lai.

    Công thức trên được ông Khương cho rằng Việt Nam có thể học tập được với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo về việc cải tiến quy trình tuyển dụng công chức. Quy trình này đang được ông đánh giá là "chậm tiến bộ hơn Campuchia" vì vẫn đang dựa vào việc lấy phiếu tín nhiệm.

    "Quy trình tuyển dụng cần có cải tiến, giám sát theo và có những hỗ trợ giúp người tài hành động tốt. Thông qua đó sẽ tạo ra được hệ sinh thái cho người tài", PGS. TS. Vũ Minh Khương cho hay.

    Đề án cải cách tiền lương đang được Chính phủ Việt Nam xem xét. Một trong những phương án được trình lên thì mức lương công chức có thể đạt đến 33,4 triệu đồng/tháng ở mức chuyên gia cao cấp bậc 3, cao gấp 3 lần hiện nay. Đề án cải cách tiền lương được kỳ vọng sẽ đảm bảo được mức sống cho công chức nhà nước, đồng thời tạo động lực nâng cao năng suất lao động, thu hút người tài. (CafeF)
    -------------------------------

    FPT xin phép thử nghiệm vận hành ôtô công nghệ tự lái

    Trước mắt, ôtô tự lái sẽ được vận hành thử nghiệm tại một số khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm trên cả nước...

    Ngày 11/5, Công ty phần mềm FPT (FPT Softwave) đã nộp đơn lên Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng để xin phép được vận hành thử nghiệm ôtô tự lái tại một số khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm trên cả nước.

    Theo FPT, công nghệ xe tự lái được FPT bắt đầu nghiên cứu từ năm 2016 và đến 31/10/2017, FPT đã công bố chiếc xe hơi thử nghiệm công nghệ tự lái đầu tiên ở Việt Nam. Hiện FPT đã và đang có xe điện chạy ở Đà Nẵng (có thể chạy vòng quanh F-Complex, FPT Software Đà Nẵng) và xe ô tô tự lái chạy quanh khu FPT Software HCM.

    Các xe tự lái này có tốc độ di chuyển 20-25 km/giờ và đạt tốc độ 40 km/giờ ở trên đường thẳng, tự căn làn, rẽ theo vạch đường, tránh vật cản hoặc thắng gấp khi cần; đã có trên 1.000 giờ tự lái, không gây ra sự cố gì trong điều kiện thời tiết khác nhau như nắng, mưa, ánh sáng yếu.

    Theo FPT, thời gian tới FPT sẽ nghiên cứu và phát triển các tính năng như hoàn thiện bộ điều khiển phanh và ga; tích hợp Modun GPS (sai số nhỏ hơn 5 ms); tích hợp hệ thống dẫn đường; tích hợp điều khiển trả lời bằng giọng nói; nâng cấp bộ xử lý trung tâm, và đặc biệt là sẽ tăng cường ngữ cảnh và các tình huống mới.

    Đại diện FPT Software cho biết, với các chức năng hiện có, xe ô tô tự lái của FPT đang ở cấp độ 2 (trong 5 cấp độ theo công bố của Bộ Giao thông Mỹ) về xe tự lái. Ở cấp độ này, xe được tích hợp các chức năng tự lái như tự đánh lái và tăng giảm tốc độ, nhưng người lái xe vẫn phải tham gia vào nhiệm vụ lái xe và theo dõi môi trường giao thông mọi lúc.

    Mục tiêu của FPT là 2 - 3 năm tới sẽ đạt cấp độ 3: cần có người lái xe trên xe, nhưng không bắt buộc phải theo dõi giám sát. Ở cấp độ 5, xe có khả năng thực hiện tất cả các chức năng lái xe trong mọi điều kiện. Người lái xe có thể tùy chọn để điều khiển xe.

    "Ngày 11/5, FPT gửi công văn tới Bộ Giao thông vận tải xin giấy phép thử nghiệm bên ngoài khuôn viên của FPT. Ban đầu sẽ thử nghiệm trong các khu Công nghệ cao quận 9 (Tp.HCM), FPT City Đà Nẵng và FPT Hòa Lạc, sau khi đạt tiến độ tốt hơn sẽ thử nghiệm ra ngoài đường", đại diện FPT Software, cho biết.

    Theo ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT, FPT là doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư nghiên cứu và phát triển ô tô tự hành tại Việt Nam. Theo ông, FPT đã đầu tư phát triển mạnh mẽ công nghệ tự vận hành và đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp "hàng đầu thế giới" về công nghệ phần mềm cho ô tô.

    Hiện tại FPT đang triển khai một số dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và automotive nói chung cho khoảng 40 khách hàng lớn trên toàn cầu. FPT đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ đạt doanh số 200 triệu đô la Mỹ cho mảng ô tô, bao gồm cả phần mềm, thiết kế, phân tích và thiết kế vi mạch.

    Tập đoàn công nghệ này đồng thời cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 10% các phần mềm ô tô tự hành trên thế giới sẽ do FPT phát triển.(Vneconomy)
    --------------------

    Xerox dừng vụ sáp nhập với Fujifilm trước sức ép của cổ đông

    Hãng sản xuất máy in và máy photocopy Xerox của Mỹ ngày 13/5 thông báo dừng vụ sáp nhập với hãng sản xuất thiết bị nhiếp ảnh Fujifilm của Nhật Bản và chỉ định Giám đốc điều hành (CEO) mới sau khi đạt được một thỏa thuận với các nhà cổ đông chủ động (những người hành động vì lợi ích của các cổ đông) phản đối vụ sáp nhập trên.

    Động thái trên diễn ra sau khi vụ kiện của các cổ đông lớn của Xerox là Carl Icahn và Darwin Deason, sở hữu tổng cộng hơn 15% cổ phần của Xerox và phản đối mạnh mẽ vụ sáp nhập trên, được thông báo hồi tháng Một năm nay.

    Theo các chuyên gia, đây được coi là một chiến thắng của các cổ đông chủ động của Xerox.

    Ngoài ra, Xerox còn cho hay CEO Jeff Jacobson và năm thành viên của ban lãnh đạo hãng đã tuyên bố từ chức.

    Theo Xerox, ông Keith Cozza, hiện là CEO của Icahn Enterprises, sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Xerox, trong khi tân CEO của hãng sẽ là ông John Visentin.

    Theo Xerox, ban lãnh đạo của hãng sẽ lập tức nhóm họp để “đánh giá tất cả giải pháp thay thế chiến lược để tối đa hóa giá trị cho cổ đông.”

    Trong vài tuần qua, ban lãnh đạo Xerox đã nhắc lại yêu cầu Fujifilm lập tức tham gia các cuộc đàm phán về các điều khoản được điểu chỉnh của thương vụ sáp nhập dự kiến trên.

    Tuy vậy, Xerox cho rằng Fujifilm không cho thể sự đảm bảo rằng sẽ thực hiện điều này trong một thời gian biểu có thể chấp nhận.

    Theo các điều khoản của vụ sáp nhập dự kiến trên, Fujifilm sẽ nắm giữ 50,1% cổ phần của Fuji Xerox trong khi các cổ đông hiện tại sẽ nhận được khoản cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt 2,5 tỷ USD.(Vietnam+)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn