TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-06-2017

    Việt Nam sẽ nhập khẩu than từ Indonesia?

    Indonesia hiện là một trong những thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam. Khi nhu cầu nhập khẩu than ngày càng lớn thì Indonesia được nhận định là thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam.

    nam 2017, evn du kien phai nhap khau 4,7 trieu tan than. anh minh hoa. nguon: internet

    Năm 2017, EVN dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

    Trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than, trị giá  577,218 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 58,3% về trị giá.

    Indonesia là một trong những thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam với số lượng 2 triệu tấn, trị giá 139,27 triệu USD. Như vậy, lượng than nhập khẩu từ Indonesia chiếm hơn 1/3 tổng lượng than nhập khẩu.

    Tại hội thảo “Ngành than giữa Việt Nam-Indonesia: Đảm bảo sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng” do Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam và Indonesia hợp tác trong lĩnh vực than, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một lượng than đá lớn trong thời gian tới.

    Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2017, EVN dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than và con số này sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2020, 19 triệu tấn vào năm 2025.

    Năm 2016, EVN bắt đầu có nhu cầu nhập khẩu than và nhà máy đầu tiên sử dụng than nhập khẩu là Nhiệt điện Duyên Hải 3. Hiện, Chính phủ đang giao cho EVN xây dựng và quản lý nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu là Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Duyên Hải 3, 4 mở rộng.

    “Việc đảm bảo than ổn định cho nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 là vấn đề được chúng tôi quan tâm. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình vừa nghiên cứ và áp dụng thực tế để thời gian tới có phương thức, cách thức đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định cho phát điện”, ông Hải cho biết.

    Ngoài EVN, còn có các nhà máy nhiệt điện của nước ngoài, nhà máy của các tập đoàn khác như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải nhập khẩu than.

    Một vị đại diện của Vinacomin cho biết, đến năm 2020, nhu cầu than cho sản xuất trong nước là hơn 75 triệu tấn than. Tuy nhiên, than trong nước chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu, còn lại sẽ phải nhập khẩu.

    Hơn thế, sản xuất than là việc khó khăn và không thể tăng sản lượng nhanh nên theo thời gian lượng than nhập khẩu tăng dần, đến năm 2030 dự kiến phải nhập 120 triệu tấn than.

    “Số lượng than nhập khẩu ngày càng gia tăng sẽ là cơ hội cung cấp than của Indonesia cho Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam là thị trường hứa hẹn cho việc xuất khẩu than của Indonesia”, vị này nhận định.

    Về phía Indonesia, ông Ibnu Hadi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho biết, năm 2016, sản lượng than của Indonesia là 23 triệu tấn, trong đó 60% sản lượng này là cung cấp thị trường trong nước còn lại là xuất khẩu sang các nước. Nhưng năm 2017, Indonesia chủ yếu sẽ xuất khẩu than và dự định nâng cao sản lượng tăng 25-30 triệu tấn vào năm 2018.

    Được biết, có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam và Indonesia đã tham gia buổi hội thảo để kết nối, tìm kiếm cơ hội nhập khẩu cũng như xuất khẩu than. Hiện có 39 doanh nghiệp của Indonesia đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Công ty Vietmindo đầu tư vào khai thác mỏ tại Quảng Ninh - Việt Nam. (Baohaiquan)
    ---------------------------------

    Jack Ma: Alibaba sẽ lớn hơn kinh tế Anh, Pháp trong 20 năm

    Tỉ phú kiêm nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, ông Jack Ma, vừa cho hay công ty của mình sẽ có giá hơn cả nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2036.

    ong jack ma anh: reuters

    Ông Jack Ma ẢNH: REUTERS

    Theo Russia Today, Alibaba hiện đã lớn hơn nền kinh tế của một số nước, trong đó có Thụy Điển, Ba Lan, Iran, Na Uy và Áo.

    Tờ South China Morning Post trích lời ông Ma nói với các nhà đầu tư tại trụ sở của Alibaba ở Hàng Châu (Trung Quốc): “Nếu một công ty có thể phục vụ 2 tỉ người tiêu dùng, nó phục vụ 1/3 tổng dân số thế giới. Nếu một công ty có thể tạo ra 100 triệu việc làm, nó có lẽ làm tốt hơn đa phần các chính phủ. Nếu một công ty có thể hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp kinh doanh có lãi trên nền tảng của họ, nó gọi là một nền kinh tế”.

    Hãng Alibaba muốn có 1.000 tỉ USD tổng khối lượng hàng hóa giao thương trong năm 2020 để trở thành nền kinh tế lớn thứ 16 hoặc 17 thế giới, lớn hơn kích thước kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út. Theo ông Ma, đến năm 2036, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Công ty sẽ tạo ra 100 triệu việc làm việc thời điểm đó.

    Alibaba có khoảng 450 triệu người mua tích cực hằng năm trên các nền tảng thương mại điện tử của hãng trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31.3 vừa qua. Công ty là sự hợp nhất của nhiều doanh nghiệp internet, cho phép người dùng mua, bán từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

    Hãng phát triển nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử tiêu dùng, thanh toán trực tuyến, nền tảng thương mại doanh nghiệp với doanh nghiệp, điện toán đám mây và đã bắt đầu phát triển ứng dụng di động, hệ điều hành di động và truyền hình internet. (Thanhnien)
    -------------------------

    Gia tăng số thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD

    Theo các chỉ số thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kết thúc 5 tháng đầu năm 2017, đã có 23 thị trường xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD. Qua đây, có thể nhận diện “câu lạc bộ” các thị trường này ở một số góc độ đáng chú ý.

    Trên góc độ số lượng thị trường, với con số 23 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, “câu lạc bộ” các thị trường này đã tăng thêm 8 thị trường so với cùng kỳ năm trước, gồm: Canađa, Ấn Độ, Austria, Singapore, Campuchia, Đài Loan, Mexico, Philippines.

    ..

    Trên góc độ quy mô, kim ngạch xuất khẩu của các thành viên “câu lạc bộ” trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 68,75 tỷ USD, tăng 11,11 tỷ USD so với cùng kỳ. Các thành viên này đã đóng góp 86% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao hơn tỷ trọng 85,3% của cùng kỳ. Trong đó có một số thị trường đã đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, như Hoa Kỳ chiếm 20%, Trung Quốc chiếm 13,3%, Nhật Bản chiếm 8,2%, Hàn Quốc chiếm 6,9%. Chỉ với 4 thị trường này đã đóng góp 48,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

    Trên góc độ tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, các thành viên “câu lạc bộ” đã có tốc tộ tăng 19,3%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng 18,4% của cả nước. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 12,44 tỷ USD, thì mức tăng của “câu lạc bộ” đã chiếm 89,3% tổng số, trong đó, tăng cao nhất là Trung Quốc đạt 3.140 triệu USD, Hoa Kỳ 1.463 triệu USD, Hàn Quốc 1.262 triệu USD, Nhật Bản 1.061 triệu USD, Malaysia 632 triệu USD...

    23 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Anh, Thái Lan, Malaysia, Italia, Ấn Độ, Australia, Pháp, Indonesia, Singapore, Austria, Philippines, Campuchia, Canada, Mexico, Đài Loan.

    10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD: hạt điều; cà phê; gỗ; thủy sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; giày dép; rau quả; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; điện thoại các loại và linh kiện.
    Nguồn: Tổng cục Hải quan

    Trên góc độ chuyển dịch thị trường, về thứ bậc tăng có Ấn Độ (từ thứ 17 lên thứ 13), Hà Lan (từ thứ 8 lên thứ 6), Hong Kong (từ thứ 6 lên thứ 5), Malaysia (từ thứ 13 lên thứ 11), Australia (từ thứ 15 lên thứ 14), Singapore (từ thứ 19 lên thứ 17)... Tuy nhiên, một số thị trường bị xuống bậc (như Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất từ thứ 7 xuống thứ 8, Canađa từ thứ 16 xuống thứ 21, Đức từ thứ 5 xuống thứ 7, Indonesia từ thứ 14 xuống thứ 16, Italia từ thứ 11 xuống thứ 12, Pháp từ thứ 12 xuống thứ 15).

    Trên góc độ xuất/nhập siêu, có thể kể đến các thành viên của “câu lạc bộ” này xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) là Hoa Kỳ đạt 12,07 tỷ USD, Hà Lan đạt 2,4 tỷ USD, Hồng Kông đạt 2,19 tỷ USD, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đạt 1,82 tỷ USD, Anh đạt 1,67 tỷ USD... Theo đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là một số thị trường chủ yếu thuộc châu Âu. Điều này đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá... Tuy nhiên, mức xuất siêu ở một số thị trường đang có xu hướng giảm dần, chủ yếu do Hoa Kỳ có xu hướng trở lại bảo hộ mậu dịch và một số FTA đã được ký kết...

    Các thị trường là thành viên của “câu lạc bộ” mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất (trên 1 tỷ USD) có thể có kể đến: Hàn Quốc 12,96 tỷ USD; Trung Quốc 11,5 tỷ USD, Đài Loan 3,1 tỷ USD, Thái Lan 2,1 tỷ USD, Singapore 1,1 tỷ USD... Theo đó, Trung Quốc (nếu cả tiểu ngạch) vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất, còn nếu tính riêng chính ngạch thì Hàn Quốc đã vượt lên trở thành thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất và tăng cao.(Baodautu)
    --------------------------

    Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố suy thoái kinh tế Nga kết thúc

    Theo Russia Today, khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga đã chấm dứt chưa, ông Putin nói rằng các số liệu cho thấy nước này đã vượt qua khủng hoảng. “Chúng ta đã tiến đến giai đoạn tăng trưởng. Chúng ta chứng kiến kinh tế tăng trưởng trong ba quý liên tiếp”, ông Putin nói.

    Theo Tổng thống Nga, sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu phi năng lượng đang tăng. Ông nói thêm rằng vốn đầu tư cố định đang tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế nói chung.

    “Nền kinh tế tăng trưởng 0,7% trong bốn tháng (từ tháng 1 đến tháng 4.2017), trong khi đầu tư vào vốn cố định tăng 2,3%... điều này có nghĩa là các yếu tố cơ bản đang có sẵn để nền kinh tế tăng trưởng trong tương lai”, ông Putin cho hay. Tổng thống cũng nhắc đến mức tăng trong dự trữ ngoại hối Nga: “Chúng ta bắt đầu năm ngoái với 368 tỉ USD và kết thúc năm với 378 tỉ USD. Năm nay, dự trữ ngoại hối đạt 405 tỉ USD”.

    Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maksim Oreshkin cho biết kinh tế sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay và GDP trở lại mức tăng bền vững. Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ đi lên trong giai đoạn năm 2017 - 2018, đạt 1,4% mỗi năm.(Thanhnien)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn